Quảng Hương, chiều
mưa tháng bảy
GNO - Dừng xe tại ngã tư đèn xanh đèn đỏ trên đường Âu Cơ, dưới tiết
trời tháng 7 - cái nắng
giữa trưa của Sài Gòn thật oi bức. Đập vào mắt tôi là 3 đứa bé tuổi tầm 8 đến
10 tuổi đang nằm ngủ gần cột đèn giao thông. Đứa lấy mũ, đứa lấy tấm carton che
mặt, đứa thì chẳng có gì để che cả, gối lên nhau nằm ngủ say sưa, mặc kệ sự ồn
náo của tiếng xe cộ, tiếng người qua lại.
…Bíp, bíp, bíp… tiếng bóp còi xe liên hồi, tiếng người phía sau nhắc
nhẹ: “Đèn xanh rồi sư thầy ơi!” - phá tan hết phút đăm chiêu suy nghĩ trong tôi. Dường như
chẳng ai quan tâm đến 3 đứa bé đang nằm ngủ say giấc trên lề đường. Mọi người
cứ thế vội vã lướt qua nhau…
Suốt cả đoạn đường đến trường, hình ảnh 3 đứa bé chẳng thể rời
khỏi tâm trí tôi. Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện trong đầu: Nhà nó đâu? Ba mẹ nó
đâu? Không biết trưa nay chúng nó ăn gì? Ai nuôi nó? Có đi học không?...

Ảnh chỉ mang tính minh họa
Tan học lúc 4g15. Trời chiều Sài Gòn tháng 7 đổ mưa lớn. Tôi
thấy lo cho mấy đứa bé quá. Về đến chùa mà lòng cứ đau đáu mãi hình ảnh 3 đứa bé nằm ở góc
ngã tư. Nhìn hoàn cảnh của chúng, tôi chợt nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhớ lúc tôi còn
nhỏ cũng cực khổ vậy. Nhớ lúc ở quê, tuy cực khổ nhưng lúc nào cũng có ba, có
mẹ bên cạnh. Bản thân mình là một người xuất gia đôi khi nhớ nhà nhớ ba nhớ mẹ,
còn có thể chạy ù về nhà để được yêu thương, được quan tâm, chăm sóc. So với số
phận của mấy đứa bé - tuổi đáng được ăn, học, vui chơi, thấy mình còn hạnh phúc
và may mắn hơn nhiều. Ai làm cha làm mẹ nhìn vào mà không thương không xót?
Điều mà chúng cần lúc này, chắc đơn giản lắm. Cần một gia đình, có
ba có mẹ yêu thương chăm sóc thôi. Bởi vậy, ba mẹ và gia đình quan trọng biết
bao. Có một nơi để về, một người để yêu thương và được yêu thương là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ
có thế cũng đủ. Dù cuộc sống có khắc nghiệt khó khăn đến đâu, dù lòng người có
đáng sợ bao nhiêu, hay dù chúng ta lớn bao nhiêu thì cũng rất cần điểm tựa của
gia đình. Để cho phép mình một lần được “yếu đuối”, để được yêu thương chia sẻ những ngọt bùi. Gia đình chính là Bến bờ nhân gian. Ba mẹ chính là Phật ở trên đời. Là nơi mà
những đứa bé đó rất cần. Nhưng mấy ai biết và trân trọng được những điều thiêng
liêng đó.
Điểm tựa lớn nhất cuộc đời chính
là gia
đình. Là nơi giúp ta vượt qua những khó khăn vượt qua thử thách của cuộc đời dễ
dàng hơn. Là nơi mà khi ta thất bại, đau khổ ta được tiếp thêm niềm tin để tiếp
tục sống. Nơi đó có ba có mẹ - những người chẳng bao giờ bỏ rơi ta sau bao lầm
lỗi và dù cho ta là ai đi nữa. Nơi mà ta có thể ngồi bên mẹ khóc thật to, kể
hết mọi điều mà không sợ than phiền. Nơi có ba luôn động viên: “Mạnh mẽ lên
con! Sai thì làm lại”.
Đôi lúc, cuộc sống hiện đại quá,
cũng là lý do mà giữa con người với gia đình trở nên xa lạ. Cuốn vào sự vội vã
của thời gian, của công việc, bạn bè, mối quan hệ, vui chơi giải trí làm quên
đi giá trị gia đình, quên đi cả ba cả mẹ. Nếu có trăm ngàn lý do để bạn quên đi
gia đình mình thì chỉ cần bạn nhớ đến một lý do để nhớ gia đình. Đó là nơi đó,
chỉ có một ba một mẹ của mình, sống một đời với mình mà thôi. Và nếu như mất đi
rồi thì đó là sự mất mát mãi mãi.
Ngày ta về, ngỡ tưởng với sự thành đạt hiện có ta sẽ đền đáp đi
một lần nào công ơn muôn thuở của ba mẹ, sẽ có thể vui vầy đoàn tụ với gia đình
sau những năm bôn ba xa cách. Nhưng ta đâu biết được ba mẹ ta có còn mạnh khỏe,
hay người đã nằm yên trong cát bụi cuộc đời?
Cuộc sống vốn dĩ không bình yên
mãi, vì lòng người có thể thay đổi. Đến lúc vấp ngã thất bại, cần một ai đó để
bên cạnh mà không có thì thật là bất hạnh biết bao. Tình cảm của ba của mẹ vun
đắp gia đình, cho con cái không như những thứ tình cảm khác. Tình bạn bè, tình anh
em, tình vợ chồng đôi khi vì chữ tín, vì chữ duyên phận mà thay đổi nhanh chóng. Nhưng
tình cảm ba mẹ thì không vì bất cứ thứ gì mà có thể thay đổi.
Bạn có thể là
một người không có nhiều bạn bè, thậm chí chưa có tình yêu đích thực, nhưng nhớ
rằng bạn không bao giờ cô đơn, vì lúc nào bạn cũng đầy ắp tình cảm của ba của
mẹ. Khi bạn còn bé, ba mẹ quan tâm từng chuyện nhỏ nhưng khi bạn trưởng thành, ba
mẹ không còn quan tâm nhiều vào những quyết định, chọn lựa của bạn, nhưng không
có nghĩa tình yêu thương, sự quan tâm dành cho bạn không còn nữa. Thế cho nên
người ta mới nói rằng, trong ánh mắt dõi theo con cái, thì ánh mắt buồn đầu
tiền khi con vấp ngã là của ba của mẹ. Cũng vậy, ánh mắt vui mừng hạnh phúc đầu
tiên khi con thành công cũng là của ba của mẹ.
Nếu như, bạn là
người không may mắn, mất đi ba, hoặc mẹ, hoặc mất đi cả hai. Như những đứa bé
kia, không biết ba mẹ chúng đang ở đâu? Có còn lo lắng cho sự tồn tại của
chúng? Chắc bạn sẽ cảm thấy lạc lõng lắm. Thì hãy sống thật tốt, giúp ích cho
đời thật nhiều như
tấm lòng hối lỗi ăn năn, như một sự mất mát lớn lao vì lâu nay mình không biết
trân trọng tình cảm thiêng liêng khi cha mẹ đang còn. Nhớ đến tinh thần của người con Phật, nhớ đến công ơn của ba mẹ, hãy
làm tất cả những điều tốt đẹp cho đời. Đó là điều mà ba mẹ bạn khi còn sống
mong muốn nhìn thấy khi con mình trưởng thành.
Những cái quá
đỗi gần gũi, bình dị đôi khi lại là những cái mà ta nhanh quên nhất, ít để tâm
đến nhất. Gia đình cũng vậy. Ba mẹ cũng vậy. Là những giá trị thiêng liêng mà
chúng ta thường chỉ nhớ về khi vấp ngã. Đừng để những khó khăn, mệt mỏi của
cuộc đời làm bạn quên đi điều quý giá đó. Hãy chia sẻ những thành công, hạnh
phúc trong cuộc đời bạn với ba mẹ với gia đình. Và nếu khi bạn cảm thấy bế tắc,
bất lực bởi công việc, bởi danh lợi, bởi tình cảm… thì hãy về bên ba bên mẹ.
Nơi đó chẳng có chút mùi vị nào của sự hơn thua, của toan tính… nơi đó chỉ có
hương vị của tình thương bao la vô điều kiện dành cho bạn mà thôi. Đó là bến bờ
nhân gian cho bạn. Dù bạn là ai đi nữa…
Thích Quán Minh
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Hộp thư “Bến bờ nhân gian”
Từ 23-7 đến 7-8, tòa soạn đã
nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường,
Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4
bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu,
Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị
Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng,
Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như
Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh
Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện,
Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm, Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng
Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân…
Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn
đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên
hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan
hỷ chờ đợi.
Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại
một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu
chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc
thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật
mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để
cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện
lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.
* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi
qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.
* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký
nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình
* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi
hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem
đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả
mạng xã hội.
Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài
viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.
Ban Tổ chức |