GNO - Thưa thầy, một ngày dài nữa lại sắp trôi qua, bầu trời hôm
nay vắng lặng, đầy sao như là mong ước của thầy dành cho chúng con. Con lại
thương thầy thức trắng đêm không ngủ vì lo cho chúng con. Con nhớ những giọt mồ
hôi thấm ướt áo thầy giữa những trưa hè tháng 6 nắng đổ lửa, nhớ về những đêm
khuya dù bận trăm công nghìn việc thầy vẫn đi kiểm tra xem chúng con ăn ở như
thế nào, có thiếu thốn gì không?
Thầy lo chúng con là những cô ấm, cậu ấm rời xa cha mẹ trong
khi đã quen với cuộc sống phồn hoa nơi thành thị, lo cho sức khỏe chúng con
trong những ngày mà thời tiết nóng như thiêu như đốt. Con biết thầy không bao
giờ nói ra những điều đó đâu, hình như không chỉ con mà cả núi rừng Bái Đính
trong những đêm ấy đều cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến mà thầy thao thức
về thế hệ trẻ của đất nước - làm sao cho các con biết sống yêu thương, sống
trách nhiệm. Hình ảnh ấy, tâm nguyện ấy và những lời dạy của thầy luôn đậm sâu
trong tâm khảm của con.

TT.Thích Minh Quang - UV HĐTS, Phó Văn phòng TƯGH
- người được khóa sinh khóa tu mùa hè "Về nguồn" kính mến - Ảnh: L.Đ.K
Còn nhớ khi diễn ra khóa tu mùa hè lần thứ I tại chùa Tam
Chúc - Hà Nam, thầy và bác Nguyễn Văn Trường, ban tổ chức không lúc nào không
khỏi lo lắng cho chúng con. Tổ chức một khóa tu là điều không hề đơn giản khi cùng
một lúc phải lo cho hơn 2.000 khóa sinh và các tình nguyện viên trong điều kiện
cơ sở vật chất còn hạn chế. Có thể nói, chỉ có tình yêu thương bao la rộng lớn
mới có thể làm được những việc như vậy.
Ngày kết thúc khóa I cũng là khi được nghe thầy kể: Trời rất
nóng, thầy muốn chúng con được ở lại hội trường để có điều hòa cho đỡ nóng.
Con chỉ giả vờ ngủ, cả đêm hôm đó lúc nào con tỉnh dậy cũng
thấy các thầy và BTC không ai ngủ, mà chỉ lặng lẽ chăm lo cho sự an toàn của
chúng con. Bác Nguyễn Văn Trường - giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường
đã điều động tất cả các bảo vệ đang làm việc tại chùa Tam Chúc ra bảo vệ xung
quanh hồ.
Nghe thầy kể mà khóe mắt con đã cay cay từ lúc nào: - Đêm
nay không bảo vệ nào được ngủ. Ai ngủ mai đuổi việc!
Câu nói ấy thực sự đã nói lên phần nào tình cảm mà thầy, bác
Trường đã dành cho chúng con. Ban tổ chức và thầy đã rất rất áp lực nhưng chưa một
lời kể.
Đi tu học, được thầy giảng cho những điều hay lẽ phải, con
thấy mình trưởng thành lắm. Con đã thấy được cuộc sống muốn có giá trị thì cần
phải có sự cống hiến, đóng góp. Và sự đóng góp lớn nhất không phải ở của cải vật
chất mà là đem những lời hay ý đẹp từ Đức Phật, các bậc hiền nhân để giúp người
khác sống tốt. Đem những điều mình tiếp nhận được để giúp đỡ những người xung
quanh mình - để họ cũng đi trên con đường chân chính.
Dù chưa đủ tuổi nhưng qua các khóa trước con tham gia, được
gặp gỡ, giao lưu với các anh chị tình nguyện viên con như thấy mình trong đó.
Con chẳng biết làm thế nào để thực hiện được mong muốn này, rồi cố gắng dũng cảm
xin với ban tổ chức. Và điều kỳ diệu đã đến, con chính thức đã trở thành một
tình nguyện viên, được mang một phần đóng góp của mình cho sự thành công của
khóa tu.
Khi gặp mặt để ban tổ chức sắp xếp công việc. Con vẫn rất hy
vọng mình có thể được khoác lên màu áo xanh tình nguyện để được gần các bạn
khóa sinh, được truyền cảm hứng những điều mình tiếp nhận được cho các bạn.
Nhưng hy vọng ấy vụt tắt khi con được phân vào ban hậu cần.
Trưa hôm ấy con buồn lắm, con cứ nghĩ nếu con kiên trì, cố gắng
thì ban tổ chức sẽ hiểu lòng con và phân cho con vào đúng ước mơ của con. Dù
con biết công việc nào cũng là cao quý. Và lời động viên từ thầy đã an ủi con
phần nào:
- Công việc nào cũng là cao quý, là góp phần làm nên thành
công của khóa tu kể cả từ an ninh, vệ sinh... Con hãy nhìn đằng sau áo con đang
mặc có dòng chữ ‘Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật’.
Nghe những lời ấy con thấy hạnh phúc biết bao, con thấy mình
bớt đi thất bại rồi thầy ạ.
Như thường lệ, sáng nào chúng con cũng dậy lúc 4 giờ sáng để
chuẩn bị bữa sáng cho các bạn khóa sinh. Nhìn các bạn được ăn ngon con thấy
mình được an ủi phần nào. Dù không được gần các bạn trực tiếp nhưng hình như
con vẫn gần các bạn qua mỗi khẩu phần ăn. Con đang suy nghĩ bỗng chốc nghe tiếng
ai giống thầy. Nhìn thấy thầy xuống động viên chúng con, con mừng lắm. Con cứ
tưởng rằng thầy bận trăm công nghìn việc mà lại có thể dậy sớm lên tận đây động
viên chúng con. Hình như thầy cũng khóc nhưng không muốn chúng con biết thôi.
Đó là giọt nước mắt của hạnh phúc khi thầy được chứng kiến chúng con là khóa
sinh của 2 năm trước nay đã biết sẵn lòng với tinh thần phụng sự tha nhân con
thấy đâu đây là lời thầy năm nào:
“Mỗi người mỗi
nước mỗi non
Về đến cửa
Phật là con một nhà”
Sau một tuần ấy con thấy mình trưởng thành hơn lắm. Suy nghĩ
cũng chín chắn hơn. Nhưng con vẫn chỉ ước mình lớn thêm chút nữa để được gần thầy,
gần các bạn khóa sinh, được cùng ăn cùng ở cùng lắng nghe những điều các bạn ấy
nói như năm xưa con được các anh chị huynh trưởng chăm sóc. Con ước thời gian
trôi thật nhanh để năm sau con được đọc cùng các bạn khóa sinh đọc bài thơ vui
về thầy:
Thầy Minh Quang đẹp nhất
trần
Tuy người hơi mỏng
nhưng mà handsome
Thần thái phong cách ung dung
Tiếng thầy diễn cảm
như rừng hoa tươi
Chợt lặng, xung quanh con hình như đã muộn rồi, hình như đã kết
thúc khóa 7 tại chùa Bái Đính:
- Các con đã nhớ nhà chưa?
- Còn các thầy rất nhớ các con!
Hết một mùa hè ý nghĩa thật rồi. Khi trở về với cuộc
sống con sẽ thật ngoan và phải học thật giỏi để thành công vì đó là đóa hoa sen
thơm ngát để dành tặng thầy…
Đào Khánh Linh
(Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ,
TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa
Bình)
Hộp thư “Bến bờ nhân gian”
Từ 23-7 đến 9-8, tòa soạn đã
nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường,
Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4
bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu,
Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị
Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng,
Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như
Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh
Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện,
Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm, Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng
Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên
Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh…
Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn
đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên
hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan
hỷ chờ đợi.
Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại
một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu
chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc
thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật
mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để
cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện
lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.
* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi
qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.
* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký
nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình
* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi
hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem
đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả
mạng xã hội.
Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài
viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.
Ban Tổ chức |