Báo chí thay đổi từng giờ để tự cứu mình

Kinh tế đang dần thoát khủng hoảng nhưng báo chí muốn sống được phải tìm ra phương thức hoạt động mới, GS Thomas Patterson nói trong buổi tọa đàm với TOP 500 DN hàng đầu Việt Nam.

Nhân dịp Diễn đàn VNR500 (nhóm 500 DN lớn nhất Việt Nam) vừa ra mắt, đại diện các DN này và báo VietNamNet đã có cuộc tọa đàm với GS Thomas Patterson, chuyên gia hàng đầu về truyền thông Mỹ, về truyền thông sau khủng hoảng.

Đây được xem như sự khởi đầu cho tham vọng tạo dựng và phát triển Diễn đàn như một mạng xã hội kết nối và chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh hữu ích cho DN của VietNamNet, với việc chia sẻ về truyền thông và mối quan hệ truyền thông với DN.

Báo lớn cũng điêu đứng

Truyền thông Mỹ đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử với hàng chục tờ báo phải đóng cửa, giảm lượng phát hành, cắt giảm nhân viên...

Ngay các hãng truyền thông lớn nhất của Mỹ cũng đang phải vật lộn với khó khăn. Trong suốt 20 năm, lượng độc giả báo in mỗi năm giảm 1%, thế nhưng, gần đây, con số này đã ở mức 2-3%. Tốc độ giảm ngày càng tăng. Năm 2008, lượng độc giả báo in giảm 11% so với năm trước.

Kéo theo đó, doanh thu quảng cáo cũng sụt giảm chỉ còn một nửa, từ 60 tỷ USD năm 2007 xuống còn 30 tỷ USD.

Ngay cả tờ báo được xem là tốt nhất của Mỹ là tờ New York Times cũng đang thua lỗ. Doanh thu của New York Times giảm 50% so với trước. Chỉ trong năm nay, hơn 10 tờ báo in đã buộc phải đóng cửa. Khoảng 100 tờ báo in đã phải giảm lượng phát hành. Có nơi, từ tờ báo ra hàng ngày, họ buộc phải chuyển sang phát hành 3 ngày một số.

Đứng trước tình thế khó khăn này, các báo cắt giảm phóng viên. Đến nay, lượng phóng viên đã giảm 1/3 so với năm 2000.

Báo Los Angeles Time bây giờ chỉ còn khoảng 600 phóng viên, trong khi trước đây là hơn 1.100 người. Tờ San Francisco đã cắt giảm nhân lực từ 500 người xuống còn 200.

Số phận của các hãng, các kênh truyền hình cũng tương tự. Số lượng người xem chỉ còn băng 50% so với trước và doanh số quảng cáo chỉ còn 1/3 so với thời hoàng kim. Số lượng phóng viên cũng chỉ còn 50%.

Một phần sự sụt giảm này được bù đắp bằng loại hình báo điện tử thế nhưng con số tăng thêm không thể bù đắp được lượng mất đi.

Đau đáu chuyện "cơm áo gạo tiền"

Các hãng tin đã áp dụng hàng trăm phương kế để thoát khỏi khủng hoảng, trong đó, về cơ bản có thể chia làm hai dạng: tiết kiệm chi phí và tạo thêm doanh thu.

Để tồn tại, các hãng tin hợp tác với nhau nhiều hơn, đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ của bên thứ ba, sử dụng cộng tác viên bên ngoài hãng tin, từ dân thường, tới các chuyên gia và các trường ĐH đào tạo về truyền thông. Đồng thời, họ cũng nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, bán thông tin và tăng doanh số quảng cáo...

Và tất cả các giải pháp này không nhằm để cứu giúp các nhà báo hay các hãng tin, mà nhằm cứu nền báo chí có chất lượng của Mỹ, GS Thomas Patterson cho hay.

Ở Mỹ, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các hãng truyền thông đang gặp khó do khủng hoảng, Chính phủ Mỹ cũng chung tay hỗ trợ.

Tuy nhiên, "Chính phủ Mỹ không hỗ trợ về nội dung cho tờ báo, mà chỉ ở khâu phân phối báo. Các hãng tin khi gửi báo chỉ phải trả phí bưu điện thấp hơn nhiều so với gửi các sản phẩm mang tính thương mại khác".

Khác với nước Mỹ, GS Thomas Patterson cho rằng, cũng giống như ở Ấn Độ, truyền thông Việt Nam lại ở xu hướng tích cực hơn. Khủng hoảng ít tác động đến các khu vực này hơn và thị trường báo chí cũng chưa đủ lớn để bị tác động bởi khủng hoảng.

"Sự nâng cao trình độ học vấn của người dân và sự cải thiện trong thu nhập giúp người dân có tiền mua báo hay lên mạng và sẵn lòng chi trả hơn cho báo chí", GS. Thomas Patterson nói.

Để tạo thêm doanh thu, trước đây, các hãng tin đa dạng hóa bằng cách mua thêm các hãng tin khác, như hãng báo in sẽ mua thêm hãng hoặc kênh truyền hình... Tờ Boston Globe xây dựng cả chương trình game online. New York Times đầu tư cả chục triệu USD để phát triển chương trình cho phép xem video trên thiết bị cầm tay. Thế nhưng, đến nay, các hãng tin đều lỗ.

Bán nội dung tin cũng được áp dụng, tuy nhiên, thành công của chiến lược này cũng rất hạn chế, khi người Mỹ đã quen với việc tin tức là miễn phí và rất miễn cưỡng khi phải mua tin.

Hiện nay, nhiều báo của Mỹ đang cố gắng tập hợp với nhau, kí một thỏa ước chung không cung cấp thông tin miễn phí. Họ hi vọng với số lượng báo tham gia đủ lớn, các báo có thể kiếm thêm nguồn cung từ việc bán tin. Tuy nhiên, nhiều nhà báo, và các chuyên gia phân tích đều cho rằng phương án này không khả thi.

Trong lúc khó khăn, các hãng tin đều nỗ lực tăng doanh số quảng cáo. Hiện nay, đối tượng hưởng lợi chính là Google và Yahoo khi họ không cần tạo tin, chỉ gom lại trong khi doanh số quảng cáo lại rơi vào tay họ.

"Giữ mình" bằng thông tin khách quan

Dù khó khăn trong kinh tế nhưng các báo muốn tồn tại vẫn phải giữ mình khách quan. Việc sử dụng thông tin xấu về doanh nghiệp để đe dọa trục lợi là sự vô đạo đức của nhà báo, và các nhà báo không thể quá gần DN lẫn Chính phủ nếu muốn thực sự đưa tin khách quan.

"Các tờ báo và nhà báo không nên và không được phép quá gần Chính phủ", ông Thomas Patterson nhấn mạnh. "Điều này đảm bảo sự độc lập, khách quan của thông tin mà mỗi tờ báo đưa ra".

"Ở Mỹ, nhà báo thậm chí có thể mất việc vì có quan hệ chặt chẽ với Chính phủ". Trên thực tế, tờ The New York Times và Boston Globe đều đã từng phải sa thải nhân viên vì lí do này.

Tương tự như vậy, chuyên gia truyền thông hàng đầu của Mỹ cũng lưu ý về mối quan hệ giữa DN và tờ báo, phóng viên.

Một đại diện DN tại buổi tọa đàm thẳng thắn nêu câu hỏi, liệu có hay không chuyện ở Mỹ, một tờ báo dùng những thông tin về DN để gây bất lợi, đe dọa và nhằm thu quảng cáo hay lợi ích khá và cần xử lý tình huống như thế nào? Ông này nhấn mạnh, đó là mối quan tâm của rất nhiều DN Việt Nam trong quan hệ với cơ quan truyền thông.

GS Thomas Patterson thừa nhận, ở Mỹ cũng có trường hợp như vậy. Nhưng dưới góc độ truyền thông, thì đó là một việc làm vô đạo đức. Nhà báo và hãng tin không được phép sử dụng các thông tin để trục lợi.

"Khi đưa thông tin sai, gây phương hại đến cá nhân hoặc DN, hãng tin phải đính chính và phải bồi thường", ông Thomas Patterson cho hay.

Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp đại diện DN Việt Nam này nêu, ở Mỹ, cũng có khi DN là đối tác quảng cáo quan trọng của tờ báo, và vì thế, gây sức ép để không cho đăng những thông tin bất lợi cho mình.

Thế nhưng, điều này chỉ xảy ra với những tờ báo nhỏ, trong một cộng đồng nhỏ, nơi một DN có thể đóng vai trò chi phối tài chính với hãng tin, còn với những tờ báo lớn, ở tầm quốc gia thì hầu như không có chuyện đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày