Có một số người ăn nhậu bao nhiêu cũng không tiếc tiền, nhưng không bao giờ biết chung tay góp sức vì cộng đồng hoặc tham gia các chương trình từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Tối mùng 2, nhóm thân hữu chúng tôi cùng hẹn gặp tại nhà người bạn thân từ hồi đại học để chúc tết. Nhà bạn ở quận Bình Tân, TPHCM, cửa ngõ về miền Tây. Nhà chúng tôi thì ở phía quận Bình Thạnh, cửa ngõ đi các tỉnh miền Đông, ra Trung, xuôi Bắc.
Bạn cho biết, tết Nhâm Thìn là lần đầu tiên sau 15 năm bước vào đời mưu sinh có sự giao thiệp xã hội rộng rãi, đã tự thỏa hiệp với bản thân là không nhậu quá chén trong ba ngày tết. Thú vui của bạn trong những ngày xuân là nằm võng đọc sách, chiêm nghiệm chuyện đời và tìm cho mình một triết lý sống. Tuổi của bạn năm nay chỉ 39, con gái đầu lòng học lớp 2, còn vợ thì đang mang bầu bé trai thứ hai.
Vì bạn là chân đi, cho nên công việc quanh năm suốt tháng lúc nào cũng tất tả ngược xuôi Nam-Trung-Bắc, thậm chí là những nơi biên địa, hải đảo. Một năm có 12 tháng thì hết sáu tháng bạn vắng mặt ở Sài Gòn. Thói quen của bạn mỗi khi đi công tác, vào ban đêm ngồi nhâm nhi một mình ở một địa phương nào đó đều nhắn tin “tám” với chúng tôi. Có nhiều cơ sở để nghĩ đến bạn là mẫu người “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao” bởi vì những cuộc vui huyên náo từ lâu đã không còn cuốn hút bạn nữa.
Những ngày tháng chạp cuối năm Tân Mão, lúc ở Nha Trang, bạn nhắn tin là vừa tiếp xúc với một trung tâm nuôi dưỡng trẻ em bất hạnh, khuyết tật, mồ côi đang cần những nhà hảo tâm bảo trợ 200.000 đồng/cháu/tháng. Bạn nhắn tin qua điện thoại di động đến khắp nơi và bước đầu cũng đã tìm được năm bảy anh em cùng trang lứa hồi âm, tán thành việc làm thiện nguyện theo tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Năm bảy thân hữu đầu tiên đã hứa mỗi người nhận bảo trợ hai cháu. Tiền ủng hộ nuôi dưỡng các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh thương tâm, mỗi người sẽ tự chuyển khoản ra Nha Trang vào ngày đã chọn trong tháng. Trở lại Sài Gòn những ngày cận tết Nhâm Thìn, trong buổi tất niên thân mật bạn không quên gửi các thân hữu mỗi người hai bộ sơ yếu lý lịch của các trẻ bất hạnh để đọc hiểu và thương chúng nhiều hơn.
Bạn lại kể tiếp, có một số thân hữu khác, dù đời sống rất khá giả, ăn nhậu bao nhiêu cũng không tiếc tiền, thế nhưng chẳng tỏ vẻ hào hứng khi nhận được tin nhắn kêu gọi bảo trợ trẻ em bất hạnh hoặc những chương trình từ thiện khác mà trước đó đã từng đề cập đến.
Một doanh nhân từng tâm sự với người viết rằng, muốn làm việc từ thiện thì cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ rồi dần dần nâng lên thành việc lớn. “Hồi thập niên 1990, dù gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì nhưng đã phát tâm ủng hộ mười cơ sở từ thiện mỗi nơi 10 ki lô gam gạo/tháng. Việc ấy cứ âm thầm diễn ra suốt gần 20 năm qua, giờ đã nâng lên thành 100 ki lô gạo/tháng/cơ sở từ thiện. Hiện nay mỗi năm gia đình tôi trích ra khoảng 1 tỉ đồng để chia sẻ với đồng bào nghèo, người bệnh tật một cách âm thầm”, vị doanh nhân cho biết.
Giám đốc một doanh nghiệp “Hàng Việt Nam chất lượng cao” bật mí với người viết rằng, mỗi năm số tiền của cá nhân ông dành cho chương trình mổ tim từ thiện là trên 10 tỉ đồng. Nguyên tắc của vị giám đốc này đưa ra cho các tổ chức từ thiện là tuyệt đối không được cung cấp thông tin của ông cho các cơ quan truyền thông, cũng như người bệnh, nếu ai để lộ danh tính thì ông ta sẽ ngưng ngay việc đang làm!
Vị giám đốc này kể tiếp: “Những năm ngoài 20 tuổi, lúc sinh sống ở miền Tây, tôi từng gặp một bô lão khuyên rằng làm việc thiện thì không nên chần chừ. Nếu mình mang tâm niệm đợi khi nào giàu có mới làm việc từ thiện, giúp đỡ người khác thì sẽ không bao giờ làm được vì “của đau con xót”. Bạc ngàn, bạc trăm chưa bao giờ cho người khác thì làm gì có việc sẵn lòng bỏ ra hàng chục triệu, hàng trăm triệu đồng cho cộng đồng xã hội. Khi mình khởi tâm làm việc thiện thì trời đất sẽ chứng giám, chứ đừng nghĩ rằng số tiền ấy sẽ vào tay những kẻ trục lợi, ăn chặng ăn bớt, để rồi không bao giờ làm một việc gì tốt cho đời cả. Nhận được lời khuyên ấy, tôi bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhất, cho dù số tiền ấy chẳng đáng là bao như việc bố thí một hai ngàn đồng rồi từ từ mới làm được những việc lớn với tâm thái rất bình thường, nhẹ nhàng”.
Chúng tôi cùng ăn bữa cơm tối mồng 2 với nhau, nhâm nhi một chút bia, tiết trời Sài Gòn về đêm mát lạnh. Một anh bạn khác lại góp chuyện, trước tết Nhâm Thìn đã làm một chuyến viếng thăm các cơ sở nuôi dưỡng các cụ già không nơi nương tựa ở TPHCM.
Tại trung tâm nọ, anh gặp một cụ bà hễ ai cho tiền cũng bỏ vào túi xốp để dành không dám tiêu lấy một đồng. Gặng hỏi mãi để dành tiền làm gì, anh mới được cụ bà tiết lộ ao ước cuối cùng trong đời sẽ dùng tất cả số tiền ấy mua chiếc áo quan thật đẹp có chạm hình rồng, có hoa lá chim muông. “Bà cụ nói, ở trung tâm dưỡng lão hễ ai qua đời cũng đều được tặng chiếc áo quan được làm bằng gỗ tạp phủ một lớp sơn nhìn rất xấu, chính vì thế mà bà muốn có một vẻ đẹp cuối đời cho mình, dù có thể bà chẳng ngắm được nó một cách chi tiết và trọn vẹn”, anh bạn kể.
Nghĩ đến những điều tốt, việc làm thiện trong năm mới, âu cũng là triết lý sống mà ai đó đã chợt nhận ra trong mùa xuân này. Chúng tôi từng ao ước rằng, đối với những người không bao giờ tiếc tiền cho những cuộc nhậu bí tỉ sẽ khởi niệm rằng: “Kể từ nay, mỗi lần nhậu, mình sẽ trích ra 100.000 đồng để giúp trẻ em bất hạnh hoặc người già không nơi nương tựa, những bệnh nhân nghèo”. Mong lắm thay!