Còn lại gì sau Lễ Vu lan?

Trong lúc hàng trăm ngôi  chùa trên khắp cả nước  tổ chức Lễ Vu lan với  chương trình hoành tráng: văn nghệ, pháp đàm, dâng y, cúng dường chư Tăng v.v... để nhắc nhở mọi người nhớ về đạo hiếu thì tại một ngôi chùa quê xa cách chốn phồn hoa đô thị lại tổ chức lễ báo hiếu cho Phật tử vừa đơn giản nhẹ nhàng, vừa tạo được cơ hội cho con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ hiện tiền và thất thế phụ mẫu.

Chùa Tam Thiện, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ báo hiếu, chúc thọ cho gần 100 gia đình Phật tử, trong đó có khoảng 80 cụ ông, cụ bà cùng trên 150 con, cháu, chắt, chít của các cụ với chương trình lễ đơn giản, nhẹ nhàng. Phật tử lên chánh điện lễ Phật, tụng bài sám Vu lan, và cầu nguyện cho các cụ sống vui, sống khỏe trong tuổi xế chiều. 

sauvulan_1.JPG

Á hậu Trương Thị May cài hoa hồng cho các cụ  

Đặc biệt, lễ cài hoa hồng và lễ chúc thọ - báo hiếu đã diễn ra trang nghiêm và đầy cảm xúc. Giọt nước mắt rơi rơi trên gương mặt những người trẻ như sự vinh danh công ơn to lớn của các bậc sinh thành đã ra công dưỡng dục mảnh hình hài này. Lần đầu tiên, gần hơn nửa đời người, tôi mới được tận mắt chứng kiến hình ảnh hàng đàn con cháu quỳ lạy sống ông bà, cha mẹ và dâng cúng phẩm vật mà không phải chờ đến khi các vị nhắm mắt xuôi tay, mới quỳ lạy trước cái xác không hồn. Hành động hiếu thảo tuyệt đẹp ấy chứng minh truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc vẫn tuôn chảy sự sống trong huyết quản người dân Việt. 

Vâng, chỉ đến khi thực mục sở thị buổi lễ báo hiếu chúc thọ tại chùa Tam Thiện, tôi mới “ngộ” ra cái tâm trăn trở tìm kiếm một mô hình tổ chức Lễ Vu lan tại các chùa làm sao thật đơn giản, thiết thực, lợi ích lâu dài, có tính giáo dục đạo hiếu cho thế hệ trẻ. Mối ưu tư làm thế nào để hiếu đạo được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ trẻ, như đang thách thức các mô hình tổ chức Lễ Vu lan ngày nay tại hàng ngàn các ngôi chùa lớn nhỏ trong cũng như ngoài nước.

sauvulan_2.JPG

Bữa cơm gia đình tại cửa Phật

Nếu tổ chức Lễ Vu lan tại các chùa chỉ với hình thức: cầu siêu cho người quá cố, cầu an cho người sống, cài hoa hồng, pháp đàm, văn nghệ, dâng y, dâng tứ sự cúng dường Tăng Ni với thành phần tham dự là những vị cao tuổi chiếm đa số, thì “còn gì sau lễ?”, đó là con cháu của các vị ấy tiếp tục đầu tắt mặt tối, làm quần quật từ sáng đến tối, dành dụm tiền tài, đợi sang năm biếu cho ông bà, cha mẹ chút ít để các cụ lại lụ khụ lên chùa góp lễ để nhà chùa có phương tiện tổ chức Vu lan “năm nào cũng như năm nào”, mà một bộ phận không nhỏ trong quảng đại quần chúng Phật tử thường xem đó như là phương cách thể hiện trọn vẹn đạo hiếu đối với đấng sinh thành dưỡng dục của họ.

Câu hỏi đâu là lợi ích thiết thực của việc giáo dục đạo hiếu cho thế hệ trẻ ngày nay trong tương lai mà các ngôi chùa đã và đang thực hiện trong Lễ Vu lan khi phần đông những người tham dự là các cụ ông, cụ bà?

sauvulan_3.JPG

Con cháu quì lạy dâng quà lên ông bà, cha mẹ

Sau lễ báo hiếu chúc thọ ông bà, cha mẹ còn sống tại chùa Tam Thiện, cô Diệu Hoa, một thành viên trong gia đình có cụ ông 94 tuổi, cụ bà 82 tuổi, và đầy đủ con cháu, chắt chít, đến từ quận 10, Sài Gòn, tâm sự với tôi rằng: “Ngày rằm tháng Bảy, con cháu chúng tôi muốn chở ông bà  đi dự lễ Vu lan báo hiếu tại các chùa gần nhà, nhưng  các cụ chỉ muốn đi dự lễ Vu lan ở ngôi chùa này. Các cụ nói từ khi tham dự lễ báo hiếu, chúc thọ lần đầu tiên cách đây 4 năm, các cụ cảm thấy ấm áp, có ý nghĩa, và vui như ngày Tết vì con cháu có cơ hội thực hành lòng hiếu đạo ngay lúc ông bà, cha mẹ còn sống”.

Trên đường về, tôi thầm nhớ lại hình ảnh hàng đàn con cháu, chắt, chít trước Tam bảo trang nghiêm quỳ lạy sống và dâng tặng phẩm vật lên ông bà, cha mẹ họ, nhớ nét mặt rạng rỡ, hớn hở của các cụ trong lúc thọ trai với đàn cháu con tại cửa chùa. Nên chăng, ngoài mô hình tổ chức trong mỗi dịp Lễ Vu lan vẫn thường thấy trong các chùa chiền từ trước đến nay, cần có thêm một mô hình tổ chức lễ báo hiếu chúc thọ ông bà, cha mẹ còn sống để giáo dục trực tiếp cách thể hiện đạo hiếu cho thế hệ trẻ, và để hình ảnh quỳ lạy ông bà, cha mẹ lúc còn sống ấy mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người ngay từ thời ấu thơ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.

Thông tin hàng ngày