Đắng lòng với trào lưu “Nói là làm”

GN - Mới sáng đầu tuần rồi, trên mạng xã hội lại nhốn nháo vì một cô học sinh lớp 8 tại Khánh Hòa châm lửa đốt trường. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra, người bảo bị tâm thần, người nói có mâu thuẫn gì với trường… Nhưng ai cũng ngỡ ngàng khi nguyên nhân bắt nguồn từ việc cô nữ sinh này tham gia trào lưu “Nói là làm” đang được nhiều người ưa chuộng trên Facebook hiện nay.

Được biết, trước đó cô bé này đăng lên trang Facebook cá nhân một dòng trạng thái có nội dung đại khái là nếu status này đạt 1.000 lượt like (yêu thích) thì cô sẽ đốt trường. Vậy là người ta kháo nhau like cái status ấy, đến khi đạt mốc như đã nói thì cô bé phải “giữ lời hứa” và tiến hành đốt trường. Rất may là sự việc chưa có gì nghiêm trọng ngoài việc cô bé ấy bị phỏng hai chân và cháy xém một góc phòng y tế của trường.
Anh PGTT.jpg
Có rất nhiều niềm vui sống đẹp như việc rèn luyện đạo đức, lối sống nơi cửa thiền mà bạn trẻ
nên tìm tới để trải nghiệm thay vì cứ dồn thời gian “hòa mình” vào thế giới ảo - Ảnh: T.V.T.L

Trường hợp khác - một chàng thanh niên cũng với trò tương tự đăng một dòng trạng thái lên trang cá nhân như sau: “Đủ 40 ngàn like tôi đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”. Sau khi lượt like cán mốc như yêu cầu thì chàng trai này đã phải cắn răng tự đốt mình rồi nhảy xuống cầu Tân Hóa trong sự bàng hoàng của nhiều người chứng kiến.

Trào lưu “Nói là làm” chỉ mới xuất hiện vài tháng gần đây trong cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Ai cũng có thể tham gia bằng một cách rất đơn giản là viết một dòng trạng thái lên trang cá nhân của mình kèm theo số yêu cầu lượt yêu thích hoặc lượt bình luận bên dưới dòng trạng thái đó. Để đạt được số lượt yêu thích, bình luận như mong muốn thì chỉ cần thêm một lời hứa thực hiện một việc gì đó, càng mới lạ, càng mạo hiểm thì càng đạt lượt like nhanh.

Trước đây, khi trào lưu này mới rộ lên, chỉ những lời hứa thực hiện các việc đơn giản xuất hiện, nhưng dần dần, để nhanh chóng có được lượng like lớn, nhiều bạn trẻ đã chấp nhận cởi đồ, tung ảnh nóng, nhảy cầu, tự châm lửa đốt mình... và bây giờ là đốt trường như cô bé ấy làm.

Người viết bài cứ mãi băn khoăn tại sao cô bé ấy lại làm như thế? Làm vậy sẽ được điều gì ngoài mấy nút like ảo trên mạng xã hội? Chắc chắn rằng không phải chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều người khác có cùng chung thắc mắc như vậy. Trong số đó có các bậc phụ huynh đang ngày đêm lo lắng cho con mình đang quên đi giá trị thật mà bất chấp lao vào lối sống ảo trên mạng xã hội.

Giới trẻ thì cho rằng trào lưu “Nói là làm” nhằm khẳng định bản lĩnh như một vị anh hùng, “một lời nói ra như đinh đóng cột”, “tứ mã nan truy” nhưng các bạn không nghĩ rằng những điều đó là vô bổ, chẳng mang lại lợi ích gì mà còn gây hại cho chính bản thân và xã hội. Thực ra, những lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội chỉ có giá trị trên màn hình máy tính, điện thoại (ảo), ngoài đời thực nó không có chút giá trị nào. Chẳng ai biết rõ về ai trên mạng xã hội, nên khi bạn làm vậy thì trong mắt mọi người đó chỉ là một hành động dại dột, một kẻ chỉ biết đến sống ảo.

Người thân, ba mẹ chúng ta sẽ như thế nào khi thấy con em mình làm vậy? Không một ai có thể vui, có thể tự hào khi con mình cởi đồ rồi quay clip tung lên mạng, hoặc tự châm lửa đốt mình hay đi đốt nhà ai đó vì số lượt like.

Nguyên nhân vì đâu? Thiết nghĩ, các bạn đang rất cô đơn ngoài cuộc sống. Đồng thời các bạn chưa được chia sẻ kỹ năng khẳng định bản thân đúng cách. Nhiều người thường xuyên cập nhật trạng thái trong một ngày lên mạng xã hội. Ngủ dậy cũng đăng, ăn sáng cũng viết vài dòng trạng thái, đến chuyện vệ sinh cá nhân cũng được lôi lên bàn tán trên mạng xã hội và còn nhiều chuyện linh tinh khác nữa.

Hẳn là các bạn trẻ cô đơn tới mức chẳng biết nói chuyện cùng ai ngoài làm bạn với bàn phím và màn hình máy tính, điện thoại? Có thể ba mẹ các bạn ấy đi làm cả ngày không có thời gian gần gũi, có thể bạn bè ai cũng “sống” trên mạng xã hội nên mình không theo thì thành ra lạc hậu?

Mà thực tế là, có muốn tìm một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ ngày nay cũng khó, bởi đâu đâu cũng thấy trò chơi gắn với thiết bị điện tử hiện đại, dù không muốn cũng đành chấp nhận.

Dĩ nhiên không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh vì một phần của sự dại dột này là ở chính các bạn trẻ. Nếu bản thân không sống ảo, không cần mấy lượt yêu thích thì đã không xảy ra chuyện gì. Nếu lúc viết một dòng trạng thái trên mạng xã hội mà dành vài giây suy nghĩ tới hậu quả mà nó mang lại thì cũng không phải cay đắng mà thực hiện lời hứa. Nếu ta không chuộng hư danh thì cũng không phải khốn khổ tìm cách để được nhiều người tung hô mình. Nổi tiếng đâu chưa thấy mà chỉ thấy tai tiếng và bao nhiêu họa đổ vào thân, vào gia đình, nhất là những người thương yêu mình.

Trào lưu rồi sẽ qua nhanh, sau này cũng chẳng ai nhớ người tham gia là ai. Nhưng đừng vì một trò chơi mà dại dột hủy hoại bản thân, đừng vì chứng tỏ bản lĩnh sai lầm mà hủy hoại lối sống thiện lành, biết yêu thương, chia sẻ. Nếu câu “Nói là làm!” trong các công việc chính nghĩa và có ích được thực thi và cổ vũ trong xã hội thì hay biết bao. Các bậc phụ huynh rất mong các bạn - con cái họ nói những câu như: “Được 100 like tôi sẽ nói con yêu ba mẹ rất nhiều” hay đại loại như thế. Làm được vậy, chắc chắn xã hội sẽ bớt đi gánh nặng, ba mẹ chúng ta sẽ rất vui và bạn sẽ thấy cuộc đời này rất đẹp, mạng sống và cơ thể mà ba mẹ cho mình là đáng trân quý.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh không chỉ chăm lo đời sống vật chất cho con em mình mà bên cạnh đó còn phải chú ý quan tâm đến mặt tinh thần của các bạn trẻ. Tránh cho các bạn trẻ tiếp xúc với mạng xã hội hiện đại khi chưa đủ bản lĩnh để đối phó với những mặt trái của nó. Cộng đồng mạng xã hội hãy bớt vô cảm, thôi tiếp sức cho những trào lưu vô bổ bằng những nút like ẩn mình.

Cư dân mạng lên án

Những ngày qua, nhất là sau vụ một thanh niên tự tẩm xăng đốt và nhảy cầu, rồi tới nữ sinh đốt trường vì “nói là làm”, cư dân mạng đã bày tỏ: đó là hành vi thể hiện việc người trẻ thiếu kỹ năng sống. Bạn Tran Huy chia sẻ: “Trong khi giới trẻ Hồng Kông biết lo đến an nguy của đất nước, biết quan tâm thời cuộc của nơi mình sống thì các bạn trẻ VN lại làm những chuyện không đâu, hại mình, hại cả gia đình”.

Một bạn trẻ có nick name Cường Thịnh thì chia sẻ: “Nói là làm kiểu gây hại cho người khác ấy là một sự lạm dụng, đi ngược lại lối sống đẹp mà người trẻ hướng tới, cần trau dồi. Giá như các bạn biết nói tốt và làm hay thì ai mà không quý”.

Nhiều người khác thì cho rằng, người trẻ đang thiếu niềm tin vào cuộc sống, được chăm sóc quá kỹ, được trang bị quá đầy đủ thiết bị hiện đại để vào thế giới rộng lớn là mạng xã hội với đủ loại trào lưu, tin tức “thượng vàng hạ cám”, trong đó có rất nhiều thông tin, lối sống “ảo”, độc hại. Nên chăng, nhà trường bớt dạy kiến thức, tăng cường dạy kỹ năng, khuyến khích giới trẻ biết chia sẻ, sống có đạo đức và tình người hơn là chạy theo công nghệ?

Một số người khác thì cho rằng, áp lực cuộc sống (việc học, việc làm, vấn nạn thất nghiệp...) cùng sự thiếu quan tâm của gia đình (ngoài bận việc thì trong khoảng thời gian rảnh, người lớn người nhỏ đều ôm smartphone, iPad... để lướt web, để thỏa mãn thú vui riêng trên mạng) nên giới trẻ khủng hoảng tâm lý, sống “nhàn cư” thành ra làm những điều bất thiện.

Còn bạn đọc nghĩ sao về trào lưu “nói là làm” như câu chuyện cuộc sống Giác Ngộ đề cập trên số báo hôm nay? Xin mời tiếp tục chia sẻ, gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.

B.T.V

Tấn Khang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày