Đêm văn hóa nghệ thuật “Đạo hiếu và Dân tộc”

GNO - Tối qua, 11-8-2016 (9-7-Bính Thân), chương trình giao lưu nghệ thuật Vu lan “Đạo hiếu và Dân tộc” đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên các kênh VTC2, kênh An Viên và kênh Mobile TV.

hnoi 1.jpg


Một tiết mục nghệ thuật tại đêm văn hóa nghệ thuật tôn vinh về đạo hiếu

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN HT.Thích Thiện Pháp và HT.Thích Thanh Nhiễu; HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS và chư tôn đức Tăng Ni quang lâm tham dự.

Về phía chính quyền có ông Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư; ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT & TT; ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Nguyễn Lam, Phó ban Dân vận T.Ư; ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN và đại diện các Bộ, ban ngành T.Ư và TP.Hà Nội. 

   
hn 2.jpg


HT.Thích Gia Quang phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, HT.Thích Gia Quang, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông, Trưởng BTC chương trình Vu lan “Đạo hiếu và Dân tộc” bày tỏ, mùa Vu lan - Báo hiếu lại về, thức tỉnh lòng người quay về với tổ tiên. Tinh thần tri ân, báo ân đã có từ thời khai sinh lập quốc, đạo hiếu là một trong tứ trọng ân quan trọng nhất trong tâm hồn của người dân đất Việt. Đạo hiếu là bài học đầu tiên của “đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội; đối với người con Phật, Đức Phật đã dạy các hàng đệ tử phải luôn ghi nhớ và báo đáp bốn ơn là ơn cha mẹ, ơn thầy bạn, ơn Tổ quốc, và ơn chúng sinh.

Chương trình Vu lan “Đạo hiếu & Dân tộc” là hoạt động xã hội cộng đồng mang tính nhân văn sâu sắc, với mục đích truyền bức thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức cao đẹp của dân tộc, đặc biệt là đạo Hiếu trong xã hội ngày nay - Hòa thượng Trưởng BTC cho biết.

Năm nay, có thêm chương trình trao giải cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm về đạo hiếu” nhằm tôn vinh những tấm gương hiếu thảo trong cuộc thi, đề cao và xiển dương tinh thần hiếu đạo, để nó trở thành sức mạnh của dân tộc. Đồng thời, thông qua chương trình còn nhằm quảng bá, giới thiệu để cho tinh hoa, phẩm chất truyền thống đó được tiếp sức, được lan toả và nhân lên bội phần trong đời sống mới.

hn 3.jpg


Ông Bùi Thanh Hà phát biểu

Ông Bùi Thanh Hà phát biểu, nhận định, lễ Vu lan đã trở thành một nghi lễ quan trọng, gắn với đạo hiếu, với lòng bi mẫn và tinh thần nhân ái bao la. Vu lan là dịp xây dựng nhân cách con người trong mối liên thông với gia đình.

Ông Hà cũng bảy tỏ sự tin tưởng rằng GHPGVN tiếp tục đảm trách, điều hành công tác Phật sự bằng cách dung hòa và kết hợp một cách nhuần nhuyễn, khéo léo giữa tôn giáo và tín ngưỡng sẽ góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc đã diễn ra trong không gian thành kính và đầy xúc động của mùa Vu lan với những giai điệu nhắc nhớ đến ơn đất nước đồng bào, ơn chúng sinh vạn loại, ơn các anh linh chiến sĩ đã quên mình cho hòa bình, hạnh phúc của muôn người và làm bùng cháy tình yêu quê hương đất nước...

Dịp này, cũng diễn ra tọa đàm ngắn về chủ đề Đạo hiếu với khách mời là TS Nguyễn Mạnh Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc... và trao giải cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm đạo Hiếu”.

hn 5.jpg
Trao giải nhất cuộc thi

hn 4.jpg
Hai tác giả giải nhì nhận giải

Theo HT.Thích Gia Quang, kể từ ngày phát động cuộc thi 1-10-2015 đến hết ngày 15-7-2016, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 3.000 bài dự thi của các thí sinh đến từ nhiều vùng, miền trên khắp cả nước. Các tác phẩm gửi về tham dự cuộc thi rất phong phú, thuộc nhiều thể loại khác nhau như: phóng sự, bài chân dung, bài phản ánh, ký sự, thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm, tranh vẽ...

Ban giám khảo đã lựa chọn 44 tác phẩm vào vòng chung khảo để chấm giải và trao 16 giải thưởng. Ngoài ra, BTC còn trao 2 giải “Hiếu hạnh” dành cho các tác giả có số bài dự thi nhiều nhất.

Cuộc thi sáng tác “Đạo hiếu và Dân tộc” trao 16 giải

Một giải nhất: tác giả TT.Thích Tâm Hiệp với tác phẩm “Đĩa ngô đầu mùa”; hai giải nhì: tác giả Chu Minh Khôi với tác phẩm “Bậc danh tăng chí hiếu” và tác giả Phan Thị Thanh Nga (Thanh Hóa) với tác phẩm “Con đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba”; ba giải ba: tác giả Nguyễn Nguyên An với tác phẩm “Kim Hạnh - con dâu hiếu thảo”, tác giả Nguyễn Văn Thùy với tác phẩm “Những trang viết thơm thảo nghĩa tình” và tác giả Hà Quang Đức với tác phẩm “Bà nội”.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 10 giải khuyến khích.

Chương Phượng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày