Đóa hoa từ bi giữa núi rừng

GN - Trong cuộc sống này vẫn có người thích “vác tù và hàng tổng” để chính họ là tấm gương cho chúng ta phải soi lại chính mình. Một trong những tấm gương đáng quý ấy là bạn Vũ Thị Huệ, pháp danh Phổ Hạnh Đức.

Một Phật tử thuần thành

Hạnh Đức sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình. Học xong phổ thông trung học, bạn lên vùng đất Tuyên Quang để mưu sinh. Duyên lành, bạn đến thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp (TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) và được thầy trụ trì động viên, giúp đỡ tiếp tục con đường học vấn. Như được tiếp thêm sức mạnh, Hạnh Đức nộp hồ sơ thi và trúng tuyển vào khoa Tiểu học - Trường Đại học Tân Trào.

a PGTT GN 905.jpg


Bạn Vũ Thị Huệ, pháp danh Phổ Hạnh Đức (đứng) đang "chăm sóc" khóa tu

Cứ ngỡ rằng việc học, việc mưu sinh hàng ngày sẽ chiếm hết thời gian của bạn, ấy vậy mà bạn vẫn dành thời gian dự một lớp tập huấn của Gia đình Phật tử. Sau khóa tập huấn, bạn về thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp để tập hợp sinh hoạt thanh thiếu nhi.

Công việc buổi đầu không dễ dàng tí nào khi Phật pháp còn quá mới mẻ đối với người dân xóm núi - nơi thiền viện tọa lạc. Có những phụ huynh không cho con em mình đến thiền viện sinh hoạt vì sợ khi lớn lên con mình sẽ đi tu giống quý thầy, quý cô hoặc là sợ các em đến chùa ăn chay quen rồi về nhà khó ăn và còn nhiều lý do khác nữa. Nhưng bằng sự kiên trì, sự chân tình và trên cả là bằng tấm lòng thương người bao la của Hạnh Đức, bạn đã vận động được các em nhỏ ở xóm núi ra thiền viện sinh hoạt.

Các em nhỏ xóm núi rất quý mến Hạnh Đức. Cứ Chủ nhật hàng tuần, các em ra thiền viện tìm “chị Huệ” để được dạy hát, dạy kèm một số môn học ở trường và tổ chức chơi trò chơi, có chuyện gì vui buồn cũng kể cho “chị Huệ” nghe, có chuyện gì mâu thuẫn xảy ra giữa các em cũng nhờ “chị Huệ” phân xử. Sau đó, Hạnh Đức bắt đầu dạy các em cách ứng xử khi gặp quý thầy, quý cô và người lớn tuổi. Tiếp đó là hướng dẫn các em giáo lý nhà Phật qua các câu chuyện và hướng dẫn các em tọa thiền.

Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi các em nhỏ trong xóm núi chỉ khoảng 9, 10 tuổi khi gặp chư Tăng Ni đều chắp tay hình búp sen và cúi đầu chào “Mô Phật! Con chào thầy ạ!”, “Mô Phật! Con chào cô ạ!”.

Những cố gắng của bạn cũng dần dần được thành tựu. Ban đầu Đoàn thanh thiếu nhi Phật tử Chính Pháp chỉ có trên dưới 15 em, chủ yếu là con em của bà con xóm núi. Sau đó, nhiều phụ huynh tin tưởng và đưa con em đến thiền viện sinh hoạt. Hiện nay, có trên 60 bạn trẻ đến từ các xã, phường trên địa bàn TP.Tuyên Quang và một số huyện lân cận tham gia sinh hoạt đoàn vào mỗi Chủ nhật hàng tuần.

Đoàn sinh ngày càng đông, chương trình sinh hoạt đoàn đòi hỏi ngày càng sinh động hơn và mới mẻ, Hạnh Đức phải đầu tư nhiều thời gian hơn. Thế nhưng khi có nhóm từ thiện nào muốn phối hợp hoạt động là Hạnh Đức luôn hoan hỷ nhận lời. Có lần, một nhóm từ thiện đến từ Hà Nội muốn tặng quà và khám răng miễn phí cho học sinh vùng sâu ở Tuyên Quang, bạn phải ngược xuôi trên chiếc xe gắn máy vượt đoạn đường đèo dốc cách trung tâm TP.Tuyên Quang trên 60 cây số để về tận một xã miền núi thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang liên hệ thủ tục và sắp xếp đối tượng nhận quà. Hôm tháp tùng đi cùng đoàn, vượt qua chặng đường đèo quanh co, trời mưa trơn trợt, chúng tôi mới thực sự cảm phục tấm lòng và sự nhẫn nại của bạn.

Lời Phật dạy soi đường

Những lúc nghỉ hè hoặc rỗi việc, Hạnh Đức về thiền viện để theo thời khóa tu tập cùng với quý thầy, quý cô vì bạn cho rằng có trải nghiệm tu tập thì mới có đủ khả năng chuyển hóa, giúp đỡ người khác đến với Phật pháp.

Dù bận rộn bao nhiêu là công việc, Hạnh Đức vẫn đạt thành tích tốt trong học tập: bạn đã từng đoạt giải nhì cuộc thi Sinh viên giỏi tỉnh Tuyên Quang và luôn là sinh viên giỏi trong các năm ở đại học.

Sau khi tốt nghiệp, với tấm bằng loại giỏi và khả năng ứng xử khéo léo, thông minh, bạn có thể tìm cho mình một công việc thích hợp nơi đô thị lớn như Hà Nội, nhưng bạn quyết định ở lại vùng đất Tuyên Quang để cùng đồng hành với Đoàn thanh thiếu nhi Phật tử Chính Pháp, mà ở đó chính bạn là thủ lĩnh và các em đoàn sinh không thể thiếu “chị Huệ”.

Sau lễ bế mạc khóa tu mùa hè 2017 tại thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp, các bạn đoàn sinh trong Ban hướng dẫn rất hạnh phúc vì khóa tu đã thành tựu viên mãn, đã quây quần quanh Hạnh Đức, chắp tay hình búp sen đồng thanh hô to: “Mô Phật! Tụi em cám ơn chị Huệ, chị đã ở lại đây cùng tụi em. Tụi em cám ơn bố mẹ chị đã sinh ra chị cho tụi em”. Nhìn ánh mắt ngấn lệ của Hạnh Đức, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô giá của một huynh trưởng.

Song, trên bước đường làm Phật sự, như lời quý thầy từng dạy không chỉ có thuận duyên mà có lúc chướng duyên sẽ thử thách chúng ta. Gia đình Hạnh Đức đã từng gây áp lực để buộc bạn về quê tìm việc làm cho ổn định, nhưng bạn kiên trì thuyết phục gia đình cho phép ở lại mảnh đất Tuyên Quang. Có lúc bạn bị chỉ trích nặng nề mỗi khi có đoàn sinh nào đó biểu hiện chưa ngoan. Những lúc đó, Hạnh Đức khiêm cung nhận khuyết điểm và mọi lời góp ý, nhưng khi về nhà có lúc tủi thân và ngồi khóc một mình.

Bao lần như vậy, cứ ngỡ cô gái nhỏ nhắn sẽ thối tâm, bỏ cuộc; nhưng bạn vẫn mạnh mẽ vượt qua để dẫn dắt các em đoàn sinh ngày một trưởng thành hơn. Hôm chứng kiến các bạn trong Ban hướng dẫn khóa tu mùa hè 2017 tại thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp “ra tay” điều hành các hoạt động sinh hoạt tập thể nằm trong khuôn khổ chương trình khóa tu, chúng tôi càng cảm phục tài đào tạo, huấn luyện của Hạnh Đức.

Hạnh Đức bộc bạch, bạn muốn chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng sinh hoạt cho các bạn có khả năng trong đoàn, vì nếu trong trường hợp nào đó mà bạn không thể tiếp tục đồng hành cùng đoàn, thì chính các bạn đó sẽ thay mình gánh vác.

Hiện nay, Hạnh Đức vừa dẫn dắt các em trong Đoàn thanh thiếu nhi Phật tử Chính Pháp vừa là cô giáo tại một trung tâm chuyên dạy trẻ em mắc chứng tự kỷ, tăng động, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ ở TP.Tuyên Quang - một công việc đòi hỏi lòng nhẫn nại và thương người.

Được biết, dù là một giáo viên mới vào nghề nhưng Ban giám đốc trung tâm rất hài lòng và tin tưởng Hạnh Đức vì bạn nhiệt tình, thương trẻ và rất có trách nhiệm. Bạn làm nghề không vì đồng lương mà còn là vì tấm lòng nhân ái bao la của người con Phật. Điều đó không phải tự nhiên có được, mà do bạn đã biết ứng dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống của mình...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày