Đóa sen thiêng từ bãi rác dòng đời

GN - Tọa lạc nơi cửa ngõ phía Đông của TP.Hồ Chí Minh, Pháp viện Minh Đăng Quang - trung tâm văn hóa, giáo dục và xã hội của Hệ phái Khất sĩ - thành viên sáng lập GHPGVN, sau thời gian xây dựng, sẽ khánh thành vào ngày 12, 13-7-2017 (nhằm ngày 19, 20-6-Đinh Dậu).

a hpks2.jpg
1.500 Tăng Ni Khất sĩ thực hành hạnh khất thực truyền thống

Từ đám ruộng đến bãi rác dòng đời (1968-1979)…

Khuôn viên Pháp viện Minh Đăng Quang được bắt đầu tạo dựng từ năm 1966, ngay sau mùa Tự tứ Tăng - Vu lan bồn năm 1965 tại tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh). Đại lão HT.Pháp sư Thích Giác Nhiên đã cảm nhận được dự hướng tương lai về phía cửa ngõ thành phố, nên từ năm 1966 đến năm 1970, Hòa thượng Pháp sư đã nhờ Phật tử tìm ra và nối kết 5 chủ đất ruộng để có được một khuôn viên rộng 62.000m2. Tuy nhiên, với tính cách là người gốc Ô Môn - Cần Thơ, xuất thân nông dân bình dị từ miền Tây Nam Bộ, Hòa thượng đã tạo duyên để nơi này thành một trong những điểm tập kết rác, theo đó, như sự tích chứa kỳ diệu, làm nơi mưu sinh cho bá tánh dân nghèo trong việc chắt mót các vật dụng từ đống rác tưởng như không còn giá trị, bị bỏ đi.

Từ những năm 1971-1975, với địa điểm thuận tiện, bao nguồn rác tiêu dùng hàng ngày trong dân và rác thu gom từ những nạn cháy nhà ở khu chợ Cầu Muối hay Hãng dệt Liên Phương v.v… đã được đổ về đây. Tất cả như vô hình sắp đặt sẵn, để dành, tích tụ và cho dân nghèo mưu sinh, đôi khi tình cờ gặp được cả sự may mắn, thay đổi một phần cuộc sống.

Sau năm 1975 đến năm 1977, rồi năm 1978, trong bối cảnh khó khăn chung, một số dân lao động nghèo chung quanh thành phố chưa kịp có công ăn việc làm đã rủ nhau đi lượm bao nilon để bán cho những nơi thu gom tái chế. Do vậy, bãi rác chùa “Pháp viện Minh Đăng Quang” được người dân lao động nghèo xem như một “mỏ vàng”. Buổi đầu từ năm ba chục người, tăng dần lên đôi trăm người, rồi hàng nghìn người và đỉnh cao là hàng chục nghìn người trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối năm 1978.

Có một gia đình Phật tử nghèo chân thành bộc bạch với chúng tôi rằng, sau gần nửa năm mưu sinh nơi bãi rác của chùa, giờ đã có đủ cơm ăn cho sáu tháng sau và còn sắm được một đầu máy may để cô con gái lớn có thể nhận may áo quần gia công tại nhà trong thời gian tới.

… đến vườn bạch đàn và đầm rau muống xanh tươi (1980-2008)…

Trong thời gian dân chúng nghèo tụ tập lượm rác, có khi họ chặt cả cây cối, dừa non, lấy củ hủ dừa, có khi bắt cả chó do nhà chùa nuôi giết để ăn thịt. Cho nên, có một vài vị Tăng tỏ ra buồn rầu, bức xúc. Trước tình cảnh đó, chúng tôi khuyên các sư nên nhẫn nại, bởi không phải vô cớ mà Sư phụ (HT.Pháp sư Giác Nhiên) chủ trương cho đổ rác trong khuôn viên chùa mình, dù là rác nhưng trong rác vẫn đang có nhiều món đồ có thể đổi nên sự sống. Khi giàu có, con người mua sắm tiêu xài, xong việc quăng bỏ phần dư thừa, gom tụ lại thành rác; nhưng khi nghèo thiếu, thì con người có thể gom nhặt lại những phần buông bỏ trước kia để tích tụ sự sống. Khi đồng bào lượm nhặt hết các phần còn có thể dùng xài ra thì miếng đất rác sẽ trở nên sạch sẽ dễ trồng cây xanh và hoa màu. Có lẽ đó là ẩn ý của Hòa thượng Pháp sư muốn tạo duyên bố thí, làm lợi lạc cho bá tánh.

Điều đó có phần ứng với thực tế, sau thời gian rác phân đã được sàng lọc, mảnh đất này trồng cây bạch đàn phát triển rất nhanh, phần đất thấp trồng rau muống cũng vô cùng xanh tốt. Trong thời gian này, một ngôi chùa gỗ thấp, lợp tole… ẩn hiện trong vườn cây bạch đàn và đầm rau muống vô cùng nhàn tịnh thẳm sâu.

a hpks4.jpg


Ngôi chùa gỗ thấp, lợp tole... ẩn hiện trong vườn cây bạch đàn
(Ảnh ngôi chánh điện đơn sơ của Tổ đình Pháp viện thời kỳ đầu tạo dựng)

… và đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang (2009-2017)

Từ năm 2002, chúng tôi đã lập hồ sơ xin phép đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang. Trải qua nhiều giai đoạn bổ sung các thủ tục hồ sơ cần thiết theo quy định của pháp luật, đến cuối năm 2008, giấy phép xây dựng đã được cấp tại Công văn của Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, số 239/GPXD, ký ngày 22-12-2008.

Liền sau đó, công trình quy hoạch xây dựng toàn diện Pháp viện trải qua nhiều giai đoạn, với hai mốc chính.

Giai đoạn 1, từ năm 2009 đến cuối năm 2013, đóng cừ, nền móng và tầng hầm; Tầng trệt - Giảng đường;  Tầng lầu 1 - Thiền đường, Niết-bàn đường; Tầng lầu 2 - Chánh điện; Hai tháp phía trước; hai dãy nhà dẫn và 4 tháp Bồ-tát (nhỏ) cùng tường rào khuôn viên; Hoàn thiện từng phần các hạng mục trên (tầng Giảng đường và Thiền đường, hai bên đều có hành lang rộng 8m và gác lửng làm phòng Tăng).

Giai đoạn 2, từ năm 2014 đến 2017, tiếp tục các hạng mục: tòa nhà Tây phương Cực lạc và Cửu huyền Thất tổ 5 tầng; Hai ngôi bảo tháp cao 13 tầng, đó là tháp Hồng Ân, nơi tôn trí xá-lợi Phật, ảnh tượng Tổ sư và chư tôn đức Tăng Ni khai lập các Giáo đoàn Tăng, Ni Khất sĩ từ buổi đầu cho đến ngày nay; tháp Tứ Ân, nơi sẽ tôn trí pháp tướng Đức Phật Bổn Sư, dấu tích Tổ sư (từ chánh điện cũ lưu lại); chư Tổ từ thế kỷ thứ I đến thời Lý - Trần, Tam tổ Trúc Lâm, Yên Tử; Quốc tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ; Mười tám đời vua Hùng Vương và biểu tượng 54 dân tộc anh em; Linh cốt Phật tử quy y Tam bảo, Hệ phái trong suốt thời gian qua; và tầng trệt dùng làm nhà Tang lễ cho người thiện duyên.

Các sự kiện nổi bật trong thời gian xây dựng

Mặc dù trong khi đang hoàn thiện, xây dựng một số hạng mục trong tổng thể công trình đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang, nhưng với thời duyên, đáp ứng yêu cầu của các Phật sự, tại đây đã diễn ra Đại lễ Kỷ niệm 60 năm (1954-2014) ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng được tổ chức trang nghiêm, trọng thể trong 5 ngày liên tục với nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học với chủ đề “Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập” do Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, Viện Nghiên cứu Phật học VN và Hệ phái Khất sĩ đồng tổ chức với hơn 100 bài tham luận của các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà nghiên cứu, các học giả, giảng viên, chuyên viên nghiên cứu về tôn giáo và chư tôn đức giáo phẩm thuộc GHPGVN và Hệ phái, cùng hơn 500 đại biểu các giới tham dự.

Cũng trong khuôn khổ của Đại lễ, lễ Trai tăng cầu nguyện quốc thới dân an và tưởng niệm ân đức Tổ sư với khoảng 1.200 vị Tăng, sư của 2 tổ chức Tăng-già Phật giáo Nam tông Khmer (700 vị) và Phật giáo Nguyên thủy VN (500 vị) quang lâm chứng minh, tham dự, cùng khóa lễ cầu nguyện của hơn 60 chư tôn đức Tăng Ni và khoảng 500 Phật tử Hoa tông tụng kinh cầu nguyện.

Đặc biệt, chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo các cấp Giáo hội, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh và 24 quận, huyện trực thuộc, Ban Trị sự GHPGVN tại 3 miền Bắc - Trung - Nam đáp lời cung thỉnh của Ban Tổ chức đồng hoan hỷ quang lâm, cử hành Đại lễ Tưởng niệm 60 năm ngày Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng - vị Tổ khai sáng Đạo Phật Khất sĩ VN không ngừng phát triển, đồng hành cùng dân tộc. Tiếp sau đó là buổi lễ cúng dường trai tăng cầu nguyện quốc thới dân an với khoảng 1.500 vị chứng minh, tham dự.

Ban Tổ chức tiếp đón hơn 500 vị khách quý từ Trung ương, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh thành, các quận huyện và địa phương, đại diện các tôn giáo bạn… tham dự lễ cầu nguyện và dùng tiệc buffet chay thân mật tại đây.

Với biệt truyền hệ phái, trong niệm thành kính tưởng nhớ Đức Tổ sư nhân tròn 60 năm ngày Ngài vắng bóng, hơn 1.500 vị Tăng Ni Khất sĩ đã thực hành hạnh khất thực truyền thống, ôn lại gương hạnh của Đức Phật và Tăng đoàn thuở xưa. Hàng ngàn Phật tử khắp nơi về tham dự, xếp thành hai hàng để cung đón và đặt bát cúng dường phẩm vật đến chư tôn đức trong đoàn khất thực.

Chư tôn đức giáo phẩm Hệ phái, chư Tăng Ni các Giáo đoàn Khất sĩ và môn đồ đệ tử đồng cử hành lễ tưởng niệm ân đức Tổ sư. Đại lễ là dịp để các đệ tử Tăng Ni Khất sĩ tưởng nhớ và tri ân Đức Tổ sư Minh Đăng Quang - Tổ sư khai lập Hệ phái Khất sĩ VN với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Đặc biệt, trong Đại lễ lần này, Ban Tổ chức được phúc duyên lớn cung đón Đại lão HT.Pháp sư Thích Giác Nhiên - một trong những Đại đệ tử kề cận của Đức Tổ sư, dù tuổi cao sức yếu, bệnh duyên nhưng Hòa thượng Pháp sư cũng hoan hỷ từ Hoa Kỳ trở về quê nhà để chứng minh và tham dự. Tại buổi lễ, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã có dịp ôn lại cuộc đời và 10 năm hoằng pháp của Đức Tổ sư cùng chặng đường 70 năm phát triển của Hệ phái.

Ngoài ra, nhiều chương trình nổi bật được tổ chức trong chương trình Đại lễ tưởng niệm Tổ sư như: Khai mạc Thư viện và triển lãm “Ánh Minh Quang”, Văn nghệ “Pháp đăng rạng ngời”, Tọa đàm “Chơn lý” (dành cho chư Tăng Ni và cư sĩ), Lễ hội hoa đăng “Ánh đuốc sen thiêng”, thuyết pháp và tọa thiền tưởng niệm ân đức Tổ sư v.v…

a hpks3.jpg
Chư tôn giáo phẩm và HT.Pháp sư Giác Nhiên trong lễ đặt đá đại trùng tu ngôi phạm vũ huy hoàng

Tại nơi đây, như một nhân duyên sắp đặt sẵn, là địa điểm được chọn để tổ chức trang nghiêm Lễ tang Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, vị giáo phẩm đã đặt nền móng khai sơn ngôi phạm vũ này.

Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên - Pháp tử Tổ sư Minh Đăng Quang, nguyên Viện trưởng Viện Hành đạo Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN, nguyên Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Thế giới tại Hoa Kỳ, nguyên Trưởng Giáo đoàn IV Hệ phái Khất sĩ, Viện chủ khai sơn Pháp viện Minh Đăng Quang, sau hơn 90 năm hiện thế, hơn 60 năm hoằng pháp độ sanh, chu du năm châu bốn biển, thân tứ đại huyễn mộng của Đại lão Hòa thượng Pháp sư bắt đầu hiện tướng suy mòn. Ngài thọ bệnh tai biến kéo dài suốt 9 năm (2006-2015).

Đại lão Hòa thượng Pháp sư đã an nhiên xả bỏ báo thân, viên tịch vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 3-8-2015 (nhằm ngày 19-6-Ất Mùi) tại Tổ đình Minh Đăng Quang, Nam California, Hoa Kỳ, trụ thế 93 năm, hạ lạp 60 năm. Ngày 16-8-2015 (nhằm ngày 3-7, năm Ất Mùi), chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử cung đón kim quan Đại lão Hòa thượng từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về tôn trí trang nghiêm tại Pháp viện Minh Đăng Quang (phường An Phú, quận 2) để cử hành lễ viếng, tưởng niệm từ ngày 17 đến ngày 20-8-2015 (nhằm ngày 4 – 7-7, Ất Mùi).

Sau khi trà-tỳ nhục thân Hòa thượng Pháp sư, một phần xá-lợi của ngài đã được tôn thờ tại đây. Và cũng trong khuôn viên Pháp viện Minh Đăng Quang đã tôn tạo một ngôi bảo tháp bằng đá hoa cương để tưởng niệm bậc Thầy có công đức khai sơn ngôi Tổ đình Pháp viện Minh Đăng Quang.

Hàng năm, Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu lan - Báo hiếu, Tưởng niệm Tổ sư vắng bóng và An cư kiết hạ đều được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh) xuyên suốt 34 năm (1980-2014). Tiếp nối sự thành công trong việc tổ chức Đại lễ Tưởng niệm 60 năm ngày Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, chư tôn đức giáo phẩm Hệ phái và chư tôn đức giáo phẩm Giáo đoàn IV đã thống nhất từ năm 2014 trở đi, những ngày Đại lễ của Giáo đoàn, của Hệ phái sẽ tổ chức trang nghiêm tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Đây được xem là bước ngoặt, là dấu ấn phát triển của Giáo đoàn và Hệ phái.

Cụ thể là từ năm 2014 đến năm 2016, Đại lễ Tự tứ Tăng - Vu lan bồn, Lễ tưởng niệm Tổ sư vắng bóng được tổ chức thành công tại Pháp viện Minh Đăng Quang. Song song đó, trong hai năm (2015-2016), Khóa bồi dưỡng trụ trì và trường hạ an cư tập trung của Hệ phái được tổ chức trang nghiêm tại ngôi đạo tràng Pháp viện - trung tâm hoằng pháp, giáo dục và văn hóa của Hệ phái.

Từ ngày 9 – 11-7-2017 (nhằm ngày 16 – 18-6, Đinh Dậu), Pháp viện Minh Đăng Quang cũng được tin tưởng chọn làm nơi tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Vùng ASEAN và Nam Á chủ đề “Nơi giao hòa của văn hóa và Phật giáo ở Đông Nam Á” do Viện Nghiên cứu Phật học VN và Hiệp hội Nam và Đông Nam Á nghiên cứu về Văn hóa và Tôn giáo đồng tổ chức, đón tiếp nhiều đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với nhân duyên hội đủ, nhân lễ Đại tường cố Đại lão Hòa thượng Pháp sư Thích Giác Nhiên, từ ngày 12 – 13-7-2017 (nhằm ngày 19 – 20-6, Đinh Dậu), Hệ phái sẽ tổ chức Đại lễ Khánh thành Pháp viện Minh Đăng Quang - ngôi chùa đặc biệt nơi cửa ngõ thành phố, góp thêm một dấu ấn về đời sống văn hóa, tôn giáo của thành phố đang phát triển, của Phật giáo trong thời đại mới trên quê hương VN.

Nhiệm mầu thay, năm mươi năm

Cánh đồng xưa đã âm thầm nở hoa

Mười năm bãi rác chan hòa

Giải cơn thắt ngặt vượt qua biển nghèo

Giữa trời mưa nắng cheo leo

Bạch đàn, rau muống... lần theo thanh bình

Năm mươi năm đời khương ninh

Đóa sen thiêng... đẹp hữu tình ngày đêm

Cửa ngõ thành phố uy nghiêm

Một niệm lành, rực bóng thiền nhàn vui

Bắc - Nam xuôi ngược ngọt bùi

Một niệm lành, chúc người người hanh thông

Dù đi Nam, Bắc, Tây, Đông

Một niệm lành, nhẹ mát lòng bình yên

Nguyện cầu một đóa sen thiêng...

Phố phường rạng rỡ nhiệm huyền non sông.

Pháp viện Minh Đăng Quang, mùa An cư PL.2561 - DL.2017

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày