Giáo hội cần có những thay đổi trong lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong hiện tại

LTS: Nhân kỷ niệm 28 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, GN có cuộc trao đổi ngắn với TT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng Pháp T.Ư về thực trạng và hướng phát triển của Giáo hội, đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Sau đây là những trăn trở của TT về những thay đổi cần thiết trong lãnh đạo để Giáo hội thực sự phát triển, theo kịp bước phát triển chung của đất nước.

Truyền thống Phật giáo luôn luôn tôn trọng các bậc tài đức, những bậc tài đức chính là tòng lâm thạch trụ, chỗ nương tựa của mọi Phật sự. Khi nào Giáo hội có nhiều bậc long tượng thì Phật giáo ở giai đoạn đó chắc chắn hưng thịnh. Nhìn vào lịch sử PGVN chúng ta thấy rất rõ điều này, nhưng nói như vậy không có nghĩa là không coi trọng việc đào tạo giới trẻ kế thừa, tinh thần “tục diệm truyền đăng” là một minh chứng cho tin thần đó.

daihoihp_12.jpg
TT.Thích Bảo Nghiêm phát biểu khai mạc
Khóa bồi dưỡng Hoằng Pháp tại TP Hải Phòng

Nhìn vào những chuyển biến của xã hội hiện nay, Giáo hội chúng ta vẫn chưa bắt nhịp phát triển của xã hội, đặc biệt là về nhân sự kế tục. Bản thân tôi là một trong những người trẻ trong HĐTS, nhưng so với xã hội thì tuổi đời sắp về hưu, có thể nói PG chúng ta cần có một sự chuyển đổi.

Tôi nghĩ chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cần có một sự thay đổi về cơ cấu tổ chức trong nhiệm kỳ mới. Theo tôi, Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội, có trách nhiệm góp ý chỉ đạo cho Hội đồng Trị sự thực hiện những hoạt động của Giáo hội thì sẽ phát huy vai trò lãnh đạo tinh thần, sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy Hội đồng Trị sự điều hành các hoạt động Phật sự, và như thế các Phật sự mới đạt hiệu quả tốt hơn.

Điều đó được thể hiện một phần trong thời gian gần đây, ở một số địa phương, chư Tăng Ni trẻ có những nỗ lực tích cực làm cho sinh khí Phật giáo có nhiều khởi sắc, chứng tỏ sức bật của người trẻ bao giờ cũng nhiều năng nổ, sáng tạo. Nếu Giáo hội biết khai thác tài năng và sức trẻ với sự chỉ đạo góp ý sát sao, có sự điều tiết tốt thì những Tăng Ni trẻ này sẽ là hạt nhân tạo nên sức mạnh cho sự phát triển của Giáo hội.

Giáo hội chúng ta cần có 3 thế hệ: thế hệ già: những bậc tôn túc lãnh đạo tinh thần tối cao, thế hệ kế trung đang thực hiện vai trò nhiệm vụ mà Giáo hội đang giao phó, và thế hệ trẻ là những Tăng Ni có đạo hạnh, có năng lực, có khả năng phục vụ và có sức khỏe để theo đuổi các hoạt động của Giáo hội trên diện rộng. Nếu điều đó được Giáo hội quan tâm, chúng tôi nghĩ sẽ góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy tổ chức Giáo hội càng ngày càng hoàn thiện, thích ứng với bối cảnh xã hội Việt Nam ta hiện nay.

Trong suốt 28 năm qua, các ban ngành viện của Giáo hội có ban thì hoạt động tương đối tốt, có ban chưa có động thái nào trong chương trình hoạt động của ngành mình, chính điều đó làm cho hoạt động chung của Giáo hội có nhiều mặt còn bỏ trống, như người bị khiếm khuyết một số chi phần trên cơ thể, chắc chắn người đó khó có thể khỏe mạnh, khó có thể đảm đương các công việc nặng nhọc.

Hiện nay, việc Phật sự Giáo dục Tăng Ni cũng cần phải có một sự thống nhất như chủ trương của GHPGVN từ giai đoạn đầu được ghi   trong Hiến chương: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”. Thực hiện được điều này có nghĩa là Giáo hội chúng ta khẳng định vị thế của tổ chức trong lòng Tăng Ni, Phật tử, trong sinh hoạt chung của Phật giáo cả nước về chương trình giảng dạy, giáo trình giáo án, văn bằng tốt nghiệp, các quy định được ghi nhận trong Hiến chương Giáo hội được thực hiện, làm nền cho hoạt động Phật sự của các ngành cũng như các hoạt động Phật sự ở các tỉnh thành trong cả nước.

Ngày nay, việc điều hành Phật sự của Giáo hội cần có những chương trình cụ thể, thực tế, sít sao, chi tiết hơn nữa nhằm chỉ đạo, hướng dẫn cho các Tỉnh, Thành hội Phật giáo để các cấp cơ sở của Giáo hội có những thuận lợi trong hoạt động hơn nữa. Ví dụ như tỉnh Nghệ An hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong khi triển khai các Phật sự tại địa phương, chính quyền nhiều khi chưa có sự đồng thuận, làm trở ngại và nản lòng những Tăng Ni phát tâm về địa phương đảm trách các Phật sự. 

Đối với khu vực phía Nam, Phật giáo đã phủ khắp các tỉnh thành, cho nên các công tác Phật sự và nhu cầu của Tăng Ni Phật tử có điều kiện thuận lợi. Trong khi đó, đối với một số tỉnh thành phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang… vẫn chưa được thành lập Ban Đại diện/ Ban Trị sự, chúng tôi  nghĩ rằng Giáo hội nên có động thái tích cực hơn nữa nhằm thành lập được các Ban Trị sự hoặc Ban đại diện PG tại đây, vì hiện nay Phật tử rất bức xúc và mong muốn Giáo hội sớm có mặt nhằm đáp ứng nhu cầu hướng dẫn tinh thần tu học của Phật tử tại địa phương.

Riêng đối với Ban Hoằng pháp do tôi điều hành, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi luôn luôn đau đáu trong lòng làm sao để tạo được những sinh hoạt thích hợp với bối cảnh chủ trương của Giáo hội và hướng phát triển của xã hội hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni Phật tử trong cả nước. Tuy bước đầu không phải không gặp khó khăn nhưng chúng tôi đã định hình được đường hướng phát triển, góp phần cùng với các ban, ngành, viện  nhằm xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển mà những người tiền nhiệm đã giao phó.

Tôi nghĩ ngày nay hoạt động Phật sự của Tăng Ni chúng ta còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của  quần chúng Phật tử các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…, nên tôi đã quyết tâm tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn để tạo nên một phong trào hoằng pháp ở các tỉnh thành, tôi nghĩ bước đầu đã tạo sự phấn khởi cho chư Tăng Ni Phật tử ở một số khu vực và tiến tới mô hình hoằng pháp viên mà Ban Hoằng pháp xem đây là chủ trương cần thực hiện một cách đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh phương thức đào tạo cho cư sĩ Phật tử góp phần cùng với Tăng Ni trong công tác hoằng pháp .

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Ban Hoằng pháp nói riêng đã không ngừng phát huy tinh thần truyền bá Chính pháp một cách phổ cập và trong sáng, thiết thực góp phần xây dựng ngôi nhà Giáo hội và đất nước ngày một phát triển. Tùy theo phong tục tập quán mỗi địa phương khác nhau, mỗi vùng đất và quốc gia có những nét văn hóa riêng, qua từng giai đoạn, từng thời kỳ lịch sử đã vận dụng vào đời sống một cách sinh động. Ngành hoằng pháp hôm nay đang đứng trước một vận hội mới của thời đại hội nhập phát triển, đây là một thiện duyên nhưng cũng là thách thức mới, với thời gian chưa đầy nửa nhiệm kỳ đã tổ chức thành công 3 khóa bồi dưỡng hoằng pháp tại Thủ đô Hà Nội, Tây Nguyên, Hội thảo toàn quốc tại thành phố Đà Nẵng và hôm nay đây lần thứ 4 tại thành phố cảng Hải Phòng.

Chúng ta nhận thấy mỗi khóa đều có những đặc trưng riêng, để lại dấu ấn riêng. Lần này với mục đích: Nâng cao hơn khả năng chuyên môn và kỹ năng, phương thức hoằng pháp trong bối cảnh đất nước đang phát triển trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, với xu thế toàn cầu hóa, việc phổ cập giáo lý Phật Đà đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi vùng miền của đất nước, và đồng bào ta ở nước ngoài là việc cấp thiết, để cùng nhau học tập và hành trì Chính pháp một cách thiết thực nhằm đem lại sự an lạc, hạnh phúc trong đời sống hiện tại, góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh tiến bộ. Khóa bồi dưỡng lần này chúng ta tập trung vào những nội dung: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoằng pháp cho phù hợp với thời đại mới, xây dựng lực lượng hoằng pháp viên dấn thân. Những công việc này tuy còn mới mẻ nhưng bước đầu chúng tôi nhận thấy có sự đồng thuận của Tăng Ni Phật tử.

Trong niềm vui chung của GHPGVN chào mừng sự kiện thống nhất Phật giáo cả nước, suốt chặng đường 28 năm qua, với xu thế chung của xã hội Việt Nam đang trên đường đổi mới và phát triển, Giáo hội chúng ta có những bước ngoặt thúc đẩy các Phật sự hòa chung trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam với niềm tin tưởng một ngày mai đầy sáng lạn của Giáo hội trong thế kỷ 21, thế kỷ của niềm tin và kỳ vọng đối với Giáo hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày