Gương hiếu của một đoàn sinh

GN - Bán vé số, hàng rong từ tuổi lên bảy để nuôi ba, mẹ và em gái bệnh tật, nhọc nhằn và biết bao gánh nặng ghì trên đôi vai là vậy, nhưng suốt 16 năm nay, Phúc vẫn chưa bao giờ cảm thấy tủi thân hay xem việc chăm sóc cho gia đình là gánh nặng. Ngược lại, em luôn xem ba, mẹ, em gái là “tài sản” và cảm thấy hạnh phúc khi được chăm sóc, làm điểm tựa cho người thân của mình.

Hành trang để em bước vào đời đơn sơ, gói gọn trong hai chữ “hiếu” và “thương” mà em học được từ khi sinh hoạt trong Gia đình Phật tử.

phuc.1.JPG


700 cái bánh bột lọc không chỉ đổi lấy gạo mà tiền bán bánh
còn để trả lãi gia đình đã vay. Trong ảnh: Em Lê Cảnh Phúc (bìa trái) - Ảnh: Hạnh Ý

Gánh hàng rong nuôi cả gia đình

Chị Hoa Tâm, huynh trưởng Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử thị xã Long Khánh (Đồng Nai) kể với chúng tôi rằng, Câu lạc bộ có một đoàn sinh tên Phúc - Lê Cảnh Phúc, mặc dù hoàn cảnh khác biệt nhưng em có lý tưởng sống rõ ràng và cáng đáng cả gia đình nghèo khó. Ngoài nuôi ba 74 tuổi bệnh tai biến, mẹ bệnh tim, Phúc còn lo thêm cho em gái út 20 tuổi bị bệnh down. Hàng ngày, từ việc đi chợ lo bữa cơm cho gia đình, đến làm thức ăn đem chợ bán đều do một tay Cảnh Phúc quán xuyến.

Theo sự hướng dẫn của người giới thiệu, PV Giác Ngộ tìm đến nhà em trong con hẻm 20/5 Đào Duy Tân, tổ 1A, ấp Bảo Vinh A, xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai vào buổi trưa. Hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là cảnh ba Phúc đang làm đủ cách để đứa con gái bệnh down chịu ngồi yên một chỗ, mẹ Phúc khó nhọc ngồi dưới sàn nước rửa chén bát. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và Phúc diễn ra tại góc bếp, vì em phải sơ chế nguyên liệu để làm bánh bột lọc kịp bán chợ chiều.

Em bán bánh bột lọc được vài năm nhưng chỉ bán ba tháng hè. Đó là mùa mà tụi nhỏ - cháu của em được nghỉ học, em bày ra làm để tụi nhỏ qua phụ, có chút tiền mua sách, tập đầu năm học. 9 tháng còn lại, em đẩy xe rau, củ, quả đi bán khu vực gần chợ. Nhà có 10 anh chị em nhưng 8 anh chị đều có gia đình riêng, cũng cảnh nghèo khó, không phụ giúp gì nên cuộc sống của cha mẹ, em gái đều phó thác vào gánh hàng rong có số vốn chỉ khoảng 500 ngàn đồng của Phúc. Thế nên bữa nào trời không nắng hoặc sắp chuyển mưa là cả nhà em đều sợ. Bởi: “Mưa bánh sẽ dễ bị ướt mà người ăn cũng ít. Bán không được nhưng tiền góp thì vẫn phải đóng hàng ngày nên cả nhà đều lo”, Cảnh Phúc chia sẻ.

Nghe con nói, khóe mắt người cha rưng rưng. Ba của Phúc thiệt thà trải lòng: “Tại tui bệnh tai biến, không có tiền nên thằng Phúc phải đi vay tiền chạy chữa cho tui. Rồi không có vốn làm ăn, cứ đi vay rồi trả tiền lãi hoài nên nhà nhiều khi không có gạo mà nấu cháo nữa...”. Hỏi mãi, em mới chịu nói, mỗi ngày phải trả tiền lãi gần 300 ngàn, trong khi đó, một ngày đi bán hàng rong, em chỉ kiếm được nhiều lắm khoảng 170 ngàn đổ lại.

Khi chúng tôi đắn đo về khoản nợ em phải trả 9 triệu cho một tháng, mà chỉ là tiền lãi, còn tiền gốc 30 triệu còn mãi ở đó, làm sao mà em lo xuể. Em đã lạc quan chia sẻ rằng: “Thấy vất vả vậy thôi chứ mình thương là lo được hết hà. Cứ thiếu thì em đi vay, lãi sẽ đẻ nhưng em chấp nhận chịu. Tại em nghĩ, ngày xưa ba mẹ nuôi mình, cầm tay dắt từng bước đi, thương yêu chăm sóc, xem mình là mạng sống. Bây giờ ba mẹ tuổi xế chiều rồi, mình hiểu rằng mình phải dẫn dắt, là điểm tựa cho ba mẹ. Em nghĩ mình nghèo thì cố gắng làm ra tiền để nuôi ba mẹ, chứ mai mốt ba mẹ mất rồi thì có nhiêu tiền cũng đâu có nghĩa gì nữa. Đời em là xác định không dám nghĩ đến chuyện vợ con gì rồi”.

Nặng trĩu gánh đời

Bột, nhân bánh làm xong cũng là lúc đồng hồ điểm 12g trưa. Cứ ngỡ em sẽ nghỉ tay, nhưng không, đó là lúc cả nhà xúm lên nhà trên để gói bánh. Cả nhà ngồi dưới tấm bạt ni-lông, đó là thứ đẹp nhất trong nhà, còn lại tất cả đều cũ kỹ, nền nhà thì ẩm thấp. Thương em Hảo dù bệnh, không biết rất nhiều thứ nhưng đến giờ gói bánh là em chạy lên ngồi kế mẹ. Em khoác tay ôm mẹ, ư ê nói chuyện, chốc chốc lại cười lên khi thấy bánh sắp đầy trên mâm. Mẹ em kể: “Nhà vui nhất là lúc gói bánh thế này, với lúc tối Phúc đi bán về, cả nhà xúm nhau ngồi đếm tiền. Bữa nào bán hết bánh, tiền được nhiều là cả nhà ôm nhau cười. Có tiền trả nợ là vui, ăn cơm với mắm cũng vui”.

Hơn 700 cái bánh phải ra lò trong 2 tiếng đồng hồ, biết nhà em làm gấp để “chạy mưa”, hàng xóm liền qua gói phụ.

Cô hàng xóm kể, chúng tôi chỉ biết lặng người: “Thương nhất là có những ngày gạo chùa phát cho ăn đã hết, nhà hết tiền, Phúc đi mua gạo thiếu - cho ba mẹ, bé Hảo ăn trước rồi có tiền trả sau. Những lúc như vậy Phúc cũng không dám ăn no bụng, chừa ít cơm nguội sáng ra bé Hảo cũng còn cái mà lót dạ.

Nhà nghèo, ba Phúc lúc bệnh tai biến cứ muốn xuống bệnh viện châm cứu, thay vì đi chỗ gần nhà. Vì châm cứu ở đó trưa được phát suất ăn miễn phí đầy đủ đồ ăn. Hoàn cảnh khó khăn và sự hiếu thảo với cha mẹ, thương em của Phúc ở địa phương hầu như ai cũng biết. Vậy nên khi mỗi khi Phúc đi bán hàng rong, bị đội trật tự bắt giữ, hàng vài tiếng họ lại tha, vì hoàn cảnh tội quá.

Hồi Tết này, để có tiền lo cho gia đình, muốn cả gia đình được ăn ngon ba ngày Tết, em mượn nợ để lấy hoa bán, mong kiếm chút lời. Người ta thương, cho em mặt bằng bán không lấy tiền. Mà may mắn không đến với em, hàng bán không được do nắng quá hoa héo hết, đến bây giờ em vẫn chưa trả hết khoản tiền đó. Mưu sinh từ tuổi lên bảy, học chưa hết cấp 1 phải nghỉ vì không có tiền mua nổi một cây viết nhưng em vẫn hiểu được đạo lý ở đời và sống rất tử tế. Mắc nợ, những khi người ta hỏi em chừng nào trả tiền đã vay, em năn nỉ, xin hãy tin em là có ngày em trả chứ không dám đưa thời gian cụ thể, càng không quỵt nợ.

Trong căn nhà mọi thứ dường như cũ kỹ, dột nát và bệnh tật phủ kín đầy không gian nhưng tấm lòng hiếu thảo, tình anh em và nghị lực sống của Phúc luôn sáng bừng, bởi chính thái độ em đón chào cuộc sống: “Là con người, nhiều lúc nợ đòi liên tục, em cũng bế tắc lắm nhưng dặn lòng không được gục ngã. Mình mà đầu hàng thì số phận của ba mẹ, em mình sẽ ra sao. Với lại mình còn hơn em mình là có sức khỏe, có nhận thức và đầu óc bình thường. Nghĩ đến đó, rồi nghĩ đến lời Phật dạy, em đối diện với từng khó khăn một. Đêm nào em cũng niệm Phật, sám hối nghiệp của gia đình, em tin gieo nhân lành thì sẽ gặt được quả ngọt, đâu ai khổ hoài...”.

Phúc biết là bán hàng rong không bền lâu được, lại ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị nên cũng ao ước trả hết nợ, có số vốn mướn cái sạp nhỏ để bán rau củ nuôi cả nhà. Nhưng có lẽ điều đó còn xa lắm em mới chạm tay tới. Bởi lo cái ăn, cái mặc tươm tất cho ba con người đặc biệt, bệnh tật, ốm đau sống trong ngôi nhà dột còn chưa xong... thì nói gì đến ước mơ trả hết tiền vay bạc nóng. 

phuc.2.JPG


Ngôi nhà chỉ nơi thờ tự là "lành lặn", tất cả đều dột khi mưa về, bão đến - Ảnh: Hạnh Ý

Chúng tôi bước chân ra về trong cơn mưa tầm tã, đó cũng là lúc Phúc dầm mưa, “lên đồ” ra chợ bán. Khi mời hàng mọi người, gương mặt em tươi vui lắm, nhưng chúng tôi biết, ẩn đằng sau đó là những niềm riêng dang dở. Nghĩ đến căn nhà ẩm thấp, bên ngoài thì nước mưa tràn vào, ở trên nóc nhà thì nước mưa ồ ạt đổ xuống; hình ảnh mẹ em thì lấy chổi quét, ba em lấy giẻ lau; nhà loang lổ ướt hết - chỉ trừ bàn thờ kính Đức Phật và ông bà tổ tiên - chỗ ngủ của cả nhà cũng không được ấm áp, vẹn nguyên, chúng tôi cứ ám ảnh mãi không thôi.

Chợt nghĩ đến khoản tiền lãi 300 ngàn chiều nay em phải đóng mà lòng nặng trĩu, đầy ngổn ngang. Không biết em có bán hết hàng trong cơn mưa nặng hạt. Mà nếu không bán hết thì lấy tiền đâu trả nợ, chưa dám nói đến khoản vốn để ngày mai còn tiếp tục cuộc sống mưu sinh...

Đại diện Ban Lao động, Thương binh & Xã hội xã Bảo Vinh, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, bà Đoàn Thị Liễu, cán bộ phụ trách khu vực cho biết: “Hoàn cảnh gia đình em Lê Cảnh Phúc rất khó khăn, cuộc sống bấp bênh, đây là gia đình có sổ hộ nghèo của xã. Hiện tại, một mình em Phúc phải kiếm tiền nuôi ba bệnh tai biến, em gái bệnh down, mẹ sức khỏe cũng yếu và em phải gồng gánh thêm các khoản nợ nần. Mỗi lần ba bệnh, mẹ bệnh, cần đến số tiền lớn, Phúc đều đi vay nợ để lo. Mặc dù hàng tháng ba và em gái của Phúc có nhận được tiền trợ cấp từ chính sách nhưng không đủ trang trải cuộc sống. Gia đình em rất cần được chia sẻ yêu thương”.

Khánh Vy

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày