Hà Nội: Sư giả ngang nhiên "khất thực" tại bến xe

(GNO): Lao động bằng cách giả danh sư để “khất thực” - Lợi dụng niềm tin, sự kính ngưỡng của quần chúng nhân dân đối với đạo Phật là việc làm gây phương hại đến lòng tin của toàn thể tín đồ Phật tử, hành vi này đáng lên án mạnh mẽ và rất cần đến sự ngăn chặn quyết liệt từ phía chính quyền.

SG (2).JPG

Hình ảnh vị "sư" khất thực trên xe buýt

Nhận dạng sư giả

Trưa. Bến xe Mỹ Đình nhộn nhịp hành khách đi lại. Các xe buýt tranh thủ ghé bến đón thêm khách. Chỉ còn khoảng vài phút nữa là tuyến xe Mỹ Đình – Xuân Khanh đến giờ xuất bến, trên gương mặt của mọi hành khách ai nấy đều hiện lên sự mệt mỏi vì cảnh chờ tầu, đợi xe... Một người đàn bà trạc ngoài 50 tuổi đầu trần, mặc bộ đồ nâu sòng, vai khoác đãy (túi pháp) bước lên xe. Cầm chiếc nón lá trên tay, bà ta len lỏi đi vào các hàng ghế để quyên tiền của hành khách....một vài hành khách bắt đầu tỏ vẻ khó chịu khi vị “sư” nọ cứ gí sát chiếc nón mê vào lòng họ không chịu đi và chỉ...lui “gót ngọc” khi thấy những thí chủ chịu bỏ vào chiếc nón mê đó vài ngàn bạc.

Làm ra vẻ không quan tâm đến các sự việc đang diễn ra xung quanh bằng cách cặm cụi đọc báo, tôi kín đáo quan sát và thấy vị “sư” tay trái chắp một cách thành kính để trên ngực, còn tay phải cầm nón đi từ đầu hàng ghế đến cuối hàng ghế một cách chậm rãi và không hề bỏ sót một ai. Chờ vi “sư” chuyển dịch gần tới phía hàng ghế cuối cùng tôi liền lấy máy và nhanh như chớp mọi khoảnh khắc đã được thu vào ống kính. Có lẽ phát hiện có người đang theo dõi mình bởi tiếng tách tách và chùm ánh sáng lóe ra từ chiếc máy chụp hình vị “sư” quay phắt lại, mặt mũi tái mét luống cuống một cách đến tội nghiệp rồi nhanh chân lủi mất.

SG (3).JPG

Vị "sư" đi khất thực từ đầu đến cuối các hàng ghế

Nhờ người trông dùm hành lý tôi vội bước xuống xe để xem “hoạt động”của vị “sư” diễn ra như thế nào. Thế nhưng, giữa dòng người đông đúc ngược xuôi bóng dáng của “sư” dường như khuất dạng. Lân la bắt chuyện cánh xe ôm và những người bán hàng rong tôi được biết rằng chuyện này xảy ra như cơm bữa, hầu như ngày nào “sư” đó cũng có mặt ngoại trừ những ngày mưa gió. Bà T - Một người dân bán hàng nước trong bến xe cho biết: “Ban đầu họ tưởng đó là những vị sư ở các chùa quê nghèo ra Hà Nội để quyên góp tiền xây dựng chùa chiền nên ai cũng động lòng trắc ẩn và phát tâm cúng dường không nhiều thì ít. Sau, thấy ngày nào cũng có mặt và biết đó là sư giả nên không ai bảo ai mọi người đều lánh xa, chỉ có khách thập phương là không biết thôi chứ người dân ở quanh khu vực đây nhẵn mặt hết rồi”. Tôi thắc mắc “Thế công an, bảo vệ ở đây không bắt à”, Anh H chạy xe ôm nói như bủi môi: “Công an, bảo vệ nào mà đi canh với bắt, ban đầu có nhắc nhở xong đâu lại đóng đấy, vả lại họ cũng khôn ngoan lắm thấy bóng dáng công an là lẩn như trạch nên nhắc nhở mãi cũng chán”.

...Và đôi điều suy ngẫm

Xe chạy. Tôi leo lên xe và lòng ngổn ngang những trăn trở không thể gọi thành tên. Với tần suất 15- 20’ phút một chuyến xuất bến, một ngày biết bao chuyến xe đến và đi, chỉ cần “làm ăn” khoảng 10 chuyến là vị Sư nọ đã có trong tay ít nhất từ 100 đến 200 ngàn đồng, một con số không hề nhỏ mà lại không hề phải bỏ vốn để đầu tư...

Vẫn biết rằng, đấu tranh để sinh tồn là công cuộc đấu tranh lớn trong lịch sử hình thành và phát triển nhân loại, biết bao người vì miếng cơm, manh áo vì sự sống còn của mình mà phải lao tâm, khổ tứ, gây bao ác nghiệp sâu dày, chịu cảnh tù đày khổ ải... “Nước mắt của chúng sinh từ vô thủy đến nay nhiều hơn nước bể” đó là dụng pháp so sánh mà Đức Phật đã diễn tả để chỉ cho sự khổ đau của chúng sinh ở cõi Ta bà. Thế nhưng, lao động bằng cách giả danh sư để “khất thực” - Lợi dụng niềm tin, sự kính ngưỡng của quần chúng nhân dân đối với đạo Phật là việc làm gây phương hại đến lòng tin của toàn thể tín đồ Phật tử, hành vi này đáng lên án mạnh mẽ và rất cần đến sự ngăn chặn quyết liệt từ phía chính quyền.

SG (1).JPG

Chân dung vị "sư" đi khất thực

Cứ nghĩ đến hình ảnh vị sư giả nọ sau khi đã “khất thực” đủ đầy sẽ trút bỏ tấm áo nâu sồng rồi cùng “tập đoàn” của mình hả hê cười, nói bên những ly bia sủi bọt, những món ăn thơm phức đắt tiền như hàng loạt phóng sự ảnh mà báo chí đã đăng tải trong thời gian vừa qua khiến người viết quặn lòng đau xót. Trong khi biết bao trẻ em không hề có được tuổi thơ đẹp đẽ, không hề biết đến cánh diều, trang vở trắng thơm đã phải quăng mình vào chốn phồn hoa đô hội đầy cạm bẫy để đánh giầy, bán báo hòng kiếm chút cơm, manh áo sống qua ngày. Trong khi người dân cả nước vẫn chưa nguôi nỗi tiếc thương cho các nạn nhân xấu số vì mưu sinh mà phải tan xương, nát thịt bởi trận sập hầm đào vàng tại Quảng Nam vừa qua thì người phụ nữ nọ cứ thản nhiên ung dung kiếm sống bằng màu cờ, sắc áo giải thoát của đạo Phật, của Đức Phật.

Việc làm đó không chỉ gây ảnh hưởng xấu, làm méo mó, sai lệch đi sự quan niệm, nhận thức, suy nghĩ trong lòng tín đồ Phật tử mà nó còn xúc phạm đến những người lao động chân chính. Đã đến lúc rất cần các nhà chức trách cùng quần chúng nhân dân vào cuộc ngăn chặn hành động “khất thực” phi pháp này !

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày