Hằng tin tưởng thế hệ kế thừa trong lý tưởng phụng sự cuộc sống nhân sinh

Giác Ngộ - Ba thập niên qua, các hệ phái Phật giáo đã hòa hợp trong sinh hoạt Phật sự, sống trong đạo tình an vui, thanh tịnh dưới sự lãnh đạo của GHPGVN. Đó là nhờ ngay từ ngày đầu thành lập GHPGVN, chúng ta đã đề ra những nguyên tắc hoạt động phù hợp xu thế phát triển, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử của tất cả các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam

Trong suốt 3 thập niên qua, GHPGVN luôn phát triển bền vững, tiến trình đó luôn tuân thủ Hiến chương GHPGVN và luôn tôn trọng, duy trì những pháp môn tu học của các hệ phái trong một tổ chức duy nhất - GHPGVN.

Bước ngoặt cho một “ngôi nhà” hòa hợp

Su GT.jpg

  Sau khi hòa bình được lập lại, tất cả mọi người đều đặt niềm tin sống trong giai đoạn mới của bước ngoặt lịch sử, các hệ phái Phật giáo Việt Nam được thành lập trước đó cũng hòa mình chào đón thời kỳ độc lập tự chủ của đất nước. 

Về mặt Nhà nước, các cơ quan đều có sự kết hợp thống nhất với nhau, MTTQ VN ở hai miền Nam - Bắc cũng đã thống nhất làm một. 

Từ điều kiện khách quan này, các vị tôn túc lãnh đạo các hệ phái Phật giáo Việt Nam cũng ngồi lại với nhau cùng chung một mục đích thống nhất Phật giáo trong ngôi nhà chung.

Về mặt chủ quan, tự bản thân các hệ phái Phật giáo Việt Nam cũng nhận thấy cần đoàn kết lại hợp thành một nhà. Do đó, T.Ư MTTQVN đã có thư mời chư tôn túc lãnh đạo các hệ phái Phật giáo ở 3 miền đến bàn bạc, lên kế hoạch thống nhất Phật giáo tại văn phòng Ủy ban T.Ư MTTQVN tại TP.HCM vào năm 1980. Lúc đó có 20 vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni sư, cư sĩ tiêu biểu của 3 miền Bắc- Trung- Nam. 

Hai ngày họp bàn đã thống nhất cử Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam do nhị vị: HT.Thích Đức Nhuận, HT.Thích Đôn Hậu làm Cố vấn chứng minh và suy cử HT.Thích Trí Thủ làm Trưởng ban.

Khoảnh khắc lịch sử

2.jpg

"Thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động... " được xem là cốt tủy, là sợi dây đỏ xuyên suốt của công cuộc thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981

".... Chừng nào các vị còn hội họp trong tinh thần đoàn kết, làm việc trong tinh thần đoàn kết và giải tán trong tinh thần đoàn kết, chừng đó chúng tỳ kheo còn hưng thịnh, không bị suy giảm..."

(Kinh Đại Bát Niết Bàn)

 

Khi thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam đã đề ra hoạt động theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động nhưng các pháp môn tu học đúng Chánh pháp của các hệ phái đều được tôn trọng, duy trì. Điều này đã tạo được sự đồng thuận, an tâm của tất cả chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử các hệ phái Phật giáo Việt Nam .

Cơ duyên hội đủ, Hội nghị đại biểu lần thứ I diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ (TP.Hà Nội), chư tôn đức giáo phẩm các hệ phái Phật giáo Việt Nam đã nhất trí thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tổ chức đã hoàn thiện về mặt nhân sự, các ban ngành viện được thành lập theo Hiến chương của GHPGVN. 

Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử các hệ phái Phật giáo Việt Nam đón mừng sự kiện này rất hoan hỷ. Và trong suốt 30 năm phát triển, GHPGVN luôn tuân thủ hoạt động theo nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động nhưng các pháp môn tu học của từng hệ phái vẫn được tôn trọng, giữ gìn và duy trì cho đến hôm nay. Trong sự phát triển cân đối giữa Phật giáo ba miền, đời sống tu tập của Tăng Ni, Phật tử được đồng thuận, an hòa và thanh tịnh đã minh chứng nguyên tắc này là hoàn toàn hợp lý.

Sự kiện thành lập GHPGVN là một bước ngoặt trọng đại cho một tôn giáo tôn trọng tình thương và sự hòa hợp. Ban đầu chúng tôi thấy đất nước hòa bình, độc lập là niềm vui chung, đồng thời lại cũng rất phù hợp với phương châm định hướng của Tổ sư Minh Đăng Quang: “Nên tập sống chung tu học, cái sống thì phải sống chung, cái biết thì phải học chung, và cái linh thì phải tu chung”.

Sau khi GHPGVN thành lập, cá nhân tôi cũng như huynh đệ Tăng Ni trong hệ phái được sống gần gũi với chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và các hệ phái: HT.Thích Trí Thủ, HT.Thích Trí Tịnh, HT.Thích Minh Châu, HT.Thích Đức Nhuận, HT.Thích Đôn Hậu, HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Bửu Ý, HT.Thích Giới Nghiêm, HT.Châu Mum,… đó là sự gần gũi đạo tình, niềm an vui luôn được tăng trưởng. 

Sau này, chư tôn đức giáo phẩm sáng lập GHPGVN lần lượt viên tịch nhưng ân đức của các ngài vẫn ảnh hưởng đến sự hòa hợp, gắn kết thuần thục giữa các hệ phái trong GHPGVN. Các vị lãnh đạo kế thừa luôn lấy đó làm điểm tựa để tiếp tục phát huy, giữ vững một Giáo hội tuân thủ với Hiến chương,  nguyên tắc, sinh hoạt nề nếp, đạo tình của người xuất gia cũng như tại gia ngày càng tốt đẹp. Nhìn lại quá trình phát triển của GHPGVN 30 năm qua, thì nguyên tắc đó chính là nền tảng cho sự thành tựu bền vững lâu dài.

Kỳ vọng vào thế hệ Tăng Ni trẻ

GHPGVN ra đời là sự đoàn kết, hòa hợp và thống nhất tự nguyện của tất cả các tổ chức, hệ phái Phật giáo tại Việt Nam . Sáu nhiệm kỳ đã qua, các hệ phái PGVN sống trong tình hòa hợp dưới sự lãnh đạo của GHPGVN, 3 thập niên qua Phật giáo phát triển trên mọi phương diện, đặc biệt là đời sống của Tăng Ni, Phật tử được củng cố và tăng trưởng. 

Các ban ngành viện hoạt động ngày càng gắn kết bền chặt, kế thừa truyền thống và phát huy những thế mạnh về sự hòa hợp, nhất trí, đồng thuận cao để cùng chung tay xây dựng ngôi nhà Giáo hội. Chư tôn đức lãnh đạo các thời kỳ từ Trung ương đến địa phương luôn tuân theo Hiến chương, giữ vững, phát huy truyền thống nhập thế, đồng hành cùng dân tộc; xây dựng, trưởng dưỡng đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội.

cầu nguyện hoà bình tại đại lễ phật đản LHQ.JPG
GHPGVN đã có những bước hoàn thiện về mặt cơ cấu,
tổ chức và nội dung phát triển- Ảnh Giác Thông

Hiện nay, GHPGVN đã có những bước hoàn thiện về mặt cơ cấu, tổ chức và nội dung phát triển. Nhưng làm thế nào để đáp ứng cho được ước vọng của đa số Tăng Ni, Phật tử và cập nhật tương ứng xu thế phát triển của xã hội. 

Một người lãnh đạo Giáo hội cần được xác lập bởi giới đức, tâm đức và tuệ đức; có năng lực thực sự về nội điển và ngoại điển để mọi Tăng Ni, Phật tử đều thật sự hướng về Giáo hội bằng tấm lòng kính ngưỡng, quý mến; có năng lực quản lý, dung hòa các mối quan hệ đạo - đời, đủ bản lĩnh, đại diện tiêu biểu cho Tăng Ni, Phật tử trong thời đại đất nước và thế giới phát triển văn minh, khoa học.

Đặc biệt, Giáo hội cần quan tâm thúc đẩy các lĩnh vực như: Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, nghi lễ, từ thiện-xã hội, kinh tế-tài chánh… để  giúp cho Tăng Ni, Phật tử có trách nhiệm, có điều kiện tốt nhất để tự hoàn thiện trong đời sống tu học và kỹ năng hoạt động, góp phần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc ngày thêm gắn kết và hiệu quả.

Đất nước hòa bình, độc lập đến nay đã hơn 36 năm (1975-2011). GHPGVN được thành lập nay cũng gần tròn 30 năm (1981-2011). Thực tế cuộc sống đã chứng minh, dòng đời luôn đi tới.

Những chủ trương, những định hướng tốt của mỗi giai đoạn cộng với những nhân tố, những con người tốt, tích cực dấn thân phụng sự nhất định sẽ là những dấu ấn thành tựu thiết thực lưu lại, tồn tại hiện hữu trước dòng thời gian. Đồng thời, những điều xấu quấy, giả tạo không thiết thực và những con người không tích cực, ích kỷ, tỵ hiềm… nhất định cũng sẽ trôi lăn theo dòng nhân quả, chìm lặng theo bóng thời gian.

Rất mong mỗi nhiệm kỳ, mỗi giai đoạn, Giáo hội và các ban, ngành, viện… sẽ có những chủ trương, định hướng thích nghi với xu hướng phát triển…, đầu tư và tạo môi trường tốt nhất giúp cho thế hệ Tăng Ni, Phật tử trẻ luôn nỗ lực tu học và tích cực dấn thân phụng sự nhân sinh hiệu quả hơn theo truyền thống và sứ mạng thiêng liêng. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày