Hành điệu hồi nớ, cực mà vui...

Hành điệu hồi nớ, cực mà vui...
Giác Ngộ - Huế đang chịu cơn rét buốt chưa bao giờ có, mặc bao nhiêu áo cũng thấy người run lên, ngồi trong phòng kín mấy cũng chẳng thấy ấm. Trong cơn rét buốt "cắt da, cắt thịt" như thế này, ngồi nhớ lại những mùa lạnh của thời "quá độ" hành điệu cách đây gần 30 năm tự dưng lòng ấm lạ kỳ...

Thời chúng tôi hành điệu khoảng những năm đầu thập niên 70, 80 của thế kỷ trước (thế kỷ XX). Thời điểm mà đời sống của hầu hết chùa Huế đều rất thiếu thốn, chỉ những ngôi chùa lớn, danh tiếng mới có đời sống hơi hơi sung túc một chút, mỗi bữa có đủ cơm ăn no, mùa mưa lạnh có đủ áo mặc ấm... Còn những ngôi chùa nhỏ như chùa tôi thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.

Tôi nhớ có những năm trời rét, lạnh cắt da, lạnh đến nỗi mà mỗi buổi khuya dậy rửa mặt để thỉnh chuông U minh và đi công phu nước "cắn" rát da mặt… Chúng tôi được dì vãi mua cho mỗi điệu mấy cái bao tải gai, cái thì xẻ ra nối với nhau làm mền để đắp, còn hai cái thì tháo đít nối với nhau để độn rơm khô vào làm nệm trải nằm ngủ cho ấm, thế mà vui lắm, hí hửng viết thư về khoe ba mẹ: "Ba mẹ ơi! Bữa ni con có nệm rơm ngủ ấm lắm, ba mẹ mừng cho con nghe". Nhiều lúc ấm quá, ngủ quên cả giờ thỉnh chuông bị thầy la rầy và có khi ăn đòn giữa đêm khuya, thế nhưng vẫn vui...

Mỗi ngày, mặc cho trời có giá lạnh đến mấy, từ sáng đến tối chân bùn tay lấm, lăn lộn với sáu, bảy sào ruộng, hết làm cỏ, lại đắp bờ, bơm thuốc, đội phân… Nói chung là chúng điệu chúng tôi ít có thời gian để nghỉ ngơi mà phải lao động. Thầy tôi nói: "Nhất nhật bất tác thì nhất nhật bất thực" (mỗi ngày không làm thì mỗi ngày không ăn). Trời thì lạnh mà ăn không no đã ám ảnh chúng tôi rồi, còn không ăn nữa thì… có mà chết. Do vậy, cực mấy, lạnh mấy cũng phải lo mà làm. Chùa chỉ có 2-3 điệu, điệu mô điệu nấy nhỏ teo teo, đâu có to lớn gì, mà việc thì sao mà nhiều quá. Ngày này làm hết cứ nghĩ rằng ngày mai chắc hết việc, chắc được nghỉ nhưng thầy tôi mỗi ngày nghĩ ra mỗi việc để giao chúng tôi làm. Ai đến thăm chùa đều thương chúng tôi khổ cực mà động viên "mấy điệu cố gắng lên, chừ cực thì sau này sướng". Chúng tôi không biết sướng cực là thế nào, chỉ biết đi tu thì phải chịu khổ luyện như lời cha mẹ chúng tôi khuyên trước khi đưa chúng tôi vào chùa thôi.

Đang làm việc, mà điệu mô được thầy gọi vô rửa chân tay lên cúng ngọ là mừng lắm. Nhiều lúc mệt đến bở hơi tai, mệt đến hụt hơi nhưng trong lòng thì luôn rạo rực chờ đợi đến giờ Ngọ để được nghỉ sớm, bởi ít nhất cũng được nghỉ sớm hơn mấy điệu khác nửa giờ. Chùa chỉ có hai, ba điệu nên thầy chia luân phiên một điệu cúng ngọ một tuần, tuần nào gặp nhiều việc nặng mà trúng phải phiên cúng ngọ thì thôi… mừng rơn. Mỗi khi nghỉ để vào cúng ngọ có điệu còn quay đầu lại háy háy mắt mấy cái với các điệu phải tiếp tục làm việc trong cái giá lạnh mà bụng thì cồn cào đói lơ đói lửng…

Đời sống kinh tế chùa nghèo nên những bữa ăn của chúng tôi ngày ấy nhiều hôm chỉ có thố cơm, đĩa rau muống luộc và tô nước rau thôi! Năm khi mười bữa mới có vài lát đậu khuôn (tàu hủ) kho tươi là "sang" lắm. Món ăn chủ yếu của mấy điệu là cơm với nước tương, mà nước tương thì được "chế biến" mặn chát, thầy thường động viên "phải khổ cực như ri mới thấm tương, mới được làm thầy!". Làm lụng cực khổ, đói lắc lơ mà khi ngồi vào bàn ăn nhìn thức ăn muốn chảy nước mắt. Đã thế còn thiếu thốn, chưa ăn đã hết, mấy điệu còn giành nhau đến tô cháo thánh.

Mỗi ngày các điệu chỉ có thời gian để học hành sau thời Tịnh độ, thế mà điệu nào cũng lo học, nhiều lúc học đến 11, 12 giờ đêm mới đi ngủ. Ngày nào như ngày nấy, điệu nào cũng học hành đàng hoàng, cuối năm cuối tháng đem bằng khen về khoe với thầy.

Thời buổi cơ hàn là thế nhưng tình thầy trò cao quý lắm, tâm tâm ấn ấn, thầy nói trò nghe, trò thì nhất cử nhất động đều "đương tiên bạch sư" đúng như trong luật Oai nghi dạy.

Và cũng vì cực nên thấy cái gì cũng hiếm, cái gì cũng quý, nên dù rất cực nhưng vẫn rất vui và vì thế mà niềm vui càng lớn, càng quý. Tôi còn nhớ khi đứng hầu quý ôn, quý thầy, chúng tôi được quý ôn, quý thầy đút cho miếng rau, lát chao (cho đỡ thèm) chúng tôi mừng vì đã nhận được một tình thương vô bờ, lòng thấy vui sướng vô cùng...

Thế mới biết, khi đã tạo được tình cảm tâm ấn với chùa, với Phật, với quý ôn, quý thầy, quý chú trong chùa thì dù có cực mấy cũng thấy vui, thấy một niềm an lạc tràn trề...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày