GN - Vừa qua, rất nhiều ý kiến gởi tới tòa soạn, phản ánh về việc nạn giả sư khất thực phi pháp tràn lan trở lại ở nhiều tỉnh thành.
Nạn giả trang tu sĩ Phật giáo (giả sư) cũng đã được đặt ra tại phiên họp giao ban giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN với Ban Trị sự các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ đầu tháng Tư vừa qua tại Văn phòng Thường trực phía Nam - thiền viện Quảng Đức, TP.Hồ Chí Minh.
Sư giả giữa phố - Ảnh: NLĐ
Trong nội dung trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ, HT.Thích Giác Quang, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự PG tỉnh Đồng Nai cũng đã đề cập đến vấn nạn này, hiện vẫn là một sự nhức nhối chưa có giải pháp chấm dứt, ít ra là trên địa bàn tỉnh nhà.
Với các biện pháp đã thực hiện trước đây, như ra văn bản, thông báo; làm việc với các cơ quan chức năng…, sau đó chỉ một vài vụ việc mang tính lẻ tẻ được giải quyết, nạn giả sư tạm lắng đi, nhưng tình hình rồi đâu lại vào đó.
Vấn nạn giả sư ngày càng biến tướng, không chỉ đi khất thực phi pháp, mà còn mạo danh xây chùa tạo tượng, làm từ thiện…, đến các tư gia Phật tử quyên góp, bán nhang, xem bói…
Một số cơ quan báo chí, truyền hình như VTC, Thanh Niên… đã từng thực hiện các phóng sự về hành vi của những kẻ lười biếng lao động, kiếm tiền bằng việc giả sư, lợi dụng tình cảm tôn giáo của người dân đối với đạo Phật.
Có một số clip do người dân quay được, đăng trên các trang mạng về hình ảnh của một kẻ giả sư với hành động và lời ăn tiếng nói hết sức thô lậu giữa chốn đông người. Nhiều ý kiến phản hồi, nhân đó chỉ trích đạo Phật, phê phán người tu sĩ Phật giáo một cách ác ý.
Gần đây, trên một số trang mạng Phật giáo cũng đã đăng tải bài viết về nạn giả sư xin ăn phản cảm ở một số ngôi chùa trong thành phố và các tỉnh thành lân cận.
Nếu chúng ta đi đến các chùa có đông Phật tử đến lễ Phật dâng hương vào các ngày mùng một hay rằm âm lịch hàng tháng, hoặc các ngày lễ lớn, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh một số người khoác trên mình y phục tu sĩ, phần nhiều là pháp phục của hệ phái Khất sĩ, ôm bình bát đứng trước chùa, thậm chí ngay trong sân chùa. Nhiều Phật tử, khách thập phương vẫn bỏ tiền vào bình bát một cách kính cẩn mà không hề biết đó là kẻ giả sư làm việc phi pháp.
Đó là chưa kể đến nạn giả danh tu sĩ đến dự các pháp hội, lễ kỵ ở nhiều chùa, tịnh xá... thường được gọi là “tăng-đồ-lô”. Nhiều người biết, nhưng không thể ngăn cản, vì ngại sự phiền phức, ngại mất trang nghiêm của buổi lễ, không thể đôi co to tiếng qua lại với họ, nên đành chấp nhận và có giải pháp thỏa hiệp.
Rõ ràng, vấn nạn giả sư với các biến tướng của nó đã ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng đoàn nói riêng và Phật giáo nói chung. Vấn nạn này, phóng viên Báo Giác Ngộ cũng đã từng có các bài phóng sự cảnh báo. Giáo hội cũng đã ra nhiều văn bản, trong đó có cả việc đề nghị các hệ phái tạm ngưng khất thực…, nhưng hiện tượng chỉ tạm lắng đi, rồi lại rộ lên; lắng chỗ này thì giạt sang nơi khác.
Đây có thể nói là một khe hở trong việc quản lý Tăng Ni, là chỗ để những kẻ lười biếng lao động lợi dụng kiếm tiền. Mong rằng, Giáo hội, đặc biệt là ngành Tăng sự quan tâm tới vấn nạn này, và có những chương trình liên kết với các cơ quan chức năng nhằm sớm chấm dứt vấn nạn đó, làm thanh sạch hình ảnh cao quý của Tăng đoàn - tập thể những người từ bỏ đời sống thế tục sống với chí hướng cao thượng.