NSGN - Nghịch
lý giàu nghèo ở những nước theo Phật giáo
Trước đây rất
lâu, từ những năm 1930, người ta đã chất vấn, phê phán rằng những người theo Phật
giáo không biết làm giàu. Cụ thể trên tờ Viên Âm, cụ Tâm Minh phải phản bác lại
quan điểm cho rằng những nước theo Phật giáo đều nghèo. Ngay trong hàng ngũ cư
sĩ Phật giáo, có người cho rằng vai trò phát triển kinh tế ở các Á châu nếu có
là vai trò của Khổng giáo hơn là Phật giáo. Tự hào về tinh thần quốc gia và
truyền thống văn hóa có thể là động lực đánh thức mấy con rồng Á châu, và Lý
Quang Diệu từng dùng “giá trị Á châu” để biện minh cho những biện pháp cai trị
bằng bàn tay sắt bọc nhung ở Singapore.

Vẻ đẹp của vương quốc Phật giáo Bhutan - đất nước hạnh phúc nhất thế giới
Theo GS.Cao Huy Thuần, Phật giáo chỉ
dành cho những người nào biết nghĩ đến mùa màng ngày mai, góp phần làm tươi tốt
xã hội hơn là phát triển vật chất. Người ta quan niệm rằng kinh tế xã hội hay
kinh tế thị trường giống nhau ở chỗ là cả hai đều khuyến khích và cổ vũ tích lũy
tài sản cá nhân hoặc quốc gia. Tham lam là điều tốt (Greed is good) và “mánh
mung” là công bằng (Foul is fair)(1) là phương châm hành động. Như
Schumpeter khuyến cáo, những ai muốn bước qua ngưỡng cửa kinh tế phải bỏ lại
tình nghĩa, đạo đức bên ngoài. Tôn giáo và đạo đức chỉ ngăn trở sự phát triển
kinh tế, chớ chẳng có ích lợi gì! Hơn nữa con người ít ai biết tri túc hay thiểu
dục, hay quyết liệt hơn, diệt dục như trong đạo Phật. Thậm chí các nhà kinh tế
cho rằng kinh tế Phật giáo là cụm từ gượng ép và lạc điệu(2). Trên bình diện quốc gia, các nước
theo Phật giáo như ba nước Đông Dương, Miến Điện, Tích Lan đều là những nước
nghèo. Kinh tế Thái Lan mới phát triển gần đây và kinh tế phát triển với cái
giá hy sinh phần nào đạo đức và phẩm hạnh
phụ nữ, một hiện tượng mà cư sĩ lãnh đạo
phong trào nhập thế ở Thái, Sulak Sivaraksa, gọi là từ Hoa sen đến Bàn tay của
quỷ. Nhật Bản là nước giàu có từ sau thế chiến, nhờ đầu tư của Mỹ, và có người
cho rằng nhờ tinh thần quốc gia hun đúc từ Thần Đạo, còn Đại Hàn phát triển được
có lẽ nhờ viện trợ Mỹ và trải qua nhiều thập niên dưới sự cai trị chuyên chế
theo kỷ luật quân sự, và có lẽ nhờ tinh thần tranh đua ráo riết với Nhật.
Đức Phật nói gì về một xã hội sung túc?
Đức Phật không
phải là không để ý việc tạo dựng một xã hội sung túc. Trong kinh Cakkavatti
Sihananda (Chuyển Luân Thánh vương sư tử hống, Trường bộ), Ðức Phật nói rằng
sự hung ác và tội phạm, như ăn cắp, lường gạt, bạo lực, thù ghét, bạo tàn, v.v.
đều bắt nguồn từ nghèo khó. Quốc vương và triều đình có thể dùng sự trừng phạt
để kiềm chế tội phạm, nhưng không bao giờ có thể tiêu trừ các tội phạm bằng quyền
lực của mình.
Trong kinh Kutadanta
(Cứu-la-đàn-đầu, Trường bộ), Ðức Phật chủ trương phát triển kinh tế, thay vì
dùng quyền lực, để xóa giảm tội phạm. Triều đình phải biết sử dụng các nguồn
tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế trong nước. Họ phải biết phát triển
nông nghiệp ở thôn quê, trợ giúp giới buôn bán, cung cấp lương bổng đầy đủ cho
công nhân để bảo đảm một đời sống tốt có nhân phẩm.
Trong kinh Bổn
sanh (Jakata), Ðức Phật có đưa ra 10 nguyên tắc của một chính quyền tốt, gọi
là “Thập vương pháp” (Dasa raja dhamma). Mười nguyên tắc này vẫn có thể
áp dụng trong thời đại ngày nay cho bất cứ một chính quyền nào, để quản trị xứ
sở một cách hài hòa. Ðó là:
1. Phải cởi mở và không ích kỷ;
2. Duy trì đạo
đức cao;
3. Sẵn sàng hy
sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho an sinh của dân chúng;
4. Phải thành
thật và ngay thẳng;
5. Phải dịu
dàng và giàu lòng nhân ái;
6. Phải sống giản
dị để làm gương cho dân chúng;
7. Phải vượt
lên trên mọi hận thù;
8. Biết áp dụng
tinh thần bất bạo động;
9. Biết nhẫn nại;
10. Tôn trọng ý
kiến dân chúng, và biết phát triển sự hòa bình và hòa hợp.
Nếu vị quốc
vương ấy cai trị xấu, người dân sẽ than phiền rằng họ đang bị phá hoại bởi một
vị lãnh đạo xấu vì các chính sách hà khắc, nhũng lạm, bất công, sưu cao thuế nặng,
và do đó, dân chúng sẽ có phản ứng chống lại vị vua ấy. Ngược lại, nếu vị vua
cai trị tốt, thì dân chúng sẽ chúc tụng: “Cầu xin cho quốc vương của chúng tôi
được trường thọ”.
Lời dạy của Ðức Phật về các bổn phận đạo đức của
vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân, đã giúp cho vua A Dục
(Asoka), vào thế kỷ III trước Tây lịch, cai trị đất nước. Ông đã sống và thực
hành Chánh pháp cùng với tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông quảng
bá chính sách bất bạo động đến các vương quốc lân cận, cam kết các thiện ý của
ông, và gửi sứ giả đi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình và bất bạo động.
Ông cổ võ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ
bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ, không hoang phí, không chiếm đoạt, và không
gây sát hại cho mọi loài vật. Ông khuyến khích tự do tôn giáo và bình đẳng
tương kính giữa mọi đức tin. Ông thường du hành thuyết giảng đạo pháp đến người
dân ở tận thôn quê. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp
thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng, các công trình thủy lợi, và nhà tạm
trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.
Có
hay không một nền kinh tế Phật giáo?
Một nhà kinh tế
Anh gốc Đức, Erns Friedric Schumacher, đã nhìn thấy tiềm năng của đạo Phật
trong phát triển kinh tế. Ông đã xuất bản tác phẩm “Small is Beautiful: A
Study of Economics as if People Mattered”(3).
Có người mạnh dạn cho rằng đó là Tuyên ngôn kinh tế Phật giáo của người Phật tử.
Schumacher nhấn mạnh rằng ông không phải là Phật tử và nói rằng tư tưởng của Đức
Phật đã có sẵn, nên ông chỉ muốn rút ra một vài nguyên tắc để biện chính cho những
nhận xét của ông về trào lưu kinh tế hiện đại.
Schumacher cho rằng các nhà kinh tế thường bị mắc
bệnh "mù loà thần học" không chịu nhìn nhận là, ở phía sau mỗi mô thức
hay lý thuyết kinh tế đều có giả định siêu hình, như ẩn dụ mà Gandhi đã dùng
trong khi đề cập đến chính trị. Siêu hình kinh tế cũng giống như con rắn quấn
quanh mình chúng ta, muốn tránh cũng không tránh được. Đó cũng là lý do tại sao
Schumacher nói Tây phương có thần học Tin Lành, nên họ có nền kinh tế tư bản.
Còn các nước theo Phật giáo, lẽ ra cũng phải có một nền kinh tế tương ứng, lại
cứ nhắm mắt chạy theo "đại thần chú" kinh tế thị trường. Thông thường
thể chế chính trị được nối kết với mô thức kinh tế: dân chủ-tư bản, xã hội chủ
nghĩa-kinh tế chỉ huy. Nhưng khi xét đến lịch sử kinh tế từ Marx đến Keynes,
qua Samuelson, ngay cả đến các "tổ sư" kinh tế thị trường ở Đại học
Chicago, chúng ta thấy sự liên hệ kinh tế-chính trị không đơn giản như vậy
Khi Wangchuck đăng quang quốc vương Bhutan và tuyên
bố là ông quan tâm đến Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH), nhiều người chế giễu vì tổng
GNP của Bhutan chỉ là 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên tờ Time số ngày 18 tháng 1
năm 2005 cho biết tổ chức New Economic Foundation thúc đẩy việc thiết lập chỉ số
an lạc (Well-being index) gồm thêm những yếu tố khác như mức độ hài lòng, tin cậy
và tham dự của dân chúng vào các chánh sách công quyền. Thủ tướng Anh Tony
Blair là người đầu tiên áp dụng chỉ số này. Phát ngôn viên của nhóm NEF cho biết
các chính phủ Pháp, Đức, Hòa Lan cũng đang xem xét. Schumacher cho rằng chi phần
Chánh mạng trong con đường Bát Chánh đạo là khởi điểm cho những suy nghĩ của
ông về một mô thức kinh tế Phật giáo. Thời Đức Phật còn tại thế, kinh tế còn
đơn giản, và Ngài đã khuyến cáo đệ tử không nên làm các nghề không chính đáng
như bán vũ khí, bán rượu và buôn người. Trong nhiều đoạn kinh khác, Đức Phật
còn đưa các lời khuyên cụ thể làm thế nào để sống một cuộc đời thanh bạch hạnh
phúc. Đức Phật xem tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện để chúng ta có điều kiện
tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát tâm linh. Các nhà kinh tế biện chứng
như Marx và giới thần học Tin Lành, hay các nhà kinh tế thị trường, cho rằng sự
sung túc vật chất trong đời sống cá nhân hay quốc gia có thể đem đến hạnh phúc
cá nhân hay hòa bình thế giới. Theo đạo Phật khi thân tâm không an lạc, dù giàu
có đến mức nào, chúng ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Đời sống tại các nước
giàu nhất hiện nay cho thấy rằng sự giàu có không đồng nghĩa với hạnh phúc. Những
nước có chỉ số an sinh cao nhất không phải là Mỹ, mà là Bhutan với GNP khá thấp,
hay các quốc gia Bắc Âu và Tây Âu, trong đó GNP mỗi đầu người chỉ bằng 2/3 của
Mỹ. Khi kinh tế định chế (Institutional economic) được các nhà kinh tế đề cập,
nhiều ý tưởng của Schumacher về đạo đức, văn hóa và tôn giáo bắt đầu đóng vai
trò quan trọng trong phân tích hoạt động kinh tế. “Có những quốc gia ‘âm thầm’
thực hiện lý tưởng xã hội như các quốc gia Bắc Âu và trong một chừng mực nào
đó, hệ thống an sinh của các quốc gia Tây Âu, là những mô thức mà Việt Nam có
thể học hỏi và thực hiện "định hướng xã hội chủ nghĩa". Phát triển
cho nước giàu dân mạnh là một điều cần phải làm trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện
nay, nhưng sứ mệnh của nhà nước là "Công Bình Xã Hội". Cần phải có
chính sách để những người hiện còn sống với thu nhập 1, 2 hay 3 đồng đô-la Mỹ một
ngày, theo như định nghĩa người cùng đinh của Liên Hiệp Quốc, cải thiện thu nhập
nếu không cũng phải có một mạng lưới an sinh an toàn cho những thành phần này”(4).
Về vấn đề giảm thiểu nghèo đói
Để làm việc này, chúng ta cần xây dựng xã hội bền
vững. Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước: cần phải phục hưng Phật
giáo. Bởi lẽ: “Xã hội Phật giáo là một xã hội để phục vụ con người chứ không
phải để bóc lột con người; một xã hội để giải phóng con người chứ không phải để
ràng buộc con người; một xã hội đem lại sự diệt khổ chứ không tạo ra đau khổ
miên trường; một xã hội giúp con người thực hiện Phật tâm của mình vượt ra
ngoài các trở ngại chứ không phải để dồn con người vào sự hoại vong, không đường
gỡ. Xã hội, quan niệm theo tinh thần Phật giáo, phải giúp con người hướng lên
vào tâm linh, tiến dần lên đến sự minh mẫn trong trí tuệ, sự hân hoan với thiện
pháp, với tự do trong tâm hồn, sự siêu thoát
đối với cái vô thường trong cảnh giới(5).
Thế nên, một nền kinh tế theo chủ trương Phật giáo
trước tiên phải lo giải quyết những nhu cầu căn bản, đói rét, cơm áo, bệnh tật,
nhu cầu giáo dục, trường học và công ăn việc làm cho người dân. Đó là những điều
kiện tối thiểu cho sự giải phóng con người trong xã hội, tạo những điều kiện vật
chất của tự do tâm linh.
Nói cách khác,
xã hội Phật giáo là xã hội theo nguyên lý Trung đạo. Nền kinh tế trong xã hội
đó buộc mỗi người làm việc theo chí hướng và khả năng, và đóng góp việc làm vào
sự lợi ích chung. Nhưng ngược lại, nhà nước phải đảm bảo được cơm áo và những
điều kiện cần thiết để sinh hoạt một cách đồng đều cho toàn thể. Nói cách khác,
Trung đạo là con đường nhân bản. Trung đạo là con đường để phục vụ, để dẫn dắt
con người hướng lên trong tinh thần và trí
tuệ.
Trung đạo không
phải là một con đường đòi hỏi và khó khăn mà chỉ hướng đến một xã hội có một mức
sống tối thiểu mà xã hội văn minh phải thực hiện cho toàn dân. Trong cùng một
nước, người dân ở một mảnh đất hoang lại cũng có quyền có một mức sống tối thiểu
ngang với người dân ở miền châu thổ phì nhiêu vì cả hai đều làm việc.
Thu hẹp bất bình đẳng
Vấn đề bất bình
đẳng thu nhập dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội là mối quan tâm lớn của nhiều
nước phát triển. Vì bất bình đẳng thu nhập sẽ dẫn đến các vấn đề của xã hội như
tỷ lệ thất nghiệp tăng, tỷ lệ tội phạm tăng, năng suất lao động bình quân giảm…
Vì vậy, nhiều nước đã cố gắng thực hiện giảm bất bình đẳng qua việc tiếp cận
các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là giáo dục và y tế. Người nghèo được đảm bảo
các điều kiện sống tối thiểu, và luôn có các quỹ an sinh xã hội hỗ trợ khi cần
thiết. Để sống một cuộc đời phát triển trọn vẹn cả thể xác-tâm linh, Phật giáo
hướng đến một nền kinh tế trong đó những người nào muốn làm việc sẽ có việc
làm. Nhiều người nghĩ rằng mô thức kinh tế này chỉ là điều mơ ước viển vông, nhất
là khi các nhà kinh tế tư bản thị trường cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ‘lý tưởng’
là từ 2% đến 5%. Để giữ an ninh xã hội, kinh tế an sinh sẽ được thiết lập để
giúp đỡ những người cần được giúp đỡ. Để giữ mức quân bình hệ thống, nhà kinh tế
J.K. Galbraith(6) trong The Affluent
Society nói rằng mạng lưới an toàn là cách đền bù những người thất nghiệp để
họ có thể hưởng được những thành quả của tăng trưởng kinh tế.
Một báo cáo của
Oxfam năm 2017 cho biết, năm 2014 Việt Nam có 210 người siêu giàu (tài sản ròng
trên 30 triệu đô-la Mỹ), chiếm 12% GDP cả nước, và con số này sẽ tăng lên 403
vào năm 2025. Báo cáo này cũng ví von rằng người giàu nhất Việt Nam có thu nhập
một ngày bằng 10 năm thu nhập của người nghèo nhất, và với tài sản này, có thể
đưa toàn bộ 13 triệu người nghèo thoát nghèo ngay tức khắc. Kết quả điều tra mức
sống hộ gia đình (VHLSS)(7) cho thấy rằng
khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu với bốn nhóm còn lại (nghèo, cận nghèo,
trung bình, cận giàu) đã tăng nhanh trong giai đoạn 2004-2014, tạo ra khoảng
cách ngày càng lớn về thu nhập. Thậm chí một khảo sát của Oxfam vào năm 2016
cho thấy khoảng cách này lên đến 21 lần, so với của VHLSS vào 2010 là 8,5 lần,
và VHLSS vào 2012 là 9,4 lần.
Chúng ta hiểu rằng hố ngăn cách giàu-nghèo là vấn nạn chung của các nước tăng
trưởng nhanh. Trong cuốn sách Tư bản trong thế kỷ XXI(8) - vấn đề bất bình đẳng thu nhập, sự phân hóa
giàu-nghèo thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của xã hội. Sự phân phối của cải
là một trong những chủ đề gây tranh cãi và thảo luận rộng rãi. Liệu rằng động
cơ của việc tích lũy tư bản tư nhân sẽ
không tránh khỏi việc tập trung vào tay một thiểu số như Marx hình dung vào thế
kỷ XIX hay việc cân bằng các nguồn lực, sự cạnh tranh, và tiến bộ công nghệ sẽ
đưa thế giới đến một giai đoạn phát triển, giảm bớt bất bình đẳng và hòa hợp
hơn giữa các giai cấp như Simon Kuznets quan niệm trong thế kỷ XX? Bài học nào
có thể được rút ra từ tri thức của thế kỷ trước đang được chúng ta tiếp thu? Có
những nan đề mà tác giả nỗ lực đưa ra
câu trả lời trong tác phẩm. Sự phát
triển kinh tế hiện đại và sự phổ biến tri thức khiến cho Chủ nghĩa Tư bản thoát
khỏi sự diệt vong như Marx tiên liệu nhưng nó cũng không thể chuyển đổi sâu xa
hệ thống tư bản và tình trạng bất bình đẳng. Làm thế nào để tránh tình trạng
“bình quân mỗi người một con gà, nhưng một người có chín, chín người có một”.
Chúng ta có thể
kết luận rằng: Chỉ trong một nền kinh tế Trung đạo thì những việc phi lý trong
đời sống vật chất mới chấm dứt mà thôi:
vì phương châm của Trung đạo là sự lao động tối thiểu đạt hiệu năng tối đa.
Nói cách khác,
Trung đạo là con đường nhân bản. Trung đạo là con đường để phục vụ, để dẫn dắt
con người hướng lên trong tinh thần và trí tuệ. Nếu có một xã hội mà trong đó
người ta không những ít bị chướng ngại mà lại còn được giúp cho để tiến lên
trong Chánh đạo, thì phải là một xã hội xây dựng trên căn bản Trung đạo.
Những gì Đức Phật
nói là hướng đến tất cả mọi giới, và lời nói của Ngài nhằm vào việc dập tắt chiến
tranh, ngăn cản bạo động, xóa bớt những bất công xã hội, đập vỡ nhưng hàng rào
ngăn cách giữa các thế cấp, chống tham nhũng và thất thoát, xây dựng tự do và
là nền an ninh xã hội chung cho toàn thể. Nhưng khác với một số chủ nghĩa coi
thường tự do cá nhân, tự do là điều căn bản trong đạo Phật. “Đạo Phật là
sự đi tìm cõi tự do tuyệt đối bằng một con đường lựa chọn trong tự do
cho toàn dân một cách đồng đều và công minh”.
Trên tinh thần ấy,
chúng tôi thiết nghĩ những nhà kinh tế hay hoạch định chính sách hôm nay có thể
tham khảo tinh thần Trung đạo của Phật giáo. Điều quan trọng là hướng về một cứu
cánh nhân sinh, nhân quyền và nhân bản. Còn thì gọi kế sách ấy bằng tên gì cũng
được! Vấn đề là làm thế nào hiện thực hóa ước mơ hay dự phóng ấy!
Nguyên Cẩn
__________________
(1) Schumacher. E.F. Small
is Beautiful. A Study of Economics As If People Mattered. Randon House,
Sydney, Australia, 1993.
(2) Quán Như Phan Văn Minh. Kinh tế Phật giáo, NXB. Văn Hóa-Văn Nghệ 2012.
(3) Schumacher. E.F. Small
is Beautiful. A Study of Economics As If People Mattered. Randon House,
Sydney, Australia, 1993.
(4) Quán Như Phan Văn
Minh. Kinh tế Phật giáo, NXB. Văn
Hóa-Văn Nghệ 2012.
(5) Trần Ngọc Ninh, Đức
Phật giữa chúng ta, Lá Bối 1972.
(6) J.K. Galbraith. The
Affluent Society. Penguin Books, Victoria, Australia, 1958.
(7) Tổng cục Thống kê ,Vietnam
Household Living Standards survey (VHLSS), 2010.
(8) Thomas Piketty ( 2014), Capital in the
Twenty-First Century, Belknap Press: An Imprint of Harvard University
Press; Reprint edition ( 2017).