Nhớ nhà...nhớ người thân...

Thúy Kiều, trong 15 năm lưu lạc ở nơi đất khách, quê người, nhiều lần nhớ nhà, nhớ người thân… Đấy chính là những dịp để cho Nguyễn Du biểu lộ thiên tài sáng tác những vần thơ tả cảnh, tả tình với một kỹ thuật điêu luyện vượt thời gian…

Đêm thu, khắc lậu(1), canh tàn,

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

Lối mòn, cỏ lạt màu sương,

Lòng quê(2), đi một bước đường một đau”.

thoxuán.jpg

(1)Ngày xưa, đồng hồ cổ là những bình chứa nước, nhỏ nước từng giọt một xuống một cái chậu ở phía dưới. Tùy theo mực nước còn cao hay đã thấp mà suy ra thời gian còn sớm hay đã khuya.

(2) Lòng quê là lòng nhớ quê hương, nhớ nhà.

Đoái thương muôn dặm tử phần(1)

Hồn quê(2) theo ngọn mây Tần(3) xa xa…

(1) Tên hai thứ cây, dùng để chỉ quê hương.

Ở một đoạn trên, Nguyễn Du cũng đã từng viết:

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

Vậy thì cây tử là một cổ thụ lớn.

(2) Cũng như “lòng quê”, “hồn quê” là hồn quê hương.

(3) Chữ lấy trong câu thơ của Hàn Dũ đời Đường:

Vân hoành Tần lĩnh gia hà tại”.

(Mây che ngang núi Tần, không thấy nhà ở đâu) nghĩa bóng là nhớ nhà.

Mối tình đòi đoạn vò tơ,

Giấc hương quan(1) luống lần mơ canh dài!

Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”.

(1) “Hương quan” nghĩa là cổng làng, chỉ quê hương. Giấc “hương quan” là giấc ngủ mơ màng đến quê hương.

Khi nhớ người thân, trong những năm đầu của cuộc đời lưu lạc, mối tình của Thúy Kiều đối với Kim Trọng còn đang nồng nàn, nàng nghĩ tới người yêu trước khi nghĩ đến gia đình”

Vi lô san sát hơi may,

Một trời thu để riêng ai một người.

Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,

Trông trăng mà thẹn với lời non sông (1).

Rừng thu tầng biếc chen hồng,

Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn (2)”.

(1) Lời thề bồi Thúy Kiều với Kim Trọng.

(2) Bổn phận sớm chiều phục vụ cha mẹ.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày mong, mai chờ.

Bên trời góc biển bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai(1).

Xót người tựa cửa hôm mai(2),

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ.

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm(3)”.

(1) Nhớ Kim Trọng. Truyện Kiều không thể xảy ra ngày nay được khi mà các phương tiện thông tin nhanh chóng và rộng rãi phổ biến như chúng ta biết.

(2) Mẹ đứng ở cửa chờ con.

(3) Ngày xưa, ông Lão Lai đã 70 tuổi mà còn nhảy múa để cho cha mẹ tưởng mình còn trẻ.

Dần dà, với thời gian, mối tình thành “nghĩa”, Thúy Kiều nhớ tới gia đình trước khi nhớ tới Kim Trọng:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

Dặm ngàn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!

Sân hòe đôi chút thơ ngây,

Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình(1)?

Nhớ lời nguyện ước ba sinh(2)

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Khi về hỏi liễu chương đài,

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa(3)?”.

(1) Nhớ cha mẹ và hai em (Vương Quan và Thúy Vân)

(2) Nhớ Kim Trọng, hai người hẹn với nhau sống chung trong ba kiếp.

(3) Thúy Vân lấy Kim Trọng thay cho Thúy Kiều.

Xót thay huyên cỗi, xuân già(1)

Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!

Chốc đà mười mấy năm trời,

Còn ra thì cũng da mồi, tóc sương!

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng(2)

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng(3)

Duyên em dầu nối chỉ hồng(4)

May ra khi đã tay bồng, tay mang!”.

(1) “Huyên” chỉ người mẹ.

Trong bài thơ về thầy Mẫn Tử, có câu:

Xót nhà huyên quạnh quẽ đã lâu”.

                                    (Mẹ mất sớm)

“Xuân” chỉ người bố. Cũng có khi gọi là “thông”.

(2) Tình cảm giữa Thúy Kiều và Kim Trọng bây giờ là “tình nghĩa”, không phải là “tình yêu” nữa.

(3) Tuy nhiên, tuy xa nhau và vẫn nhớ nhau, như ngó sen, sau khi bị bẻ gãy, vẫn nối với nhau bằng các sợi tơ.

(4) Thúy Vân “nối chỉ hồng” với Kim Trọng, nghĩa là “kết hôn”. Á Đông cho rằng khi người con trai và người con gái lấy nhau, việc kết hôn đã định trước, có một sợi chỉ hồng buộc chân hai người, không tránh được.

Khi Thúy Kiều phải đi lưu lạc thì Kim Trọng không biết vì phải về quê hộ tang chú. Khi hay tin mới đi tìm Thúy Kiều:

Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,

Xót thân chìm nổi, đau lòng hợp tan…

Lời thề xưa, lỗi muôn vàn,

Mảnh hương còn đó, phím đàn còn đây.

Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,

Lửa hương liệu có kiếp này nữa thôi?(1)

Bình bồng mặt nước xa xôi,

Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an!

Rắp tâm treo ấn từ quan,

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha.

Dấn thân vào cửa can qua,

Vào sinh ra tử: họa là thấy nhau!”.

thoxuan-2.jpg

(1) Kim Trọng sợ kiếp này hai người không lấy được nhau.

Kim Trọng được bà sư Giác Duyên đưa tới chỗ Thúy Kiều ở, hai người lại được đoàn tụ cùng nhau:

Nhà vừa mở tiệc đoàn viên,

Hoa soi ngọn đuốc, hồng chen bức là.

Cùng nhau giao bái một nhà,

Lễ đà đủ lễ, đôi đà xứng đôi.

Động phòng dìu dặt chén mồi,

Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.

Kể từ sen ngó đào tơ,

Mười lăm năm ấy bây giờ là đây.

Tình duyên ấy hợp tan này,

Bi hoan mấy nỗi đêm chầy trăng cao.

Đêm kkuya bức gấm rủ thao,

Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.

Tình nhân lại gặp tình nhân,

Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình”.

Nghệ thuật thơ siêu việt của Nguyễn Du (1765-1820) đã khiến cho thi sĩ đàn em Tố Như, hơn 100 năm sau, phải thốt lên:

Tiếng thơ ai động đất trời,

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu…”.

Và như để đáp lại lo sợ của Tố Như tức Nguyễn Du “không biết 300 năm sau thiên hạ có còn ai khóc mình”, Tố Hữu viết tiếp:

… Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du,

Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày…”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày