“Nuôi dưỡng bi tâm mỗi ngày để bình yên trước mọi thông tin”

GN - ĐĐ.Thích Đồng Thành - Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định, Trưởng ban Hoằng pháp tỉnh Bình Định, giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM và Huế. Hiện thầy tham gia giảng trong nhiều khóa tu dành cho sinh viên, khóa tu mùa hè ở các chùa trong cả nước và  được nhiều Phật tử, bạn trẻ biết đến.

Những đề tài của thầy luôn “sát sườn” với những quan tâm của bạn trẻ như tình yêu, tình bạn, xử lý những nỗi niềm khó giãi bày trong các mối quan hệ, việc tham gia mạng xã hội, tiếp nhận thông tin trên Facebook...

2dt.jpg


ĐĐ.Thích Đồng Thành trong một buổi giảng - Ảnh: CTV

Thầy có cuộc trò chuyện với Giác Ngộ về những vấn đề xoay quanh mạng xã hội, tiếp nhận thông tin trên báo, đọc từ mạng... bắt đầu từ khẳng định trên (*).

* Thưa thầy, được biết thầy có nhiều bài giảng được chia sẻ, cũng như thu hút nhiều lượt xem, nghe?

- ĐĐ.Thích Đồng Thành: Những bài thuyết giảng tại các khóa tu ở khắp mọi miền đất nước, cũng như nước ngoài  của chúng tôi đã nhận được nhiều email, tin nhắn phản hồi, trong đó có nhiều chủ đề mà Phật tử quan tâm như: Sức mạnh nội tâm, Vượt qua bế tắc, Niềm tin trong cuộc sống, Tuổi trẻ và đời sống tâm linh, Cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ, Trân quý sự sống… Nhiều bạn trẻ còn đưa bài giảng của chúng tôi lên trang cá nhân của mình, chia sẻ cảm nhận về sự chuyển hóa của chính bản thân khi nghe pháp thoại. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục có những chủ đề thật gần gũi với cuộc sống chia sẻ đến Phật tử.

* Để có những bài giảng gần gũi, liên quan tới nhiều đề tài mà giới trẻ quan tâm, hẳn thầy có tìm hiểu về tâm lý của các bạn trẻ hiện đại?

- Khi chọn đề tài để chia sẻ cho các bạn trẻ, chúng tôi luôn nghĩ phải phù hợp với lứa tuổi và thời đại. Tôi luôn lắng nghe, tìm hiểu và trao đổi với rất nhiều bạn trẻ. Từ những vấn đề các bạn đang “bế tắc”, tôi dùng góc nhìn của Phật giáo để chia sẻ với các bạn, bằng những pháp thoại thực tế, thiết thực với cuộc sống.

* Vậy, thầy thấy các bạn trẻ lên mạng thường làm gì? Có điều gì làm thầy băn khoăn về việc tham gia mạng xã hội của giới trẻ hiện nay?

- Có những bạn lên mạng muốn học hỏi tìm hiểu về kiến thức, kinh nghiệm sống; có nhiều bạn quan tâm đến những vấn đề của xã hội, đất nước và giới trẻ ngày nay, qua đó có những sự trao đổi chia sẻ để cùng xây dựng.

Những bạn trẻ khác có những niềm trăn trở cô đơn cũng chia sẻ trên Facebook, rất đáng để cha mẹ, thầy cô, bạn bè và cả quý thầy, sư cô quan tâm. Có lẽ, không có sự truyền thông trực tiếp với cha mẹ anh em trong gia đình, cho nên các bạn bày tỏ nỗi niềm cô đơn, tâm trạng bế tắc lên để cần sự chia sẻ của cộng đồng mạng.

Nhưng cũng có một số bạn đưa thông tin về cá nhân mình hoặc những thông tin không phù hợp với lứa tuổi, cái gì cũng đưa lên.

Theo tôi, sử dụng mạng xã hội sẽ có hai mặt - là tốt và xấu - vì thế, phải biết chọn lọc thông tin, luôn tỉnh giác khi tham gia để không bị những sự lôi kéo không cần thiết. Nên xác định một lập trường, một quan điểm sống cho mình để không bị số đông, những thông tin xấu tác động làm mình ngả theo, làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

* Thực tế là có nhiều bạn trẻ chưa đủ bản lĩnh để không “sa lưới” đối với nhiều nội dung độc hại trên mạng - lại rất dễ để tiếp cận... Thầy có lưu ý gì về vấn đề này không?

- Bản thân các bạn nên có một hoạch định về thời gian cũng như hoạch định về đời sống hiện tại lẫn tương lai. Tất nhiên, bây giờ thông tin và nhu cầu rất nhiều, nhưng mình phải sắp xếp thời gian cho hợp lý: mỗi ngày sử dụng mạng bao lâu, trong thời gian sử dụng mạng nên chia ra nội dung nào cần thiết, như những vấn đề cần học hỏi trong lĩnh vực chuyên môn, thông tin kiến thức… ưu tiên cho những vấn đề cần thiết như học tập, kinh nghiệm, công việc của mình. Còn những vấn đề về hậu trường showbiz, mặt trái xã hội... thì nên có sự hạn chế vì đôi khi nó cuốn hút mình theo và mình không làm chủ được quỹ thời gian của chính mình, rất uổng phí mà không đi đến đâu.

Trong đời sống hàng ngày, ngoài thức ăn đi vào bằng miệng để nuôi thân thì còn có loại thức ăn bằng tư tưởng, kiến thức. Nếu một ngày mình truy cập mạng nhiều lần thì lượng thức ăn tinh thần rất nhiều. Theo đó, mình phải có sự chọn lựa, nếu mình cứ tiếp nhận những tư tưởng không tốt vào tâm thức, thì nó sẽ làm cho tư tưởng mình ô nhiễm, không được lành mạnh sinh ra những bệnh về tâm lý. Vì vậy, việc tiếp cận thông tin mạng cũng như tiếp cận một loại thực phẩm nuôi tâm, mình phải ý thức rõ, sáng suốt, có những quyết định rõ ràng để không bị ảnh hưởng xấu bởi những thức ăn “thông tin” mà mình nạp hàng ngày.

* Không chỉ là game online, phim ảnh chứa bạo lực, kích thích các ham muốn bản năng... mà có nhiều thông tin về Phật giáo không chính xác cũng là một nội dung khiến bạn trẻ dễ chao đảo (nếu đã có niềm tin, nhưng chưa sâu về Phật giáo) và dễ hiểu không đúng về Phật giáo (nếu chưa từng tìm hiểu về giáo lý đạo Phật). Thầy có suy nghĩ về hiện tượng này?

- Thế giới ảo là nơi bạn không nên đặt trọn niềm tin trên đó. Khi nhận một thông tin, bài viết nào đó mang khía cạnh trái về đạo Phật hay vấn đề tôn giáo nói chung, chúng ta nên có thao tác kiểm chứng lại thông tin đó. Nếu có duyên gần gũi với các vị thầy tâm linh, những người bạn có kiến thức tôn giáo sâu rộng, những người đi trước, mình chia sẻ trực tiếp với họ để có thể hiểu rõ hơn vấn đề.

Với những thông tin, vấn đề không được đẹp thì chúng ta đừng vội kết tội, lên án, kết luận một cách vội vã. Lưu ý là, hiện nay có nhiều trang web, blog, mạng xã hội hay đưa những vấn đề về đời sống tu sĩ Phật giáo cũng như các tôn giáo khác, thường có khuynh hướng không tốt.

Riêng, những trang mang tính hoằng pháp, nhân văn thì những vấn đề “nóng” khi đưa lên đều rất khéo léo, người đọc sẽ không cảm thấy bị kích thích, lôi cuốn vào cuộc hơn thua; đồng thời họ hay đưa những tin tốt về xã hội, con người; thông tin xấu nếu đưa cũng có cách đưa rất hài hòa, mang tính xây dựng. Nếu người có kinh nghiệm khi đọc sẽ cảm nhận được người đưa thông tin này mang tâm thế nào.

Những trang tạo những tin đồn thổi để thu hút lượt theo dõi thì mình nên tránh và nên tiếp xúc những trang mang tính xây dựng đạo đức con người thì sẽ tốt cho chính mình hơn.

* Thưa thầy, thậm chí nhiều Phật tử đã đi chùa nhiều nhưng khi gặp thông tin về một cá nhân liên quan tới Phật giáo (tin không đẹp) cũng có phản hồi hoặc phản ứng quá khích, thầy có phương pháp nào giúp họ có sự kiềm chế, tỉnh giác khi tiếp nhận thông tin?

- Ai có phản ứng như vậy là do đời sống tinh thần không được chăm sóc, tôi luyện ở một mức độ định tĩnh tương đối nên khi đọc một thông tin không hay liên quan đến Phật giáo thì tâm lý sân hận, thị phi nổi lên, đưa tới ứng xử tiêu cực.

Thiết nghĩ, việc tôi luyện lòng từ, sự hỷ xả rất quan trọng. Theo đó, hàng ngày, nếu mình có trau dồi, nuôi dưỡng lòng từ bi, hỷ xả thì khi gặp chuyện trái nghịch chúng ta có thể kiềm chế, nhẹ nhàng từ tốn trở lại.

Từ đó, khi tiếp xúc những thông tin mang tính nhạy cảm, người Phật tử mới có một sự từ tốn, nhẹ nhàng trong cái nhìn, sẽ dễ có tinh thần bao dung hơn, không quá khích, nóng vội đánh mất lòng tin.

Thực ra, hãy xem đây là một sự thử nghiệm và sẽ còn nhiều nữa, vì trong cuộc sống hết hiện tượng này đến vấn đề khác cứ liên tục diễn ra. Nếu để những thông tin bên ngoài điều khiển tâm mình thì cuộc sống mình sẽ luôn ở trạng thái bị động và luôn thất bại. Do vậy, phải thực tập lời Phật dạy thường xuyên, để có kỹ năng sống, ứng xử từ bi, trí tuệ trong mọi tình huống, kể cả khi tiếp nhận các nguồn tin bất như ý, dù đó là tin giả hay thật.

* Cá nhân thầy khi gặp những nội dung không hay, không đẹp, thầy xử lý như thế nào?

- Thực sự bản thân tôi không sử dụng Facebook bởi công việc khá dày, khi mình sử dụng phải chăm sóc, cũng như phải trả lời những vấn đề người xem đề cập đến. Tuy vậy, tôi theo dõi những vấn đề xã hội đang diễn ra.

Khi gặp những nội dung không đẹp, không hay, trước tiên tôi đọc kỹ lại những thông tin đó, rồi dùng tâm từ để nhìn chúng. Mình phải nhìn chung trong bối cảnh, nhìn những thông tin bên lề, sẽ thấy vấn đề nhẹ nhàng hơn.

Thường một cây cổ thụ khi lớn lên cũng sẽ có những cành, lá, có những biến đổi bất thường ở trong một chỉnh thể to lớn như thế, và trong Phật giáo cũng vậy. Vấn đề là khi mình thấy như vậy, thì tự mình rút kinh nghiệm tu tập cho bản thân, và có những động thái đóng góp xây dựng, bảo vệ cho cây cổ thụ Phật giáo phát triển bền vững hơn.

* Cảm ơn thầy đã dành thời gian chia sẻ!

Như Danh - Đình Long thực hiện

................................

(*) Xem thêm bài “Tỉnh giác trong việc tiếp nhận thông tin”, GN số 902, ngày 23-6-2017

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày