GN - Pháp viện Minh Đăng Quang tọa lạc tại số 505 Xa lộ Hà Nội, P.An Phú, Q.2, TP.HCM trên tổng diện tích 27.500m2. Đây là tổ đình của toàn hệ phái Phật giáo Khất sĩ, được HT.Thích Giác Nhiên - một trong những đại đệ tử của Tổ sư Minh Đăng Quang cùng chư tôn đức Tăng trong Giáo đoàn IV kiến lập vào năm 1968 với mục đích xây dựng thành trung tâm hoằng pháp của hệ phái. Các hạng mục lúc bấy giờ chỉ là chánh điện, nhà thờ cửu huyền, am cốc của chư Tăng được xây cất tạm bằng vật liệu nhẹ.
Tháng 4 năm Bính Tuất (2006), nhân mùa Phật đản PL.2550, lễ đặt đá khởi công đại trùng tu Pháp viện Minh Đăng Quang diễn ra trọng thể với sự chứng minh, tham dự của hàng ngàn chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử, nhưng mãi đến ngày 28-2-2009 (thượng tuần tháng 2 năm Kỷ Sửu) công trình mới chính thức được khởi công xây dựng.
Mô hình chánh điện Pháp viện Minh Đăng Quang - Ảnh: HPKS
Với rất nhiều tâm huyết và nỗ lực của Tăng tín đồ trong hệ phái, ngày 15-11-2011, tầng 3 đã được đổ bê tông với diện tích sàn 2.934m2; các tầng dưới như tầng hầm, giảng đường và thiền đường đang được xây ngăn tường vách và tô tường trần. Theo kế hoạch, trong năm 2012 tiếp tục xây chánh điện thờ Phật theo mô hình truyền thống; đồng thời việc xây, tô, đổ bê-tông mái hiên các tầng dưới sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2012.
Theo mô hình tổng thể, có 4 ngôi tháp án ngữ tại 4 góc của chánh điện. Hai tháp phía trước hình bát giác gồm 9 tầng, cao 37m; hai tháp phía sau hình tứ giác, 13 tầng, cao 49m. Hiện nay, hai ngôi tháp phía trước đã hoàn tất phần móng, và tầng 1 của 2 tháp này đã được đúc xong trước Tết Nhâm Thìn (2012).
TT.Thích Minh Hóa - phụ trách giám sát thi công cho biết, công trình sẽ hoàn thành phần cơ bản vào cuối năm 2013 để kịp tổ chức Đại lễ tưởng niệm 60 năm Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng (mùng 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ 1954 - 2014).
Bản vẽ phối cảnh tổng thể Pháp viện Minh Đăng Quang - Ảnh: HPKS
Cũng theo chư tôn giáo phẩm Ban Thường trực Hệ phái, sau khi hoàn thành đại trùng tu công trình, một trạm cấp cứu 24/24g mang màu sắc Phật giáo có thể sẽ được thiết lập tại đây. Điều này sẽ là một lợi thế trong điều kiện vận dụng và phát triển tâm Từ của người con Phật, đồng thời tạo sự an tâm cho hành khách xuôi Nam ngược Bắc mỗi ngày xuyên qua trục lộ huyết mạch của đất nước.