Phật giáo TP.HCM phát triển giữa lòng thành phố

GN - Nhìn lại quãng thời gian 40 năm qua, Phật giáo TP.HCM ổn định sinh hoạt trong xã hội độc lập, hòa bình. Phật giáo TP.HCM luôn nêu cao tinh thần hòa hợp, đoàn kết cùng chung lý tưởng xây dựng đạo Phật hội nhập và phát triển. Chính sự quyết tâm đó đã làm nên những thành tựu đáng kể cho Phật giáo TP.HCM hôm nay…

>> Bài 1: Phật giáo Sài Gòn - TP.HCM: Giai đoạn chuyển giao
>> Bài 2: Những dấu ấn lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Sự chuyển mình của Phật giáo TP.HCM

Để lèo lái con thuyền Thành hội Phật giáo (THPG) TP theo định hướng đã vạch sẵn, chư tôn đức lãnh đạo THPGTP tích cực, ra sức vận động Tăng Ni, Phật tử đoàn kết, trước mắt là xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh.

Vì thế, cuộc họp ngày 7-7-1982 của toàn Ban Trị sự THPG, quyết định đặt trụ sở chính tại tổ đình Ấn Quang (quận 10), bắt đầu làm việc hàng ngày vào 12-7-1982; chùa Vĩnh Nghiêm được chọn làm cơ sở hậu cần của THPGTP. Ban Thường trực gồm 17 vị, cuộc họp này, HT.Thích Trí Tịnh, đảm nhiệm soạn thảo nội quy của Thành hội, và chính thức cử ĐĐ.Thích Thiện Xuân làm Chánh Văn phòng.

Qua 3 tháng chuẩn bị, ngày 11-8-1982, Ban Thường trực Ban Trị sự THPGTP đã họp mặt 17 đơn vị Phật giáo quận, huyện chính thức công bố và trao quyết định thành lập Ban Đại diện Phật giáo quận, huyện (Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè, H.Thủ Đức, H.Củ Chi).

A PD (8).jpg

Đại lễ Phật đản PL.2558 do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Vũ Giang

Từ đây, Phật giáo quận, huyện TP.HCM dấn thân đi vào hoạt động sản xuất, sinh hoạt tu học. Lúc bấy giờ, tại nội thành TP, giới Phật giáo đã thiết lập 24 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, từ mây tre lá, thêu may xuất khẩu, đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em, chế biến thực phẩm y dược dân tộc, mở lớp dạy nghề cho trẻ em mù và mồ côi... Nhờ tích cực tham gia sản xuất, làm kinh tế nhà chùa nên có phương tiện dần ổn định sinh hoạt tu học.

HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư hồi tưởng lại: “Đại hội đại biểu thành lập THPGVN TP, tôi được suy cử làm Phó ban Trị sự THPG TP. Sau giải phóng, thời kỳ bao cấp nên chính sách tôn giáo, luật pháp của Nhà nước cũng đi từ từ theo hướng đất nước an ổn, phát triển đến đâu thì chính sách tôn giáo cũng dần được mở rộng. Giai đoạn này, Phật giáo cũng phải làm sao duy trì được nền tảng hoạt động tôn giáo cho các tổ chức trong lòng Giáo hội. Quận, huyện gắn với Thành hội, Thành hội mới điều hành đi rộng xuống quận, huyện nhưng cũng phải trong khuôn khổ chừng mực”.

HT.Thích Giác Toàn (thời bấy giờ là giáo phẩm Thượng tọa), đảm nhiệm Phó ban Trị sự THPGTP nhiệm kỳ I, đến năm 1997 (nhiệm kỳ II), kiêm nhiệm Chánh Thư ký THPG TP. Là người tham gia Ban Trị sự THPG tròn 30 năm, kể từ ngày thành lập, Hòa thượng chứng kiến sự đổi thay của Phật giáo TP.HCM.

“Đến năm 1986, Nhà nước đổi mới, chính sách về tôn giáo mới nới rộng ra. Những bước chuyển biến đó nếu mình bình tâm thì thấy nếu Nhà nước này hiện hữu, người dân ổn định, phát triển tốt đẹp về mặt xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị… tổ chức tôn giáo nằm trong lòng của đất nước nên Phật giáo cũng dần dần tăng trưởng về mặt tự viện, Tăng Ni. Phật giáo TP có ổn định thì mới xin phép thành  lập trường, giảng dạy, hoằng pháp… phát triển trong lòng xã hội. Chính sách đổi mới từ năm 1986 nhưng đến năm 1990, chính sách đổi mới ở TP.HCM mới thật sự lưu thông, hội nhập và phát triển thông thoáng” - Hòa thượng cho biết thêm.

Năm 1984, Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch HĐTS Thích Trí Thủ viên tịch nên nhiệm kỳ đầu của GHPGVN và THPG TP kéo dài thêm 2 năm. Đến năm 1987, HT.Thích Trí Tịnh được suy cử làm Chủ tịch HĐTS, HT.Thích Thiện Hào đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự THPG TP. Năm 1989, HT.Thích Trí Quảng và HT.Thích Giác Toàn (lúc bấy giờ là giáo phẩm Thượng tọa) được THPG TP bổ nhiệm về làm lãnh đạo Báo Giác Ngộ.

Tại Đại hội PG TP kỳ III, TT.Thích Thiện Nhơn đang đảm trách Chánh Văn phòng Trường TCPH được mời về làm Chánh Thư ký THPG TP; TT.Thích Thiện Tánh (từ Ban Đại diện PG quận 10) lên làm Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng THPG TP. Từ  năm 1999 đến nay, HT.Thích Trí Quảng làm Trưởng ban Trị sự THPG TP, những nhân tố mới, nhiệt tâm, năng nổ của THPG TP đã góp phần tạo nên các thành tựu cho Phật giáo TP về sau này…

Những thành tựu của Phật giáo TP.HCM

Với HT.Thích Giác Toàn, thành tựu nổi bật nhất của Phật giáo TP.HCM là về Tăng sự. Tại TP.HCM, cứ 3 năm TP mở một giới đàn, truyền giới cho hơn 1.000 Tăng Ni. Về giáo dục trước đây có nhiều trường Phật học nhưng tổ chức dạy cũng tùy duyên nhưng bây giờ có cả hệ thống trường Phật học duy trì hoạt động ổn định.

Theo đà phát triển, hội nhập của TP.HCM, Phật giáo TP cũng có những chuyển biến rõ rệt. Nhiệm kỳ I, THPG TP chỉ có 17 đơn vị Ban Đại diện quận, huyện. Trong đợt thống kê năm 1997, Phật giáo TP.HCM có 22 đơn vị Ban Đại diện PG quận, huyện với 962 tự viện, 5.865 Tăng Ni. Hiện nay, BTS GHPGVN TP có 24 BTS GHPGVN quận, huyện với 1.350 tự viện, 8.649 Tăng Ni. 

img_6683_224900420.jpg

Chư Tăng Ni tham dự Đại lễ Phật đản PL.2558 tại Việt Nam Quốc Tự

Những bước phát triển nhìn thấy rất rõ là các ban, ngành chuyên môn của Phật giáo TP: từ 6 ban (Tăng sự, Văn hóa, Giáo dục Tăng Ni, Hoằng pháp, Nghi lễ, Hướng dẫn nam nữ cư sĩ), Phật giáo TP.HCM đã có 12 ban, ngành: Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Kiểm soát, Pháp chế, Kinh tế - Tài chánh, Phật giáo Quốc tế, Nghi lễ, Hướng dẫn Phật tử, TTXH, Thông tin - Truyền thông… Toàn TP có 20 giảng đường lớn, 355 đạo tràng với nhiều mô hình tu học khác nhau, 25 đơn vị Gia đình Phật tử, 1 lớp cao đẳng Phật học, 1 trường trung cấp Phật học, 8 lớp sơ cấp Phật học.

Báo Giác Ngộ tiền thân là cơ quan của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước chuyển sang cho THPG TP chủ quản, nhưng có khác đi là từ khi HT.Thích Trí Quảng đảm nhiệm Tổng Biên tập (1989), Nhà nước không bao cấp nữa mà Báo đã từng bước đi vào kế hoạch tự thu tự chi. Báo Giác Ngộ từ bao cấp chuyển sang tự túc, không những duy trì được hoạt động mà còn phát triển tốt đẹp Ban Từ thiện xã hội mỗi năm với giá trị nhiều tỷ đồng.

Hiệu quả các hoạt động Phật sự của Ban Trị sự GHPGVN TP với sự nỗ lực của  chư tôn đức Ban Thường trực cùng sự chung tay của tất cả 24 Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, sự đóng góp Tăng Ni, Phật tử các tự viện cùng quần chúng nhân dân làm nên những thành tựu, đóng góp cho sự phát triển chung của thành phố. Tăng Ni, Phật tử xây dựng mới hàng trăm cây cầu bê-tông ở miền Tây, tham gia ủy lạo, cứu trợ, bão lụt… Năm 2014, đóng góp của Tăng Ni, Phật tử, các ban ngành thuộc Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đạt trên 324 tỷ đồng.

Sau 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập, TP.HCM có những thay đổi lớn về diện mạo, nhiều công trình dân sinh có ý nghĩa làm thay đổi đời sống hàng ngàn người dân. Nhiều công trình văn hóa tâm linh Phật giáo được xây dựng mới tại TP.HCM phục vụ cho Tăng Ni, Phật tử.

Đặc biệt, công trình đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) cũng kéo theo sự thay đổi về diện mạo của những ngôi chùa đang tọa lạc tại đây. Theo HT.Thích Thiện Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, công trình đô thị mới Thủ Thiêm, TP đã đền bù, giải tỏa, cấp đất mới di dời 8 cơ sở tự viện tại quận 2: chùa Đông Hưng, Từ Phong, Đông Thạnh, Phước Quang, Hội Đức, Thiền Tịnh, tịnh xá Ngọc Thanh, Như Lai. Những ngôi chùa không di dời thì phát triển ổn định, trùng tu mới như: Huê Nghiêm, Diệu Giác, Kỳ Quang, Pháp viện Minh Đăng Quang… tạo nên điểm nhấn tâm linh ở một đô thị mới sầm uất.

HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM cho rằng, TP.HCM được mệnh danh là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Bởi lẽ, người dân TP.HCM, trong đó có Tăng Ni, Phật tử luôn thể hiện tấm lòng bao dung, luôn nêu cao tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ đồng bào khó khăn, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đùm bọc, chia sẻ lúc bệnh tật, thiên tai, bão lũ... Cũng chính vì thế, TP.HCM thu hút đông cư dân từ khắp nơi đến lập nghiệp, Tăng Ni cũng về đây tu học mỗi năm càng đông.

“Trong vòng 10 năm đầu sau ngày đất nước giải phóng, Phật giáo TP.HCM chỉ sinh hoạt ổn định tổ chức, ổn định sinh hoạt tu học chứ chưa thật sự

 BTN_0397.JPG
HT.Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn

phát triển. Suốt từ 1975 cho tới 1990, Phật giáo TP.HCM gần như chưa tổ chức được Đại giới đàn nào quy mô vì lý do, thời điểm đó luật pháp của mình còn nghiêm khắc, vấn đề tổ chức giới đàn rất giới hạn.

Từ nhiệm kỳ thứ II, Chính phủ cho phép mở các trường Phật học tại các tỉnh, thành. Cho nên, số lượng Tăng Ni đến TP.HCM tu học tăng vọt lên. Từ năm 2000 về sau này, số lượng Tăng Ni, tự viện chuyển biến rất rõ, số Tăng Ni được xuất gia, được thọ giới, chùa chiền được trùng tu, xây dựng mới tăng gấp 10 lần so với thời gian đầu.

Ở lĩnh vực giáo dục Tăng Ni, năm 1989, Trường TCPH TP ra đời với khóa đầu chỉ có 60 Tăng Ni, đến nay đã có thêm lớp Cao đẳng với tất cả trên 1.000 Tăng Ni sinh. Trường Cao cấp Phật học TP.HCM (nay là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM) khóa đầu tiên chỉ có khoảng 60 Tăng Ni sinh, hiện nay có trên 2.000 Tăng Ni sinh, trong đó 1.302 Tăng Ni sinh hệ chính quy và khoảng 1.000 Tăng Ni, Phật tử hệ đào tạo từ xa.

Phật giáo phát triển được như vậy là vì thời gian sau này, đất nước phát triển về kinh tế, Phật giáo có cơ hội đóng góp cho đất nước, cho xã hội. Bản thân Phật giáo đã đứng vững trong lòng dân tộc, có nhiều thành tựu đáng kể” – HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đương nhiệm nhận định.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày