GN - Họ - những doanh nhân đến
từ Scotland - có thể xuất hiện như Gordon Gekko trong bộ phim “Wall Street”
của Hollywood, nhằm mô phỏng cho những câu như: “Chủ nghĩa duy tâm giết chết mọi
ý tưởng”, “Bữa trưa chỉ dành cho bọn nhút nhát” và “Tính tham lam là điều tốt
cho một thế giới tốt đẹp hơn”.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra khi các nhà lãnh đạo
doanh nghiệp của Scotland lại nhiệt tình đăng ký cho những khóa học về “chánh
niệm” do các vị tu sĩ Phật giáo giảng dạy.

Thầy Gelong Thubten và các doanh nhân người ScotlandThầy Gelong Thubten - một nhà sư
Phật giáo đến từ tu viện Samye Ling ở Langholm, vùng Scottish Borders
(Scotland), đang mở các lớp thực tập thiền Phật giáo nhằm giúp cho học viên đạt
được trạng thái tĩnh lặng trong tâm trí, khai sáng nhận thức để mang lại hiệu
quả trong công việc.
Tham gia khóa thực tập này, những
doanh nhân có thể tiếp cận và xây dựng cho mình sự cảm thông và linh hoạt khi
làm việc với các nhân viên, tạo một môi trường thân thiện khuyến khích mọi người
chung tay phát triển doanh nghiệp trên cơ sở yêu thương và hiểu biết giá trị của
mỗi cá nhân.
Tiếp cận và làm việc với rất nhiều
đối tượng khác nhau bao gồm cả các nhân viên và nhà quản lý đến từ ông chủ khổng
lồ về công nghệ thông tin - Google, thầy Thubten thường xuyên mở khóa học và thực
tập mang chủ đề “Nhà lãnh đạo tỉnh thức”. Khóa học này diễn ra hàng tháng và
thu hút khá đông các nhà quản lý doanh nghiệp của Scotland.
Tuần trước, thầy vừa tổ chức thành
công khóa thực tập chánh niệm mới nhất của mình ở Inverness (Scotland) với sự hỗ
trợ của Ngân hàng Hoàng gia Scotland. Song song với việc hỗ trợ các khóa thực tập
do thầy Thubten tổ chức, ngân hàng này cũng tổ chức cho nhân viên của mình được
tham gia khóa học.
"Chánh niệm" là nhận thức
của Phật giáo về bản thân và thế giới xung quanh nhằm cải thiện sức mạnh của
tâm thức và đời sống tâm linh. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của chánh niệm, thầy
Thubten - một nhà sư Phật giáo đã có 22 năm thực tập điều này - cho biết:
"Những nhà quản lý doanh nghiệp mang áp lực lớn vì mọi lời nói và việc làm
của họ đều có ảnh hưởng đến người khác. Tôi hướng dẫn cho họ về tác động của
ngôn từ, về cách để trở thành người khoan dung và đầy yêu thương”.
"Một số vị lãnh đạo doanh
nghiệp còn chưa hiểu rõ vấn đề này. Do vậy khóa học nhằm cung ứng cho họ các
phương thức thực tập để nhận ra tầm quan trọng của người khác và sự phụ thuộc lẫn
nhau giữa người với người trong cuộc sống. Và ở đó, mọi điều chúng ta thực hiện
đều có thể ảnh hưởng tới người khác”, thầy khẳng định.
Khóa thực tập được tổ chức theo mô
hình phi lợi nhuận, mọi sự hỷ cúng hay đóng góp sau đó đều được chuyển đến các
tổ chức từ thiện và nhân đạo. Điều quan trọng nhất trong khóa học là mỗi học
viên sẽ phải học cách hình thành nên thói quen ngồi thiền trong khoảng 10-15
phút mỗi ngày, qua đó kiểm soát được cảm xúc của cá nhân trong các tình huống
căng thẳng mà công việc mang đến.
"Tôi hướng dẫn họ cách thực tập
để tâm thức ít căng thẳng hơn, phản ứng điềm tĩnh hơn và áp dụng điều đó trong
những lúc nóng giận giữa một cuộc tranh cãi và trao đổi. Điều đó sẽ giúp họ
hành xử bao dung và linh hoạt hơn khi giải quyết vấn đề phức tạp xảy ra".
Chính những lợi ích có được mà với
sự xuất hiện ngày càng phổ biến của các khóa học về “chánh niệm”, các tổ chức
và cộng đồng doanh nhân rất hoan nghênh đón nhận và tham gia một cách tích cực.
Ruth Stuart, cố vấn nghiên cứu của
Viện Chartered về Nhân lực và Phát triển, cho biết: "Cốt lõi của vấn đề là
đảm bảo rằng bạn đang trong trạng thái điềm tĩnh và phù hợp để không bùng nổ
hay nặng nề trong những cuộc đối thoại hết sức khó khăn với những đối tượng
khác nhau”.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của
Liên đoàn Công nghiệp Anh - Scotland nhận định: "Sức khỏe và niềm vui tinh
thần của nhân viên là một ưu tiên then chốt đối với người quản lý doanh nghiệp,
và vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nhân tham gia vào các khóa học về chánh niệm
để giúp họ kiểm soát căng thẳng trong công việc và ứng xử”.
Bảo
Thiên - Anh Thư
(theo
The Scotsman)