GN - Sau nhiều thập kỷ, Chính phủ Indonesia đã sửa lỗi chính tả liên quan đến
thuật ngữ Phật giáo. Từ mà trước đây được viết là “Budha” (Đức Phật) trên các
giấy tờ tùy thân của người dân Indonesia, nay được sửa lại và mọi người viết
theo cách viết đúng là “Buddha”.
Phật giáo được xem là một trong 6 tôn giáo chính thức ở đất
nước này. Mọi công dân được yêu cầu chọn một tôn giáo chính thức để ghi lên giấy
tờ tùy thân. Đây là điều bắt buộc.

Chư Tăng nhiễu tháp tại Thánh địa Phật giáo Borobudur (Indonesia) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Vào tháng 2 vừa qua, Bộ Nội vụ Indonesia đã có văn bản
thông báo với Cơ quan Đăng ký công dân và Dân số để thực hiện việc thay đổi
này.
Phó Chủ tịch Hội đồng Phật tử Indonesia, ông Jandi
Mukianto, chia sẻ với truyền thông rằng, cộng đồng Phật tử đã yêu cầu chính quyền
sửa lỗi chính tả này trong một thời gian dài.
Một trong những nỗ lực đó chính là gần đây, vào cuối
tháng 12-2017, ông Jandi đã gửi thư đến các cơ quan có trách nhiệm để yêu cầu
thực thi sự thay đổi.
“Các Phật tử cuối cùng đã được viết đúng chính tả về thuật
ngữ diễn đạt tôn giáo của mình trên giấy chứng minh nhân dân sau một thời gian
dài”, ông Jandi cho biết.
Dịp này, ông Jandi cũng đưa ra câu hỏi tại sao chính quyền
phải mất một thời gian dài để sửa lỗi chính tả đơn giản này mà không phải sớm
hơn.
“Tôi không biết có phải vì sự quan liêu trong hoạt động của
các cơ quan công quyền hay vì Phật tử chỉ là lực lượng thiểu số ở đất nước này
nên phải mất nhiều năm để sửa lỗi chính tả”, ông Jandi chia sẻ.
Ông Jandi cũng nhấn mạnh rằng, cách viết mới phải tuân thủ
hướng dẫn trong Đại Từ điển của đất nước Indonesia. Theo đó, tôn giáo mà ông
vâng theo phải được viết là “Buddha”.
Căn cứ vào thông tin về nhân khẩu học năm 2019 trên trang
mạng Báo cáo Dân số Thế giới, đạo Phật là một trong những tôn giáo lớn của thế
giới, xếp vị trí thứ 4, ước tính có khoảng 600 triệu tín đồ toàn cầu. Riêng đất
nước Indonesia, thống kê vào năm 2010 cho thấy quốc gia này chỉ có 1,7 triệu Phật
tử. Theo thời gian, con số này có sự thay đổi theo hướng tăng lên khi nhiều cơ
sở tự viện được phục hồi, xây dựng và các lễ hội Phật giáo được hỗ trợ tổ chức
một cách quy mô, trọng thể.
Viryananda, một tu sĩ Phật giáo từ tỉnh Medan, miền Bắc
Sumatra, chia sẻ rằng “Buddha” có nguồn gốc từ thuật ngữ “Buddhism”.
Thầy Viryananda cũng cho biết, từ Buddha là danh hiệu
dành cho những bậc đã giải thoát, nên việc viết đúng danh hiệu này là rất quan
trọng.
Ở phương diện khác, theo giới quan sát, cộng đồng Phật tử
ở Indonesia thể hiện sự cảm kích trước động thái này của chính phủ, mặc dù họ
đã chờ đợi hàng thập kỷ.
Phó Chủ tịch Hội đồng Phật tử tỉnh Bắc Sumatra, ông Tony
Aci khẳng định thời gian qua, nhiều thế hệ Phật tử người Indonesia đã tích cực
đấu tranh cho quyền được công nhận cách viết đúng chính tả tôn giáo của mình
trên các giấy tờ chính thống.
“Mọi điều rõ ràng, nhưng các nhà chức trách không thừa nhận
dù đã được giải thích. Chính vì lẽ đó mà các kiến nghị liên tục được đưa ra bởi
thuật ngữ về Phật giáo đã bị viết khác so với cách thể hiện của thuật ngữ theo
ngôn ngữ Pali”, Tony Aci nói và cho hay đây là thuật ngữ thiêng liêng bậc nhất
khi nhắc tới đạo Phật.
Trả lời trước giới truyền thông trong nước về việc sai lỗi
chính tả liên quan đến đạo Phật, Cục trưởng Cục Phát triển Phật giáo thuộc tôn
giáo Chính phủ Indonesia, ông Supriyadi cho hay điều này xuất phát từ nguyên
nhân duy nhất là thiếu hiểu biết về đạo Phật.
“Đây hoàn
toàn không phải là vấn đề chính trị, sự kỳ thị hay các nguyên nhân tương tự.
Theo quan sát và các thông tin được tổng hợp thì lý do chủ yếu vẫn là nhận thức,
hiểu biết về đạo Phật còn hạn chế từ các nhà chức trách trong quá khứ”, ông
Supriyadi nói với giới truyền thông.
Gia Trúc - Ngọc Lợi
(theo
TST)