GN - Nhân ngày Tự tứ, tôi nói sơ lược ý nghĩa và bổn phận của người xuất gia. Mong Tăng Ni lãnh hội và thực hành tốt, để không đi ngược lại với bản hoài cầu đạo giác ngộ giải thoát của chính mình, đồng thời đền trả được tứ trọng ân.
Chư tôn đức BTS Phật giáo TP.HCM, các quận, huyện tác pháp Tự tứ PL.2562 - Ảnh: Bảo Toàn
Xuất gia là tu hạnh giải thoát. Tự mình tu để
được giải thoát, đồng thời
hướng dẫn chỉ dạy cho người khác tu cùng giải thoát nữa. Tất cả tuổi
thanh xuân, bầu nhiệt huyết thời son trẻ của mình, đều dồn hết cho đạo, cho Phật pháp. Để
mai kia lớn lên mình đủ tư cách lãnh đạo, hướng dẫn Phật tử tu hành.
Vì vậy hàng
xuất gia trẻ tuổi
không được phép ở nhà nương tựa cha mẹ. Đã
xuất gia rồi mà trở về nhà là một sự thối tâm, một lui sụt rất lớn. Quý vị tu
trẻ
không nên nghĩ đến điều đó. Đã xuất gia rồi thì phải cương quyết dù chết dù sống cũng phải đi tới cùng, chứ không thể đi một đoạn rồi lui sụt.
Như vậy mình là một người không có lý tưởng, không có lập trường, không có ý chí. Kẻ đó làm việc gì cũng không thành tựu.
Đó
là ý nghĩa thứ nhất, xuất gia là ra
khỏi nhà thế tục.
Đến ý nghĩa thứ hai là xuất phiền não gia, tức
ra khỏi nhà phiền não. Tăng Ni hiện giờ xuất gia có ra khỏi nhà phiền não chưa? Người xuất gia là ra khỏi nhà phiền não, còn phiền
não thì chưa
gọi là xuất gia. Bởi vì mai kia chúng
ta làm thầy dạy
người, hướng dẫn hậu lai, nếu mình còn đầy phiền não
thì dạy
ai? Cho nên người xuất gia
phải gột sạch phiền não, mới chỉ dạy cho người khác gột sạch phiền não được. Ta lấm lem mà bảo người ăn ở cho sạch thì không bao giờ người nghe ta. Ngược lại, người ta còn đặt câu hỏi: Thầy hay cô có sạch chưa mà bảo tụi con phải sạch? Chừng đó mình nói sao?
Ở đây tôi chỉ nói phiền não của tam độc
tham sân si thôi, quý vị đã sạch chưa? Tham sân si thôi mà cũng chưa sạch, thì nói gì những thứ vi tế hơn. Trong kinh A-hàm kể lại, một hôm Đức Phật gọi các thầy Tỳ-kheo đến bảo:
- Này các Tỳ-kheo,
nếu trong thất của các ông có ba con rắn độc chui vào
thì các ông có ngủ yên không?
Các thầy Tỳ-kheo thưa:
- Bạch Thế
Tôn, chúng con ngủ không yên.
Phật hỏi:
- Làm sao các
ông mới ngủ yên?
- Bạch Thế
Tôn, chừng
nào đuổi được ba con rắn độc ấy ra khỏi thất, chúng con ngủ mới yên.
Phật nói:
- Cũng vậy,
ba con rắn ấy tuy độc, nhưng nó cắn chỉ chết một thân này thôi. Còn ba thứ độc tham, sân, si giết hại con người không biết
bao nhiêu đời.
Tham sân si
còn độc hơn cả con rắn độc. Biết thế rồi, chúng ta có dám chứa nó
trong nhà nữa không. Hiện giờ quý vị đang chứa hay đuổi hết rồi? Rắn độc ở trong nhà, nhiều khi không muốn đuổi mà còn nuôi nữa chứ. Thật là trái đạo lý vô cùng. Dù chỉ một con thôi ngủ còn không yên, huống
nữa
là đủ ba con. Tại nó lì hay tại mình
thương
nó?
Có nhiều người nổi sân la lối om sòm, người khác khuyên tại sao thầy (cô) nóng quá vậy,
thì liền
nói: “Nó làm cái đó đáng tức
quá mà, không nổi
nóng sao được?”. “Đáng tức” hay
“đáng giận” là cho cái giận cái tức của
mình là đúng.
Như vậy mình dung dưỡng sân hận trong lòng, không nỡ đuổi đi. Đó
không phải là nuôi rắn độc sao? Nếu
không thương nó, khi được nhắc mình
liền tỉnh: “À, tôi quên. Thôi, tôi không dám tái phạm điều đó nữa đâu”. Như vậy mới gan dạ, mới gọi là đuổi ba con rắn độc ra khỏi nhà.
Bao giờ còn
tham, sân, si là chúng ta còn trằn trọc, khó chịu trong lòng. Vậy tại sao không
chịu đuổi nó đi. Đem hết
tâm tư, đem hết sức lực cố
gắng đuổi, chứ không bao giờ cười chơi khi thấy ba con rắn độc đang nằm ngủ trong nhà. Biết có rắn độc trong nhà
mà vẫn
yên vui tươi cười, đó là người thông minh hay ngu muội? Ngu muội. Bởi si
mê nên chúng ta mới chứa chấp ba thứ độc. Ngày nào
còn một đứa trong nhà là ngày đó còn bất an, còn lo sợ.
Người tu chúng ta ngày nay thấy ai buồn ai khổ
thì khuyên, miệng nói hay lắm nhưng tới phiên mình thì cũng buồn khổ như ai. Đó là điều đáng xấu
hổ. Chúng ta là bậc thầy
mà không có đủ tư cách, đủ khả năng để
dạy dỗ
cho người, đó không phải
là điều tủi nhục sao? Cho nên tất cả Tăng Ni phải thấy, phải biết trách nhiệm của mình, không thể nào lơ là nuôi dưỡng phiền não dẫy đầy trong tâm.
Đôi khi
chúng ta còn tìm cách
biện hộ cho cái dở của mình nữa. Khi có điều gì khiến
mình nổi sân lớn tiếng, chúng
ta đổ thừa: “Tại nói nhỏ họ không chịu
nghe, buộc lòng phải la lớn. La lớn cho họ sợ!”. Thật ra không biết đó là “buộc lòng” hay nổi nóng. Chúng ta nổi nóng, kềm không được nên la lớn tiếng, chứ có buộc lòng gì đâu. Lại còn mượn lý lẽ Bồ-tát quở nạt người là vì đại từ đại bi,
nên ta cũng như vậy. Thật đáng tội.
Người tu là người gác ra ngoài những lời nói vô nghĩa, không bận tâm những
chuyện thị phi, để dồn hết tâm lực vào việc tu hành. Như vậy mới mong có ngày hết phiền não, có ngày giải
thoát. Còn chúng ta dính mắc quá chừng thì làm sao hết phiền não? Phiền não
không hết thì làm sao được tự tại, giải thoát? Bao nhiêu đó đủ thấy tâm nguyện của mình như thế nào rồi.
Ai xuất gia cũng đều nguyện đi trên con đường giải thoát để
cứu độ chúng sinh, nhưng rốt cuộc bản thân mình chẳng giải thoát được chút nào hết. Thật đáng buồn tủi
cho chúng ta, chưa xứng đáng mặc
áo Như Lai. Tôi muốn nhắc cho tất
cả Tăng Ni nhớ lại bản nguyện của mình khi xuất gia, đừng để mình trở thành những kẻ tự dối và dối người. Đó là điều không tốt. Chúng ta còn đang lăn lộn trong nhà phiền não, chưa ra khỏi
được thì phải ăn năn sám hối, cố gắng tinh tấn vượt ra, chứ đâu thể ngồi yên trong đó mà hỉ hả qua ngày. Đã là Tăng Ni thì phải nguyện
ra khỏi nhà phiền não. Được như vậy chúng ta mới thật sự xứng đáng là người xuất gia.
Đó
là ý nghĩa thứ hai, xuất gia là ra khỏi
nhà phiền não.
Đến thứ ba là xuất tam giới gia. Nghĩa là ra
khỏi nhà tam giới. Đức Phật dạy có ba cõi Dục giới, Sắc giới và
Vô sắc giới.
Người tu chẳng những ra khỏi nhà phiền
não của Dục giới, mà ra luôn cả nhà phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới, hoàn
toàn thoát ly sinh tử, không còn đi trong tam giới nữa.
Đó là xuất tam giới gia.
Nên biết ý
chí của
người xuất gia cao vót tột cùng, chứ
không phải tầm
thường. Mình tu là phải ra khỏi cả
nhà tam giới, chúng ta nguyện ra khỏi tam giới để đi đến giác ngộ viên mãn. Đó là mục đích cứu kính của người cầu đạo giải thoát. Như vậy
con đường mình đi còn rất xa. Chúng ta phải cố gắng nỗ lực, không nên chểnh mảng xem thường. Tu là để giải thoát sanh tử, chứ không phải để đời sau được
sung sướng, an nhàn. Chư Bồ-tát còn phải trải qua Thập tín, Thập trụ,
Thập hạnh, Thập hồi
hướng lên tới Thập địa mới
được giải thoát, huống là chúng ta chưa
bước được
bước nào.
Các bậc tôn túc đã ca tụng hạnh xuất gia: “Xuất gia giả, phi tướng tướng chi sở năng vi”, tức là chuyện của người xuất gia không phải tướng võ, tướng văn có thể làm được, mà đó là chuyện phi thường. Bởi chí nguyện
quá lớn, con đường quá dài, người ý chí tầm thường không thể đảm đương nổi. Vì vậy Tăng Ni phải lập chí thật vững mạnh, thật cương quyết. Dù khó khăn trở ngại đến đâu, cũng vững bước không dừng, không
lui sụt. Đó là ý chí siêu phàm của người xuất gia.