GN - Tôi tin là chúng ta đang sống trong một thời đại mà cần phải xét
một cách nghiêm túc thái độ của ta đối với thực phẩm. Nói theo Thiền là chúng
ta cần ‘tỏa sáng nơi chỗ đứng của mình’.
Thực phẩm dư thừa hay thực phẩm bỏ đi trong khi vẫn còn
tiêu thụ được, là một vấn đề cần quan tâm, và tôi sốc khi nhìn thấy con số thống
kê về lượng thực phẩm hoang phí hàng năm ở Nhật. Con số dự đoán cho năm 2010 là
17 triệu tấn thực phẩm dư thừa được sản xuất trong một năm, trong đó khoảng 5 tới
8 triệu tấn bị đổ đi dầu vẫn còn ăn được. Nhật có thể được coi là một trong những
nơi hoang phí thực phẩm nhiều nhất trên thế giới...

Có thể đó chỉ là một hạt gạo, nhưng hạt gạo đó cân đủ nặng
để thay đổi cuộc sống của chúng ta
Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ thường rầy và dạy tôi không được
hoang phí đồ ăn khi tôi để sót dù chỉ một hạt cơm trong chén. Sự sinh tồn của
nhân loại là một cuộc chiến đấu dai dẳng chống lại đói khát, và quy tắc đạo đức
là ta không được hoang phí thực phẩm mà cha ông ta đã phải đấu tranh quyết liệt
để sống còn và đã trao truyền lại cho chúng ta. Tuy nhiên, với sự dư thừa thực
phẩm hiện nay, quy tắc này coi như đã không còn ý nghĩa.
Theo một báo cáo của Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thực phẩm
và Nông nghiệp (FAO), ngay hiện giờ cứ trong chín người thì có một người bị suy
dinh dưỡng mãn tính. Nói cách khác, họ đang chết đói, dầu rằng ngày nay nhân loại
có thể sản xuất đủ để nuôi tất cả dân số trên thế giới. Phần đông những người
chịu đói sống trong các nước ‘đang phát triển’. Sự khan hiếm thực phẩm trong
các nước đang phát triển gây ra do nhiều yếu tố không dễ giải quyết hay bàn đến.
Tuy nhiên, việc phung phí số lượng lớn thực phẩm trong các xứ phát triển có thể
là một trong những nguyên nhân đưa đến nạn đói, khiến ta cần suy nghĩ về điều
đó một cách cẩn trọng.
Hoang phí thực phẩm cũng là một vấn đề dưới nhiều khía cạnh
khác nữa. Vứt bỏ một số lượng lớn thực phẩm có nghĩa là khi ta xử lý, hủy bỏ
chúng, sẽ tạo ra không chỉ vấn đề với rác thải mà còn ảnh hưởng đến môi trường
do hiệu ứng của khí thải nhà kính như các-bon đi-ô-xít. Theo số liệu do Liên Hiệp Quốc báo cáo,
28% đất nông nghiệp trên thế giới được sử dụng để sản xuất nông sản không bao giờ được tiêu thụ, và hậu quả của việc tiêu hủy thực
phẩm dư thừa là hàng năm
có đến 3,3 tỷ tấn
các-bon đi-ô-xít phát sinh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự chuyển đổi khí hậu. Nếu mức độ
hoang phí thực phẩm của chúng ta tiếp tục không được kiểm soát, nó sẽ làm tổn hại
môi trường sống trên toàn cầu và lâu dần còn có thể ảnh hưởng đến sự sinh tồn của
nhân loại. Điều này cần được coi trọng còn hơn sự suy thoái về đạo đức tiêu thụ
thực phẩm. Bằng mọi giá, chúng ta cần giảm phung phí thực phẩm, đó là ước nguyện
mãnh liệt nhất của tôi hiện nay.
Tôi là một thiền sư, tin và hành theo giáo lý của Thiền
sư Đạo Nguyên (1200-1253), người sáng lập nên phái Tào Động ở Nhật Bản. Thiền
sư Đạo Nguyên để lại hai tác phẩm có chủ đề về thực phẩm. Đó là: Tenzo Kyokun (Hướng dẫn
cho đầu bếp nhà Thiền) và Fushukuhanpo (Cách tiêu thụ thực phẩm). Cuốn đầu
là những lời chỉ dẫn dành cho các bếp trưởng trong các thiền viện, giải thích
cách chế biến thực phẩm. Cuốn thứ hai giải thích cách ăn uống của các vị sư tu
khổ hạnh ở các thiền viện. Cả hai đều là những quy tắc chốn thiền môn giúp các
tu sĩ sống trong các thiền viện được thanh tịnh.
Trong hai tác phẩm này, Thiền sư Đạo Nguyên dạy rằng ta
không được hoang phí dù chỉ một hạt gạo trong khi chế biến thực phẩm hay khi ăn
uống. Nếu ta làm được như thế trong khi chuẩn bị bữa ăn cũng như khi ăn, là ta
đã đóng góp một phần, dù nhỏ nhoi đến đâu, trong việc giải quyết vấn đề hoang
phí thực phẩm. Nhưng tại sao ngài lại nói không được hoang phí dù chỉ một hạt gạo?
Dĩ nhiên, lúc đó ngài chưa hề biết đến nạn đói, nạn khan hiếm thực phẩm, và những
vấn đề về môi trường mà thời đại tân tiến đang phải đối mặt. Đúng hơn, ngài chỉ áp dụng những điều Phật
dạy mà ngài đã tiếp
nhận đầy đủ, và tiếp tục hành chúng
trong suốt cuộc đời của một vị thầy và một hành giả. Và trong tác phẩm Bendowa
(1231), ngài Đạo Nguyên bảo rằng việc thực hành theo lời Phật dạy có thể được
áp dụng cho tất cả mọi người, cư sĩ hay tu sĩ.
Theo Phật giáo, bản ngã chỉ là một của nhiều thành phần
cấu tạo nên vũ trụ. Tuy nhiên, chúng ta lại nhìn nó như là tách biệt với vũ trụ.
Do đó, ta xem bản ngã như không lệ thuộc vào các quy luật của vũ trụ. Quan niệm
này đưa đến việc xem như có hai cái ngã đối nghịch nhau: cái ngã do ta tạo ra
trong tâm và chơn ngã. Và điều này được coi là gốc rễ đưa ta đi trong vòng luân
hồi sinh tử, già, bệnh, khổ. Phật giáo tin rằng cách duy nhất để thoát khổ là
tái lập lại chơn ngã, khiến nó trở thành một với vũ trụ.
Như thế theo Thiền sư Đạo Nguyên, thực phẩm hay các bữa
ăn không chỉ là sự kết hợp của nhiều thành phần riêng lẻ: cá nhân người ăn, thực
phẩm (đối tượng) được ăn, hành động ăn, mà còn nhiều điều liên hệ khác nữa. Với việc chuẩn bị bữa ăn cũng thế.
Để hành theo lời Phật dạy trong cách tiếp
xúc với
thực phẩm, ngài Đạo Nguyên cho rằng “cái ngã” ngay đây và bây giờ, cần phải hoàn toàn thẩm
thấu và trở thành một với những gì được ăn ngay đây và bây giờ, với hành động ăn ngay đây và bây giờ, với muỗng nĩa dùng để ăn ngay đây và bây giờ, để tất cả đều được xem như là một pháp. Đó là trạng thái trong đó mọi
thứ đều trở nên bình đẳng và được xem như là một pháp duy nhất,
trong ý niệm ‘ngay đây và bây giờ’. Quan điểm này đích thực là để diệt bỏ cái
ngã, như ngài Đạo Nguyên đã diễn tả sau đây: “Pháp là thực
phẩm và hành động ăn, ngược lại
thực phẩm và hành động ăn cũng là Pháp”...
Có thể đó chỉ là một hạt gạo, nhưng hạt gạo đó cân đủ nặng
để thay đổi cuộc sống của chúng ta. Do đó, tôi tin rằng lời khuyên của ngài Đạo
Nguyên, dựa theo cách hành đạo Phật, rất khẩn thiết đối với chúng ta: không
hoang phí dù chỉ một hạt gạo.
KENICHI FURUYAMA
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược
dịch theo Why not one single grain of rice should be wasted,
Nguồn: Tạp
chí Dharma World, 4-6-2016)