GN - LTS. Trong phiên khai mạc
Hội nghị kỳ 3 khóa VIII Trung ương GHPGVN, diễn ra ngày 10-1-2019 vừa qua tại
TP.HCM, ông Vũ Chiến Thắng,
Trưởng ban Tôn giáo
Chính phủ đã dự và có bài phát biểu trước toàn thể hội nghị. Theo đó, ông Trưởng
ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm để Phật giáo tiếp tục
có sự ổn định và phát triển. GN trích giới thiệu nội dung chính bài phát biểu
này của người đứng đầu cơ quan quản lý về tôn giáo của Chính phủ.
.JPG)
Ông Vũ Chiến Thắng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Bảo Toàn
... “Trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, sau một năm thực
hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, ngày 30-12-2017
của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đã đi
vào cuộc sống, được các tôn giáo thực hiện nghiêm túc. Do vậy, đời sống tôn
giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận và cấp
đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với 26.109.033 tín đồ, chiếm
27% dân số cả nước, 55.870 chức sắc, 145.561 chức việc, 29.396 cơ sở thờ tự.
(So sánh với năm 2017, số lượng tổ chức tôn giáo tăng 2, số lượng tín đồ tăng
743.628 người, chức sắc tăng 1.229 vị, chức việc tăng 4.666 vị, cơ sở thờ tự
tăng 367 cơ sở).
Trong thành tựu chung của đất nước, năm 2018 vừa qua ghi
dấu những tiến bộ vượt bậc trong công tác điều hành Phật sự của Ban Thường trực
Hội đồng Trị sự GHPGVN ở năm đầu tiên Phật giáo triển khai Nghị quyết Đại hội lần
thứ VIII của GHPGVN.
Giáo hội đã củng cố, kiện toàn và ra mắt các ban, viện thuộc
Hội đồng Trị sự; đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak năm 2019 tại Hà Nam; tổ chức nhiều
sinh hoạt, trao đổi công tác Phật sự thiết thực giữa các địa phương; tăng cường
các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, hỗ trợ sinh hoạt của các Hội Phật tử
VN ở nước ngoài, ra mắt Ban Điều phối Phật sự GHPGVN tại Lào…; công tác hành
chính Giáo hội từng bước được cải thiện; việc chấp hành Hiến chương, Nội quy của
Giáo hội và pháp luật Nhà nước được Tăng Ni, Phật tử tuân thủ ngày một tốt hơn.
Đánh giá, nhận xét về hoạt động Phật sự của GHPGVN trong năm 2018 vừa qua đã khẳng
định sự cố gắng và đóng góp của Tăng Ni, Phật tử trong việc xây dựng ngôi nhà
chung GHPGVN góp phần vào việc xây dựng đất nước. Ban Tôn giáo Chính phủ trân
trọng ghi nhận và chúc mừng Giáo hội về những thành tựu ấy. Để phát huy hơn nữa
những thành quả đạt được, trong chương trình hoạt động Phật sự mà GHPGVN đề ra,
chúng tôi thấy rằng Giáo hội cần tập trung và tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số
nội dung trọng điểm như:
1. Tập trung trọng điểm cho công tác
chuẩn bị, tổ chức Đại lễ Vesak 2019, chú trọng trước hết đến việc thành lập
công tác của các tiểu ban giúp việc Ban Tổ chức Vesak 2019; Xây dựng và thông
qua danh sách khách mời, nhất là khách mời quốc tế; Xây dựng đề án và kịch bản
chi tiết tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019; Dự trù kinh phí và các điều
kiện đảm bảo cho việc tổ chức Đại lễ, nhất là cơ sở vật chất đảm bảo cho việc tổ
chức Đại lễ tại chùa Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
2. Củng cố tổ chức bộ máy GHPGVN các
cấp, nâng cao chất lượng hành chính đạo, nhất là hoạt động của Văn phòng Trung
ương Giáo hội và Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, nhằm tăng cường hiệu lực
quản lý Giáo hội; tăng cường tuyên truyền để Tăng Ni, Phật tử thực hiện nghiêm
túc Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước, hạn chế những hành vi vi phạm
pháp luật trong các hoạt động của GHPGVN.
3. Tập trung giải quyết dứt điểm một
số việc còn tồn đọng ở một vài địa phương gây bức xúc cho quần chúng tín đồ Phật
tử như: việc hoạt động của các đạo tràng Phật giáo nhất là đạo tràng ngoài Giáo
hội và có dấu hiệu đi ngược lại đường hướng GHPGVN và vi phạm quy định của pháp
luật, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc; việc vi phạm giới
luật và đạo đức người tu hành Phật giáo của một số vị sư; việc vi phạm và không
tuân thủ quy định về các hoạt động từ thiện, xã hội, xây dựng, quản lý di tích,
hoạt động tôn giáo ở một số chùa; việc luân chuyển, điều động Tăng Ni; việc khiếu
kiện về đất đai, cơ sở thờ tự; việc Tăng Ni đi tu học ở nước ngoài, hạn chế các
hành vi tiêu cực trong một số cá nhân làm ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh Giáo
hội Phật giáo Việt Nam như mất đoàn kết, thiếu gương mẫu trong lối sống, đạo đức
Phật giáo.
4. Chú trọng đến công tác đào tạo Tăng tài. Cần quán triệt và nghiêm túc
thực hiện Nội quy hoạt động của Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, quy chế hoạt động của
các cơ sở đào tạo, nhất là đối với việc tuyển sinh đầu vào, chương trình đào tạo.
Đồng thời quan tâm hỗ trợ hoạt động của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần
Thơ, để Học viện Phật giáo Nam tông Khmer không chỉ trở thành một trung tâm đào
tạo Phật học tại VN mà còn mang tầm khu vực như định hướng xây dựng Học viện
trước đây.
5. Chú trọng và tiếp tục phát huy lợi thế hoạt động quan hệ và hợp
tác quốc tế theo chiều sâu, nâng cao tính thực tiễn và hiệu quả hợp tác, nhằm
khẳng định vị thế của GHPGVN, trọng tâm là trong lĩnh vực hợp tác, giao lưu văn
hóa Phật giáo và đào tạo Phật học; có kế hoạch cụ thể và thống nhất với các hoạt
động Phật sự có yếu tố nước ngoài và các nước Phật giáo có quan hệ truyền thống,
thân hữu với VN.
Coi trọng và quan tâm đến hoạt động Phật sự cũng như
công tác nhân sự của các Hội Phật tử VN ở nước ngoài, bổ nhiệm trụ trì ở các
chùa VN ở ngoài nước để vừa quán triệt định hướng hoạt động của Giáo hội, vừa cổ
vũ, thu hút kiều bào ta ở nước ngoài nói chung và kiều bào theo Phật giáo nói
riêng đoàn kết, hướng về, chung tay xây dựng ngôi nhà chung GHPGVN, góp phần
tích cực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
6. Thống nhất
quản lý và quy chế hóa các sinh hoạt tôn giáo thuộc các Ban, Viện chuyên môn của
Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành, theo hướng tuân thủ quy
định của pháp luật, phù hợp với đường hướng hành động của Giáo hội, phát huy
giá trị nhân văn và vai trò tích cực của văn hóa Phật giáo trong đời sống cộng
đồng, qua đó thể hiện hình ảnh một tôn giáo tiêu biểu xứng đáng với truyền thống
gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Chúng tôi tin tưởng rằng với truyền thống hàng nghìn năm
của Phật giáo VN và phát huy kinh nghiệm quản lý hành chính đạo 37 năm qua, với
trí tuệ minh triết và tinh thần hòa hợp theo lời chỉ dạy của Đức Thích Ca, chư
vị tôn đức trong Hội đồng Trị sự sẽ đoàn kết một lòng, lãnh đạo các Ban, Viện
Trung ương và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố cùng Tăng Ni, tín đồ Phật tử
ở trong và ngoài nước tiếp tục kiên trì đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân
tộc, trong phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” góp phần xây dựng
ngôi nhà chung GHPGVN, chung tay xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh.”...
Vũ Chiến Thắng
(Trưởng
ban Tôn giáo Chính phủ)
___________
(Trích, tựa của GN)