Tâm lượng từ cách cho điểm

Ảnh  Minh họa
Ảnh Minh họa
Nhà báo Nguyễn Vạn Phú  từng nêu một vấn đề quan trọng về giáo dục của nước ta: “Không ít giáo viên hiện nay chấm bài học sinh chỉ chăm chăm tìm lỗi để gạch đỏ và trừ điểm, chỉ quan tâm học sinh viết thiếu ý gì so với đáp án để lấy bớt điểm ra.

Nhà báo Nguyễn Vạn Phú  từng nêu một vấn đề quan trọng về giáo dục của nước ta: “Không ít giáo viên hiện nay chấm bài học sinh chỉ chăm chăm tìm lỗi để gạch đỏ và trừ điểm, chỉ quan tâm học sinh viết thiếu ý gì so với đáp án để lấy bớt điểm ra. Vì thế không khỏi ngạc nhiên thấy giáo viên nước ngoài ít khi chú ý đến lỗi ngữ pháp mà chỉ xem học sinh có diễn đạt được ý các em muốn nói hay không“ (Tuổi Trẻ - ngày 28-12-2007).

Cùng một thang điểm, nhưng não trạng của hai cách cho điểm khác nhau. Cách thường thấy của các giáo viên VN là mặc nhiên coi học sinh hoàn toàn đủ khả năng đạt tối đa thang điểm, và việc chấm bài chỉ là tìm ra những chỗ nào chưa tốt, để trừ bớt xuống, kết quả sau khi trừ lỗi, còn lại bao nhiêu là điểm đạt được của các em. Các giáo viên mặc nhiên xem “phần điểm còn lại sau khi trừ lỗi” là những gì “đạt được” của các học sinh. Nhưng liệu thì trong số điểm ấy, gồm các khoản nào được giáo viên chấm cho những “thành tựu” gì của bài viết? Điều này, với não trạng chấm điểm trên, có lẽ các giáo viên không cần biết, và chắc chắn là, học sinh khi nhận bài được chấm với số điểm ấy, cũng không thể biết.

Còn não trạng chấm điểm theo cách tìm ra những ý tưởng, những nội dung đáng cho điểm, những “thành tựu” của bài viết để ấn định thí sinh đạt mức điểm nào trong thang điểm, là cách của người giáo viên theo sát những tiến bộ của học sinh.

Không chỉ theo sát, cách “tiếp cận cho điểm” còn phản ánh tấm lòng của người giáo viên đối với học sinh. Tâm lượng của anh thế nào, thì cách chấm bài sẽ phù hợp (theo anh) thế ấy. Nếu anh quá dễ dãi, hẳn cũng chỉ thấy cái “mặt được” của bài viết mà bỏ qua những lỗi sai cần sửa. Nếu tâm lượng anh hẹp hòi, thì việc chấm bài cũng đơn thuần chỉ là tìm thấy niềm thích thú trong việc “nhặt lỗi” từ học trò.

Nếu anh ý thức rằng: những gì học trò làm đúng, là có một phần kết quả dạy dỗ của anh, thì khi chấm bài, anh phải bắt đầu từ việc xem xét sau những gì mình dạy, học trò đã “tiêu hóa” ra sao? Thành tựu tới đâu, cho điểm tới đó. Đó là tâm lượng của người muốn nhìn thấy những tiến bộ của người khác, đặc biệt là trong đó có sự đóng góp của mình. Còn khi anh chỉ chăm chăm nhặt lỗi, thì khác nào bụng dạ của kẻ lấy sự sai lầm của người khác làm niềm giải khuây cho mình. Tệ hơn, anh quên mất rằng: những lỗi sai kia cũng có một phần kết quả dạy dỗ của anh chứ. Ngoài ra, việc “trừ dần vào thang điểm cho đến khi còn lại” cũng phản ánh một tâm lý thích bắt đầu trên những cái có sẵn (ở đây là thang điểm được quy định sẵn), chứ không muốn bắt đầu từ những xây dựng/ đánh giá từ tâm thế và trách nhiệm của người thầy.

Cộng những khoản hay để tính điểm, hay trừ những khoản dở để còn điểm, việc làm có vẻ giống nhau, nhưng thực ra là khác xa nhau trong quan niệm sống.

Với người chăm chăm nhìn thấy lỗi của người khác, chưa hẳn vì họ muốn sửa lỗi cho người ta như họ đang ngụy biện trong vô thức, mà có khi, đó là sự phản ánh tự nhiên của một tâm địa bẩn chật đang tồn tại trong họ đấy.

Cuộc sống có vô vàn điều tốt đẹp, học sinh còn vô số nét đáng yêu, tại sao người giáo viên không chọn cho mình cách tiếp cận từ những mặt tốt trong bài làm của học sinh để tính điểm (tất nhiên, bên cạnh những khoản trừ cho những nội dung chưa đạt, để học sinh rút kinh nghiệm) mà đa số chỉ chọn cách “tiếp cận trừ điểm”? Chọn cho mình cách “sống chung” với những hẹp hòi bẩn chật như vậy, âu cũng là căn duyên từ một nền giáo dục chưa hoàn thiện vậy!

 Lời từ cuộc sống:

Có lời khuyên rằng:

Một nhúm muối nếu bỏ vào một cốc nước, cốc nước ấy có thể không còn uống được, nhưng nếu được bỏ vào một hồ nước thì nguồn nước ấy vẫn trong ngọt. Vì thế, vấn đề không chỉ đơn thuần là có hay không có một ai đó bỏ một nhúm muối vào cuộc đời bạn, mà còn là ở bạn: trái tim bạn là một hồ nước lớn hay chỉ là một cốc nước nhỏ.

 Lời bàn:

Khi có ai định bỏ vào tim ta một nhúm muối, ta bèn muốn tim ta hóa hồ nước to; nhưng có kẻ định tặng ta một nhúm đường, biết đâu khi ấy ta lại thấy tim nên nhỏ con con như cái chén hạt mít mới hay!!!

Cho nên, không hẳn là chuẩn bị tim nhỏ hay to để đón muối hay đường, mà khi có muối, ta biết rằng ta đang có dung dịch nước muối, cứ thong thả dùng vào việc cần muối; khi có nhúm đường, ta cũng nhân đó mà dùng vào các chuyện cần đường. Còn tâm lượng to nhỏ bao nhiêu, là tùy vào cách rèn luyện của mỗi người. Đó cũng là cách sống ứng hợp với những gì cuộc sống mang đến cho ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày