TP.HCM: Lễ tưởng niệm Hòa thượng khai sơn tu viện Huệ Quang

Di ảnh cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng tại tu viện Huệ Quang
Di ảnh cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng tại tu viện Huệ Quang
0:00 / 0:00
0:00

GNO -  Sáng 11-3, tại tu viện Huệ Quang (quận Tân Phú, TP.HCM), chư tôn đức môn phong đã tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 31 cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990), nguyên Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Phó Trưởng Thường trực Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Phú đã thay mặt môn nhơn pháp quyến và Phật tử tuyên đọc tiểu sử cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng.

Hòa thượng Thích Thiện Hòa cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng
Hòa thượng Thích Thiện Hòa cung tuyên tiểu sử cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng

Theo đó, Hòa thượng pháp húy Ngộ Trí, đạo hiệu Thích Huệ Hưng, thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (TP.Sa Đéc).

Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ngài được Tổ sư cho thế phát năm 1938, vừa tròn 21 tuổi. Năm 1942, Tổ Vạn An khai đàn trao giới, Hòa thượng chính thức thọ Sa-di. Năm 1943, ngài thọ Tỳ-kheo tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long.

Năm 1951, tại chùa Giác Nguyên (Khánh Hội, quận 4), ngài dạy kinh cho Tăng chúng, đồng thời, phiên dịch kinh Duy Ma cật và Kim cang giảng lục. Năm 1954, Hòa thượng đã phụ giúp Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Viện chủ chùa Ấn Quang giảng các bộ kinh Đại thừa.

Chư tôn đức thành kính niêm hương tưởng niệm
Chư tôn đức thành kính niêm hương tưởng niệm

Năm 1956 đến 1966, ngài tham gia khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai sứ giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng ban, giảng dạy tại Phật học đường Phước Hòa (tỉnh Trà Vinh), làm giới sư các Đại Giới đàn...

Năm 1970, Hòa thượng khai sơn Tu viện Huệ Quang rồi thường trụ và hành đạo tại đây.

Năm 1982, Thành hội Phật giáo TP.HCM nhiệm kỳ I đề cử Hòa thượng chức vụ Phó ban Trị sự Thành hội kiêm Ủy viên Giáo dục Tăng Ni.

Mùa an cư năm 1987, ngài làm Thiền chủ trường hạ do Thành hội tổ chức tại tổ đình Vĩnh Nghiêm. Tháng 10-1987, ngài đi dự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ II tại Hà Nội. Ngài được tấn phong Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.

Năm 1989, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập, Hòa thượng được đề cử làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn.

Hòa thượng đã phiên dịch: kinh Duy Ma cật, Kim Cang giảng lục, Lược sử Đức Lục Tổ, Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại Định.

Chư tôn đức tham dự lễ trai tăng

Chư tôn đức tham dự lễ trai tăng

Cuộc đời hành đạo và hóa đạo của ngài rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục tại miền Nam.

Theo tháng năm, tứ đại theo duyên tăng giảm, ngài ngã bệnh tại thiền sàng, chẳng bao lâu Hòa thượng thu thần viên tịch ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ (1990). Trụ thế 74 năm, 46 hạ lạp.

Tại buổi lễ tưởng niệm, Thượng tọa Thích Chân Quang cũng đã cung tuyên lại những lời di chúc của cố Hòa thượng Thích Huệ Hưng, để qua những lời di huấn đó mà sách tấn, nhắc nhở những hàng hậu bối không quên những công đức và đạo hạnh của các bậc tiền nhân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày