GN - Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh
học được trao cho một nhà khoa học Nhật Bản là Giáo sư Yoshinori Oshumi. Ông hiện
là giáo sư của Học viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology). Ông là
người Nhật thứ 4 được trao giải Nobel Y-Sinh học, và người Nhật thứ 25 được
trao giải Nobel.

Ngày 3-10-2016, giải Nobel Y-Sinh học được trao cho Giáo sư người Nhật
Yoshinori Ohsumi do những khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào (Autophagy)
Giải thưởng năm 2016 ghi nhận
khám phá liên quan đến cơ chế sinh tử của tế bào, được đặt tên tiếng Anh là
macroautophagy, nhưng thường thì gọi tắt là autophagy. Thuật ngữ autophagy xuất
phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “tự ăn”, nhưng có lẽ dịch sang tiếng Việt là
“tự thực”. Thật ra, nghĩa đúng và đầy đủ là quá trình tế bào tái sinh.
Mỗi ngày, để duy trì sức khỏe
bình thường, cơ thể chúng ta phải đào thải một lượng protein bị hư hỏng, và
thay thế chúng bằng protein mới. Tính chung, mỗi ngày cơ thể chúng ta cần phải
thay thế khoảng 200-300g protein. Nhưng trong khi chúng ta chỉ thu nạp khoảng
60-80g, và hơn phân nửa là bị thải ra, vậy thì lấy đâu để thay thế? Đó là “bí mật”
của cơ thể. Giáo sư Yoshinori Oshumi tìm ra được cơ chế thay thế đó. Hóa ra,
các tế bào và protein trong chúng ta có khả năng tự tái sinh (self-recycling).
Nói cách khác, trong điều kiện thiếu thốn, các protein tự chúng tái sinh để đáp
ứng đủ khối lượng protein mà cơ thể cần thiết. Cơ chế tái sinh này được đặt tên
là autophagy. Ý nghĩa “tự thực” được hiểu từ cơ chế đó.
Khái niệm sinh - diệt của tế
bào rất gần với ý niệm “vô thường” trong Phật giáo. Kinh Tứ thập nhị chương có thuật một câu chuyện, mà
theo đó Đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo rằng con người sống bao lâu. Người thì trả
lời là 100 năm, người cho rằng 70 năm, người lại nói vài tháng. Chỉ có một Tỳ-kheo
nói rằng mạng người sống chỉ có một hơi thở! Đức Thế Tôn khen vị Tỳ-kheo đã hiểu
đúng về định luật vô thường của sự sống. Định luật vô thường ở đây có thể hiểu
là chu trình thành-trụ-hoại-không. Chu trình này diễn ra liên tục không ngơi
nghỉ trong cơ thể chúng ta.
Thật vậy, trong thực tế sinh học,
tất cả chúng ta sống và chết trong một giây, và quy trình sinh - diệt này diễn
ra một cách liên tục cho đến ngày chúng ta giã từ trần thế. Do đó, nói rằng chúng ta chết và sống trong từng
giây không phải là một ví von, một mỹ từ tôn giáo, mà là một thực tế sinh học. Phát
hiện của Giáo sư Yoshinori Oshumi tuy không mới nhưng giải thích được cái cơ chế
của định luật vô thường qua phương pháp khoa học hiện đại.
Phát hiện về cơ chế tự thực của
Giáo sư Yoshinori Oshumi không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn phảng phất triết lý
nhà Phật. Quá trình tái sinh của tế bào là một khía cạnh của ý niệm vô thường.
Thật ra, rất nhiều những gì mà giới khoa học ngày nay gọi là “khám phá” hay
“phát hiện” thực chất chỉ là minh họa và giải thích những ý niệm đã được Đức Phật
phát biểu cách đây hơn 2.500 năm. Nhưng cái đẹp của khoa học hiện đại là những
phương pháp tinh vi và chính xác có thể giúp chúng ta xác minh và hiểu biết tốt
hơn những ý tưởng cổ điển mà các bậc hiền triết ngày xưa nghĩ đến.
***
Sự kiện khoa học tự nhiên có ý
nghĩa lớn nêu trên như hạt ngọc lưu ly được gắn thêm vào một xâu chuỗi ngọc trí
tuệ, lóng lánh nội hàm của ba tạng kinh điển Phật giáo. Mỗi sát-na biến hiện là
mỗi sát-na hiển lộ thêm tính Chân Thực vi diệu của lời Phật dạy, vượt ra ngoài
và lên trên tri kiến tục đế để xuyên suốt vào từ Cực Tiểu vi tế của mầm sống đến
Cực Đại mênh mông của vũ trụ bao la.
Lời Đức Phật dặn dò năm xưa, trước lúc Ngài giã biệt đệ
tử, như còn vang vọng đâu đây trong chiều dài không-thời-gian vô tận, trong chiều
sâu thăm thẳm của tâm thức hàng tỷ chúng sinh. Hãy mở lòng mở trí đọc lại một lần
nữa để cùng nhau kiên trì và tinh tấn đi trên con đường thênh thang an lạc mà Đức
Phật đã đi:
“Này các Tỳ-kheo, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng
cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; không nên lệ thuộc
vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của Ta sẽ làm ngọn đuốc dẫn đường cho các
con, làm nơi nương tựa cho các con; không cần phải lệ thuộc thêm vào những lời
giảng huấn nào khác nữa.”…
“Thân xác con người phải tiêu tan, nhưng Trí tuệ của
Giác ngộ sẽ trường tồn vô tận trong thực thể của Đạo pháp, trên con đường tu tập
Đạo pháp. Nếu có ai chỉ thấy thân xác Ta thì kẻ ấy không thấy Ta một cách thật
sự. Chỉ có người nào chấp nhận những lời giáo huấn của Ta mới thật sự nhìn thấy
Ta.”…
“Sau khi Ta tịch diệt, Chánh pháp thay Ta làm vị thầy
cho các con. Biết noi theo Chánh pháp, ấy chính là cách các con tỏ lòng thành
tín với Ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của Ta, Ta không hề
giấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí
mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của Ta đều được đưa
ra một cách ngay thật và minh bạch.
Này các Tỳ-kheo, đây là giây
phút chấm dứt. Trong một khoảnh khắc nữa Ta sẽ nhập vào Niết-bàn. Những lời này
là những lời dặn dò cuối cùng của Ta cho các con”.
Trí Tánh Đỗ Hữu Tài (Hoa Kỳ)
(Viết theo Nguyễn Văn Tuấn, Giải Nobel Y-Sinh
học phảng phất ý niệm Vô thường)

Nhà bác học Albert Einstein
|
“Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo
toàn cầu, vượt lên mọi thần linh giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao
quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên đặt trên căn bản của ý thức đạo lý,
phát xuất từ kinh nghiệm trọng thể gồm mọi phương diện trên, trong cái nhất thể
đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ mọi điều kiện đó.
Nếu có một tôn giáo nào đương đầu
được mọi nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là đạo Phật.
Phật giáo không cần xét lại quan điểm
của mình để cập nhật hóa những khám phá mới của khoa học.
Phật giáo không cần từ bỏ quan điểm
của mình để theo khoa học vì Phật giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua
khoa học”.
Nhà bác học Albert Einstein (1879-1955, Giải Nobel 1921)
|