GN - Hồi còn ở cái tuổi lên ba, cháu ngoại của tôi rất thích nghe bài hát thiếu
nhi “Con heo đất” của Ngọc Lễ. Tôi không hiểu vì sao cháu lại thích bài
hát này! Chắc là tại giọng hát của ca sĩ nhí Xuân Mai quá hay, cuốn hút cháu
dõi theo từng giai điệu hòa âm phối khí vui tươi.
Mẹ mua cho em con heo đất
Mẹ mua cho em con heo đất... í o í ò
Ngày hôm nay em vui lắm
Cầm heo trên tay em ngắm... í ò í o

Trẻ thơ hồn nhiên bên heo đất - Ảnh minh họa của VNE
Tôi có cảm giác nhân vật “con heo đất” mà mẹ mua cho em
như là một người bạn nhỏ của cháu. Chúng ta cũng phải công nhận rằng lời bài
hát rất hay, vỗ về hấp dẫn được bọn trẻ hòa mình trong cái thế giới ngây ngô hồn
nhiên trong sáng của chúng, mặc dù chúng chưa hiểu hết được những ca từ ấy.
Ông bà mình ngày xưa đã dạy con cháu tiết kiệm bằng cách
nuôi con heo đất rất là hay! Mỗi ngày bỏ vô heo đất ít tiền, cuối năm sẽ có một
số tiền tuy không lớn, nhưng cũng sắm được quần áo mới đi chơi Tết. Hoặc giả
như khi cần chi tiêu một việc đột xuất thì số tiền tiết kiệm trong heo đất có
thể giúp cho mình giải quyết được mà không phải đi vay mượn rất phiền toái, mà
vay thì chắc chắn phải trả. Cho nên bỏ tiền tiết kiệm vô con heo đất tuy là một
việc rất xưa cũ thời bây giờ ít ai làm, nhưng nếu thực hiện một cách thường
xuyên thì mình sẽ có ngay một số tiền để sử dụng khi cần thiết.
Đôi khi tôi tự hỏi tại sao người ta chọn hình tượng con
heo để làm con heo đất mà không chọn những con vật nuôi hiền hòa khác như trâu,
bò, chó, mèo...? Chắc tại heo là một con vật nuôi gần gũi và dễ thương, heo ăn
no nhanh lớn tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh phát. Nhớ ngày xưa mẹ tôi ngày
nào cũng đứng bên chuồng nhìn đàn heo ăn mà thương như thương những người bạn
nhỏ! Heo lớn là mẹ phải bán chúng đi để lấy tiền chi tiêu trong gia đình. Khi
người ta bắt heo đi, mẹ nước mắt lưng tròng!
Sau này cả gia đình tôi có duyên lành quy y Tam bảo. Mẹ từ
bỏ nghề chăn nuôi chuyển sang làm vườn trồng rau đem ra chợ bán để có thêm thu
nhập chi tiêu trong gia đình.
Tôi đang nhắc đến đứa cháu ngoại khi còn bé, cháu thích
nghe bài hát “Con heo đất”. Nay cháu đã lớn rồi, mỗi lần nhắc lại chuyện
xưa, cả hai ông cháu cùng cười vui. Sáng nay tôi hứa sẽ tặng cháu bức thư họa
con heo “Xuân Kỷ Hợi - 2019”. Cháu đã đến thăm ông và nhận quà. Cháu rất
vui khi nhận món quà thư họa này. Cháu ngắm nghía nheo mày một lúc
rồi hỏi ông:
- Sao cháu thấy mặt con heo này giống Bát Giới, đúng
không ông?
Tôi cười vì sự liên tưởng của cháu đến một nhân vật trong
phim truyện “Tây du ký”. Nhân dịp này tôi cho cháu biết thêm đôi điều về
Bát Giới:
- Bát Giới là một nhân vật có ngoại hình giống heo, biểu
trưng cho dục vọng và lòng tham của con người, bởi nhân vật này say mê ăn, ngủ,
ưa chấp ngã lắm cho nên bao nhiêu cái hư hỏng, phiền não là do con heo này mà
ra.
Bát Giới là tên do sư phụ Đường Tăng đặt cho với ý nghĩa
là “tám ranh giới bị kiềm chế” (tám giới bát quan trai), với mục đích là nhắc
nhở Bát Giới phải luôn tu sửa mình.
Bát Giới còn có cái tên Trư Ngộ Năng do Bồ-tát Quán Thế
Âm đặt cho, nghĩa là nhận ra bản năng của mình để thức tỉnh, chuyển hóa và giác
ngộ.
Đứa cháu lắng nghe tôi nói về Bát Giới có vẻ không thích
thú lắm vì những từ ngữ vượt ngoài tầm hiểu biết của tuổi lên mười, dù cháu đã
xem hết phim Tây du ký, đã nhìn thấy con heo thật cũng như con heo đất
mà tôi đã mua biếu cháu trước đây.
- Ông ơi, cháu thích con heo đất hơn vì heo đất dễ nuôi.
Nếu như ngày nào cháu quên cho heo đất ăn thì heo không khóc nhè, không đòi ăn.
Mai mốt Tết cháu sẽ cho heo đất ăn bù, no ngất ngây bằng tiền lì xì. Với số tiền
tiết kiệm heo đất, cháu đã trích ra một ít để giúp các bạn học sinh nghèo dịp Tết.
Và cháu nhờ mẹ mua tặng ông một món quà bí mật, coi như quà Tết, nhưng… khi cháu
về ông mới được mở ra.
Tôi nhận món quà Tết của cô cháu ngoại yêu quý vào những ngày cuối năm
khi gia đình tôi cũng như bà con làng xóm đang chuẩn bị đón Xuân Kỷ Hợi. Món
quà của cháu thật ấm cúng, gồm một cái mũ, khăn choàng và vài đôi tất len. Tôi
thật sự hạnh phúc vì cháu đã biết quý đồng tiền và học được đức tính tiết kiệm
bằng cách nuôi heo đất.