GN - Nghiên cứu về nguồn gốc (huyền sử và chính sử)
giáo chủ của tôn giáo là một công việc được giới nghiên cứu xã hội luôn quan
tâm. Tuy nhiên, phần lớn kết quả mà họ có được về cuộc đời của các ngài đều
liên hệ đến phần huyền sử. Huyền sử là những yếu tố mang tính huyền bí, thiêng
liêng, vượt ngoài tầm tư duy con người, không thể chứng minh.

Cần phải nói rằng không phải những thứ không thể hay chưa thể chứng minh
được là hoàn toàn không có, hay không đáng tin, mà chỉ vì trong một số lãnh vực,
đặc biệt là tâm linh, tri thức con người chưa đạt đến được, hoặc chưa giải mã
được. Nhiều tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại từ thuở hồng hoang của loài người cho
đến thời đại văn minh ngày nay là vì lý do này. Liên hệ đến huyền sử, từ ngữ
thường được nói đến khi tìm hiểu về giáo chủ các tôn giáo là “hiện thân”
(incarnation). Hiện thân bởi vì các ngài ấy không có nguồn gốc từ thế giới loài
người, mà từ một thế giới huyền bí nào đó được đặc phái đến cuộc đời này với sứ
mệnh ban vui, cứu khổ. Vì là đặc sứ của các đấng sáng thế đầy quyền năng, các
ngài này luôn được mặc khải mọi khả năng để thực hiện trách nhiệm của mình.
Vậy người khai sáng đạo Phật có phần huyền sử hay không!
Ngài có phải là đặc sứ của một năng lực siêu nhiên nào đó hay không! Là giáo chủ
của một tôn giáo, yếu tố huyền bí, thiêng liêng không thể nào thiếu được trong
cuộc đời Đức Phật, như đã được ghi lại trong kinh “Vị tằng hữu pháp” (Trung
bộ III), kinh “Đại bổn” (Trường bộ I)… Chính yếu tố huyền bí này đã
tạo nên niềm tin mãnh liệt của tín đồ đối với Đức Phật. Chính yếu tố thiêng
liêng này nối kết cuộc sống người Phật tử với đạo Phật, là động lực thúc đẩy
con người hướng đến những đời sống cao đẹp hơn, hướng đến thế giới chân thiện mỹ
thật sự. Thiếu các yếu tố này thế giới tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng,
không có lý do để tồn tại.
Tuy nhiên, huyền sử về Đức Phật hoàn toàn khác với
huyền sử giáo chủ các tôn giáo khác, bởi vì Đức Phật không phải là đặc sứ của bất
cứ năng lực siêu nhiên nào! Ngài không phải là một nhân cách được mặc khải với
mọi thứ quyền năng như một thiên thần, thiên tướng. Ngài không có quyền ban thưởng
hay trừng phạt bất cứ ai, bởi vì trong giáo lý Phật giáo, mọi chúng sanh đều
bình đẳng trước định lý nhân quả, đều tự chịu trách nhiệm với việc làm (nghiệp)
của chính mình. Khổ đau hay hạnh phúc của mỗi cá nhân không do ai ban thưởng
hay trừng phạt cả, mà do chính nghiệp lực của họ tạo ra.
Vì vậy, huyền sử về Đức
Phật không liên hệ đến yếu tố quyền năng hay mặc khải, mà chủ yếu ghi lại những
hiện tượng đặc biệt của một chúng sanh trong nhiều đời kiếp nỗ lực không ngừng
để hoàn thiện nhân cách bằng lý tưởng sống của một bậc đại nhân, người luôn vì
lợi ích và hạnh phúc của chúng sanh. Những sự kiện hy hữu, phi thường xuất hiện
trong đời sống của Đức Phật như thế có thể xem như là thành quả do quá trình tu
hành mang lại.
Tuy nhiên, nếu huyền sử là những yếu tố quan trọng đối với
phần lớn giáo chủ các tôn giáo thì chính sử lại là phần ý nghĩa nhất đối với bậc
khai sáng đạo Phật. Đây cũng là vấn đề nóng bỏng mà con người trong xã hội 4.0
ngày nay quan tâm. Vì lý do này nên rất nhiều tôn giáo lớn đang dụng công tìm
kiếm những gì có thể để chứng minh rằng giáo chủ của họ cũng là nhân vật lịch sử.
Riêng đối với Phật giáo, sau nhiều thập kỷ ứng dụng khoa học vào công tác
nghiên cứu, bằng những sử liệu, chứng cứ xác thực được phát hiện trong các
ngành khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội… tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Bồ Đề Đạo
Tràng (Bodhgaya), vườn Nai (Sarnath), Câu Thi Na (Kushinagar)… người ta xác nhận
rằng Đức Phật Thích Ca (Sakya) là một con người lịch sử, sống cách đây hơn
2.600 năm tại đất nước Cộng hòa Sakya (ngày nay là Nepal). Đây quả là một sự
khám phá cực kỳ giá trị với nhân loại ngày nay, bởi vì rất ít vị giáo chủ tôn
giáo có nguồn gốc từ thế giới con người với một sử liệu đầy đủ như Đức Phật.
Khuynh hướng chung của tín đồ khi đến với tôn giáo là đi
tìm kiếm ân huệ, sự cứu rỗi và tránh sự trừng phạt của các đặc sứ quyền năng.
Người ta thường có tâm lý hay cảm giác thích thú, thỏa mãn nhất thời với sự tưởng
tượng, hay được nghe nói về hình ảnh giáo chủ, thần linh được bao phủ với hào
quang ngũ sắc, bay lượn trên hư không, thi triển thần thông, ban phước, ban lộc
v.v…
Trái lại, họ rất sợ hãi nếu làm một việc gì đó được tương truyền là không
đúng với lời răn của thánh thần. Niềm tin là cơ sở tồn tại của loại tôn giáo
này. Hiện tượng này dường như cũng đang trôi chảy trong tâm nhiều Phật tử!
Thông thường, nhiều tín đồ ít quan tâm đến tính chân thực, giá trị và hiệu quả
của niềm tin mang lại. Người ta cũng không buồn thắc mắc là thế giới thần linh
có giống với thế giới con người hay không! Nếu đã không giống nhau thì tần số
tư duy và cảm xúc giữa hai thế giới là như thế nào! Các ngài có biết được con
người đang nghĩ gì, muốn gì, cần gì hay không!
Trong thực tế, nếu ai không sinh
ra từ thế giới con người, nghĩa là không mang thân ngũ uẩn với những quy luật
khắc nghiệt thành, trụ, hoại không, vô thường, khổ, thì chắc vị ấy khó lòng cảm
nhận được nỗi khổ của kiếp người; bởi vì, ngay cả con người với nhau cũng chưa
chắc cảm thông được số phận và hoàn cảnh của nhau. Một người chưa mắc bệnh ung
thư thì không bao giờ cảm thông được nỗi đau do căn bệnh quái ác này gây ra; một
người chưa từng bị nhức răng hay đau mắt thì không thể nào biết được sự khổ sở của
những ai đã từng bị cơn đau này hành hạ. Giới đàn ông không thể nào hiểu hết nỗi
đau của người phụ nữ khi mang nặng, đẻ đau; người giàu khó lòng cảm nhận được
cái nỗi khổ của kẻ bần hàn tay lấm chân bùn, bán lưng cho trời bán mặt cho đất.
Người và người mà chưa thể biết được cái khổ của nhau thì làm sao thần linh có
thể cảm thông được!
May mắn thay Đức Phật không phải là thần linh, không phải
là đấng được mặc khải, mà Ngài là một con người lịch sử! Trước khi trở thành bậc
Giác ngộ, Ngài có tên Tất-đạt-đa (Sirdattha), con vua Tịnh Phạn (Sudhodana) và
hoàng hậu Ma-da (Maya), sống tại vương thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) thuộc
nước Cộng hòa Thích Ca (Sakya) vào khoảng năm 563 trước Tây lịch.
Trong vị thế
là Hoàng thái tử, Tất-đạt-đa lớn lên trong một môi trường sống lý tưởng, trưởng
thành trong sự trân quý và hy vọng của vương quốc. Được nuôi dưỡng trong cung
vàng điện ngọc, tận hưởng mọi sự tốt đẹp của thế gian, thọ nhận sự tối ưu về
phương diện giáo dục, Thái tử đã trở thành một thanh niên văn võ toàn tài. Điều
này có thể xảy ra với bất cứ ai; bởi vì, theo Albert Einstein, thiên tài là một
phần thông minh và 99 phần là nỗ lực của tự thân.
Đã là con người, cuộc đời Tất-đạt-đa cũng bao hàm đầy đủ
các yếu tố yêu ghét, nhớ thương, buồn vui, phiền muộn... Sống ngay trong vòng
quay của quyền lực, Thái tử sớm nhận ra những thủ đoạn khốc liệt, âm mưu toan
tính để tranh giành địa vị, quyền lợi, danh vọng, tiền tài từ triều đình đến chốn
hậu cung, bất chấp tình thân, tình người. Chính sự thật này khiến Thái tử luôn
trầm tư về thế thái nhân tình. Thế nhưng, trái tim của chàng trai trẻ này cũng
xúc động trước cái đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống; đặc biệt là đã thổn thức,
xao xuyến trước sắc đẹp dịu dàng, thanh thoát, đức hạnh của Da-du-đà-la
(Yosodhara), về sau là vợ của chàng.
Tuy nhiên, hạnh phúc do quyền lực, danh vọng,
tiền bạc và gia đình mang lại vẫn không cột trói được bước chân của một vĩ nhân
vì tính tạm bợ, nô lệ và vô thường của chúng. Hơn nữa, những câu hỏi về giá trị
thật của cuộc sống, về giải pháp cho nỗi đau trong thế giới nhân sinh, những thắc
mắc chết sẽ đi về đâu… cứ mãi vương vấn trong tâm trí Thái tử; và cuối cùng
Ngài đã chọn con đường xuất thế để tìm giải pháp cho nỗi khổ của chính Ngài và
thế giới còn lại!
Khi còn nhỏ, lòng tôi luôn cảm thấy buồn mỗi khi nghe kể
rằng, trước khi thành Phật, Thái tử Tất-đạt-đa cũng có vợ, có con! Buồn là bởi
vì cuộc đời của Ngài như thế là không thiêng liêng, không cao đẹp bằng các vị
giáo chủ khác. Với tầm suy tư và nhận thức của tôi lúc ấy, Đức Phật phải là bậc
siêu nhiên, sinh ra là Ngài đã hiểu biết mọi thứ, cuộc đời Ngài luôn gắn liền với
hào quang sáng chiếu, với thần thông bay lượn…
Hạnh phúc thay, Đức Phật sinh ra
như mọi con người và bằng nỗ lực của tự thân Ngài đã làm thay đổi thân phận nô
lệ của kiếp người đối với thế giới thần linh; vì sau khi chứng đạo, Ngài tuyên
bố rằng Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Từ địa vị là con người,
Ngài đã thành Phật thì mọi con người đều có thể trở thành Phật! Nói theo ngôn
ngữ của Rabindranath Tagore, Đức Phật là người đã thánh hóa cuộc đời bằng một lần
thị hiện tại mảnh đất trần thế này qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của Ngài.
Là con người, Đức Phật biết rõ khổ đau thật sự của con người là gì, khổ đau ấy
đến từ đâu và con người đang muốn gì, cần gì.
Theo giáo lý Phật giáo, người ta
chỉ có thể chuyển hóa khổ đau bằng trí tuệ, chứ không thể bằng niềm tin! Tài sản
và sự nghiệp quý báu nhất của người Phật tử là trí tuệ; vì từ cái biết như thật
về con người và cuộc đời, Đức Phật đã tìm ra con đường có khả năng giải quyết
những khổ đau mà nhân loại đang đối mặt, như thông điệp của ngài António
Guterres, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, gửi cộng đồng Phật giáo nhân Đại lễ Vesak
2018: “Giáo lý của Đức Phật lấy giá trị chân thật của cuộc sống làm trọng
tâm, cũng chính là những gì ngày hôm nay chúng ta tìm kiếm trong Chương trình
nghị sự Vì sự phát triển bền vững hướng đến năm 2030”. Vì lý do này mà
Rabindranath Tagore nói rằng Đức Phật là con người vĩ đại nhất từ trước đến nay
sinh vào thế giới này.
Thiền
thất Từ Mãn, 2019
Tùy
bút Vesak của Viên Trí