37 năm đạo tình ở Báo Giác Ngộ

Ở tuổi 95, cư sĩ Tống Hồ Cầm vẫn minh mẫn, ngày ngày đến làm việc tại Giác Ngộ
Ở tuổi 95, cư sĩ Tống Hồ Cầm vẫn minh mẫn, ngày ngày đến làm việc tại Giác Ngộ

GN - LTS. Cư sĩ Tống Hồ Cầm là người có mặt ngay từ những ngày báo Giác Ngộ ra số đầu tiên, liên tục gắn bó với công việc tòa soạn suốt 37 năm với nhiều chức vụ lãnh đạo. Mùa xuân này ông bước sang tuổi 96.

Đúc kết về 37 năm qua làm việc ở Báo Giác Ngộ, ông cho biết đó là thời gian của đạo tình thắm thiết - chất liệu nuôi dưỡng và làm thăng hoa sự sống, vượt qua tất cả những khó khăn. Hồi tưởng về quá khứ, ông kể lại:

Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976, là một trong những tờ báo ra đời sớm nhất, sau ngày đất nước giải phóng, gần như ra mắt đồng thời với báo Sài Gòn Giải Phóng. Lúc này, Báo Giác Ngộ do cố cư sĩ Võ Đình Cường làm Tổng Biên tập, tôi làm Phó Tổng Biên tập kiêm Trị sự, ông Nguyễn Văn Hàm làm Thư ký tòa soạn.

Trụ sở Báo Giác Ngộ lúc bấy giờ là một ngôi biệt thự nằm trên đường Lê Quý Đôn với nhân duyên HT.Thích Hiển Pháp và tôi đứng ra tiếp thu có sự nhất trí của bà Mười Hai (Nguyễn Thị Thanh Quyên) do UBMTTQVN TP cử về với chức vụ là biên ủy của báo. Báo Giác Ngộ mỗi tháng chỉ ra hai kỳ, số ra đầu tiên vào ngày 1-1-1976, hoạt động của tờ báo ‘gắng thu bù chi’, do UBMTTQVN TP tài trợ. Cho đến khi, báo chí thuộc lĩnh vực nào thì về cơ quan chủ quản của tờ báo đó, báo Giác Ngộ là tờ báo của Phật giáo nên thuộc cơ quan chủ quản là THPG TP.HCM. Lúc bấy giờ, BTS THPG TP.HCM cử TT.Thích Trí Quảng đảm trách Tổng Biên tập, TT.Thích Giác Toàn đảm trách Tổng Thư ký, tôi là (đạo hữu Tống Hồ Cầm) làm Tổng Trị sự.

Trong giai đoạn đầu, Báo Giác Ngộ rất ít cộng tác viên nhưng tôi nhớ nhất là vợ chồng chị Thái Thanh là người đến với báo đầu tiên để viết tin, bài. Sau đó là anh Trần Công Đức, Cao Huy Vĩnh, thầy Thiện Bảo, thầy Tâm Thiện…

Giai đoạn này, báo rất khó khăn, HT.Thích Trí Quảng, Tổng Biên tập cùng với chúng tôi thường đi tham quan các tòa soạn khác để học hỏi kinh nghiệm từ công tác trị sự, tổ chức đời sống cho đến in ấn để áp dụng vào công việc tại Báo Giác Ngộ. Việc in ấn báo Giác Ngộ lúc bấy giờ hễ thấy nhà in nào giá thấp nhất thì giao in, rồi từng bước ổn định việc biên tập, phát hành. Độc giả của báo Giác Ngộ lúc bấy giờ cũng rất ít, chủ yếu là tại TP.HCM, sau đó mới phát triển dần tại các tỉnh thành.

Tôi còn nhớ, những ngày cùng với anh em đi đến thăm, quan hệ để vận động mua báo tại các cơ sở tự viện, hầu hết chư tôn đức đều rất hoan hỷ, có đạo tình với báo Giác Ngộ kể cả độc giả ở các tỉnh thành xa. Nhờ tình cảm quý mến ban đầu của độc giả, Báo Giác Ngộ xây dựng nền tảng lâu dài cho tờ báo phát triển. Từ mỗi tháng in một kỳ phát triển lên thành tuần báo, rồi có thêm nguyệt san Giác Ngộ, sau này phát triển thêm Giác Ngộ Online, báo Giác Ngộ trở thành “món ăn” tinh thần, kênh thông tin Phật sự Giáo hội cũng như tiếng nói của Tăng Ni, Phật tử cả nước.

Gắn bó với tờ báo cho đến nay tròn 37 năm, được sự tin yêu của Hòa thượng Tổng Biên tập và sự yêu quý, hòa hợp của anh chị em, nhân viên Báo Giác Ngộ, tôi từng bước vững vàng, đảm trách công việc trong Ban Thường trực của Báo. Tôi quy kính chư tôn đức và tin yêu các anh chị em đồng sự với đạo tình nghề nghiệp, điều đó đã cho tôi kinh nghiệm làm việc trong suốt ngần ấy năm với tờ báo chuyên đề Đạo pháp - Dân tộc và tin tức hoạt động của Giáo hội.

Đến nay vừa tròn 37 năm trong nghề, tự thấy mình tuổi đã cao (96 tuổi) nên tôi đã xin phép Hòa thượng Tổng Biên tập cho tôi được nghỉ từ đầu năm 2013. Tuy về nghỉ nhưng tôi vẫn hướng đến sự phát triển của tờ báo, tôi luôn mong Báo Giác Ngộ mỗi ngày càng phát triển lớn mạnh trong làng báo chí đồng thời là kênh thông tin, tiếng nói của Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại. Báo Giác Ngộ sẽ đáp ứng được sự tin tưởng, kỳ vọng của chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, độc giả trong và ngoài nước.

Cư sĩ Tống Hồ Cầm

(H.Diệu ghi)

___________
>> Xem thêm: Giữ mãi "bút sáng lòng trong" ll Báo Giác Ngộ kỷ niệm 37 năm ra số đầu tiên ll Nhân cách Tống Hồ Cầm ll

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày