Ân nhân của người “miệt vườn”

GN - Hơn mười năm qua, người dân miệt vườn tỉnh Bến Tre đã quen với hình ảnh người đàn ông với đôi chân “cà nhắc” thường đến những nơi có cầu khỉ hay bến đò nguy hiểm để khảo sát, làm cầu bê-tông, “nối nhịp yêu thương”. Người đàn ông ấy chính là ông Trịnh Văn Y, người miệt vườn thân thương thường gọi là ông Hai Y…

“Ăn xin” để xây hơn 1.300 cây cầu

Trở về sau kháng chiến với nhiều thương tích, ông Trịnh Văn Y được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, rồi khi đã nghỉ hưu, ông không an phận tuổi già mà đi khắp hang cùng ngõ cụt của tỉnh để xây cầu cho người dân.

Để có tiền xây cầu, ông không ngần ngại làm dự án đến gõ cửa từng cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Có người nói rằng ông là “kẻ ăn xin cao cấp”, ông chỉ cười bảo, “Mình ăn xin về cho dân chứ không phải cho mình nên mình không ngại, còn sức khỏe thì mình còn đi xin. Tôi mong muốn cùng với Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre (KHKTCĐ) đem lại bộ mặt mới cho giao thông nông thôn”.

NHTT].JPG

Ông Trịnh Văn Y bên cây cầu đã hoàn thành cho người dân tỉnh Bến Tre

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Văn Y (khu phố 3, P.7, TP.Bến Tre, Bến Tre) lúc trưa muộn. Tiếp chúng tôi, ông Hai Y vui vẻ: “Ý tưởng làm cầu cho dân không phải đến lúc nghỉ hưu tôi mới nghĩ đến, trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (1991 - 2001), trong những chuyến công tác xuống nông thôn lần nào tôi cũng nghe phản ánh có nhiều học sinh, hay thậm chí cả người lớn bị chết do té cầu khỉ, lúc đó lòng tôi đau lắm.

Tôi chỉ mong có thể xây được những chiếc cầu chắc chắn cho người dân đi lại nhưng vì ngân sách khó khăn, người dân còn nghèo nên không thể làm hết cầu đường cho dân được. Sau khi nghỉ hưu, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội KHKTCĐ tỉnh Bến Tre. Đến năm 2003, khi thấy hội viên ngày càng đông nên tôi bàn bạc với anh em lập tổ làm cầu đường từ thiện cho nông thôn.

Để khích lệ anh em, tôi nhận trách nhiệm đi vận động kinh phí, còn các kỹ sư đóng góp tinh thần và trình độ của mình để thiết kế cầu. Một thời gian sau, các cây cầu dây, cầu - đường bê-tông lần lượt được hoàn thành”.

Mười hai năm qua, hình ảnh người cán bộ về hưu, chân đi cà nhắc xuất hiện bên những cây cầu khỉ hay bến đò ngang cách trở không còn xa lạ với người dân tỉnh nhà, không chỉ có những người già mà còn những đứa trẻ cũng biết đó là ông Hai Y.

Nay, ông Hai Y đã bước sang tuổi 71 nhưng nhìn ông còn khỏe lắm, với cái tuổi này nhiều người chỉ lo nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng ông Hai Y vẫn ngày ngày xuống những vùng nông thôn nghèo khó để xây cầu, làm đường cho dân. Đến nay, ông Y đi khắp nơi vận động, xây dựng được 1.300 cây cầu bê-tông, làm mới gần 200km đường giao thông ở vùng sâu vùng xa của Bến Tre.

Không chỉ xin các doanh nghiệp trong tỉnh, ông Y còn làm dự án gửi đi các tỉnh bạn, đặc biệt có nhiều vị tôn đức Phật giáo tại TP.HCM giúp đỡ xây dựng hàng trăm cây cầu, ông còn mời được cả người nước ngoài vào đầu tư làm cầu bê-tông cho người dân Bến Tre.

Hỏi vì sao một người đau yếu, nhiều bệnh mãn tính như huyết áp, tiểu đường… lại có thể làm được điều kỳ diệu như thế. Ông Hai Y chia sẻ: “Ngần ấy năm là Chủ tịch Hội KHKTCĐ là từng đó năm tôi làm kẻ đi ăn xin. Uy tín của hội ngày càng cao nên đi đến đâu xin cũng được ủng hộ, có nhiều người còn tự nguyện đến gặp tôi xin được đóng góp làm đường cho những vùng sâu vùng xa, những lúc đó tôi vui lắm”.

“Trả nợ” cho dân

Có người hỏi ông Y sao già rồi sao không nghỉ ngơi mà suốt ngày đi vận động làm cầu đường cho dân, ông cười bảo: “Những ngày tháng chiến tranh, tôi được người dân nơi đây che chở, nuôi ăn từng bữa. Đến khi làm Phó Chủ tịch, người dân lại gò lưng đóng thuế để trả lương cho tôi nhưng tôi đã làm được gì cho họ đâu.

Tôi còn mắc nợ dân nhiều lắm, đó là món nợ quá lớn mà có thể tôi sẽ không trả hết được cho dân trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Do đó, tôi đang cố gắng hết sức để có thể mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn còn khó khăn”.

Người dân còn cho rằng ông Hai Y là người nối những nhịp cầu yêu thương, hỏi ông có hạnh phúc không khi được gọi như thế, ông cười nói: “Được người dân yêu quý dĩ nhiên là rất vui, nhưng tôi chẳng dám nhận. Tôi chỉ biết rằng, tôi thật sự rất hạnh phúc vì mang lại cuộc sống thoải mái hơn cho người ở nông thôn Bến Tre.

Mình làm công trình cho dân nên ai cũng ủng hộ, phấn khởi, mọi người đều chung tay vào làm, cứ mỗi cây cầu được xây xong là có hàng vạn nụ cười hạnh phúc. Mọi người đi lại trên cầu đông như hội, những lúc như thế mình thấy vui lắm, vì mình cũng đã góp một phần nhỏ nối hai bờ sông cho người dân đi lại được thuận tiện”.

Bởi thế mà, hầu hết các buổi lễ khánh thành cầu bê-tông người ta đều thấy ông cười nói vui vẻ như một đứa trẻ, trong khi đôi mắt đỏ hoe vì vui sướng và cảm động.

Không chỉ những công trình trong tỉnh, ông Hai Y còn trực tiếp hướng dẫn làm dự án, hướng dẫn vận động các nguồn kinh phí khác để xây cầu cho các tỉnh bạn. Rồi ông còn mời được cả một tổ chức tại Đức cùng góp vốn để giúp đỡ, xây dựng cầu cho các tỉnh miền Tây, đó quả là điều hết sức kỳ diệu.

Đến nay cầu khỉ trên địa bàn tỉnh cơ bản được xóa hết, nhưng vẫn còn vài trăm cây cầu cũ cần phải được sữa chữa bảo trì. “Tôi không cảm thấy thỏa mãn với những gì đã làm được, xây được cầu mới rồi còn phải thường xuyên bảo trì nữa, như thế mới bền được.

Chúng tôi đang phối hợp với Tỉnh ủy áp dụng thí điểm chương trình bảo trì giao thông nông thôn ở 9 ấp, mỗi ấp đều lập ra tổ điều hành, hướng dẫn họ cách bảo trì đúng kỹ thuật để công trình giao thông được chắc chắn. Đây cũng là một cách để đưa khoa học kỹ thuật vào nông thôn, nhằm cải tạo nông thôn có bộ mặt mới”, ông Hai Y cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Tích, ấp Tích Đức, xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) chia sẻ: “Là người dân, tôi thật sự cảm động và biết ơn những tấm lòng luôn biết lo cho dân như ông Hai Y, tuy ông sống tại thành phố Bến Tre nhưng biết nghĩ cho những vùng đất còn nghèo khó”.

Với những cố gắng không biết mệt mỏi của mình, đến nay ông Trịnh Văn Y, cùng với Hội KHKTCĐ tỉnh Bến Tre và phong trào nông thôn đã xóa hết cầu khỉ, 1.300 cây cầu được xây mới, bảo trì hàng trăm cây cầu. Bên cạnh đó còn mở rộng đường nông thôn và trải bê-tông nhiều tuyến đường với chiều dài gần 200km. Ông Hai Y chính là ân nhân của người “miệt vườn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày