Ấn tượng từ khóa thực tập chánh niệm

GN - Ngày nào cũng đi, cũng bước trên đất mẹ, vậy mà hôm nay mới cảm được một chút cái cảm giác bước từng bước chân trần trên đất, ngắm nhìn từng chiếc lá, từng giọt nắng, từng cái cười…. đầy tươi mới - chúng tôi như đứa trẻ mới chập chững tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống.

Thật vậy, khóa tu “Con đường trở về” diễn ra từ ngày 6-4 đến 9-4 vừa qua tại chùa Từ Đức (thôn Quảng Đức, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã mang đến cho mỗi người tham dự điều đó.
5td.jpg
Thiền trà trong sự an tĩnh của mỗi hơi thở có ý thức và quán niệm sâu sắc - Ảnh: Cẩm Vân

Giờ ăn cơm cũng lạ, mọi người im lặng, buông thư và ăn từng muỗng thức ăn trong chánh niệm. Ăn xong mọi người cùng nghe chuông, xá chào nhau, biết mình đang được sống trong từng hơi thở và thong dong đi đến nơi rửa bát.

Đặc biệt, mỗi lần có tiếng chuông vang lên là tất cả mọi người đều dừng lại thở nhẹ, có ý thức về hơi thở vào-ra, điều mà có bạn trẻ trong khóa tu chia sẻ là sự thực tập ấy giống như một “phép lạ” - nghe tiếng chuông mọi người làm gì cũng dừng lại và thở, mỉm cười, tỉnh thức.

Được quý thầy, sư cô chia sẻ cách thực tập để “an”, trong đó có bài pháp mà mình thích ơi là thích: là những chất liệu của tình thương do thầy Pháp Dung chia sẻ. Thầy nói, tình thương thì ai cũng cần và có nhưng thương sao để đừng làm nhau khổ đau mới là điều phải học. Để thương được người khác thì mình phải quay về chăm sóc chính mình trước, thực tập cho yên cái thân mình trước, sau đó mới đến cái tâm.

Chất liệu đầu tiên thầy nói là thương phải hạnh phúc, vì “tu học không có nghĩa là giết chết khả năng thương yêu trong con người của ta, trái lại tu học tức là làm cho tình thương trong ta lớn lên, nở ra và vững mạnh”. Thường khi ở lâu với nhau mình hay bị đóng khung suy nghĩ của mình, mình cho là mình đã hiểu người thương nên thường mình không chịu lắng nghe hết những lời người thương nói, những điều người thương làm nên... không thương sâu sắc nữa, đấy là con đường dẫn đến khổ, thầy giáo thọ chia sẻ.

Thương là phải có niềm vui. Thầy nói rồi giải thích - chúng ta hay nghe “Có bùn mới có sen” nhưng mình đừng để cho bùn che hết sen đi, mình đừng để những điểm chưa dễ thương của người thương che hết những điểm dễ thương nơi họ. Đừng vì chăm chú vào điềm chưa dễ thương của họ, rồi trách cứ mà quên nuôi dưỡng những niềm vui, sự tươi mát nơi mình.

Theo thầy Pháp Dung, thương còn là làm giảm những nỗi khổ niềm đau, “vì trong tình thương của mình, mình phải biết khi lá xanh biết lá xanh, khi héo biết héo, khi vàng hay bị sâu ăn là biết rõ như nó đang là…, sau đó mình mới có cách để chăm sóc. Mình có quyền bị héo, bị xấu, bị phạm lỗi… nhưng quan trọng mình phải biết thực tập, tu tập để chuyển hóa những tập khí chưa dễ thương đó”.

Thầy mỉm cười, dừng lại giây lát, rồi nhấn mạnh: “những bạn trẻ còn độc thân là... các bạn còn may mắn lắm, các bạn có tự do thì nên quay về tìm hiểu chính mình, những tâm hành của mình, những tập khí xấu của mình. Nếu mình biết thương mình thì mình sẽ rất khỏe, vì mình vượt qua được những khổ đau, tri giác sai lầm và mình tự chữa trị cho mình được. Nhờ vậy nếu sau này mình có người thương mình sẽ biết cách thương cho sâu sắc”.

Tự do là chất liệu cuối, thầy nói, chúng ta sẽ không bị lôi cuốn trong cảm xúc, “vì mình biết làm chủ chính mình, làm chủ cảm xúc, mình được tự do thở, không bị những tri giác sai lầm của người kia làm mình bị tổn thương. Người đi tu phải biết bảo vệ và tạo tự do cho chính mình, mình có năng lượng an vui thì mới có thể chăm sóc người thương và mình biết cách để cho người thương và mình được tự do”.

Trong khóa tu, các bạn trẻ còn được thực tập thiền buông thư, thiền trà, tập chấp tác… với việc duy trì hơi thở chánh niệm.

Dưới ánh nắng nhẹ, gió thổi cũng nhẹ, những bước chân trên lá xào xạc, tiếng ve kêu râm ran, mọi người tập nhận biết sự sống trong từng hơi thở, mỉm cười lắng nghe nhau trong yêu thương của cỏ cây, đất trời nơi “con đường trở về” nhiều tươi mới.

Nhã An

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày