Kinh Duy Ma là bộ kinh Đại thừa có sớm nhất, là cái nôi của Đại thừa Phật giáo và kiến giải giáo lý theo chân tinh thần Đại thừa “Mang đạo vào đời làm sáng đẹp cho đời, mà không bị đời làm ô nhiễm”. Kinh Duy Ma nguyên tên là Vimalakirti Nirdesa được lưu truyền từ Ấn Độ sang Tây Vực, Trung Quốc, Tây Tạng, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt
Kinh Đại thừa thường phân ra mười loại hình thế giới gồm sáu thế giới phàm (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A tu la, người, trời) và bốn thế giới của Thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật). Chúng ta thường qua lại mười thế giới này ngay trong cuộc sống hiện tại; không phải đợi đến chết mới thay đổi thế giới. Một sát na tâm trước, chúng ta hoan hỷ là đang ở cõi trời; sát na tâm sau, chúng ta đau khổ cùng cực là đang rơi vào địa ngục. Trong từng niệm tâm, chúng ta luôn thay đổi cảnh giới mình sống như vậy.
Chính vì tâm có khả năng sinh khởi các loại hình thế giới, Đức Phật đưa ra pháp môn kiến tạo Tịnh độ. Pháp tu đầu tiên Phật dạy là phương pháp diệt khổ để có Niết bàn. Làm theo đúng mô hình Đức Phật đề ra, hành giả sẽ đạt quả vị La hán, tạo dựng được loại hình thứ nhất trong thế giới Thánh là Niết bàn của Thanh văn.
Trong thế giới Phật, Ngài cũng vẽ ra cho chúng ta bốn loại thế giới thanh tịnh hay bốn Tịnh độ khác nhau qua bốn bộ kinh là Di Đà, Duy Ma, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Từng chặng đường tu hành, tư cách và khả năng của người nghe pháp thăng tiến đổi mới, cũng như tùy thời tùy chỗ mà Đức Phật thuyết pháp khác nhau; từ đó, hình thành Tịnh độ hay cảnh giới an lành không giống nhau. Tu chứng, thâm nhập được bốn Tịnh độ nói trên, chúng ta sẽ bước vào Tịnh độ sau cùng do chính ta tạo dựng được.
Khởi đầu, chúng ta có mẫu Tịnh độ là thế giới Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Trên bước đường vân du hóa độ, khi đến thành Xá Vệ, Đức Phật được hàng vua chúa cho đến người dân thường hết sức kính nể. Nhất là vua Ba Tư Nặc quá kính trọng Đức Phật và Thánh tăng đến mức ông đã ban sắc luật rằng người phạm tội gì, nếu xuất gia được miễn, kể cả giết người. Vì thế, những thành phần xấu ác vì quyền lợi mà xuất gia. Họ len lỏi vào Tăng đoàn và Kỳ Hoàn tịnh xá trở thành nơi tranh chấp phức tạp với sự xuất hiện của sáu nhóm ác Tăng, gọi là lục quần Tỳ kheo.
Những vị chân tu không thể sống trong môi trường tệ hại như vậy, họ xin Đức Phật đến nơi khác. Ngài mới khuyến khích họ cố gắng nhiếp tâm tu ở thế giới Ta bà, chết sẽ vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc. Đó là thế giới lý tưởng được Đức Phật vẽ ra cho chúng hội hướng tâm đến, để an trú giải thoát, tạm quên đi môi trường tệ ác hiện tại.
Đến lúc tâm chúng hội tạm an định, Đức Phật không muốn họ thỏa mãn với sinh hoạt đơn giản duy nhất là khất thực, ăn, ngủ. Ngài cũng không muốn họ mãi an trú trong ba pháp là Không, Vô tác, Vô nguyện của hàng A la hán, chẳng muốn làm gì và cũng chẳng mong cầu gì, kể cả mong muốn thành Phật. Đức Phật mới tạo điều kiện gợi ý cho chúng Tăng phát triển tâm Bồ đề. Gợi ý bằng cách dẫn pháp hội đạo tràng đến thành Tỳ Da Ly, một thành phố văn minh để họ mở rộng tầm nhận thức, có cái nhìn đổi mới.
Ở thành Tỳ Da Ly, Đức Phật giới thiệu cho chúng hội thấy thế giới Phật ở trong vườn Yêm La, không phải ở thế giới Tây phương xa xôi nào như Ngài đã giới thiệu ở thành Xá Vệ. Thế giới Phật hay vườn Yêm La bấy giờ gồm chúng hội đạo tràng đang nghe Phật giảng kinh Duy Ma với 8.000 Tỳ kheo, 32.000 Bồ tát, 10.000 Phạm Thiên, 12.000 chư Thiên tùy tùng với Trời Đế Thích, cùng với bát bộ chúng.
Trước hết, đối với 8.000 Tỳ kheo dự hội, chúng ta hiểu họ là đệ tử tùy tùng Phật để tu học. Từ cao nhất có mười đại đệ tử, cho đến người tầm thường nhất chỉ quét lá, hốt phân, mỗi người đều nhận được pháp phần của Phật. Trong thế giới Phật nhỏ bé này, các Thanh văn chung sống chỉ thấy có Phật là người giải thoát và các Ngài là Thánh chúng giải thoát. Đó là loại hình thế giới của Tỳ kheo mang tâm cầu đạo, siêng tu ngày đêm, hay thế giới của hàng Thanh văn. Các Ngài đến với Phật chỉ nhằm mục tiêu học và tu, quyền lợi và thế gian gạt bỏ bên kia bờ tường tịnh xá. Các Ngài chinh phục tất cả phiền não nhiễm ô để trở thành người thanh tịnh, giải thoát, dự vào dòng Thánh.
Thế giới Thanh văn là một bộ phận thế giới nằm trong thế giới Phật, hay nói chung 8.000 Tỳ kheo chịu ảnh hưởng Phật và thấy Đức Phật đồng với các Ngài. Các Ngài nghĩ rằng đã hiểu Phật, tu với Phật, có sở đắc, được một phần giải thoát. Lần lần hạt nhân này phát triển, các Ngài trở thành thanh tịnh hoàn toàn về thể xác lẫn tinh thần. Vì vậy, 8.000 Thanh văn là đệ tử nhỏ của Đức Phật cũng thanh tịnh. Tương quan của Thanh văn với Đức Phật là tương quan giải thoát.
Ngoài 8.000 Tỳ kheo hay Thanh văn liên hệ với Đức Phật, xa hơn còn có 32.000 Bồ tát đến nghe pháp. Bồ tát là đệ tử lớn của Phật, làm công việc giáo hóa chúng hữu tình. Các Ngài đã giác ngộ, thâm nhập Phật huệ, lấy trí tuệ làm thân mạng. Vì thế, Bồ tát nhằm chỉ Bồ tát tâm, Bồ tát hạnh, không chỉ cho con người sinh diệt. Người có tâm thông với Phật, tiếp thu được giáo nghĩa để sống với thế giới Phật và có hạnh đồng như Phật, người đó là Bồ tát. Bồ tát có đến dự hội thật hay không, theo tôi, không phải là vấn đề quan trọng. Điểm chính yếu là lực Bồ tát tạo thành sức mạnh ảnh hưởng cả thành Tỳ Da Ly, hay những tâm hồn lớn chú tâm dồn lực về Phật. Họ làm những việc của Đức Phật làm, tạo thành uy thế mạnh mẽ cho Ngài.
Trong pháp hội này, giữa Đức Phật và chúng hội đã thông nhau bằng tư tưởng. Tư tưởng Phật thông với tư tưởng của các tôn giáo, triết học đương thời, được kinh diễn tả là Phạm Thiên, Đế Thích, bát bộ chúng đến nghe pháp. Thành phần chúng hội gồm đủ loại hình tham dự thế giới Phật, mở đầu phẩm, gợi cho chúng ta định rõ vấn đề Phật quốc hay Đức Phật là gì và thế giới Phật như thế nào.
Đức Phật là bậc đầy đủ đức hạnh, tài năng, trí tuệ. Ba điểm siêu việt này tỏa ra thu hút mọi người đến với Ngài, tạo thành sức mạnh vô song bao quanh Phật. Đức Phật ảnh hưởng đến mọi người; dù họ đến hay không, tâm vẫn hướng về Ngài. Đó là mô hình thế giới Phật. Tuy nhiên, chúng hội sống trong thế giới Phật vẫn không nhận biết được ảnh hưởng của Phật. Phải đợi đến con của Trưởng giả Bảo Tích dẫn theo 500 thiếu niên, đến vườn Yêm La dâng cúng lọng báu cho Đức Phật, họ mới hình dung được lực Phật.
500 thiếu niên con của trưởng giả bỏ tục xuất gia, dâng cúng Đức Phật sự nghiệp nội tài và ngoại tài. Họ đến với Đức Phật bằng tất cả tâm hồn khát ngưỡng kính mến, mang theo tài sản vật chất cùng khả năng tài giỏi, tiêu biểu bằng 500 cây lọng báu dâng cúng Phật.500 lọng báu được Phật kết hợp thành một cây lọng. Nghĩa là bằng trí tuệ siêu tuyệt, Ngài đã tổng hợp được nhận thức của người trước và người đương thời, đúc kết thành tư tưởng chỉ đạo mọi người, có khả năng làm mát lòng người.
Ở đây, hiện tượng cây lọng của Phật che mát phải ẩn chứa ý nghĩa sâu xa bên trong. Theo tôi, đó là triết lý sống, là lý tưởng của người cầu đạo. Thật vậy, tác động của Đức Phật Thích Ca vào xã hội thật mãnh liệt. Mọi tầng lớp đến với Ngài đều cảm thấy an ổn, hạnh phúc hay chính Ngài là bóng mát tàng lọng che chở cho người người được phước lạc. Từ nhóm người nhỏ ở Tỳ Da Ly lần lần phát triển, số người theo Ngài lan rộng toàn xứ Ấn Độ. Sau đó, đạo Phật được truyền sang các nước phương Đông và các nước ở Trung Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam... Ngày nay Phật giáo phổ cập trên thế giới với lịch sử truyền bá lâu dài êm đẹp và số lượng tín đồ quan trọng.
Tất cả gợi cho chúng ta hình dung toàn vũ trụ được đặt dưới sự che chở của Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, hay giáo lý của Ngài để lại làm mát lòng người. Chúng ta vẫn tiếp tục sống với pháp nhủ của Phật. Phải chăng tàng lọng Phật mở rộng khắp thế giới, được từng thế hệ trưởng dưỡng, nối tiếp. Cho đến ngày nay, tôi vẫn có cảm nghĩ chúng ta còn đang ngồi dưới cây lọng mát của Đức Phật.
Tàng lọng Phật che mát mọi người, nhưng quan trọng hơn là phải có các Đức Phật hiện hữu dưới cây lọng của Đức Phật Thích Ca. Hay nói cách khác, sau Phật diệt độ, có các vị Thánh Tăng ra đời thừa kế sự nghiệp; tiêu biểu như Ngài Đường Huyền Trang vì đạo không tiếc thân mạng, dấn thân đi cầu Chánh pháp, vượt biết bao hiểm nguy gian khổ. Ngài chỉ có mục tiêu duy nhất là làm giáo pháp Phật sáng tỏ để làm tàng lọng che mát cho nhân gian.
Những người sống bám vào đạo là cây tầm gởi làm chết cây Bồ đề, hay là con chuột uống dầu Phật. Người ta không dám nói thẳng, sợ mất lòng, nên lấy hình ảnh con chuột uống dầu để ám chỉ việc chư Tăng thất học. Tăng sĩ là người thừa kế Phật để tiếp nối ngọn đèn trí tuệ Phật, làm cho Chánh pháp còn soi sáng mãi trên nhân gian. Nếu không thể hiện được điều này, cũng chỉ là chuột uống dầu, làm cho đèn Phật mau tắt mà thôi.
Người thắp sáng mãi ngọn đèn của Phật trong nhân gian, được kinh Duy Ma tiêu biểu bằng hình ảnh các hóa Phật ngồi dưới lọng của Đức Phật Thích Ca. Hóa Phật không phải là Phật thật, nhưng là các vị Tăng đã vận dụng giáo lý vào cuộc sống, dùng trí tuệ chỉ đạo xã hội, giúp người được an lành giải thoát. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca là một, nhưng các vị danh Tăng ứng dụng hoàn toàn không giống nhau. Kinh Duy Ma diễn tả là các Đức Phật hình thành Phật quốc tùy theo yêu cầu của nhân gian.
Con của Trưởng giả Bảo Tích hỏi Đức Phật rằng họ đã phát tâm Bồ đề, làm thế nào thành Phật và tạo được Thật báo trang nghiêm Tịnh độ như Đức Phật vừa phô diễn. Ngài nhận thấy 500 thiếu niên thông minh, khỏe mạnh và đầy đủ phước báo, nghĩa là họ đã hội đủ những điều kiện y như Đức Phật Thích Ca, Ngài mới dạy họ xây dựng Tịnh độ.
Các thiếu niên hỏi về Tịnh độ của Đức Phật, nhưng Ngài lại trả lời về Tịnh độ của Bồ tát; vì có Tịnh độ của Bồ tát mới tạo Tịnh độ Phật được. Đức Phật dạy các thiếu niên là dạy kinh nghiệm tu hành vô số kiếp trước của Ngài, cũng để ngầm giáo hóa 8.000 Tỳ kheo trong pháp hội. Vì vậy, kinh Duy Ma được xếp vào thời kỳ ức dương giáo, đề cao Bồ tát biết xây dựng, phát triển cuộc sống và chỉ trích tư tưởng yếm thế của hàng Thanh văn.
Kinh Duy Ma mở đầu với phẩm Phật Quốc nói lên nhận thức về Tịnh độ bao gồm lời dạy của kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa để xây dựng Niết bàn hay thế giới an bình vĩnh cửu. Tịnh độ trong kinh Duy Ma khởi đầu bằng trí Bát Nhã quán chiếu, soi rọi vào xã hội, cho nên thấy đúng và nói đúng với sự thật; Đức Phật mới đưa ra mô hình Tịnh độ rất hiện thực. Ứng theo bối cảnh của thành phố sinh hoạt phát đạt, cũng như tâm niệm nhiệt tình phát triển xã hội của các thiếu niên, Đức Phật đã vẽ ra mẫu Tịnh độ của Bồ tát. Tịnh độ này do chính bàn tay và khối óc của Bồ tát xây dựng, nghĩa là mẫu thế giới lý tưởng phải được thực hiện ngay trong thành Tỳ Da Ly.
Tuy nhiên, muốn hình thành Tịnh độ hay thế giới Phật, phải xây dựng căn bản trên con người. Từ bỏ con người, không có thế giới Phật. Bằng tuệ nhãn quán sát chúng sinh, Đức Phật dạy rằng con người thế nào thì thế giới tùy theo đó mà hiện ra. Trên bước đường tu, tùy tư cách, vị trí của hành giả đến chặng đường nào, thế giới giải thoát mở ra đến đó. Trong phẩm này, Đức Phật đưa ra một số mẫu Tịnh độ của Bồ tát khác với Tịnh độ của Phật. Thế giới Phật hoàn toàn an lành. Thế giới Bồ tát là thế giới giáo hóa chúng sinh, nên chúng sanh thế nào thì Bồ tát tương ưng theo đó để giáo hóa.
Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát
Đức Phật dạy Bồ tát xây dựng thế giới an lành bằng trực tâm. Với tâm chánh trực, hành giả biết sống thành thật với lòng mình và với người xung quanh. Ta bà đau khổ chỉ vì lòng chúng sinh không ngay thẳng, thường lừa dối nhau, cho đến phá sản tinh thần, không còn ai tin nhau. Vì vậy, muốn xây dựng người khác, phải xây dựng chính mình trước. Sống đúng với sự thật, không gian dối, tâm an lành sẽ tự hiện ra.
Trang nghiêm bằng tâm chân thật, không dua dối, hành giả lắng nghe những lời chỉ trích để tự sửa mình. Tinh tấn cải thiện suy tư và hành động tốt đẹp bao nhiêu, bản tánh giác ngộ trong sáng thêm bấy nhiêu. Trực tâm hướng dẫn việc làm của hành giả đúng đắn ngay thật, sẽ tạo niềm tin tưởng cho người khác. Người ta sẽ đến với hành giả bằng chân tình. Sống chung với những người bạn ngay thẳng, chuyện rắc rối không thể xảy ra. Cần nhớ rằng tâm mình thế nào sẽ kết thành chúng nhân theo mình như vậy. Người xấu ác không thể sống chung với người lành, tự nhiên có những mâu thuẫn kỳ lạ đẩy họ cách xa nhau.
Hành giả thành thật với mình trước và người chung quanh sẽ thành thật theo. Từ đó, thế giới tin yêu an lành đã mở ra cho chính mình và mọi người, một cuộc sống bình an của Tịnh độ nhỏ bé trong lòng thế giới Ta bà bao la để chúng ta yên ổn tu hành. Đó là nền tảng cho hành giả tiến tu đạo hạnh. Sống dối trá, đời đời vẫn là chúng sinh.
Thâm tâm là Tịnh độ của Bồ tát
Khi thân tâm đã yên ổn trong thế giới thành thật rồi, hành giả thấy người khổ đau đói rét, khởi tâm giúp đỡ. Hành giả bắt đầu nghĩ đến mở rộng thế giới an lành cho mọi người, chan hòa tình thương cho mọi người. Nghĩa là từ Tịnh độ một tiến lên Tịnh độ hai, Đức Phật dạy rằng thâm tâm là Tịnh độ của Bồ tát.
Thâm tâm hay đại bi tâm là thế giới tình thương hình thành sau thế giới của thành thật. Thâm tâm chính là bổn hoài của Đức Phật khi Ngài hiện thân trên cuộc đời. Đức Phật trải rộng tình thương với mọi người, nên nhận được cảm tình vô hạn của người người hướng về Ngài, coi Ngài là đấng cha lành.
Bước theo dấu chân Phật, đầu tiên hoa tình thương nở ra trong tâm hành giả, tạo thành sự thao thức quyết cứu tất cả chúng sinh. Tình thương được thể hiện thành hành động, việc làm cụ thể nhằm nâng cao đời sống của người khác bằng với ta, truyền trao kiến thức cho người khác được hiểu biết như ta và làm cho người khác được hạnh phúc như ta. Tình thương chân thật của hành giả được người đáp lại bằng mối thiện cảm sâu xa, tạo thành thế giới thương yêu an lành; đó là Tịnh độ của Bồ tát.
Bồ đề tâm là Tịnh độ của Bồ tát
Bồ đề tâm là trí giác, là khả năng nhận thức sáng suốt để hành động đúng đắn lợi cho mình và người. Vì thế, tuy xếp vào hàng thứ ba nhưng tâm này quan trọng nhất, vì chỗ nào có Bồ đề tâm, mới có tình thương và sự ngay thật. Tình thương phát xuất từ Bồ đề tâm là tình thương chân thật. Không có Bồ đề tâm hướng dẫn, sẽ rơi vào tình thương giả dối hay có giới hạn. Thương trong tham dục, thương để rồi đau khổ, thì thương làm chi.
Hành giả khởi tâm từ giúp đỡ người bằng trí giác, bước chân hành đạo mới nở hoa và không bị vấp ngã. Hành giả sống một mình muốn làm gì cũng được, nhưng lãnh đạo quần chúng phải làm thế nào cho mọi người phát triển an vui hạnh phúc. Vì thế, yêu cầu tri thức trở thành quan trọng. Hành giả thương người và ngay thẳng đến đâu chăng nữa, nhưng không đủ sáng suốt cũng thất bại, làm cho người đau khổ.
Khi Bồ đề tâm tăng trưởng hay trí giác phát triển, hành giả biết rõ được nguyên tố cấu tạo con người và thế giới con người. Hành giả vận dụng những công thức này để thăng hoa đời sống cho người và cho xã hội. Nơi nào có Bồ đề tâm hay có trí tuệ, nơi đó phát triển, có đời sống cao; đó là mẫu Tịnh độ của Bồ tát.
Thành tựu ba tâm này, Đức Phật dạy chúng ta phát triển Tịnh độ bằng cách kết hợp ba tâm với sáu pháp ba la mật. Không đặt căn bản trên ba tâm mà tu sáu pháp ba la mật, thì không thành tựu pháp của Bồ tát. Hành giả dùng ba tâm rọi vào sáu pháp ba la mật và vận dụng sáu pháp ba la mật tu đạt nghĩa rốt ráo, nên tâm hoàn toàn thanh tịnh. Nhờ đó, Tịnh độ Bồ tát hiện ra dưới dạng sáu pháp ba la mật.
Kế đến, Đức Phật dạy 37 trợ đạo phẩm cũng là Tịnh độ của Bồ tát. Khi tu 37 trợ đạo phẩm cũng phải đặt căn bản trên ba tâm; vì hành 37 trợ đạo phẩm riêng biệt sẽ không đắc đạo. Nói chung, tất cả những gì Đức Phật dạy từ Lộc Uyển đến thành Tỳ Da Ly, không có pháp nào không hình thành Tịnh độ. Nhưng những người không chịu sử dụng, không chịu an trú thế giới an lành này. Họ cứ lang thang ra ngoài rồi than vãn khổ sở, oi bức quá và chạy tìm mãi Tịnh độ xa xăm nào đâu. Trong khi con của Trưởng giả Bảo Tích và 500 thiếu niên thích thú với thế giới giải thoát của Đức Phật mà họ bắt gặp được, nên hướng tâm xuất gia.
Xá Lợi Phất đại diện đệ tử Phật cảm thấy lạ, vụt nghi ngờ lời Phật dạy. Các thiếu niên chỉ tu một pháp đã có Tịnh độ, còn các Ngài theo Phật đã lâu, tu rất nhiều pháp mà sao không thấy Tịnh độ và ngay cả Đức Phật tu vô lượng kiếp còn không có Tịnh độ, nghĩa là sao. Nói cách khác, thế giới Phật dạy lý tưởng như vậy, nhưng thực tế lại phũ phàng. Đức Phật cũng phải đầu trần, chân đất đi khất thực, có lúc cũng không có cơm ăn. Vậy Tịnh độ Phật ở đâu, không lẽ Đức Phật hư vọng hay sao.
Điểm này gợi nhắc rằng tu theo hình thức và tu hành có tâm chứng hoàn toàn khác nhau. Thật vậy, đồng tu nhưng có người cảm tâm, được Tịnh độ. Không cảm tâm, chẳng bao giờ bước chân vào Tịnh Độ được. Hành giả cầu đạo thực lòng, sẽ thấy Tịnh độ theo từng thứ bậc. Từ Tịnh độ một mình, đến Tịnh độ một số người hiểu chúng ta, Tịnh độ của một số người cộng tác với chúng ta, đó là thế giới thanh lọc. Tâm được thanh lọc sẽ hình thành thế giới thanh lọc, hay là quan hệ giữa hành giả và người xung quanh hoàn toàn tốt hoặc mới tốt một phần. Đó là thế giới thanh tịnh, không phiền toái.
500 thiếu niên mới nghe Phật dạy, đã sống được với pháp. Chư Tăng theo Đức Phật lâu ngày, nhưng không thấy, vì vướng mắc hình thức, không sống với nội tâm. Phật pháp có công năng làm cho giải thoát, nhưng không được giải thoát là tại chúng ta, không phải do pháp.
Sự thật Xá Lợi Phất biết rõ tâm niệm nghi ngờ của đại chúng. Ngài đặt câu hỏi để Đức Phật giải đáp mối nghi ngờ đó cho chúng hội, cũng là giải đáp cho chính chúng ta; vì ai cũng biết rằng thời kỳ này làm gì còn Xá Lợi Phất. Nói đúng hơn, kinh mượn lời Xá Lợi Phất để diễn tả tâm trạng băn khoăn của tầng lớp tu sĩ trẻ thuộc Đại chúng bộ trước tiền đồ Phật giáo. Lúc ấy, nhiều người tu, nhưng không mấy người tìm được lý tưởng của đời sống phạm hạnh.
Sau cùng, Đức Phật kết luận muốn kiến tạo Tịnh độ, trên nguyên tắc phải tạo từ tâm trước. Tâm tịnh thì thế giới tịnh, tâm uế trược không thể nào có Tịnh độ. Hành giả tu tâm nào sẽ kết thành thế giới tương ưng. Hành giả muốn tạo thế giới tốt nhưng mang tâm niệm xấu ác, tất nhiên không thể hình thành thế giới an vui được.
Xá Lợi Phất nghĩ rằng tâm của Đức Thế Tôn lẽ nào không thanh tịnh, tại sao cõi Phật này của Ngài toàn là hầm hố chông gai, núi non nhơ nhớp dẫy đầy như thế. Đức Phật hỏi Xá Lợi Phất có thấy mặt trời, mặt trăng sáng hay không và người mù có thấy sáng hay không. Xá Lợi Phất trả lời người mù không thấy sáng, nhưng Xá Lợi Phất thấy sáng. Cảnh vật lúc nào cũng có, nhưng vì mù nên không thấy. Cũng vậy, có thế giới Phật, mà phàm phu nghiệp chướng bị phiền não bao vây nên không thấy, không phải không có.
Lúc ấy, Loa Kế Phạm Thiên trả lời Xá Lợi Phất rằng ông thấy nước của Đức Phật Thích Ca thanh tịnh, toàn lầu các cung điện như cung trời Đại Tự Tại. Còn tâm Xá Lợi Phất có cao thấp, không nương theo trí tuệ Phật, nên thấy cõi Ta bà không thanh tịnh. Điểm này thể hiện tâm Xá Lợi Phất và tâm Đại Phạm Thiên Vương khác nhau. Tâm khác là do nghiệp khác và nghiệp là cái gì liên hệ đến quá khứ; quá khứ đã tác động cho chúng ta có cái nhìn đổi khác.
Xá Lợi Phất trong lúc tu Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc... đã quán sát trần thế đầy tội lỗi đáng chán, đáng bỏ. Ấn tượng xấu tràn ngập trong tâm Ngài, nên nhìn ra cuộc đời chỉ thấy toàn gai chông hầm hố là chúng sinh, chúng sinh nghiệp, chúng sinh phiền não. Quán sát như vậy, hàng Thanh văn không dám nhìn, không dám nghĩ, không dám đi vào trần thế, chỉ thu mình lại trong Niết bàn. Ngược lại, Loa Kế Phạm Thiên có óc sáng tạo, nên thấy vạn vật xanh tươi theo bốn mùa.
Nghi ngờ của Xá Lợi Phất, hay nói cách khác, là từ nỗi nghi của người tu không đắc đạo sinh nghi pháp, được kinh diễn tả, mượn nhân vật Loa Kế Phạm Thiên thuộc tôn giáo có sẵn thời bấy giờ. Phạm Thiên khẳng định cõi Trời Đại Tự Tại không đẹp bằng Tịnh độ của Đức Phật Thích Ca, để ngầm chỉ rằng giáo nghĩa của Đức Phật cao siêu hơn kinh Phệ Đà của Bà la môn giáo.
Điều này gợi nhắc tu sĩ Phật giáo rằng Phật tại thế, Ngài đã điều phục các thầy Bà la môn quy ngưỡng Phật pháp và đã từng có những thời kỳ Phật giáo vàng son rực rỡ chỉ đạo cho sinh hoạt xã hội. Nhưng tại sao chúng ta không biết sử dụng giáo nghĩa cao quý, để cho đạo Phật xuống dốc thê thảm.
Tinh thần khơi dậy trách nhiệm phục hưng Phật pháp bàng bạc trong hầu hết bộ kinh này, cho chúng ta nhận thấy rõ kinh Duy Ma được kiết tập trong thời kỳ Phật giáo bị lu mờ ở Ấn Độ. Đây là thời kỳ phản tỉnh, để sau này các vị Thánh Tăng như Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân ra đời, phục hưng đạo pháp.
Khi Đức Phật ấn chân xuống đất, Xá Lợi Phất liền thấy Ta bà biến thành toàn là thất bảo. Điều này chúng ta nghĩ có thật hay không, phải hiểu như thế nào. Hiện tượng này được giải thích theo nhiều nghĩa. Thực tế, từ thế giới này biến thành thất bảo tức khắc, không được. Muốn biến đổi thế giới sống của chúng ta, phải có một quá trình. Từ thời đại cổ sơ đến thế giới văn minh ngày nay, là cả một quá trình xây dựng. Chúng ta có quyền tin vào thế hệ con cháu sẽ thay đổi được; đó là ý nghĩa thứ nhất của sự biến đổi.
Ấn chân xuống đất, Tịnh độ hiện ra. Ý này được diễn tả theo Thiền là “Tâm ấn tâm”. Người có cuộc sống dù đau khổ thế nào chăng nữa, khi gặp Phật, tâm cũng được giải thoát. Tịnh độ này là thế giới của tâm, từng pháp từng pháp đưa vào tâm, sống theo lời Phật dạy, bình an thanh thản tự đến với hành giả.
Hàng Thanh văn nhờ nương theo Phật, thì sống được trong Tịnh độ của Phật. Nếu tách rời Phật, họ cũng trở lại thân phận riêng, trở lại thế giới không giải thoát. Vì vậy, khi Đức Phật không ấn chân xuống đất nữa, mọi người trở lại trạng thái cũ. Kinh Pháp Hoa gọi Tịnh độ tạm bợ của Thanh văn là hóa thành. Nếu Phật nói Tịnh độ thật của Ngài, nghĩa là nói Phật đạo dài xa, mọi người sẽ chán nản, sẽ không muốn tu.
Thật vậy, lần đầu Xá Lợi Phất mới nhìn thấy tướng hảo thanh tịnh của Đức Phật liền đắc La hán. Quý vị thử nghĩ xem đắc quả La hán đơn giản như vậy sao. Đến hội Pháp Hoa, Đức Phật mới nói sự thật rằng Xá Lợi Phất có khả năng bộc phá ngay tức khắc kiến hoặc phiền não, được tâm thanh tịnh, vì nhờ Đức Phật tạo điều kiện cho ông, nhờ nương lực Phật mà phiền não tự rơi rụng và ông đắc quả vị này. Nói nôm na cho dễ hiểu là “Ăn theo”, không phải thực của chính mình. Vì thế, đạt quả vị La hán xong, còn phải trải qua vô lượng kiếp tu hành Bồ tát đạo, mới thành Phật hiệu là Hoa Quang. Riêng chúng ta cũng vậy, ngày nay tu hành nương nhờ công đức lực của Phật, an trú trong thế giới hoàng kim của Ngài, mà cảm thấy tạm bình ổn, quên đi oi bức của cuộc đời. Tách rời Phật, chúng ta trở lại hoàn cảnh hẩm hiu ngay.
Kiến tạo được Tịnh độ nhân gian xong, Đức Phật hướng dẫn chúng hội qua thành Vương Xá, lên Linh Thứu sơn, để chỉ mẫu Tịnh độ lý tưởng cao hơn. Đó là thế giới an lành vĩnh cửu thật sự, không còn thuộc phạm vi con người phàm phu.
Xa hơn nữa, trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật gợi cho chúng ta khái niệm về hai Niết bàn chân không diệu hữu của Bồ tát lai thính Pháp Hoa kinh và Bồ tát thân sắc vàng Tùng địa dũng xuất. Hai thế giới quan này thuộc phần tâm chứng, ở ngoài phạm vi hiểu biết, lạm bàn của hàng phàm phu chúng ta.
KẾT LUẬN
Tóm lại, trên lộ trình 500 do tuần đường hiểm đến Bảo sở, từng bước chân đi trên Thánh đạo, từng thế giới an lành mở ra chào đón chúng ta. Mỗi lần một phần phiền não rơi rụng là một lần đưa chúng ta bước vào thế giới thánh thiện êm đềm.
An trú trong Tịnh độ bé nhỏ của hàng sơ tâm, chúng ta như pháp tu hành, dần tịnh hóa thân tâm, nhờ đó đôi mắt trí tuệ khai mở trong sáng thêm và trái tim ta ấp ủ tình thương chúng sinh nồng nàn hơn. Chúng ta bước vào đời trải rộng thế giới Tịnh độ thương yêu, hiểu biết đến cho nhiều người cùng chung sống. Đến ngày nào chúng ta và chúng sinh đều giác ngộ hoàn toàn, ngày đó tam thiên đại thiên thế giới đều thanh tịnh trang nghiêm bằng thất bảo, y như Đức Phật Thích Ca đã hiển bày cho Xá Lợi Phất vậy.