Bài 2: Chùa Phổ Giác: Trùng tu có thể xây mới?

Hiện trạng chùa cũ xuống cấp nặng nề, bị dột và hư hỏng, đổ sập. Hơn nữa, chùa cũ đại trùng tu vào năm 1953, kiến trúc chủ yếu là bê tông, cốt sắt, không mang giá trị đặc trưng, nên có thể phá bỏ đi để xây mới. Đó là câu trả lời của các cơ quan chức năng về dự án Tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Phổ Giác.

Bài 1: Chùa Phổ Giác: Trùng tu có thể xây mới?

Cần thiết phải hạ giải?

Bà Vũ Mai Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu cho biết, việc dỡ bỏ chùa Phổ Giác để xây mới nằm trong dự án Tu bổ, tôn tạo chùa, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cho phép trong văn bản thỏa thuận từ tháng 11-2009.

chuaditich 1.jpg

Theo bà Mai Khanh, chùa cũ chỉ là cái nhà cấp bốn bình thường với cột xi măng, trát vôi vữa, vì kèo bằng gỗ tạp. Qua hơn nửa thế kỷ, nơi đây từng có lúc là xưởng dệt len, rồi trong chiến tranh là kho chứa lương thực, bị hư hại nặng nề, đến khoảng năm 2003, 2004 thì xuống cấp nghiêm trọng. Nhà sư trụ trì Thích Đàm Tường đã có đơn đề nghị trùng tu xây dựng chùa vào tháng 12-2008. Và trong khi UBND phường Văn Miếu và quận Đống Đa đang tiến hành các thủ tục đề nghị lên các cấp thì vào tháng 4-2009, ngôi nhà Mẫu bị đổ sập.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó trưởng phòng Văn hóa quận Đống Đa nói: “Việc phá bỏ toàn bộ một ngôi chùa cổ là di tích quốc gia để trùng tu, đương nhiên sẽ gây sửng sốt và băn khoăn đối với nhiều người. Nhưng tôi khẳng định là việc làm này hoàn toàn được phép với đầy đủ lý do và thủ tục hành chính. Kiến trúc ngôi chùa cũ do được trùng tu vội vàng vào những năm 1950, không mang giá trị tiêu biểu, đặc trưng truyền thống. Hơn nữa, hiện trạng chùa bị xuống cấp quá nặng nề và nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, có thể nguy hiểm tính mạng của người dân đi lễ”.

Tìm hiểu việc thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật cũng như công văn đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi được biết, Cục Di sản cũng đã có khảo sát thực tế và hoàn toàn đồng ý với phương án đề xuất của đơn vị quản lý di tích.

TS. Nguyến Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định: “Việc hạ giải chùa Phổ Giác để đại trùng tu theo thiết kế mới là hoàn toàn cần thiết. Qua khảo sát, chúng tôi thấy phần kiến trúc của di tích rất tạm bợ. Chùa đã qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc chắp vá, kết cấu xi măng, vôi vữa, không có giá trị về nghệ thuật. Hiện trạng chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, nên hoàn toàn có thể trùng tu thay thế bằng một công trình mới, phù hợp kiến trúc truyền thống” .

chauditich 2.jpg

Chùa cũ đã được hạ giải.

Ông cũng nói thêm: “Phần lớn những di tích xuống cấp nghiêm trọng, nếu nói trùng tu mà không hạ giải thì chỉ là những sửa chữa nhỏ, trong khi đó di tích thì hư hỏng nặng”.

Tu bổ, tôn tạo có thể là xây mới?

Hồ sơ thiết kế kỹ thuật Tu bổ, tôn tạo chùa do Công ty Cổ phần xây dựng và phục chế công trình văn hóa thực hiện cho thấy, chùa Phổ Giác sẽ được xây mới theo kiến trúc truyền thống thời cuối Lê đầu Nguyễn. Kết cấu chùa theo kiến trúc gỗ kiểu chồng diêm, mái đao, lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng.

Theo công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Nội ngày 27-11-2009, có lưu ý một số hạng mục sửa chữa, tu bổ cần được làm theo đúng quy chuẩn truyền thống, tái sử dụng các kẻ trục, hệ cửa, tái định vị các bức đại tự trên mái. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu không làm thêm các bức chạm, hạn chế tối đa việc chạm khắc hoa văn trên cấu kiện của nhà Tổ và nhà Mẫu.

Được biết, kinh phí chủ yếu là xã hội hóa từ tiền công đức, khoảng hơn 10 tỷ đồng để xây nhà Tam Bảo là do nhà sư trụ trì làm chủ đầu tư. Còn kinh phí trích từ ngân sách của quận Đống Đa khoảng 7 tỷ đồng, sẽ dùng để xây nhà Mẫu và nhà Tổ, quận giao cho UBND phường Văn Miếu làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Hà Hào, có trụ sở tại Hà Tây. Dự kiến, công trình sẽ được tiến hành thi công trong một năm.

Như vậy, chỉ một năm sau nữa, trên nền của ngôi chùa Phổ Giác cũ, sẽ mọc lên một ngôi chùa mới, to đẹp hơn gấp nhiều lần chùa cũ.

chuaditich 3.jpg

Thiết kế mặt đứng của ngôi chùa mới.

Đánh giá lại giá trị của di tích đã được xếp hạng?

Mặc dù vậy, chùa Phổ Giác đã bị đập bỏ đi rồi, vẫn là một di tích cấp quốc gia đã được công nhận năm 1991 về Lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Nếu cho rằng kiến trúc chùa không có giá trị đặc trưng, vậy, lật lại vấn đề là trong quá khứ, Bộ đã dựa vào đâu để xếp hạng?

Tìm hiểu hồ sơ di tích chùa Phổ Giác lập vào năm 1990 khi đề nghị công nhận là Di tích quốc gia hiện đang lưu giữ tại phòng Văn hóa quận Đống Đa, thì phần khảo tả giá trị di tích, không có nhiều mô tả về giá trị kiến trúc. Ngôi chùa hiện tại lúc đó được đánh giá là làm theo kiểu kiến trúc đầu thế kỷ 20, với các xà bê-tông cao, các trụ cột xây vuông, kết cấu chủ yếu là xi măng và sắt thép.

Giá trị lớn nhất của ngôi chùa, như trong hồ sơ mô tả, là ở hệ thống di vật và đồ thờ, gồm có những bức hoành phi, câu đối, chuông, ngựa đá, voi đá, ngai bài vị, khám thờ, nhang án… với những chạm khắc đẹp, tỉ mỉ, trau chuốt.

TS. Nguyến Thế Hùng cho biết: “Trong quá trình công nhận di tích, có khi có những ngôi chùa chỉ vì một cái bệ tượng, hoặc quả chuông có giá trị về lịch sử, nghệ thuật. Vì muốn giữ những dấu ấn văn hóa đó, cũng có thể xếp hạng cái chùa ấy, để có điều kiện gìn giữ, phục hồi. Riêng trường hợp chùa Phổ Giác, khi xếp hạng là căn cứ vào giá trị nghệ thuật của hệ thống tượng thờ, nhang án”.

Vậy nhưng, vẫn còn câu hỏi để ngỏ: nếu không có một hệ thống quy chuẩn đánh giá rõ ràng, thì việc hạ giải toàn bộ di tích để xây mới như chùa Phổ Giác, cho dù là hoàn toàn có căn cứ, thì cũng sẽ tạo nên một nỗi lo mơ hồ trong việc trùng tu. Trong khi, thời gian gần đây, dư luận đang có nhiều lo ngại việc trùng tu theo kiểu làm mới di tích.

“Cần rà soát lại giá trị của những di tích đã được xếp hạng, khảo sát và đánh giá lại để phân loại di tích rõ ràng, xác định rõ đối với từng di tích cần phải bảo vệ những hạng mục gì. Điều này sẽ tránh được việc trùng tu không đúng quy chuẩn. Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ trình lên Chính phủ dự thảo nghị định về quy chuẩn trùng tu. Luật Di sản cũng quy định, cần phải công khai minh bạch việc trùng tu di sản”-TS Nguyễn Thế  Hùng nói.

TS. Đặng Văn Bài, Cục Di sản: Khi công nhận xếp hạng một di tích thì phải dựa trên hiện trạng của di tích khi làm hồ sơ. Nếu vỏ kiến trúc di tích không đẹp, không có mảng chạm khắc ở vì kèo, giá trị chỉ nằm ở hệ thống tượng Phật pháp trong chùa thì sẽ công nhận ở hạng mục di tích nghệ thuật. Còn nếu xếp ở hạng mục là Di tích Lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật thì có một phần ở giá trị nghệ thuật, có phần giá trị ở kiến trúc. Khi một di tích đã được công nhận, mà nếu trùng tu phải hạ giải toàn bộ, thì phải xét xem giá trị kiến trúc đến đâu, xác định rõ yếu tố gốc có giá trị làm nên đặc trưng của di tích. Để khi quyết định đại trùng tu, cần phải xem xét kỹ để xem nên giữ lại cái gì và cái gì có thể bỏ đi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày