GN - Phóng sinh là nét văn hóa lâu đời của người Việt. Trong những dịp Tết, ngày rằm, Phật đản, Vu lan... Phật tử hay phóng sinh chim, cá để thể hiện lòng từ bi, đồng thời đánh thức tâm Bồ-đề của chúng sinh (con vật) trước khi được thả. Tuy nhiên, nét đẹp chim phóng sinh ngày càng biến tướng mà nguyên do bắt nguồn từ người bán chim.
Hành xác chim
Hồi nhỏ xem bộ phim Chim phóng sinh (đạo diễn Trần Quang Ðại) của Hãng phim TFS, giờ tôi vẫn còn thích thú hình ảnh nhân vật Út Mơ buộc sợi chỉ đỏ vào chân chú chim và tung lên trời cao. Chú chim thoát khỏi tù đày, giải phóng chính mình, cất cánh bay hút mắt. Nhưng hình ảnh nhân văn đó dường như bây giờ hiếm hoi. Cách đây hai tháng, ngồi quán cà-phê đối diện một ngôi chùa, tôi say mê ngắm nhìn những Phật tử thả chim phóng sinh.
Chim phóng sinh bị thương lái làm nhiều "thủ thuật"
trước khi bán cho người mua phóng sinh - Ảnh: Vũ Giang
Tôi yêu thích cái cách họ nâng niu từng chú chim và tung chúng lên trời. Lũ chim bay đi. Người thả chim cũng ra về, tôi ngồi đó dõi mắt lên trời cao để nhìn hướng mà những chú chim bay. Nhưng lạ thay, mấy chú chim vừa được phóng sinh lúc nãy lại bay sà xuống đất, có con còn chao đảo té xuống trông thật tội nghiệp. Người bán chim nhanh tay nhặt mấy chú chim bỏ vào lồng, để tiếp tục bán cho người khác phóng sinh.
Tôi mang những thắc mắc đó về đến nhà mà vẫn không có câu trả lời. Sau này, tôi mới hiểu nguyên do vì sao. Thì ra, để cho những chú chim không bay xa, người bán chim đã dùng chiêu trò tỉa bớt lông dài ở hai bên cánh chim. Như chiếc máy bay không đủ lực để cản sức gió, chim bay một lúc rồi chao đảo té xuống. Phải mất một thời gian thay lông, chim mới phục hồi cánh. Và vòng tuần hoàn lẩn quẩn lặp lại, người bán chim lại hành xác những chú chim tội nghiệp, đến khi nào chúng siêu thoát mới được yên thân.
Dụ chim bằng chim mồi
Ngoài trò tỉa lông chim, người bán chim còn dùng chiêu chim mồi, tức là dùng một chú “chim nhà” được nuôi dưỡng, huấn luyện kỹ càng để dụ mấy chú chim ngây thơ xúm xít lại. Tôi có người quen làm nghề bẫy chim, chuyên cung cấp chim cho các tay bán chim ở cổng miếu, chùa. Anh cũng chính là người cung cấp chim mồi.
Anh tâm sự, để chim phóng sinh không bay đi luôn, người bán chim bỏ một con chim mồi vào trong lồng riêng ở gốc cây gần đấy (khuất tầm mắt Phật tử). Vì vậy khi chim được phóng sinh, chúng không mất dạng mà quẩn quanh gần đó và cuối cùng là quay về với chú chim mồi. Ðó là lý do vì sao người bán chim chỉ trưng một lồng chim thôi, nhưng bán từ sáng đến chiều vẫn không hết hàng.
Mua gian bán lận
Một dạo đi Miếu bà Chúa Xứ ở Châu Ðốc (An Giang), tôi tình cờ thấy cảnh đôi co giữa khách viếng miếu và tay bán chim phóng sinh. Nguyên nhân tay bán chim ra giá 50 ngàn một cách lập lờ. Người khách ngây thơ cứ tưởng 50 ngàn một lồng chim nên mua hết lồng cho cả nhà phóng sinh. Ðến khi thả chim bay đi hết thì chị bị “chém” cả triệu bạc.
Tay bán chim tưởng bở, chắc ăn kỳ này dụ được bà khách sang trọng nên ra chiêu hăm he, dọa nạt. Nào ngờ bà khách cũng dữ dằn, cãi nhau ỏm tỏi, sau đó nhờ người quen gọi bảo vệ khu quản lý miếu, thấy không xong nên tay bán chim nhận vài trăm ngàn rồi chuồn lẹ.
Chim phóng sinh không còn sức để bay tiếp, và bị bắt lại - Ảnh: Vũ Giang
Nét đẹp văn hóa cần nên được giữ gìn trong sáng để được tồn tại theo thời gian, không bị biến tướng, tiêu cực. Mong rằng những ai bán chim phóng sinh nên có lòng từ tâm, dù buôn bán cần có lợi nhuận nhưng không vì thế mà gian dối, cần phải có văn hóa trong kinh doanh. Làm ăn lương thiện thì bao giờ cũng được tồn tại lâu dài, còn kiểu ăn xổi ở thì luôn bị xã hội đào thải. Hãy nghĩ, thả một chú chim là nhân thêm một sự sống. Chúng cũng như con người, là yếu tố bảo vệ môi trường cho trái đất này.