Bodhgaya

Bodhgaya

Trong các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, Bodhgaya (Bồ-đề đạo tràng) là nơi có nhiều người hành hương chiêm bái hơn cả, một phần do thuận tiện giao thông, và một phần do nơi đây Đức Phật đã chứng ngộ đạo quả, mà có lẽ sự kiện ấy như một động lực thúc giục người Phật tử quay về đây tu tập.

Thánh tích chính tại Bodhgaya là tháp Mahabodi. Ngôi tháp cao vút, uy nghiêm này đánh dấu một sự kiện trọng đại, nơi Bồ-tát sau 49 ngày thiền định, đã gột rửa sạch tất cả những vô minh ái thủ và chứng đắc Phật quả. Theo sách sử, sau khi giác ngộ, Đức Phật đã lưu lại nơi đây bảy tuần lễ. Mỗi tuần lễ Ngài an trú tại một nơi, và những nơi này ngày nay đều được đánh dấu.

Theo sử truyện của Miến Điện, vào tuần lễ thứ bảy sau khi Đức Phật chứng ngộ, có hai vị thương gia là Trapuassa và Bhallika đã cúng dường thực phẩm cho Ngài, và họ được xem là những người đệ tử tại gia đầu tiên. Họ cũng nhận được một ít tóc của Đức Phật và đem về thờ ở nước mình; và số tóc này ngày nay được thờ tại ngôi chùa Shwedagon ở Miến Điện. Cũng vào tuần thứ bảy sau khi Đức Phật thành đạo, nhận thấy rằng Đức Phật cần một chiếc bát để thọ nhận thực phẩm, Tứ đại thiên vương đã dâng cho Ngài bốn chiếc bát quý, nhưng Ngài chỉ nhận lấy một chiếc bát bằng đá. Sau khi trải qua bảy tuần lễ tại cây bồ-đề và những địa điểm quanh đó, Đức Phật đã rời Bodhgaya để tìm gặp năm người bạn tu khổ hạnh trước đây để bắt đầu cho hành trình truyền bá giáo pháp của mình.

Mặc dù không được đề cập trong kinh điển, nhưng hẳn Đức Phật đã trở lại Bodhgaya nhiều lần trong cuộc đời hoằng hóa của mình. 250 năm sau Đức Phật nhập diệt, vua Ashoka đã viếng thăm nơi đây và được xem là người lập nên Đại tháp Mahabodhi, và ông cũng cho xây dựng một tinh xá có thiết một tòa kim cương bên trong.

Khoảng 150 đến 300 năm sau vua Ashoka, có hai nữ tín chủ đến nơi này và họ đã góp công trong việc sửa sang ngôi tháp này. Một người trong họ đã kết hôn với một vị vua ở vùng này có tên là Kurangi. Để ghi nhớ ngày chồng qua đời, bà cho xây một tòa nhà rộng có những trụ đá, có một tòa kim cương ở bên trong, vị trí ở trước cây bồ-đề mà Đức Phật đã thiền định. Bà cũng xây một con đường có những hoa sen bằng đá ở nơi Đức Phật đã kinh hành vào tuần lễ thứ ba, một bệ đá ngay nơi Đức Phật đã thiền định, và một vòng thành bằng đá bao quanh khu vực này.

Ngài Pháp Hiển đến đây vào thế kỷ thứ năm có nhìn thấy ngôi nhà này, và mô tả bên trong có thờ những bức tượng Phật. Ngài cũng nói rằng có nhiều đền tháp đánh dấu những sự kiện liên quan đến cuộc đời của Đức Phật tại đấy. Và ở đấy cũng có nhiều tu viện với nhiều Tăng sĩ tu tập nghiêm mật.

Hai thế kỷ sau, ngài Huyền Trang khi chiêm bái nơi này đã mô tả về ngôi tháp này khá chi tiết. Ngài viết rằng phía Đông cây bồ-đề, nơi Đức Phật thiền toạ 49 ngày, có một ngôi tháp cao 48 mét, và ngôi tháp này được làm bằng đá xanh và được phủ bằng một lớp bột màu than. Ở tất cả những hốc đá ở trên vách tường đều được đặt những bức tượng vàng. Bốn bức tường đều được trang trí bằng những bức tranh tuyệt đẹp, nơi thì hoa sen, nơi thì hình chư thiên. Và ngài cũng mô tả những tôn tượng Bồ-tát được thờ bên trong…

Ngài Huyền Trang cũng đề cập đến những ngôi tháp nhỏ hơn, thờ các tượng Phật bên trong, và một tinh xá rất lớn nằm ở hướng Bắc. Tinh xá này do một vị vua của Sri Lanka xây, gồm có ba tầng và xung quanh có tường cao bao bọc. Ngài còn đề cập đến tòa kim cang, con đường kinh hành châu báu, vòng thành bằng đá… Ngài Huyền Trang đến chiêm bái nơi này dưới triều đại Pala thuộc thế kỷ thứ bảy, và các vua triều đại này rất nhiệt tâm ủng hộ việc xây dựng các chùa tháp nơi này cũng như đúc khắc các tượng Phật. Những chùa tháp khai quật được ở đây thuộc về thời kỳ này.

Sau ngài Huyền Trang, khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 8 đến thứ 9, địa danh này không còn được quan tâm nhiều. Nhưng đến thế kỷ thứ mười, một số thí chủ giàu có đã đứng ra xây dựng những đền tháp cũng như đúc tạc nhiều tượng Phật mới. Vào thế kỷ thứ 11, có hai phái đoàn của Miến Điện đến nơi này. Một tấm bảng khắc bằng chữ Miến Điện cho biết rằng, vào năm 1035, ngôi tháp ở đây đã được xây dựng lại lần thứ ba. Bên cạnh đó, những vị vua thời bấy giờ cũng nhiệt tâm bảo trợ cho các Tăng sĩ ở đây trùng tu lại ngôi tháp. Những Phật tử Miến Điện vẫn tiếp tục đến nơi này chiêm bái và sửa sang lại ngôi tháp chính cũng như vòng thành ở đây. Thời kỳ suy tàn thực sự bắt đầu khi những người Hồi giáo đến vùng này và phá hủy nó, và ngôi tháp bị chôn vùi trong lòng đất kể từ đó. Các sử gia vẫn chưa xác quyết được thời điểm cụ thể ngôi tháp bị vùi dập, chỉ có thể cho biết rằng sự kiện này xảy ra vào thế kỷ thứ XIII.

Vào năm 1590, một du sĩ Hindu tên là Gossain Ghamandi Giri đã đến đây và quyết định chọn nơi này làm nơi cư trú. Ông xây một ngôi đền gần tháp Mahabodhi và bắt đầu thâu nhận đệ tử quanh vùng. Gossain cũng cho di chuyển những bức tượng ở Mahabodhi đến nơi ông cư trú. Và những bức tượng này ngày nay đã được tìm thấy tại một ngôi đền Hindu. Dần dần tín đồ của ông ngày càng đông và Gossain trở thành một người đầy quyền lực ở vùng này (một vị Mahant). Những năm sau đó Gossain nới rộng phạm vi cư trú của mình và Mahabodhi rơi vào quyền kiểm soát của ông và địa danh này từ đó thuộc về những người Hindu.

Vào năm 1811, các Phật tử Miến Điện bắt đầu tìm về lại đây. Và một năm sau, một nhà khảo cổ người Anh cũng bắt đầu tìm về khảo sát nơi này. Sau đó nhà khảo cổ người Anh Alexander Cunningham tìm đến đây vào năm 1861. Ông bắt đầu tiến hành khai quật địa danh này và công việc của ông dần làm sáng tỏ lịch sử Mahabodhi.

Các Phật tử Miến Điện đã trở lại đây vào năm 1874, khẩn khoản đặt vấn đề với chính phủ Ấn (bấy giờ dưới sự cai trị của người Anh) mong được có lại ngôi tháp này để cho các Phật tử chiêm bái. Bên cạnh đó, Edwin Arnold (1885), tác giả của thi phẩm Ánh sáng Á châu, là người đã có nhiều đóng góp trong việc vận động đem Mahabodhi về cho Phật giáo. Khi đến chiêm bái nơi này, ông thật sự bức xúc khi nhìn thấy một thánh tích quan trọng của Phật giáo đã bị lãng quên. Trước tình cảnh đó ông đã khẩn khoản đề nghị chính phủ Ấn trả lại nơi này cho Phật giáo. Ông cũng viết thư gửi đến các nước Phật giáo, đề nghị hợp tác để đem Mahabodhi về lại cho Phật giáo.

Sau đó không lâu, năm 1891, Anagarika Dharmapala, một nhà lãnh đạo Phật giáo lỗi lạc của Sri Lanka đã tìm đến nơi này. Xúc động trước tình trạng đổ nát của thánh tích, ông quyết định thành lập Hội Mahabodhi Society để phục hồi lại tất cả các thánh tích liên quan đến Phật giáo trên đất Ấn. Ông và những cộng sự của mình bắt đầu vận động yêu cầu chính phủ Ấn trả lại ngôi tháp cho những Phật tử. Công việc đấu tranh của ông vô cùng gian khổ bởi vì chính phủ Anh đang cai trị Ấn Độ lúc ấy, vẫn muốn để một tu sĩ Ấn giáo địa phương cai quản Mahabodhi hơn là trao nó cho một cộng đồng tôn giáo lớn gồm có nhiều nước, trong đó có cả Nhật Bản, mà bấy giờ không có mối quan hệ tốt đẹp với Anh. Dharmapada đấu tranh cho đến cuối đời nhưng vẫn không đưa được thánh tích này trở về lại với Phật giáo. Mãi đến năm 1949, trong một phiên họp Quốc hội, chính phủ Ấn mới chấp nhận trao trả thánh tích này lại cho Phật giáo. Một hội đồng gồm bốn Phật tử và bốn vị Hindu được thành lập, và những vị này đã có một cuộc họp vào năm 1953 để xúc tiến nâng cấp lại thánh tích này. Vào năm 2002, UNESCO công nhận Mahabodhi là di sản văn hóa thế giới.

Tháp Mahabodhi được xem là ngôi tháp bằng gạch cổ nhất hiện còn lại ở miền Đông Ấn. Ngôi tháp hiện nay được tu sửa lại, cao 52 mét; và ở bốn góc có bốn tháp nhỏ. Bên trong tháp có thờ một bức tượng Phật được thếp vàng. Bức tượng này được cho là có hơn 1.700 tuổi, vốn được làm bằng đá, nhưng về sau các Phật tử đã thếp vàng lên bề mặt tượng. Bức tượng trong tư thế ngồi, cao hơn hai mét, với tay phải buông xuống tiếp xúc với mặt đất (Bhumisparsa Mudra), tạc theo tích sử khi Đức Phật đạt được giác ngộ, Ngài đã xúc chạm tay mình vào mặt đất và mặt đất đã rung động. Việc hình thành nên bức tượng này gắn liền với một huyền thoại.

Chuyện kể rằng, khi ngôi tháp được xây xong, các Phật tử quyết định thờ một bức tượng Phật bên trong nhưng một thời gian dài họ vẫn không tìm được một bức tượng ưng ý. Một ngày nọ, có một người đàn ông đến nơi đó và nói rằng ông ta có thể làm được bức tượng này. Ông yêu cầu cung cấp cho mình một đống đất sét thơm, một ngọn đèn và đóng cửa tháp trong vòng sáu tháng. Các Phật tử đồng ý và vị này bắt đầu công việc của mình. Nhưng vì quá nôn nóng, nên các Phật tử đã mở cửa tháp trước bốn ngày. Và khi mở cửa ra, họ nhìn thấy một bức tượng rất đẹp, nhưng có một điểm trên ngực chưa được hoàn thành, bởi do họ mở cửa trước thời gian quy định. Sau đó, một Tăng sĩ khi nằm ngủ trong tháp đã mơ thấy Bồ-tát Di Lặc (Maitriya) hiện ra bảo rằng Ngài chính là người đã tạc nên bức tượng ấy.

Phía Đông bắc của ngôi Đại tháp có một trụ đá được cho là do vua Ashoka dựng. Nhưng điều này vẫn chưa được xác quyết một cách chắc chắn vì trụ đá này không có chữ khắc của vua Ashoka, và cũng không được ngài Pháp Hiển và Huyền Trang đề cập đến trong ký sự của mình. Trụ đá này không còn phần đầu ở trên, và nó không gây chú ý nhiều cho khách hành hương.

Phía bên ngoài vòng thành khu Đại tháp, có một khu vườn Thiền (Meditation Park). Đây là một trong số những công trình mới ở đây do Hội quản lý tháp Mahabodhi kiến tạo. Cách khu vườn này vài chục mét có một khu nhà đèn (Oil Lamp House), cũng do Hội quản lý Mahabodhi thực hiện. Trong ngôi nhà này, người ta đốt hàng vạn chiếc đèn dầu suốt ngày đêm. Châm thêm nhiên liệu cho những ngọn đèn được liên tục thắp sáng, biểu tượng cho trí tuệ không bao giờ tắt ở nơi đây, cũng là một việc làm ý nghĩa khi đến nơi này.

Ngoài ra, ở khu vực Bodhgaya có rất nhiều chùa viện của các nước. Viếng thăm các chùa viện là dịp cho chúng ta tiếp xúc với kiến trúc chùa tháp của mỗi nước, cũng như tiếp xúc với đời sống tu tập và sinh hoạt tự viện của Phật giáo mỗi nước, mỗi truyền thống. Ở Bodhgaya cũng thường có những pháp hội, những khóa tu tập và những lễ hội. Được tham gia vào các pháp hội hay lễ hội cũng là điều ý nghĩa và lý thú khi đến Bodhgaya.

Cách đến Bodhgaya

Ngày nay, Bodhgaya thu hút nhiều du khách và người hành hương đến chiêm bái; và cách đến Bodhgaya khá dễ dàng với nhiều phương tiện khác nhau. Nếu đi bằng máy bay, chúng ta có thể đáp máy bay đến Patna (cách Bodhgaya 110km. Có thể bay trực tiếp đến Patna từ các sân bay ở Delhi, Kolkata, Mumbai…) và sau đó đi tàu, xe buýt hoặc taxi đến Bodhgaya. Cũng có sân bay ở Gaya, cách Bodhgaya khoảng 12km. Sân bay này nối đường bay với Delhi và Kolkata, và cũng nối đường bay với Bangkok, Thái Lan.

Sân ga gần nhất là Gaya Station, cách Bodhgaya khoảng 16km. Chúng ta có thể đi tàu từ các ga chính ở Delhi, Mumbai, Kolkata, Varanasi, Patna và Puri… để đến Gaya và sau đó đón taxi hay rickshaw máy đến Bodhgaya. Về thời điểm thích hợp để chiêm bái Bodhgaya là khoảng độ từ đầu tháng 10 đến tháng 3, khoảng thời gian còn lại (từ cuối tháng 3 đến tháng 9) rơi vào mùa hè và mùa mưa, nên sẽ gây nhiều bất tiện cho việc cư trú và di chuyển. Về nơi ở, ta có rất nhiều lựa chọn, vì ở Bodhgaya có rất nhiều khách sạn cũng như nhà khách với đủ giá cả cao thấp. Và ngoài ra ta cũng có thể lưu trú tại các chùa, và cũng có một số chùa sẽ thu phí nhưng với giá thường rẻ hơn so với việc ở khách sạn hay nhà khách.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày