Cầu nguyện trong đạo Phật

NSGN - Phần lớn chúng ta đều cầu nguyện. Dù tin vào hiệu lực của cầu nguyện hay không, khi đối mặt với những tình huống khó khăn vượt ngoài khả năng của mình, chúng ta cứ lâm râm cầu nguyện. Đối với người học Phật, cầu nguyện dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Người Phật tử nào cũng biết cầu nguyện cho mình, cầu nguyện cho người thân và cầu nguyện cho cả bá tánh chúng sanh. Vậy cầu nguyện trong đạo Phật có ý nghĩa thế nào, cần được hiểu ra sao và cách thực hành cầu nguyện đúng pháp là gì… là một số vấn đề căn bản được bàn đến trong bài viết này.
a caunguyen 1.jpg
Chư Tăng trang nghiêm trong nghi thức cầu nguyện tại lễ hoa đăng

Cầu nguyện cho ai?

Với tâm lý thường tình, hầu hết chúng ta đều mong những điều tốt lành đến với những người thân yêu và bản thân mình, cầu nguyện cho người quá cố lẫn người hiện tại. Đối với người quá cố, có ba lý do chính khiến người ta cầu nguyện.

Một là nhu cầu tâm lý gắn bó giữa kẻ ở và người đi và ta muốn che chở, giúp đỡ cho họ. Khi còn sống bên nhau, ta có thể làm nhiều thứ cho người thân yêu của mình. Một khi người thân mất đi, ta bất lực. Do đó, nhiều người tin rằng, nhờ cầu nguyện, chúng ta “gởi gắm” người thân của mình để nhờ một đấng thiêng liêng nào đó giúp đỡ! Với cách này, người cầu nguyện cảm thấy tâm lý nhẹ nhàng hơn, yên tâm hơn khi có cảm giác có thể tiếp tục ở bên cạnh và hỗ trợ cho người thân đã mất.

Hai là tâm lý muốn được che chở bởi người quá cố. Chính vì không hiểu được những gì đang xảy ra với người thân đã mất, chúng ta thường tưởng tượng rằng họ có một năng lực đặc biệt hơn người còn sống, nên chúng ta cầu nguyện họ che chở, phù hộ cho mình được mạnh khỏe, thành công và bình an trong cuộc sống. Lúc này, người thân đã mất trở thành đối tượng để ta cầu xin. Ba là, thoạt nghe rất nghịch lý, đó là cầu nguyện vì sợ người thân quá cố trở về quấy nhiễu làm xáo trộn cuộc sống của mình mà nhờ thế lực siêu nhiên can thiệp để vô hiệu hóa điều này nhằm giữ cho cuộc sống chúng ta được bình yên.

Đối với bản thân mình và người thân còn sống, chúng ta có thể kể đến hai lý do khiến người ta cầu nguyện. Một là mong ước có cuộc sống hạnh phúc và hai là sợ  hãi và tránh né khổ đau. Thực ra hai lý do này chỉ là hai mặt của một vấn đề. Mong có được điều này, hạnh phúc chẳng hạn, cũng hàm nghĩa là chúng ta sợ phải đối mặt với một thực tế ngược lại với điều chúng ta mong đợi là khổ đau. Sợ và muốn tránh né khổ đau cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang mong một điều ngược lại là hạnh phúc. Nằm sâu trong tiềm thức, khi cầu nguyện là lúc ta thể hiện tâm lý bất lực, không tự chủ và bất an khi cả điều chúng ta mong đợi và sợ hãi đều nằm ngoài tầm tay của mình.

Sao lại cầu nguyện?

Cuộc sống vô thường này là bất toàn và vạn vật luôn thay đổi không lường được ở mọi phương diện, mọi mức độ đã tạo nên nỗi bất an, lo âu và căng thẳng thường trực đối với mỗi người chúng ta. Những gì đếnưe với bản thân mình và người thân yêu ngoài tầm kiểm soát và can thiệp của bản thân, nên chúng ta bất lực trong đau khổ với những đổi thay không theo ý muốn của mình. Để tự trấn an và mong ước những gì tốt đẹp nhất, con người nghĩ đến sự có mặt thật sự của thế giới vô hình và chúng ta hướng về để cầu xin được che chở, được bảo an. Trong thế giới đó, chúng ta tin là có một hay nhiều đấng linh thiêng, có thể là Đức Phật, là Chúa, là Thượng đế, là thánh Allah. Những đấng thần linh này luôn sẵn sàng che chở, đem điềm lành tới hay ít ra là gia hộ cho chúng ta thành tựu sở nguyện khi chúng ta thành tâm hướng về chư vị mà cầu. Chúng ta tin là các vị sẽ ra tay can thiệp khi chúng ta cần và lên tiếng, miễn là chúng ta có niềm tin sâu sắc nơi quý Ngài. Trong giới Phật tử Việt Nam, cầu nguyện sự gia hộ của Bồ-tát Quán Thế Âm là một trường hợp rất phổ biến, đến mức rất nhiều Phật tử thờ Bồ-tát Quán Âm và gọi là Phật mà không hề thờ tôn tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một Đức Phật lịch sử mà họ tự nhận làm “Thầy” và xem mình là “đệ tử”!

Vấn đề tiếp theo là tại sao khi bất an, người ta lại hướng đến một thế lực bên ngoài để cầu nguyện? Người ta thường mong ngóng, tìm cầu sự đoạn tận khổ đau từ bên ngoài vì hầu hết chúng ta nhầm tưởng các yếu tố đem lại khổ đau cho mình nằm ở bên ngoài. Do đó, mọi rắc rối, phiền muộn và khổ đau đều được giải quyết nhờ sự can thiệp của các đấng linh thiêng mà họ tôn sùng, quy ngưỡng. Thậm chí, nhiều người “khoán trắng” vận mạng của mình cho các đấng thần linh. Với suy nghĩ hạnh phúc và khổ đau do người khác đem lại, khi một việc gì đó xảy ra, ta thường quy trách nhiệm tại người này, do kẻ kia, bị hoàn cảnh nọ… mà không hề nhận thấy trách nhiệm cá nhân của mình. Trong khi đó, nhiều lần Đức Phật đã nhắc nhở “Tự mình làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình làm thanh tịnh/ Tịnh không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai” (Pháp cú, 165).

Cầu được ước thấy?

Chúng ta thấy rằng khuynh hướng chủ đạo có tính bản năng của con người là cầu nguyện mỗi khi mình cần điều gì đó trong cuộc sống hay khi mình lâm vào tình cảnh khó giải quyết. Thực tế, hầu hết những người cầu nguyện không tự hỏi mình có nên hay không nên làm việc này, họ cứ làm mà không hề thắc mắc. Việc này chúng ta có thể thấy rất rõ nét nhất vào những ngày đầu năm mới trong dịp Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Có một xu hướng có thể dễ dàng nhận ra là chúng ta ít khi làm những điều được học và thường làm những điều mà chúng ta không hề được học! Thông qua sự ảnh hưởng mang tính xã hội, do “vô thức đám đông” mà con người có tâm lý hùa theo một cách mù quáng không cần suy xét; cầu nguyện là một ví dụ. Thật là một nghịch lý khi từ bé, không ai dạy chúng ta cầu mong thế lực vô hình nào đó giải quyết vấn đề rắc rối cho mình cả. Ấy thế mà khi lớn lên, nhiều người trong chúng ta thường xuyên cầu nguyện! Con người ta chỉ cầu nguyện và nghĩ đến việc cầu nguyện khi bản thân mình bất lực không thể tự xoay xở để giải quyết được những vấn đề khó khăn trong cuộc sống mà mình vấp phải. Khi những va đập bắt đầu có vẻ quá sức chịu đựng và những nguy cơ, rủi ro cứ rập rình nằm ngoài khả năng giải quyết của con người, người ta mới thấy cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Cầu nguyện là khẩn khoản cầu xin những đấng có năng lực hơn để vị ấy can thiệp vào trong những rắc rối mình đang gặp phải, hoặc ít ra cũng hướng dẫn cho mình cách giải quyết vấn đề sáng suốt nhằm giúp mình vượt qua dễ dàng hơn. Khi vật chất, tri thức và trải nghiệm mà chúng ta ra công tích góp không thể giúp để vượt qua những thử thách của cuộc đời, chúng ta mới nghĩ đến một nguồn lực mới trong cuộc sống. Lúc này, cầu nguyện thường xuất hiện như là một trong các nguồn lực đó. Thế là chúng ta bắt đầu cầu nguyện.

Câu hỏi tiếp theo là liệu cầu nguyện, dù được thực hiện với sự thành tâm đến từng tế bào, từng mạch máu, thì hiệu lực có cao không? Thực tế là những sự kiện, biến cố trong cuộc sống của mỗi người cứ dập dìu dắt nhau theo hình “sin” như trêu ngươi, như an ủi, như “thả thính” những tia sáng hy vọng cuối đường hầm với những vui buồn lẫn lộn, hạnh phúc và khổ đau đan xen hoặc tiếp nối nhau không theo một quy luật nào cả. Vậy thì, phải chăng những gì đến với mình là kết quả của sự cầu nguyện và các đấng có năng lực hơn người đó đã đáp ứng lời cầu nguyện của mình? Thế thì những điều không như ý xảy ra với chúng ta là do các đấng thần linh “bỏ sót” phận việc đáp ứng mong cầu của mình hay sao? Nếu dùng lý trí để suy xét, ta thấy vô lý và thiếu cơ sở khi tin rằng, mọi điều tốt đẹp đều do cầu nguyện mà thành. Thế thì những lần khác cầu không toại nguyện thì sao?

Nếu “cầu được ước thấy” thì ai muốn được hạnh phúc, đơn giản chỉ cần cầu nguyện các thế lực bên ngoài, cứ “khoán trắng” cho các đấng thần linh cao cả, việc gì phải khổ nhọc học tập và nỗ lực làm việc để đạt được điều mình muốn? Ngược lại, nếu cầu chẳng được, ước chẳng thấy, thì hà cớ gì phải cầu nguyện cho mệt tâm nhọc tâm mà không có kết quả?

Băn khoăn, thắc mắc và nghi ngờ về hiệu lực của cầu nguyện một hoặc nhiều đấng linh thiêng nào đó đủ bao dung và kiên nhẫn theo suốt từng bước chân chúng ta để cứu giúp là điều cần thiết của một người học Phật đúng nghĩa!

Đá nổi dầu chìm?

Những người thầy tâm linh chân chánh và gương mẫu có khuyên các Phật tử hướng đến một Đức Phật, Bồ-tát nào đó để cầu nguyện nhờ gia hộ không? Rõ ràng, đạo Phật không khuyên chúng ta nên cầu nguyện. Thay vào đó, đạo Phật dạy cách thực tập để có thể xoay xở giải quyết vấn đề thay cho việc hướng ngoại tìm cầu sự che chở và giúp đỡ. Thế nhưng, không thể chối cãi một sự thật là sự cầu nguyện Đức Phật và chư Bồ-tát gia hộ vẫn còn phổ biến trong quần chúng Phật tử. Hiện trạng này có vẻ trái với triết lý “tự mình làm ngọn đèn cho chính mình” (Trương bộ kinh số 16: Đại bát-niết-bàn; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh mình làm hòn đảo; Tương ưng bộ kinh, tập V, chương III, phẩm I, kinh Bệnh) trong nhà Phật. Triết lý Phật giáo đề cao việc tự thân thực hành pháp để chuyển hóa chính mình để được thăng hoa và hạnh phúc thay vì cầu xin chư Phật hay chư Bồ-tát “chuyển” phần may mắn, những điều tốt đẹp và mang hạnh phúc đến cho mình.

Vào thời Đức Phật, thói quen cầu nguyện của người Ấn Độ chẳng khác chúng ta bây giờ. Có một lần có một người Bà-la-môn, tên Asibandhakaputta (Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương VIII, mục 6: kinh Người đất phương tây), đến hỏi Đức Phật rằng Ngài có thể làm cho một người sau khi chết được sanh lên cõi thiện lành hay không. Đức Phật hỏi lại Asibandhakaputta rằng, giả như có một người khi sống thì hay giết hại sinh mạng, ăn trộm ăn cắp, nói láo nói gạt, nhận thức sai lầm và làm nhiều điều ác, khi chết đi, nhiều người tụ tập lại để cầu cho người đó được sanh lên cõi thiện lành, vậy thì người đó có sanh lên cõi thiện lành nhờ được cầu nguyện hay không? Rõ ràng là không.

Đức Phật còn minh họa ý kinh này bằng một ví dụ rất hình tượng và dễ nhớ. Nếu chúng ta thả tảng đá xuống hồ nước, dù chúng ta ra sức cầu cho tảng đá nổi, nó vẫn chìm. Cũng như vậy, người sống làm ác, chết sẽ không sanh lên cõi thiện lành được. Ngược lại, chúng ta đổ dầu xuống nước và cầu cho dầu chìm, cầu đến chết dầu cũng không chìm. Cũng như vậy, người sống làm thiện, chết sẽ sanh lên cõi thiện lành, dù không cần cầu.

Trên tinh thần của cuộc đối thoại giữa Đức Phật và Asibandhakaputta, cầu nguyện là trái với quy luật nhân quả. Chính vì vậy, với người có nhận thức đúng đắn, cầu nguyện sự giúp đỡ từ các đấng thần linh thường được xếp vào dạng mê tín dị đoan. Thoát khổ bằng phương pháp cầu nguyện suông chưa từng được Đức Phật xác lập. Ngài nêu rõ quan điểm của Ngài trên lập trường nhân quả rằng, chúng ta tự quyết định hạnh phúc cũng như đau khổ của chính mình trong cuộc sống này. Dài xa hơn, chính chúng ta, không ai khác, là người chọn chốn đi về của mình sau khi giã từ cõi sống này thông qua những gì ta thể hiện qua hành động, lời nói và suy nghĩ chứ không thể nhờ vào năng lực cầu nguyện. Không có một thế lực nào, quyền uy nào có thể cầu nguyện để cho đá nổi lên và bơ dầu chìm xuống đáy hồ cả. Nếu cầu được, ước thấy thì giáo lý nhân quả, một giáo lý nền tảng nhất của đạo Phật, sẽ không có chỗ đứng và như thế là giáo lý đạo Phật không nhất quán mà đầy mâu thuẫn. Nói cách khác, nếu chấp nhận giáo lý nhân quả thì không thể chấp nhận cầu nguyện suông trong đạo Phật. Như vậy, van xin thế lực bên ngoài để gánh nặng khổ đau rơi rụng và trả lại cho ta tinh thần thanh thản, an vui, hạnh phúc là điều hoang tưởng!

Nguyện mà không cầu!

Đức Phật luôn dạy chúng ta, trên con đường tu tập, tự lực là chính. Điều này có nghĩa là ta phải tự lo lấy phận việc của mình, chịu trách nhiệm vận mạng cùng những sướng khổ trong cuộc sống, chứ không thể phó thác cho ai. Thiên về cầu nguyện là lãng quên khả năng giác ngộ của mình, tự sa mạc hóa nguồn năng lượng tự lực của bản thân vốn rất dồi dào trong tâm.

Nguyện là mong ước, hoạch định lớn lao cần thực hiện cho bản thân trong một giai đoạn nhất định của cuộc sống. Để “nguyện” được thành tựu, không đơn giản “cầu” mà đặng, mà phải tự thân vận động một cách có phương pháp và nghệ thuật. Điển hình về việc thực hiện những mong ước một đời sống an lành, hạnh phúc là những gì Đức Phật dạy trong Maha mangala sutta (kinh Điềm lành tối thượng, còn gọi là kinh Phước đức, kinh Hạnh phúc) trong Kinh Tập (thuộc Tiểu bộ kinh). Bấy giờ, một vị chư thiên đến hỏi Đức Phật, người và trời đều mong được bình an, vậy làm thế nào để có được bình an. Đây là duyên khởi để Đức Phật dạy 38 pháp hành cho những ai muốn có được hạnh phúc, bình an. Đây là một bài kinh cầu nguyện theo hướng tích cực và đúng pháp. Mong cầu được đời sống an lành, hạnh phúc thì chúng ta cần thực hành các điều kiện cần thiết để có sự tiến bộ thực sự trong đời sống gia đình, xã hội, kinh tế và đời sống tâm linh. Điều này rất khoa học và thực tế, cụ thể và rõ ràng, trong khả năng làm được của tất cả chúng ta.

Người thực hành pháp nghiêm túc thì có nguyện mà không có cầu, hay nói cách khác, đó là “tâm nguyện” chứ không phải “cầu nguyện”. “Tâm nguyện” là phác họa ra, đồ đậm và khắc sâu nhiều lần một ý muốn sâu sắc trong tâm theo phương pháp tâm lý “tự kỷ ám thị” có ý thức. Đây là quá trình tự tâm niệm, nhắc đi nhắc lại điều cần thực hiện (ước muốn) trong tâm và tự khích lệ bản thân. Nhờ đó, tâm ta tạo nên một nguồn năng lượng để thực hiện điều mình mong muốn để biến ý tưởng thành hiện thực. Nguyện mà không cầu là sự đánh dấu mốc để nỗ lực, để nhắc tâm, nên tự lực vẫn mang tính chủ đạo, chứ không phải “bán cái” cho thế lực bên ngoài mà được. Trong tinh thần này, những gì chúng ta “mong” thì hãy coi đó như là mục tiêu để phấn đấu, là đích cần phải đạt đến để có phương cách thực hiện hiệu quả.

Chuyển cầu nguyện cho tự thân thành hành trì

Trong số các vị đạo sư đương thời, Đức Phật là hiện thân của một vị Thầy vĩ đại, luôn áp dụng phương pháp giảng dạy khoa học, bàn thẳng vào sự thật và có khả năng chỉ ra kết quả rõ ràng có thể kiểm chứng được trong mối tương quan biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả. Trong hệ thống kinh luật, chúng ta không hề thấy có biểu hiện nào của sự cầu xin van vái mong một đấng quyền năng có năng lực bí ẩn nào đó che chở hộ trì qua việc thực hành các nghi lễ hình thức rườm rà như các tôn giáo thời ấy. Theo lời dạy của Ngài, một người muốn sống trong an ổn phải thực hành những điều thiện về thân, khẩu và ý mà bài kinh Điềm lành tối thượng là một điển hình được trưng dẫn ở trên.

Một cách cụ thể, để “tâm nguyện” được thành tựu và có hiệu quả tốt nhất, sự hỗ trợ của thiền định là vô cùng cần thiết với người sống theo lời Phật dạy. Thiền định là quá trình lắng trong nguồn tâm thức để tuệ giác phát sinh, soi sáng và định hướng trên mọi bước đi trong đời. Thiền định và tâm nguyện liên hệ với nhau giống như việc sạc pin. Thực hành thiền là nạp điện năng vào bình điện, còn chuyển tâm nguyện thành hiện thực là phát huy khả năng phát sáng của bình điện. Thiền định là nuôi dưỡng, nung nấu một nguồn sức mạnh tâm linh để lấy đó làm chất liệu định hướng và vận hành cuộc sống đến đích tốt đẹp và an lành. Ánh sáng mờ không đủ để thực hiện chức năng soi sáng, nên càng thiền định, nguyện của chúng ta nhanh chóng thành hiện thực. Tâm không định tĩnh thì năng lực phát triển tâm nguyện sẽ kém tác dụng.

a caunguyen 2.jpg

Hòa thượng Saddhatissa Mahanayaka nhận xét rất chính xác trong cuốn “Facets of Buddhism” (World Buddhist Foundation, London, 1991), trang 269, rằng: “Thiền định được coi là cốt tủy của giáo lý Phật giáo. Thiền định có thể được sánh với sự cầu nguyện ở các tôn giáo khác. Hầu hết những thực hành của Phật giáo đều là hình thức này hay hình thức khác của thiền định.” (Meditation is considered to be the centre of the Buddhist doctrine. It may be compared to prayer in other religions. Almost all Buddhist practices are nothing else but some form of meditation).

Chuyển cầu nguyện cho tha nhân thành hồi hướng

Mục đích của việc cầu nguyện cho người khác, cả người thân lẫn người không thân, là mong ước những điều tốt lành nhất đến với họ và tránh xa những điều rủi ro, rắc rối, cao và sâu hơn là cầu nguyện cho tất cả thành tựu đạo quả giác ngộ Bồ-đề. Điều này thể hiện tình thương yêu rộng lớn của mình đối với tha nhân. Thể hiện tình thương yêu đến người khác là một điều đáng làm, đáng tán thán và khuyến khích. Thế nhưng, bằng cách thành tâm van vái, lạy xin các thế lực bên ngoài để có được hạnh phúc, tránh đi đau khổ là cách làm không phù hợp vì không hiệu quả. Theo lời Phật dạy, cách thiết thực nhất để thể hiện tâm từ bi của mình với tha nhân là trải tâm lành hướng đến tất cả theo phương thức hồi hướng chia phước.

Hồi hướng công đức là một phương pháp thực hành pháp chứ không phải đọc tụng suông “nguyện đem công đức này, hồi hướng cho tất cả…”. Khi có nhu cầu gởi tâm niệm lành chuyên chở yêu thương đến người khác, thay vì chúng ta chỉ biết cầu và cầu, chúng ta nên làm những việc lành và hồi hướng công đức lành làm được đó đến đối tượng mà chúng ta hướng đến. Hiệu lực của việc hồi hướng tùy vào mức độ và chất lượng việc lành của mình, tình thương yêu không mang tính đổi chác so đo, mức độ an tịnh của tâm khi hồi hướng và phước đức của người mình hướng đến. Đức Phật đã hướng dẫn rất nhiều người làm như vậy và việc làm này đã trở nên một truyền thống rất hay trong Phật giáo. Làm lành là làm như thế nào? Việc làm cụ thể thì nhiều, nhưng chủ yếu là hai hoạt động chính là giúp đỡ người khác và phát triển cộng đồng.

Có một câu chuyện về hồi hướng thế này. Có lần, vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) cúng dường thức ăn lên Đức Phật, nhưng không hồi hướng công đức cho các thần hồn. Tối hôm đó, các thần hồn vào cung vua gây ồn quấy phá. Vua đem chuyện kể lại cho Đức Phật nghe, Ngài khuyên vua cúng dường lại và nhớ hồi hướng công đức cho các thần hồn. Vua làm theo và đúng như vậy, các thần hồn không vào cung quấy phá nữa (Chú giải Ngạ quỷ sự, chương I, kinh số 5: Ngoại hộ quỷ sự). 

Cách thức hồi hướng (từ người thân đến người oán), các đối tượng hồi hướng (tất cả các chủng loại, các hình thức sống ở tất cả các môi trường với hình thù và kích thước khác nhau) được Đức Phật cụ thể hóa trong bài Metta sutta (kinh Từ bi - Kinh Tập, Tiểu bộ kinh). Đức Phật dạy bài kinh này cho nhóm 500 vị Tỳ-kheo về cách rải tâm từ đến những chư thiên từng quấy phá các thầy Tỳ-kheo đến mất ăn mất ngủ, bệnh tật và sợ hãi đến mức không dám ở tại khu rừng ấy tu tập trong mùa an cư.  Nhờ hồi hướng đúng cách, chư thiên cảm nhận được tâm từ của các đệ tử Phật, họ hoan hỷ nên không còn quấy phá các thầy nữa. Từ đó, các thầy Tỳ-kheo sống yên ổn tu hành, tinh tấn hành thiền và đều đắc quả sau mùa an cư năm đó. Trên cơ sở bài kinh này, về sau, các nhà sư hướng dẫn tu thiền soạn thành một tài liệu chỉ dẫn thực hành thiền rải tâm từ một cách có hệ thống và cụ thể dành cho những hành giả tu thiền.

Phương pháp hồi hướng công đức trong đạo Phật rất đơn giản. Người làm việc lành, với tâm từ bi rộng mở, phát tâm và mong cầu cho người khác (hoặc tất cả chúng sanh) cũng được hưởng phần công đức từ việc lành mình vừa làm được. Hồi hướng công đức căn bản là hoạt động của tâm. Tâm lành này có thể được diễn đạt thành lời hoặc chỉ khởi niệm trong tâm, tùy người hồi hướng và ngữ cảnh. Sự thể hiện bên ngoài của hồi hướng có tác dụng về mặt ngữ cảnh hơn là hiệu lực của chính việc cầu nguyện. Có sự chứng kiến của người khác hay không, không thành vấn đề. Người được hồi hướng biết hay không, điều đó không quan trọng lắm. Điều quan trọng là năng lượng lành đó phải có nơi người thực hành, và cái ý chí, lòng thương yêu, lòng ưu ái đó phải có, và tất cả những năng lượng đó đã được gởi đi. Hay nói cách khác, người được hồi hướng thọ hưởng được phần phước công đức hay không tùy thuộc vào hình thức (cách diễn đạt) mà tùy thuộc vào nội dung hồi hướng (tấm lòng). Tất nhiên, để thực hiện việc hồi hướng, hành động thiện lành của thân là cần thiết. Như vậy, để hoàn thành một ‘chu trình’ hồi hướng, người hồi hướng cần phải nỗ lực làm lành cả ba phương diện: ý hành, ngữ hành và thân hành.

Thay lời kết

Ngày nay, đạo đức con người có những dấu hiệu của suy đồi do tâm tham chi phối và điều động nên không sống thuận theo các nguyên tắc vận hành của luật nhân quả. Do đó, vì nội tâm không có chút tư lương nào nên con người càng cảm thấy bất an và có khuynh hướng tìm đến một đấng thiêng liêng nào đó để cầu nguyện ngày càng nhiều hơn. Người theo tôn giáo nào thì biến giáo chủ của tôn giáo mình thành một vị thần có quyền năng ban ơn giáng phước cho tín đồ đệ tử. Đức Phật của chúng ta, vô hình trung cũng thành một vị thần trong cách nghĩ của những người không thấu hiểu giáo lý đạo Phật một cách rốt ráo. Thật ra, Ngài nào có phải là một Đấng sáng tạo, có quyền thưởng phạt? Ngài là một vị Đạo sư tuyệt vời chỉ ra con đường sáng cho quần sanh thoát khỏi lối mê để không còn đau khổ nữa mà thôi.

Cầu nguyện tích cực và đúng pháp là đánh thức khả năng thánh thiện trong con người của mình. Đó là sự nỗ lực, cần mẫn thực hiện tâm nguyện của mình bằng cách đưa thân, khẩu và ý vào quỹ đạo sống thiện lành để có kết quả an vui và hạnh phúc cho bản thân mà thiền định là một yếu tố hỗ trợ hiệu quả nhất. Đó là sự chia sẻ năng lượng lành chúng ta tích tạo được đến người khác trong tình yêu thương rộng lớn. Như vậy, trong đạo Phật không có cầu nguyện van xin, mà chỉ có hành trì (cầu nguyện cho bản thân) và hồi hướng (cầu nguyện cho tha nhân).

Muốn toại nguyện trong cuộc sống, con đường chắc chắn từ ngàn xưa cho đến ngàn sau là chánh niệm tu tập trau sửa thân, khẩu và ý hướng về con đường thiện lành mà Đức Phật đã vạch ra cách đây 26 thế kỷ. Cụ thể hóa lộ trình cầu nguyện đúng pháp là thực hành Bát chánh đạo - tám phương diện bao hàm tất cả hoạt động của con người, là kim chỉ nam trên lộ trình tu tập mà Ngài khuyên đi nhắc lại nhiều lần trong hầu hết các bài kinh, thậm chí nhiều lần trong cùng một bài kinh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày