Chuyện dài “khách Tăng không mời mà đến”

Giác Ngộ - Lâu nay trong các lễ húy kỵ, trai đàn, trai tăng của các tự viện đã có phần ảnh hưởng đến trang nghiêm bởi những người khách không mời mà đến. Các vị này đã gây nhiều trở ngại, bức xúc cho Ban tổ chức (BTC) cũng như gia chủ cúng dường buổi lễ và trình trạng khách Tăng không mời mà đến vẫn nghiễm nhiên tồn tại đến nỗi người bình thường khó mà phân biệt giả thật.

Sự thật đau lòng

Khách Tăng không mời có mặt tại các buổi lễ trang trọng của Phật giáo có 3 dạng: chư Tăng lỡ bữa đến dùng cơm nhưng không được mời, những người ở am cốc lẻ tẻ hoặc tại gia không tham gia sinh hoạt GH và những người lợi dụng chiếc áo nhà tu đi bán nhang, khất thực phi pháp phi thời… Dạng thứ nhất có thể du di bởi họ thật sự là những người tu hành, thế nhưng ở hai dạng còn lại rất khó chấp nhận khi bản thân họ không thanh tịnh, trang nghiêm mà còn gây "sốc" bởi hình ảnh bê bối của mình, đặc biệt có những hành động, lời nói làm ảnh hưởng sự trật tự, trang nghiêm của buổi lễ cũng như niềm tin của Phật tử.

Cau chuyen trong tuan- HT.Nhu Tin.jpg

HT.Thích Như Tín (bìa phải) làm việc với hai sư giả

Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Q.3) lưu danh công hạnh nhiều vị cao tăng, thạc đức được đông đảo nhân dân Phật tử kính quý, mến mộ. Hàng năm ngoài lễ húy nhật cố nhị vị Đại lão Hòa thượng Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm (khai sơn tạo dựng chùa Vĩnh Nghiêm), chùa còn tổ chức lễ húy nhật các bậc tiền bối hữu công cũng như các lễ hội đặc trưng khác của Phật giáo. Vào những dịp lễ như vậy, Phật tử đều phát tâm cúng dường trai tăng rất thành tâm để tỏ lòng tôn kính, mộ đạo. Đây cũng là dịp để các vị khách " không mời mà đến" có cơ hội kiếm chác một cách nhẹ nhàng mà chẳng tốn sức lao động của mình.

Chánh điện Tổ đình Vĩnh Nghiêm rộng là thế cũng chỉ chứa khoảng trên 60 vị cả Tăng lẫn Ni hành lễ. Kết thúc khóa lễ tụng kinh A Di Đà, chư tôn đức xuống Tổ đường để thực hiện nghi lễ cúng Tổ. Điều đập vào mắt mọi người là rất nhiều vị "sư" với đủ loại pháp phục khác nhau lam, vàng, nâu…kẻ quấn y, người nhật bình, vai mang đãy lỉnh kỉnh đứng đầy hai bên hành lang và xung quanh các dãy bàn đã bày sẵn phẩm vật cúng dường. Tại các buổi lễ như thế, hình ảnh đối lập nhau vẫn luôn gây phản cảm: bên thì nhu hòa từ tốn, thanh tịnh, nhóm khách không mời thì lấm lét, hay cố thủ tại các bàn dành cho chư tôn đức với chiêu bài "một tấc không đi, một ly không rời". Có trường hợp, một số chư tôn đức Tăng Ni sau khi hành lễ xong xuống trai đường không có chỗ ngồi đành phải ra về trong tình trạng vừa đói, vừa mệt. Thật là nhức nhối, đau xót vô cùng. Những câu chuyện như thế còn rất nhiều mà đặc biệt các lễ húy kỵ có cúng dường trai tăng dù là lễ của các vị chư tôn đức giáo phẩm hay những buổi lễ tại cơ sở tự viện cũng đều có mặt những người mượn chiếc áo nhà tu này.

Chưa có biện pháp triệt để

Chuyện các sư "ta bà", sư giả khất thực tràn lan vào dịp Đại lễ Vu lan hàng năm hay trà trộn vào các dịp lễ hội Phật giáo, trai Tăng tại các chùa trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt là các chùa lớn đang ở mức báo động. Hình ảnh phản cảm này không chỉ gây ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân, tín đồ Phật tử mà nó còn chứng tỏ sự thỏa hiệp một cách dễ dàng với cái không đẹp, cái xấu, cái ác đang hiện hành trong đời sống thường nhật của chúng ta. Đó là chưa kể ngoại đạo nhân chuyện "cáo mượn oai hùm" này mà thừa cơ xuyên tạc, bóp méo sự thật về đường hướng hoạt động, tổ chức của GH.

Hiện nay, ngành Tăng sự vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để mà chỉ có cách "lựa lời khuyên" một cách lịch sự, từ tốn ngay tại buổi lễ. Nhiều gia chủ cảm thấy rất bối rối, bức xúc nhưng cũng đành ngậm ngùi cho qua với lý lẽ "thôi kệ" ai cũng là người tu!

Thỉnh thoảng trên đường thấy hình ảnh một vài vị sư đầu đội trời, chân đạp đất khất thực hay vai mang đãy, khoác những giỏ nhang đi bán đã không còn xa lạ. Nếu cứ để những hình ảnh này mãi tái diễn, chắc chắn một ngày nào đó người dân không còn phân biệt nổi đâu là thật - giả! Việc người dân cảm thấy hình ảnh như thế "quen" mắt cũng đồng nghĩa với việc đạo Phật quá bình thường, chưa đủ năng lực quản lý, năng lực tâm linh để cảm hóa, không còn sức hấp dẫn để họ đi kiếm tìm những giá trị khác. Vì những lý do khác nhau mà người dân chấp nhận hình ảnh của Tăng đoàn thông qua hình ảnh nhếch nhác "đầu Ngô, mình Sở" của các vị khách không mời, các sư "ta bà", sư giả là chúng ta vô tình tiếp tay, làm mất sự thanh tịnh, trang nghiêm tự thân và GH. Làm ngơ là chấp nhận cho những vị khách không mời, các vị sư giả kia trục lợi bất chính trên niềm tin người Phật tử.

Hình ảnh những vị khách không mời như thế không chỉ gây phương hại đến cách nhìn, cách nghĩ của nhân dân; đặc biệt là những người sơ cơ muốn phát tâm tìm hiểu Phật pháp, học Phật, tu Phật; mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của GH trong con mắt bạn bè quốc tế và các tôn giáo bạn. Đã đến lúc chúng ta cần phải phối hợp với các cơ quan hữu trách để có biện pháp xử lý kiên quyết, thích đáng đối với nạn sư "ta bà", sư giả đang nghênh ngang trên khắp các đường phố và trong các dịp lễ hội tại các cơ sở tôn giáo của Phật giáo.

HT.Thích Như TínPhó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự
Thành hội PG TP.HCM:

Khách Tăng không mời mà đến gồm có ba đối tượng: Một số chư Tăng ở chùa không được mời nhưng vẫn đến, các vị ở am cốc lẻ tẻ không tham gia sinh hoạt GH và những người khất thực phi pháp phi thời, bán nhang... Các vị này thường có mặt tại các lễ trai đàn, húy kỵ, cúng dường trai Tăng... làm trở ngại cho BTC trong việc sắp xếp chỗ ngồi, mất trang nghiêm buổi lễ. Các vị này cũng không đủ phẩm hạnh, đạo đức để chứng minh cầu an, cầu siêu cho BTC, cho gia chủ.

Biện pháp đối với những người này là BTC không cho chứng minh nhưng cũng không xua đuổi mà nên khuyên các vị trở về chùa, am cốc tu tập đúng với phạm hạnh người tu. Nếu không được như vậy thì cũng hành động như tinh thần của người Phật tử tại gia để trang nghiêm cho bản thân và góp phần trang nghiêm xã hội.

Theo tinh thần Nghị quyết của Ban Tăng sự năm 2004: cần ngăn chặn "khách Tăng không mời mà đến" để buổi lễ được trang nghiêm và đúng Chánh pháp. Do đó, Ban Tăng sự THPG TP đề nghị Ban ĐDPG quận huyện, các vị trụ trì các tự viện nên lưu ý trong khi tổ chức lễ tại tự viện cần có biện pháp cụ thể để tránh sự hiểu lầm giữa chư tôn đức Tăng và khách Tăng không mời mà đến. Nếu trường hợp BTC sắp xếp vị trí của các vị khách Tăng có sự trở ngại nên làm việc với Ban ĐDPG để lập danh sách gởi về Ban Tăng sự THPG.

Đối với một số người lợi dụng chiếc áo tu sĩ đi bán nhang, kinh Phật thậm chí quyên góp tiền mượn danh nuôi Tăng, làm TTXH, xây chùa, ấn tống kinh... trường hợp này xin quý trụ trì xem giấy phép của THPG, chính quyền địa phương nơi vị đó trú xứ. Nếu không giấy phép có thể báo cho Ban ĐDPG, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc.

Tất cả những đối tượng này làm ảnh hưởng đến thanh danh của đạo Phật, mất trang nghiêm GH, mất niềm tin của Phật tử và quần chúng. Xin đề nghị các cấp lãnh đạo GH cần phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Ban Tăng sự để tạo điều kiện cho Tăng Ni sinh hoạt hợp pháp trong lòng GH đồng thời tạo niềm tin cho Phật tử, góp phần sinh hoạt văn hóa tâm linh đúng Chánh pháp tại địa phương.

H.Diệu ghi

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày