Cụ ông mê “phượt” xuyên Việt

GN - Dù đã bước sang tuổi 89, lứa tuổi được cho rằng đã “gần đất xa trời”, thế mà chỉ với chiếc xe máy đời cũ “cà tàng”, một mình ông đã chinh phục các nẻo đường đất Việt…

Ông lão sửa giày kiếm sống

Nép mình ngay góc đường số 1 và đường số 4 thuộc phường 26 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tiệm sửa giày của ông cụ gây ấn tượng và sự tò mò của khách với tấm bảng hiệu “Ngọc sửa giày dép - đoán số”. Chủ cửa tiệm ấy là lão ông tên Nguyễn Văn Ngọc (89 tuổi, quê ở Đà Nẵng).

Chúng tôi tìm đến ông cũng bởi sự tò mò đó. Vừa tấp xe vào lề, cụ ông đầu đã bạc bước ra chào khách với giọng nói vẫn còn cứng cỏi như thanh niên. “Mấy chú sửa giày hay dép, nhìn tủ đồ của tôi xuềnh xoàng vậy thôi, chứ tôi đã trải qua hơn 50 năm trong nghề rồi đó”, ông lão cười tự giới thiệu. Có lẽ, khả năng “đoán số” của ông chủ tiệm giày đặc biệt gây tò mò cho khách hàng nên tiệm ông lúc nào cũng đông khách.

Ông Ngọc sinh ra ở miền Trung. Năm 15 tuổi, niềm đam mê xê dịch, yêu thích khám phá thiên nhiên trong ông bắt đầu trỗi dậy. Những buổi không phải đến lớp, ông dành thời gian rảnh leo lên xe đạp rong ruổi khắp thành phố, rồi những chuyến đi chơi xa với bạn bè đã khiến ông càng muốn khám phá những vùng đất mới hơn.

Nhưng vì cuộc sống gia đình khó khăn, ông tạm gác lại mọi ước mơ của mình. Năm 1963, ông cùng bố mẹ dọn vào Sài Gòn tìm cuộc sống mới, với mong muốn bớt khổ.

Hinh bai XH GN959 (1).jpg

Với hiếc xe máy “cà tàng”, ông Ngọc đã chinh phục các nẻo đường đất Việt…

Ở Sài Gòn, ông luôn nuôi hy vọng sẽ kiếm thật nhiều tiền để thực hiện ước mơ đi đây đó. Nhưng cuộc sống mưu sinh khiến ông phải lao vào làm việc như một cái máy, không kể ngày đêm, hễ việc gì có tiền là ông làm.

Thời đó, nghề sửa giày dép được ưa chuộng và được xem là nghề hái ra tiền, ông Ngọc quyết định mở tiệm sửa giày để phục vụ nhu cầu của người Sài Gòn. Cũng chính từ nghề sửa giày mà ông Ngọc có duyên đôi lứa, ông sớm kết hôn và tiếp tục gác lại ước mơ... Lấy nhau, bà Vân, vợ ông lần lượt sinh 11 người con, cuộc sống càng khó khăn hơn khi vợ chồng ông phải lao vào công việc để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Mọi dự định được đi và đi của ông Ngọc tưởng như hoàn toàn khép lại.

Hơn 60 năm qua, công việc chính của ông vẫn là sửa giày dép. Ông Ngọc chia sẻ: “Cũng chính công việc này đã cho tôi một khả năng đoán “tướng số” qua... chiếc dép (hoặc giày)”.

Sau khi cầm chiếc giày bên trái của tôi, bàn tay trái của ông xỏ vào bên trong giày, đồng thời xem xét rất kỹ phía dưới đế giày, rồi ông bắt đầu nói về tính cách, tiền bạc, gia đình… nói chung những vấn đề mà mọi người hay tò mò, quan tâm. Đó không phải là trò mê tín dị đoan gì mà nó là thói quen, tính cách của mỗi người đã để lại “dấu tích” dưới đế giày, hơn 50 năm làm nghề, ông Ngọc đã nghiệm ra.

“Không phải tự nhiên tôi có khả năng này, mà qua lâu ngày quan sát, suy ngẫm tôi mới thấu được. Ví dụ như, thường thì mỗi người sẽ từ tư tưởng phát sinh ra hành động (chính là dáng đi đứng) rồi từ hành động để lại dấu vết, và từ dấu vết sẽ thành ký hiệu.

Như, người có dáng đi và góc nhìn của đôi mắt thẳng song song với đường đi thì giầy dép luôn có độ ma sát, vết mòn rất đều và thẳng; còn người thường đi với dáng nhìn lên trên thì vết mòn thường ở phía sau giầy dép, trong khi đó người đi với dáng chúi đầu xuống thì vết mòn sẽ nằm ở phía mũi giầy, dép. Từ những ký hiệu này cộng với việc quan sát hình dáng, nét mặt… tôi có thể đoán được nhiều điều về người đó”, ông Ngọc lý giải về khả năng “đoán số”, để thu hút khách hàng đến với mình. Dù là “trò” làm cho khách hàng vui nhưng đó là kinh nghiệm rút tỉa được trên “trường đời” mà ông Ngọc đã trải qua. Chẳng phải là “tâm” sinh ra “tướng” đó sao?

Và, niềm đam mê “phượt”

Ở khu phố này, ai cũng biết đến ông Ngọc. Năm nay dù bước sang tuổi 86, tai đã lãng và không còn nhanh nhẹn, nhưng khi nói đến “phượt” là mắt ông lại sáng lên. Con cái của ông đã có cuộc sống đề huề. Với cái tuổi “gần đất, xa trời” thế nhưng một lần nữa ông bỗng khát khao thực hiện ước mơ thời trai trẻ của mình.

Hàng ngày, ngoài công việc vá, sửa giày dép, ông Ngọc thường ngồi tỉ mẩn lên kế hoạch cho những chuyến“phượt”. Bởi vì những chuyến đi có một không hai của mình mà ông được giới trẻ mệnh danh là “phượt tiên sinh”. Giới “phượt thủ” hết sức ngưỡng mộ ông bởi sức khỏe bền bỉ hiếm có. Nhiều năm nay, trong mọi chuyến đi, ông Ngọc đều “đơn thương độc mã” cùng chiếc xe máy cũ kỹ.

Ông kể: “Năm 2009, tôi một mình đi xe máy từ Nam ra Bắc, vẫn là chiếc xe máy cũ trong góc nhà kia. Tôi có niềm đam mê “phượt” và nhiếp ảnh từ thời trẻ, đồng hành cùng tôi là chiếc Honda cup 78, mua cách đây hơn 20 năm. Trước đây, chuyến đi nào tôi cũng có người bạn đồng hành, chính là vợ tôi. Từ khi bà ấy lâm bệnh không còn đi được nữa, về sau, tôi chỉ đi một mình. Tôi vẫn quyết tâm đi và còn là lần đầu tiên thực hiện được chuyến đi xuyên Việt. Đi đến đâu, tôi cũng đều chụp ảnh, quay video và gửi về cho vợ xem”.

Cũng chính niềm đam mê du lịch, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên nên vợ chồng ông Ngọc quen và yêu nhau. “Thời trẻ vợ chồng chúng tôi còn đi ‘phượt’ bằng xe đạp, có ngày còn đi mấy trăm cây số. Có khi tôi chở vợ xuống Vũng Tàu, chỉ cần vợ gợi ý là ‘máu phượt’ của tôi lại trỗi dậy, thế là vợ chồng tôi lên đường.

Tôi còn nhớ lúc chở vợ về Đà Nẵng quê tôi, nhưng đi gần đến nơi thì xe bị hỏng, lúc đó trời đã khuya. Thời xưa bắt xe khách đâu phải dễ, vợ chồng tôi vừa mệt, vừa đói, mà phải chờ đến tận khi trời tờ mờ sáng mới bắt được xe. Tuy là chuyến đi thất bại nhưng đến giờ mỗi lần nhắc lại, vợ chồng tôi đều coi đó là một kỷ niệm đáng nhớ”, ông Ngọc vui vẻ hồi ức lại thời trẻ.

Nói về những chuyến đi “phượt”, ông Ngọc dường như linh hoạt và sôi nổi hẳn lên. Ông say sưa kể về những chuyến đi của mình và gần như ông nhớ tất cả những địa danh, những con đường mà ông đã từng đi qua. Bằng trí nhớ và “kho” hình ảnh tư liệu đồ sộ mà ông đã chụp, quay lại về cảnh vật và con người nơi ông đặt chân đến, đã giúp ông sống vui vẻ, lạc quan mỗi ngày.

Hỏi chi phí để phượt, ông Ngọc bảo trước những chuyến đi của mình, ông luôn tính rất kỹ chi phí dọc đường sao cho tiết kiệm nhất. Trung bình mỗi ngày ông xài 400 ngàn đồng cho việc đổ xăng, ăn uống, khoảng tiền để dành đi du lịch này, được vợ chồng ông dành dụm từ việc sửa giày dép.

Niềm vui của ông qua những chuyến “phượt” cũng rất đơn giản là thỏa đam mê hiểu biết về những con đường chính của Việt Nam và tận mắt chứng kiến, thưởng thức cảnh đẹp, con người. “Tôi đi cho đã để rồi về chết chứ cũng chẳng có mong muốn gì lớn cả”, ông nói vui.

Ông Ngọc đã đi hết các cung đường thuộc các tỉnh phía Nam. Sau mỗi chuyến đi, ông lại quay về với công việc thường nhật của mình. Ông cười và bảo, giờ phải kiếm tiền làm lộ phí cho chuyến đi Tây Bắc vào tháng 10 tới.

“Đó là khu vực cuối cùng mà tôi sẽ đến, để tiếp tục hoàn thành chuyến đi hết 63 tỉnh, thành trong cả nước. Vậy là, ước nguyện của tôi sắp được hoàn thành rồi”, ông Ngọc nói, đôi mắt ngời lên hạnh phúc.

Ông Phạm Xuân Toàn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Ông Nguyễn Văn Ngọc là một tấm gương người cao tuổi điển hình nhờ có sức khỏe bền bỉ, luôn giữ cho mình niềm lạc quan, đam mê và tình yêu dành cho người vợ. Câu chuyện của ông là động lực, truyền cảm hứng sống giúp cho những người cao tuổi, không vì thời gian và tuổi tác mà lãng quên đi những ước mơ của mình”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày