Cuội ơi... ta nói Cuội nghe!

Cu Bin, cậu bé hàng xóm của tôi, đang đứng khóc trước sân vì bố đi đâu đến giờ vẫn chưa về chơi rước đèn với cậu như đã hứa. Thấy thế, mẹ Cu Bin liền đưa cho cậu chiếc lồng đèn hình cây thông và nhạc giáng sinh vang lên inh ỏi.

Đó là một trong những kiểu mẫu đèn lồng được ưa thích hiện nay bên cạnh: đèn hình ông già Nô-en, tú cầu, mèo Kitty, Đôrêmon…với tiếng nhạc chuông lạ lẫm chẳng ăn nhập gì với tết Trung thu sắp đến.  

Lồng đèn pin có cả siêu nhân và nhạc tề thiên. (Ảnh: Stanley Lê)
Lồng đèn pin có cả siêu nhân và nhạc tề thiên. (Ảnh: Stanley Lê)

Hỏi chú bán lồng đèn trên đường Nguyễn Hữu Thuận (Chợ Bình Tây-Q6), loại đèn nào bán chạy nhất hiện nay, chú nói: “Mấy tiệm khác thì tôi không biết sao, chứ tôi bán toàn đèn nhựa chạy pin của TQ thôi. Bán được lắm, trung bình mỗi ngày bán hơn 20 cái”.

Thấy buồn buồn cho lồng đèn bằng giấy kiếng truyền thống Việt Nam.

“Đèn ông sao thì Cuội mới xuống chơi”

Ở một tiệm bán đèn Trung thu, người bố trông còn khá trẻ đang cố dỗ dành cô con gái nhỏ: “Con đừng mua lồng đèn con mèo nhé. Mua lồng đèn ngôi sao này đi, đèn ông sao thì Cuội mới xuống chơi với con”. Và cô bé vui vẻ cầm đèn ông sao trên tay.

Một mẫu đối thoại hiếm hoi trong thời buổi này. Bây giờ, các bậc phụ huynh hay chiều theo ý muốn của con cái mà chọn mua lồng đèn nhựa chạy pin phát ra tiếng nhạc mừng Giáng sinh thay vì Trung thu.

Họ nghĩ đơn giản chỉ là món đồ chơi của trẻ con. Nhưng không phải thế. Đối với trẻ, đồ chơi là cả 1 thế giới diệu kì, nó âm thầm nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của trẻ.

Chiếc lồng đèn hình con cá chép táo quân bằng giấy truyền thống made in VN không chỉ là 1 món đồ chơi đơn thuần, mà còn là 1 sự giáo dục ý thức tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho trẻ ngay từ tuổi còn thơ.

Trung thu hồn Việt, giờ ở đâu?

Sài Gòn về đêm trong những ngày cận tết Trung thu rất nhộn nhịp. Nhiều cửa hàng thi nhau treo bảng “big sale”. Nhân cơ hội này, người ta đổ xô ra đường để đi chơi, mua sắm, hẹn hò…Có người còn tranh thủ cớ Trung thu để quà cáp biếu nhau gọi là chào hỏi cho phải lẽ. Thương hiệu bánh KĐ cũng nhân đó mà vẽ băng rôn to đùng: “Tết Trung thu-tết của tình thân”. Người lớn xem ra mải vui nên quên mất: Trung thu là ngày hội dành cho trẻ thơ.  

Người lớn đã quên rằng trung thu Việt là ngày dành cho trẻ con. (Ảnh: Hà Ngân)
Người lớn đã quên rằng trung thu Việt là ngày dành cho trẻ con. (Ảnh: Hà Ngân)

Đây là quan niệm của người Việt chúng ta từ xa xưa. Tết Trung thu, trẻ con trong xóm cùng kéo nhau đi chơi, vừa đi vừa nghêu ngao hát đồng dao: “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời…”, hòa quyện cùng tiếng trống cơm và ánh đèn ông sao lấp lánh dưới vòm trời thu nhiệt đới trong vắt.

Người lớn nào cũng từng là trẻ con và trẻ con nào cũng từng có cảm xúc tuổi thơ tươi đẹp như thế trong đêm phá cỗ. Đó sẽ là kí ức đáng nhớ nhất trong mỗi người lớn chúng ta.

Thế nhưng, những chiếc lồng đèn bằng giấy kiếng truyền thống trong cuộc vui ngày ấy đang dần bị lãng quên. Đến bất kì một tiệm bán đèn lồng nào, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự khác biệt về số lượng: vài trăm cái đèn nhựa chạy pin phát ra tiếng nhạc tây tàu chẳng rõ mới có vài chục đèn giấy truyền thống Việt Nam. Mà theo như lời chủ tiệm thì: “Để treo cho vui, chứ bán khó lắm!”.

Nhiều lúc nhìn trẻ con thị thành lủi thủi chơi đèn nhựa một mình trước sân vì bố mẹ cấm tiệt không cho chơi với hàng xóm, tự nhiên lại thấy chạnh lòng: “Trung thu hồn Việt, giờ ở đâu?”

Rằm tháng Tám, đọc lại văn học dân gian

Đi từ một truyền thuyết rất chung là mưa ngâu - tháng 7 của đôi vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ. Tuy nhiên, đến khi lý giải về trăng, người Hoa lại tưởng tượng ra câu chuyện Hằng Nga-Hậu Nghệ.  

Trẻ em vẫn còn thích lồng đèn kiếng lắm! (Ảnh: Stanley Lê)
Trẻ em vẫn còn thích lồng đèn kiếng lắm! (Ảnh: Stanley Lê)

Hằng Nga lấy cắp thuốc “trường sinh bất lão” của chồng là Hậu Nghệ rồi bay lên cung trăng. Nàng trở thành tiên, không bao giờ chết, sống cô đơn trong cung Quảng Hàn lạnh lẽo.

Người Việt thì lại nghĩ ra câu chuyện “Cây đa - chú Cuội”. Cuội là một chú bé nhà nghèo phải cắt cỏ chăn trâu cho địa chủ. Nhưng cậu lại có tật hay nói dối mọi người. Cuối cùng chẳng ai đoái hoài đến cậu. Cậu phải bay lên cung trăng ôm gốc cây đa”. (Theo Hữu Ngọc-Văn hóa Việt Nam)

Đó là sự khác biệt khi giải thích về chủ nhân của cung trăng. Với người Hoa, Tết Trung thu là dịp để gia đình đoàn viên trên quê cha đất tổ. Còn với người Việt, đây là dịp để trẻ con đi rước đèn, vui vẻ hát ca. Có lẽ vì thế mà chiếc lồng đèn Trung thu trở thành biểu tượng văn hóa mang tính bản sắc của mỗi dân tộc.

Còn câu hỏi bao giờ Trung thu chỉ có đèn lồng "made in Việt Nam"?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày