GN - Gần đây, nhiều vụ án mạng kinh hoàng liên quan tới hận tình xảy ra trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, điển hình là vụ án ở Bình Phước tháng 7-2015, khiến dư luận bàng hoàng, xót xa. Thêm một lần nữa, việc ứng xử trong tình yêu làm người ta suy nghĩ...
Ngộ nhận về tình yêu
Theo ThS.Nguyễn Thị Mỹ Linh (Giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam) nói về tình yêu của giới trẻ ngày nay là thường “yêu vội, không dành cho mình thời gian tìm hiểu một cách nghiêm túc về người mình yêu, không trang bị cho mình kiến thức về tình yêu, thiếu kỹ năng xử lý tình huống, kiềm chế cảm xúc khi phải chia tay người yêu hoặc những xung đột mâu thuẫn, giận hờn, ghen tuông… Đặc biệt, các bạn ngộ nhận tình yêu là tất cả cuộc đời mình nên khi tình yêu không còn, các bạn dễ rơi vào trạng thái tâm lý đau khổ, do không chấp nhận điều này nên một số các bạn chọn cách hủy hoại bản thân hoặc tự kết thúc cuộc đời mình bằng nhiều hình thức khác nhau”.
Giải thích cho hiện trạng đó, ThS.Nguyễn Thị Ngọc Nhi (giảng viên khoa Xã hội Nhân văn, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết: “Nguyên nhân chính là được bắt nguồn từ nền tảng giáo dục về tư tưởng của gia đình và xã hội xây dựng cho giới trẻ chưa thật sự vững chắc. Những chuẩn mực đạo đức xã hội đã tạo ra những điều kiện cho các bạn trẻ có thể phát triển cái tôi cá nhân và yêu như thể để có thể tự khẳng định mình...”.
Hai vị giảng viên cho biết, yếu tố hoàn cảnh luôn là một chất xúc tác có tính kích thích cực mạnh đến tình cảm, suy nghĩ của giới trẻ khi phải đối diện với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chính vì thế, giáo dục tâm lý là một công việc quan trọng mang tính chất quyết định trong việc hình thành nền móng vững chắc về đạo đức, nhân cách sống của giới trẻ.
Ngày nay, các bậc cha mẹ phải kiếm tiền chăm lo cho gia đình thì việc ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con em mình là một điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là phải dành ít nhất mỗi tuần một lần trò chuyện cùng với các con của mình. Việc làm này sẽ giúp cha mẹ có cơ hội trao đổi những kinh nghiệm sống với con trẻ và biết được cuộc sống của con đang ở giai đoạn nào, tâm tư thế nào, có những trăn trở gì khi đi học, giao tiếp với bạn bè, với thầy cô… cũng như có thể nắm bắt một cách kịp thời tâm lý của trẻ khi chúng có những dấu hiệu đặc biệt với người khác phái, nhằm đưa ra phương pháp giáo dục đúng cách, định hướng đúng sai, tốt xấu ngay - bởi vì từ khi còn nhỏ, trẻ thơ rất dễ tiêm nhiễm mọi thứ do chưa có đủ khả năng để giải quyết tốt mọi việc gặp phải.
Xây đắp tình yêu trên lời Phật dạy để tránh những hệ lụy đau lòng - Ảnh minh họa
Nếu đổ vỡ tình yêu, phải làm sao?
Tình yêu là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những người muốn tìm một nửa kia của mình. Giới trẻ có thể bắt đầu tình yêu rất vui vẻ nhưng lại luôn kết thúc nó trong những nỗi đau, thậm chí là những vết thương không bao giờ lành. Làm thế nào để các bạn trẻ có thể đến với tình yêu trong trạng thái bắt đầu vui vẻ, kết thúc cũng vui vẻ?
Mới nhìn vào, ta tưởng chừng như tình yêu rất đẹp, rất ư là hạnh phúc, thế nhưng khi yêu rồi ta mới biết vị đắng chát chua cay và nhiều hệ lụy khác. Chính vì vậy, các bạn trẻ đừng quá vui khi bạn được yêu và cũng đừng quá buồn khi không (còn) được yêu. Tình yêu cũng là một trong những cách thức thỏa mãn cái tôi, mà trên thực tế có rất nhiều cách thức để cái tôi được thỏa mãn chứ chẳng phải chỉ mỗi tình yêu. Vậy khi đến với tình yêu dù không được đáp lại, thì cố gắng bình tĩnh, đừng oán hờn, đừng nghĩ đến việc trả thù hay giết hại người bạn đã từng yêu. Theo đó, các bạn trẻ hãy tập sống theo tinh thần “còn duyên thì ở, hết duyên thì đi” một cách nhẹ nhàng. |
ThS.Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ: “Trong tình yêu nam nữ, bạn không chỉ phải học cách yêu mà cũng nên học cách chia tay, vì chia tay trong tình yêu là chuyện bình thường”.
Thạc sĩ Linh nói, sau khi chia tay với tình yêu, bản thân người trong cuộc luôn cảm thấy mình bị tổn thương cả về thời gian, tiền bạc và niềm tin cuộc sống... tự gặm nhấm nỗi đau một mình thậm chí gây ra những sự việc đáng tiếc. Nhưng cũng có người sau khi vấp ngã trong tình yêu, họ vẫn can đảm đối mặt với đổ vỡ, từ bỏ thứ tình cảm không thuộc về mình. Những lúc ấy, gia đình nên tìm cách tiếp cận các bạn trẻ, giúp họ rút ra bài học kinh nghiệm và biết tìm cách vượt qua sự thất bại trong tình cảm.
Phải quan sát, chú ý đến các trạng thái tâm lý, nếu cảm thấy người thân của mình sa sút tinh thần quá mức, cuộc sống sinh hoạt bị xáo trộn thì nên đưa ngay đến chuyên gia tư vấn tâm lý để giúp họ ổn định tinh thần hơn.
Việc chúng ta yêu thương một ai đó không phải là sai, nhưng khi tình yêu kết thúc, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại những nguyên nhân tại sao khiến cho tình yêu đổ vỡ? Những sai lầm nằm ở đâu và chúng ta học được gì từ những sai lầm ấy?
Không gì là mãi mãi, tình yêu cũng thế. Khi tình yêu đổ vỡ rồi, chúng ta hãy lạc quan hơn, suy nghĩ về cuộc sống của bản thân và hãy mỉm cười cho qua vì mọi người xung quanh vẫn luôn yêu thương ta và trong cuộc sống vẫn còn nhiều điều tươi đẹp đang chờ ta phía trước.
Tình yêu qua lăng kính nhà Phật
Yêu thương là bản năng tự nhiên của con người. Tuy nhiên, theo đạo Phật, tình yêu thế gian là tình yêu của ngã, tức là tình yêu đem về cho mình, khi yêu một ai đó ta luôn muốn chiếm hữu người mình thương và không muốn người mình thương phải có bất kỳ mối quan hệ nào khác. Đó là tình yêu ích kỷ, cá nhân sẽ tự đưa khổ đau đến với mình.
Đức Phật từng phác họa diễn tiến của tình yêu gồm bốn bước: xúc, thọ, ái và thủ. Tình yêu bắt đầu từ sự tiếp xúc, mắt đối với các hình thái màu sắc, hình thù, vóc dáng của người mình quan tâm - ta tiếp xúc qua ánh mắt, nụ cười, tiếng nói… Từ đó, cảm giác bắt đầu phát sinh. Tình yêu bắt đầu xuất hiện, ta muốn người kia là thuộc về mình. Kinh Tăng chi bộ, phẩm Sắc, Đức Phật dạy: “Ta không thấy một sắc/ thanh/ hương/ vị/ xúc nào khác xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc/ tiếng/ hương/ vị/ xúc của người đàn bà và ngược lại”. Sức cuốn hút khó cưỡng giữa người nam và người nữ là vô cùng lớn, cho nên khi tình yêu thiếu vắng đi yếu tố của lý trí là một điều có thể hiểu được.
ĐĐ.Thích Minh Niệm từng chia sẻ: “Ta còn quá yêu bản thân mình thì làm sao ta có thể yêu thêm người khác, dù có yêu người khác cũng chỉ để phục vụ cho bản thân mình đó thôi”. Khi yêu, người ta luôn có ảo tưởng rằng người yêu phải thuộc về mình, là sở hữu của mình. Do đó, nhiều người cảm thấy ngột ngạt, mất tự do, thậm chí là tự tạo cho mình những ẩn ức tâm lý trong tình yêu của mình.
Tình yêu nam nữ là một lĩnh vực rất phức tạp, vì tình yêu ấy có mối quan hệ mật thiết với cái tôi cá nhân, là một cách yêu thương khác với tình yêu cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Trong bài chia sẻ về đề tài tình yêu, HT.Viên Minh có nói “khi ta yêu một người tức là ta yêu luôn cả mặt tốt và mặt xấu của người đó. Xấu và tốt như hai mặt của một bàn tay. Ta không thể chỉ giữ lấy một mặt mà bỏ đi mặt kia... Khi thấu hiểu cả mặt tích cực và tiêu cực của người ấy, ta mới có thể yêu thương họ thật sự. Khi ta thật sự yêu thương một người thì người đó sẽ cảm thấy tự do để được là chính họ. Tình yêu đích thực không ràng buộc đối tượng được yêu mà còn là động lực để cho họ đổi mới chính mình”.
Phương pháp giúp cởi bỏ những trói buộc trong tình yêu và hiểu một cách cụ thể rõ ràng về tình yêu đó là “hiểu và thương”. Việc chuyên lắng nghe giúp ta hiểu được người yêu. Hiểu được người yêu, ta mới thực sự thương người yêu của mình, không làm cho người yêu đau khổ.
Thực tập chánh niệm là một phương pháp giúp cho ta nhận ra sự vô thường của vạn vật để ta biết trân trọng sự có mặt của những yếu tố đang diễn ra trong thực tại cuộc sống, trong từng phút giây hiện hữu. Chánh niệm cũng giúp cho ta có thêm yêu thương, lòng từ bi đối với mọi người, mọi loài, giúp cho ta vững vàng hơn khi đối diện với dòng cảm xúc yêu thương trong trái tim mình.
Trong Phật giáo, có bốn yếu tố quan trọng để xây đắp và nuôi dưỡng tình yêu, đó là từ, bi, hỷ, xả. Từ là ta phải đem niềm vui đến cho người yêu chứ không đem đến sự dằn vặt, khổ đau. Bi chính là cảm giác xót xa trước nỗi đau khổ của người ta yêu và tìm mọi cách để giúp người ấy bớt và hết khổ.
Tình yêu nhất thiết phải vui, không vui không phải là tình yêu đích thực - đó là hỷ. Còn xả là ta không tìm mọi cách để khiến người ta yêu nhất định phải thuộc về ta, tức là ta không nên quá tôn trọng cái tôi của ta mà buộc người phải làm theo ý của mình. Thực tập bốn yếu tố này, ta có thể đem đến cho hạnh phúc đích thực cho người mình yêu và cho cả bản thân mình.
>> Xem thêm: Biết dừng cũng là yêu
Đức Nhân - Lê Hà - Yến Nhi thực hiện