Đem đạo vào đời

GN - Thiên Trang tu viện (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) hiện đang nuôi dưỡng 14 em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ăn học. Tu viện cũng đang gieo duyên Phật pháp đến đồng bào nghèo quanh ấp Bình Hòa…

Hành trình từ những lời dạy

Ngôi chùa nhỏ được bao quanh bởi những tán cây xanh, thỉnh thoảng có tiếng nô đùa, chạy nhảy của các chú tiểu. Thấy có khách lạ đến, các chú chắp tay búp sen chào trong tiếng niệm Phật. Với nụ cười tươi, ĐĐ.Thích Tâm Trí tại Thiên Trang tu viện chào đón khách trong niềm hoan hỷ.

Thầy Tâm Trí đến đây từ năm 2000. Năm 2012, thầy bắt đầu nhận nuôi các em đến từ các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước… mỗi em đến với Thiên Trang tu viện đều do hoàn cảnh gia đình khó khăn khác nhau và với nhiều độ tuổi.

1tt.jpg

ĐĐ.Thích Tâm Trí và các em mồ côi

Thầy kể, khi còn ở chùa Tổ, sư phụ có nói một câu “mấy đứa con chịu khó công phu, công quả, chịu khó làm để cảm nhận sự đau khổ của người thế gian…”. Nhớ lời thầy dạy và tự bản thân thấy cần phải làm để tu, “Không những mình tự tu mà giúp cho người khác tu nữa, vì thế tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó giúp ích cho con người nên mới nuôi trẻ mồ côi. Trong đời tu, nếu mình chỉ lo tu cũng được thôi, tuy nhiên nếu một thầy tu biết nuôi trẻ mồ côi thì sẽ cảm nhận rất sâu sắc được tình thương, ý nghĩa của đạo và đời”- thầy Tâm Trí nói.

Các em được nuôi ở chùa được thầy để chỏm, mặc đồ chú tiểu, tu tập theo đúng thời khóa của người tu. Thầy nói: “Chiếc áo không tạo nên thầy tu, nhưng thầy tu không có chiếc áo thì cũng không phải thầy tu. Và một phần, tôi muốn tạo cho các em có một cái tâm tốt khi nhìn về chiếc áo, một phần nữa là do hoàn cảnh chùa còn khó khăn nhiều mặt”.

Các em ở đây học nhiều cấp khác nhau. Những em học trung học phổ thông thì được thầy gửi nhờ sư huynh của mình hướng dẫn nuôi dạy vì có điều kiện hơn, còn các em đang học tiểu học và trung học cơ sở thì thầy sắm xe đạp, anh em tự chở nhau đi học. Ở đây, các em chủ yếu là ăn học, sau những giờ học trên trường về các em có những thời khóa tụng kinh, học giáo lý riêng do thầy Tâm Trí hướng dẫn.

Thầy Tâm Trí chia sẻ thêm: “Khi các em lớn lên, nếu có duyên phát tâm tu thì tôi sẽ tạo mọi điều kiện để các em xuất gia, còn nếu các em không có duyên, ra ngoài thì tôi cũng tạo mọi điều kiện, vì mọi người có mỗi cái duyên khác nhau”.

Trên bước đường tu, thầy bảo mình gặp rất nhiều chướng duyên và lúc đó thầy thấy ý chí càng vững vàng. “Khó khăn tức là nghiệp chướng, người tu hành phải biết khi đã vay thì phải trả, đau khổ là nghiệp mình tạo ra, là thử thách ý chí tu tập của mình, và cũng là đang tôi luyện ý chí của chính mình, một người tu” - thầy Tâm Trí bày tỏ. Tại vùng đất này, “ước muốn của thầy nhiều lắm nhưng hiện tại vẫn chưa làm được, vì chưa đủ duyên” - thầy Tâm Trí bộc bạch. Vì lẽ, người dân ở đây đa số là người nghèo và người dân tộc thiểu số nên đầu tiên thầy chưa thể nói ngay đến Phật pháp mà kết duyên bằng những phần quà từ thiện.

Cô Phạm Thị Trà, từ Bình Thuận đến tu viện phụ việc chăm các em, ở đây gần được 2 năm. Cô chia sẻ: “Lúc đầu lên thăm rồi cũng định phụ thầy ít bữa, thấy thầy nuôi mấy đứa nhỏ mà có một mình nên ở lại phụ thầy. Ở rồi mến tay mến chân mấy đứa nhỏ nên đi về không nỡ.  Mấy đứa con ở nhà bảo mẹ về thăm nhưng đi đâu được, mấy đứa nhỏ cứ gọi ngoại đừng về… thế là ở đến giờ vẫn chưa về”.

Còn chú Lâm (quê Bình Thuận), người chịu trách nhiệm xuống các chợ xin rau về nấu cơm từ thiện của chùa bộc bạch: “Thầy có cái tâm nhưng điều kiện chưa có, một mình thầy vừa nuôi mấy đứa nhỏ, rồi làm Phật sự ở chùa nên cũng chưa được chu toàn. Vì thế, tôi ở đây phụ được thầy gì thì tôi phụ”.

Chọn con đường tu

“Lúc nhỏ ở nhà thầy ‘lì lắm’ nhưng mà rất ngưỡng mộ những người tu hành, đặc biệt rất kính trọng quý thầy. Hồi đó, gia đình không có thờ Phật, dù có đi chùa” - thầy Tâm Trí kể. Đến khi học lớp 9, tự nhiên trong thầy có suy nghĩ “cuộc đời không đơn giản như mình nghĩ, chẳng lẽ chỉ có sinh ra, lớn lên, học hành, lấy vợ, lấy chồng, sinh con là xong cuộc đời rồi sao? Phải có cái gì đó đặc biệt nữa vượt qua cái suy nghĩ của mình…”. Và, thầy nghĩ, chỉ có đi tu bản thân mới tìm ra được lời giải, từ đó thầy xin gia đình xuất gia.

Thầy kể, lúc đó chùa nghèo lắm, nhiều khi ăn cũng không đủ mà Tăng chúng rất đông. Nhiều hôm không đủ ăn, thấy vậy thầy Hương Tích, giáo thọ sư, mới nói: “Mấy đứa con đi đến chỗ nào có ăn mà không có học thì quẹt đít mà đi, còn chỗ nào có học mà không có ăn thì lạy ngoài lạy vào. Vì người tu quan trọng là cái đức chứ không phải là cái tài”. Vì thế dù có chút khó khăn nhưng thầy vẫn quyết định nhận nuôi trẻ và tổ chức nấu cơm chay từ thiện hàng tháng.

ANH Danh (1).JPG

Các mồ côi tại Thiên Trang tu viện đi học

Trước khi về vùng đất này hoằng pháp, thầy đã học xong trung cấp tại chùa Vạn Phật Đại Tòng Lâm, học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, học Học viện Phật giáo Việt Nam khóa VII, Trung cấp giảng sư, học Hán cổ tại Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, du học tại Đài Loan năm 2008, ngành Đông phương học.

Đối với thầy, học nhiều như vậy là để có một cái nhìn phù hợp với thời đại, cũng như vận dụng uyển chuyển phù hợp khi đưa đạo vào cuộc đời. Nhưng cái cuối cùng thầy hướng đến sẽ là mang những lời dạy của Phật mà mình có tu tập, hành trì đến với mọi người để họ cũng có được những an lạc thật sự trong cuộc sống của chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày