Diệu Viên, bóng mát cuộc đời

GN - Sống cô đơn, nghèo khó, bệnh tật, không người thân thích hay bị ruồng bỏ… là những phận đời chung của 20 cụ già đang sống tại Viện dưỡng lão Diệu Viên thuộc phường Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở đây, các cụ được các ni cô chăm sóc, lo từng bữa ăn, giấc ngủ…

Những phận đời

Men theo con đường nhỏ, đất đá lổm chổm thuộc địa phận phường Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi tìm đến Viện dưỡng lão Diệu Viên, một địa chỉ từ thiện cho những mảnh đời, cụ già bất hạnh nương nhờ. Viện dưỡng lão Diệu Viên hiện đang chăm sóc, cưu mang cho hơn 20 người già bất hạnh không nơi nương tựa.

TTXH (2).jpg
Viện dưỡng lão Diệu Viên - mái ấm của các cụ già neo đơn - Ảnh: Thanh Quýt

Chùa Diệu Viên là một ngôi chùa sư nữ nổi tiếng vào bậc nhất của đất Thần kinh, nằm trên địa bàn phường Thủy Dương thuộc thị xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Chùa Diệu Viên là ngôi chùa có lịch sử hình thành khá lâu do Ni trưởng Thích nữ Chơn Hiền trụ trì cùng với nhiều sư cô phụ giúp công việc trong chùa và chăm sóc các cụ trong viện dưỡng lão.

Viện dưỡng lão Diệu Viên thành lập cách đây khoảng 15 năm, lúc đầu chỉ nhận chăm sóc các cụ già yếu bị tàn tật, không nơi nương tựa trong tỉnh. Nhưng sau này, được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm nên chùa đã mở rộng, tiếp nhận thêm nhiều cụ từ các tỉnh lân cận xin về chùa để sống những ngày cuối đời.

Hiện nay, Viện dưỡng lão Diệu Viên có 19 cụ bà và 1 cụ ông. Cụ cao tuổi nhất năm nay 95 tuổi, các cụ khác khoảng chừng 50 đến 80 tuổi. Mới đầu thành lập khó khăn đủ bề, các sư cô phải tằn tiện và tìm mọi nguồn giúp đỡ của xã hội mới có đủ kinh phí chăm lo cho các cụ ăn, ở và sinh hoạt. Qua thời gian tiếng lành đồn xa, Viện dưỡng lão Diệu Viên đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong vùng về chăm sóc cho những người già bất hạnh.

Ni sư Thích nữ Diệu Đàm, Thư ký chùa cho biết: “Tất cả những cụ già nương nhờ ở đây đến từ nhiều miền quê ở Huế và các tỉnh lân cận với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều mang một nỗi buồn sâu thẳm trong lòng…”. Nơi đây giống như một xã hội thu nhỏ, nhiều cụ có hoàn cảnh đáng thương và hầu hết những người vào đây đều muốn có một chỗ dựa tinh thần, bởi họ rất cô đơn. Nhiều cụ bà ngày mới vào trung tâm, cứ chiều đến là nhớ con, nhớ cháu chảy nước mắt, khiến các sư cô phải dỗ dành.

Chúng tôi nhận thấy điều kiện sinh hoạt ở đây cũng khá ổn định. Dãy nhà ở sinh hoạt gồm 8 phòng, mỗi phòng được kê 4 chiếc giường dành cho 4 cụ. Diện tích mỗi phòng cũng rộng hơn 15 mét vuông có máy quạt và tủ đựng quần áo đầy đủ. Mỗi ngày, các cụ được các sư cô lo cho ăn 3 bữa. Đau ốm có bác sĩ lo thuốc men và khám bệnh.

Cụ Dương Thị Cầm, 63 tuổi chia sẻ: “Bà sống ở đây hơn 3 năm rồi, ngày trước sống vất vưởng đầu đường xó chợ, đau ốm triền miên rồi được các sư cô nhận vào đây lo cho ăn, ở. Bà vui lắm. Ở đây có nhiều người đồng cảnh ngộ, ai cũng yêu thương coi như chị em ruột thịt dẫu sau này có chết cũng yên lòng…”.

Vì tình thương

20 cụ ở Viện dưỡng lão Diệu Viên là 20 mảnh ghép, 20 câu chuyện khác nhau về số phận. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng những tình cảm mà chư Tăng Ni, Phật tử tại Viện dưỡng lão Diệu Viên đã dành cho các cụ già thật đáng để xã hội trân trọng, ghi nhận. Đồng cảm và muốn xoa dịu những nỗi đau trong cuộc đời mà các cụ đã gánh chịu, những sư cô tại Viện dưỡng lão Diệu Viên đã không quản khó nhọc, ngày đêm chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cụ già neo đơn. Bởi tất cả đều muốn chia sẻ với những quá khứ buồn thương mà những cụ già đã từng trải qua.

TTXH (3).jpg

Cụ Hường đã tìm được nơi chốn nương thân vào lúc xế chiều - Ảnh: Thanh Quýt

Cụ Nguyễn Thị Quyệt, 83 tuổi, quê ở tận Lăng Cô, kể câu chuyện về cuộc đời đẫm nước mắt của mệ, chồng và con chết do chiến tranh. Mệ rời quê hương, lưu lạc nơi đất khách quê người, song cuộc sống quá khắc nghiệt đau ốm triền miên, mệ quay lại Huế thì được chính quyền đưa vào Viện dưỡng lão Diệu Viên sống nương nhờ.

Trường hợp cụ Nguyễn Thị Gái, ngoài 80 tuổi, cụ bị tai biến phải nằm một chỗ mới mất làm tuần cách đây khoảng 49 ngày. Khi chết vẫn không gặp được con dù trước kia, cụ có đứa con gái lấy chồng tận trong Nam rồi mất liên lạc. Dù cụ Gái không có gia đình, nhưng các sư cô vẫn làm lễ tang thật ấm cúng và trọn vẹn để cụ yên nghỉ.

Chia sẻ với chúng tôi về những câu chuyện ở Viện dưỡng lão khiến Ni sư Thích nữ Diệu Đàm nhớ mãi, thương nhất là những cụ bệnh tật, cuối đời không có người thân thăm nom, đến phút cuối cũng không được gặp mặt con cháu. Còn nhiều câu chuyện thương tâm, còn nhiều tâm sự đầy nước mắt của các cụ đã được giãi bày, chia sẻ…

Chia tay các cụ ở Viện dưỡng lão Diệu Viên khi cái nắng chiều oi bức của tháng Tư ở Huế dường như đã dịu hẳn, chúng tôi ra về nhưng câu nói của Ni sư Thích nữ Diệu Đàm khiến chúng tôi nhớ mãi: “Mai này, dù có thế nào, chúng tôi cũng nguyện đem hết sức lực của mình để chăm lo cho cuộc sống của các cụ. Tìm cách hàn gắn những vết thương, bù đắp những mất mát về tinh thần cho các cụ để các cụ thật thanh thản lúc xế chiều”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày