Độc đáo kiến trúc tháp Đại Bi - chùa Phúc Lộc

GNO - Chùa Phúc Lộc là ngôi chùa cổ nằm ven sông đào nay thuộc thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Theo những cụ cao niên trong làng kể lại, chùa Phúc Lộc được xây dựng vào khoảng năm 1440, hoàn thành khoảng năm 1442.

Hiện chùa Phúc Lộc còn đang lưu giữ một số báu vật quý như: chiếc chuông đồng cổ treo trên gác trước cổng trên có ghi: Hoàng triều Cảnh Hưng. Vạn vạn niên. Chi nhị thập tam tuế (hiểu là quả chuông cổ này được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 13 vào khoảng năm 1762 tính tới nay là 250 năm).

IMG_9251 (Custom).jpg


Bảo tháp Đại Bi cao 49m tại chùa Phúc Lộc (Nam Định)

Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa gần như bị chìm vào quên lãng. Mấy năm gần đây, vị sư trụ trì của chùa hiện nay là Ni sư Thích Đàm Thành được sự giúp đỡ của GHPGVN tỉnh Nam Định và được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, Phật tử, thiện trí thức công đức đã tiến hành trùng tu và mở rộng chùa.

Ngày 15-11-2010 (10-10-Canh Dần), chùa Phúc Lộc làm lễ khởi công trùng tu và xây dựng bảo tháp Đại Bi cao 13 tầng (cao 48m tính từ sân bảo tháp lên đến đỉnh tháp) - tổng diện tích sàn xây dựng là 1.500m2 trong khu quần thể kiến trúc tâm linh rộng 3.000m2.

Phía trước bảo tháp, có cầu Di Lặc, hai bên có hồ tịnh thủy hình bán nguyệt và bốn phương của bảo tháp là bốn pho trong Bát bộ Kim Cương. Ngày 17-11-2013 (15-10-Quý Tỵ), vừa tròn 3 năm xây dựng, chùa Phúc Lộc đã khánh thành bảo tháp Đại Bi và khai ấn ngọc Phật.

Cổng vào và khuôn viên bao quanh bảo tháp được lát đá, có chạm khắc hình rồng cùng nhiều hoa văn tinh xảo. Theo đó là sự bài trí của 100 cây cột đá, biểu tượng của 100 chữ phúc vừa mang ý nguyện bảo tháp Đại Bi đem phước lành đến cho bách gia trăm họ vừa tạo sự hài hòa cho tổng thể công trình, đồng thời tạo sự gắn kết nhuần nhụy với văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam.

Tầng 1 thờ Đức Phật Thích Ca và hai đệ tử là ngài A-nan và Ca Diếp.

Cấu trúc bên ngoài bảo tháp là hình bát giác. Từ tầng hai đến tầng mười hai, trên mỗi cạnh của hình bát giác có một pho tượng, biểu thị một hiện tướng của Đức Quan Âm trong Chú Đại Bi.

Cấu trúc bên trong của bảo tháp theo hình tứ trụ. Từ tầng thứ hai đến tầng thứ 12 thờ 33 pho tượng Phổ Môn và tứ thánh kiết tường gồm: Phật Mẫu Ta-ra, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và Quan Âm Thập Nhất Diện.

Trên tầng 13 thờ tượng trong cửu phẩm A Di Đà và Tam thánh Tây phương, Phật ngọc, Xá-lợi cùng với ấn Phật ngọc.

Đặc biệt tòa sen trên đỉnh bảo tháp được đúc bằng đồng nặng gần 3 tấn. Trên năm cánh sen có 5 bức tượng Phật gắn 5 viên đá quý là biểu tượng của ngũ trí Như Lai. Cũng từ hình búp sen này, nhìn từ xa lại, bảo tháp tựa cây bút thần viết lên trời xanh những âm thần chú vi diệu đem tới pháp lực vô biên nhằm nâng đỡ, hộ trì cho khắp nẻo chúng sanh cõi Ta-bà.

Bảo tháp được xây dựng theo đúng tinh thần của đàn pháp với chiều cao 49m tương ứng với 49 ngày Đức Phật thiền định để đạt tới giác ngộ viên mãn, trở thành bậc Chính đẳng, Chính giác của nhân loại.

Bảo tháp hình chóp, ba phần tương  ứng với ba thân hiện tướng của Đức Phật: Tầng thứ nhất thể hiện ứng thân Phật là thân hiện tướng của Đức Phật tại thế gian. Từ tầng thứ hai đến tầng 12, thể hiện báo thân Phật, là thân hiện tướng ở các cảnh giới Tịnh độ. Còn tầng 13 trở lên thể hiện thân tuyệt đối của Niết-bàn gọi là pháp thân Phật.

Mặt ngoài của tháp, từ tầng 2 đến tầng 13 có cấu trúc giống nhau tổng cộng gồm 96 pho tượng, phía bên ngoài được diễn bày bởi 84 pho tượng Phật trong đàn pháp Đại Bi là hóa thân của chư vị Bồ-tát. Cụ thể là trên mỗi tầng có bố trí 8 bức tượng bằng đồng quay ra phía bên ngoài, mỗi bức tượng trung bình khoảng 330kg với chiều cao là 1m67.

Mỗi pho tượng là biểu hiện cho một sự hiển tướng của Quan Âm, với lòng yêu thương chúng sinh vô bờ bến, vô lượng vô biên, Ngài đã thực hiện những hạnh nguyện Bồ-tát luôn luôn phổ độ giáo hóa chúng sinh...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày