Đức Phật - một bậc Thầy lớn của nhân loại

“Xưa cũng như nay, ta chỉ nói đến sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự đoạn tận khổ đau và con đường đưa đến sự đoạn tận khổ đau”
(Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm 4)

NSGN - Ngày trăng tròn tháng Vesak (ngày rằm tháng Tư), ngày Phật đản. Thông thường, nhiều người thường xem ngày này là ngày kỷ niệm sinh nhật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, theo truyền thống, đây là ngày tưởng niệm ba sự kiện - đản sanh, giác ngộ và nhập Niết-bàn - của Đức Phật, gọi là ngày Tam hơp.

Ngày này hàng năm, khắp nơi trên thế giới, vô số người nhớ về và làm lễ tưởng niệm Đức Phật trong niềm tôn kính vô hạn, trong số đó, không ít người coi đây là một lễ hội tôn giáo và văn hóa của cộng đồng mình. Trong bất cứ hình thức tưởng niệm nào, dù là tập thể hay cá nhân, mỗi người có một cách tưởng niệm riêng. Ở đây, người viết xin được chia sẻ vài ý tưởng mà bản thân cảm nhận được trong quá trình học Phật bằng ngôn ngữ bình dân nhất như là một cách tưởng niệm ân đức của Đức Phật cùng những lời dạy của Ngài nhân ngày Phật đản.

ducphat 2.jpg

Một Đức Phật lịch sử

Chúng ta vẫn quen chấp nhận Đưc Phật sinh năm 624 tr.TL và nhập Niết-bàn 544 tr.TL và Phật lịch đươc tính trên cơ sơ niên đại của giả thuyết này. Tuy nhiên, băng các nghiên cưu kỳ công của mình, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những con số khác nhau về năm sinh và nhập Niết-bàn của Đức Phật. Heins Bechert đã tổng hợp1 từ 21 bài nghiên cứu và ghi nhận nhiều kết luận về năm Đức Phật nhập Niết-bàn. Sự chênh lệch thời gian giữa các nhà nghiên cứu này là khá lớn, từ 2066 tr.TL (D.R.Mankad), cho đến 1807 tr.TL (V.G.Ramachandran), 1168 tr.TL (K.D.Sethna), 544 tr.TL (K.C.Varma), 487 tr.TL (Sonam Morup), 486 tr.TL (G. Yamazaka), khoảng 483 tr.TL (A.K.Narain), giữa 420 tr.TL và 380 tr.TL (A.Bareau), khoảng 404 tr.TL (R.Gombrich), giữa 410 tr.TL và 390 tr.TL (K.R.Norman), khoảng 400 tr.TL (R.Hitaka), khoảng giữa 400 tr.TL và 350 tr.TL (H.Bechert), 383 tr.TL (H.Nakamura), 368 tr.TL (A.Hirakawa), thậm chí cho đến 261 tr.TL (P.H.L.Eggermont). 

Sự khác nhau về niên đại của Đưc Phật gây nhiều tranh cãi đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Thế nhưng, ở phương diện ứng dụng của người học Phật, ta không cần quá quan tâm đến sự chênh lệch này, điều đáng ghi nhận là đơi sống tuyệt vời của Ngài trong 80 năm cuộc đời để rồi hàng năm, để rồi mỗi năm, hàng tỷ người hân hoan chào đón ngày sinh của Ngài trên khăp các miền nhân gian. 

Đức Phật, một nhân vật lịch sử mà ngày nay, những dấu ấn còn sót lại với những nền tháp hoang tàn đổ nát dù có bị thơi gian xóa nhòa cũng đủ làm chưng cư hùng hồn cho sư có măt của Ngài trên cuộc đơi này với tư cách một con người. Ngài vốn xuất thân là một hoàng tử của dòng họ Sakya. Lớn lên, Ngài xuất gia, dốc tâm và bền chí trên con đường chuyển hóa những tâm tưởng tiêu cực, phát huy những tư duy tích cực, hoàn thiện bản thân đến mức toàn thiện. Bằng con đường chuyển hóa đó, Ngài chứng ngộ chân lý và đem kinh nghiệm trau sửa của mình để truyền dạy lại cho những ai có cơ duyên với Ngài. Sau 45 năm (hoặc 49 năm theo Phật giáo Phát triển) miệt mài thực hiện hạnh nguyện giúp người cứu đời, Đức Phật, thể hiện giống như bao con người khác, đã gửi xác thân về với cát bụi lúc Ngài tròn 80 tuổi.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, những lời dạy của Ngài tiếp tục được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhiều người hưởng ứng, tiếp thu và thực hành đều có lợi ích. Mãi đến ngày nay và chắc chắn còn lâu dài trong tương lai, những lời dạy vượt cả không gian và thời gian ấy luôn có giá trị thiết thực trong cuộc sống của mỗi người. Giá trị nhân bản, nhân văn và nhân đạo của đạo Phật được thể hiện trong mọi thời đại, mọi nơi trong cõi sống này.

Nhiều người sùng kính Đức Phật vì Ngài là bậc giáo chủ của một tôn giáo lơn có tên ‘Phật giáo’; có người ngưỡng mộ Đức Phật như một triết gia, và không ít người tiếp cận Đức Phật như đến với  một bậc Thầy vĩ đại. Với người học Phật đúng nghĩa, Đức Phật lúc nào cũng là một vị Thầy lớn và thường được biết đến với cái tên “Đạo Sư”, chỉ dạy con đường sáng để hành giả từng bước học theo và thực hành những điều Ngài dạy nhằm có được cuộc sống an vui hơn, nhẹ nhàng hơn. Trong phạm vi bài này, người viết chỉ chia sẻ một vài điều thiết thực, có giá trị thực tiễn trong ứng dụng tu tập từ những lời dạy cốt lõi của Đức Phật, một bậc Thầy vĩ đại nhất trong tất cả các bậc thầy.

Lời Đức Phật dạy: hãy sống với hiện tại

Trong bài kinh nổi tiếng “Nhất dạ hiền giả” (Trung bộ kinh số 131), Đức Phật nhấn mạnh đến giá trị của hiện tại rằng:

Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Ngài luôn nhắc một sự thật hiển nhiên mà ít ai chịu chấp nhận, đó là quá khứ đã qua rồi. Dù đó là việc gì đi nữa, nó cũng đã xảy ra rồi và trôi vào dĩ vãng. Đừng để tâm tiếc nuối, bám níu hay buồn phiền, khổ đau về việc đã xảy ra, vì chúng ta không thể nào quay ngược thời gian để có thể thay đổi quá khứ, để có thể ‘xóa nháp’ làm lại được. Ngài cũng khuyên chúng ta không rượt đuổi theo những mơ tưởng ở tương lai, vì tương lai vẫn còn mờ mịt như một ẩn số. Chỉ có hiện tại là nhiệm mầu và chúng ta hãy sống với giây phút thực tế này để tự mình cảm nhận trọn vẹn nghĩa sống. Nói như vậy không có nghĩa là không có hoạch định chương trình gì cho tương lai. Mình có thể lên kế hoạch cho hôm nay, cho ngày mai hoặc xa hơn nữa trên cơ sở thực tế của hiện tại, thì hành động ‘lên kế hoạch’ ấy chính là hành động trong hiện tại.

Đức Phật đặt toàn bộ nền giáo lý của Ngài để giải quyết những vấn đề thực tế trong hiện tại và những lời dạy của Ngài được biết đến với đặc tính không thể nhầm lẫn với các hệ thống giáo lý của bất kỳ tôn giáo nào khác là giải quyết khổ đau trong hiện tại. Pháp Ngài thuyết là “thiết thực trong hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng” (Trung bộ kinh số 7: Kinh ví dụ tấm vải). Công dụng của pháp là giúp cho người thực hành “đoạn tận khổ đau ngay trong hiện tại” (Trung bộ kinh số 9: kinh Chánh tri kiến). Đức Phật và chư Thánh Tăng chứng đạt quả vị giải thoát ngay trong hiện tại chứ không đợi đến cảnh giới nào, thời gian nào xa xôi cả “chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát” (Trung bộ kinh số 12: Đại kinh sư tử hống; kinh số 26: kinh Thánh cầu; kinh số 27: Tiểu kinh dấu chân voi; kinh số 40: Tiểu kinh xóm ngựa).

Do đó, tu là tu trong hiện tại, tương lai tươi sáng được làm từ hiện tại thiện lành. “Sự không làm ác nghiệp trong tương lai chính do sự hộ trì về thân, sự hộ trì về lời nói, sự hộ trì về ý ngay trong hiện tại, ở tại nơi đây” (Trung bộ kinh số 14: Tiểu kinh khổ uẩn). Tất cả mọi sự chuyển biến tích cực từ tâm thức, lời nói hay hành vi đều cần làm trong hiện tại và chỉ hiện tại là cái chúng ta thật sự có mà thôi.

Dành trọn vẹn tâm trí, chuyên chú vào việc chúng ta đang làm ấy gọi là sống trong hiện tại. Nói một cách dễ hiểu, khi nào chúng ta làm việc gì mà giữ được ‘thân đâu, tâm đó’ nghĩa là chúng ta đang sống trong những phút giây nhiệm mầu của hiện tại vậy. Thế nhưng, thường thì con người bình thường như chúng ta thiếu khả năng này hoặc có nhưng không thường xuyên. Ví dụ đang chạy xe trên đường mà trong đầu lo nghĩ, trước khi ra khỏi nhà, mình tắt đèn nhà khách chưa nhỉ? Khi tham gia giao thông mà không toàn tâm toàn ý vào tình trạng giao thông, thân đang làm một việc mà tâm bận cho một việc khác thì vô cùng nguy hiểm. Tốt nhất là chúng ta chú tâm vào một việc duy nhất là điều khiển phương tiện giao thông mình đang sử dụng trong môi trường cụ thể hiện tại, vào các cung đường mà ta đang chạy mà thôi.

Trong cuộc sống, khi áp dụng điều này, chúng ta có khi chú tâm và trụ tâm tốt vào việc đang làm, có lúc chưa; nghĩa là có khi nhớ đem tâm về với thân, có khi quên thì tâm rời thân rong ruổi cùng nơi khắp chốn. Khi nào chúng ta duy trì được tâm trong thân, thì hiệu quả công việc tốt hơn nhiều lắm và chúng ta không phải phí công sức và lãng phí thời gian. Một điều quan trọng hơn là khi đem tâm về với thân, chúng ta có thể nhận biết, theo dõi, kiểm soát và làm chủ tâm ý của mình một cách tốt hơn và điều này giúp mình tránh được nhiều sai lầm và những điều đáng tiếc trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy cuộc sống an vui hơn, hạnh phúc nhiều hơn và ý nghĩa hơn khi biết sống với hiện tại vì hiện tại đã hàm chứa cả quá khứ và tương lai.

Đức Phật dạy cách nhìn vấn đề một cách biện chứng và khoa học

Đức Phật từng tuyên bố “xưa cũng như nay, ta chỉ nói đến sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, sự đoạn tận khổ đau và con đường đưa đến sự đoạn tận khổ đau(Tương ưng bộ kinh, tập V, chương XII, phẩm 4). Ở phạm vi lớn thì đây là cách giải quyết khổ đau, chấm dứt sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, đây còn là phương cách giải quyết mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống đời thường một cách rất biện chứng và khoa học. Bốn bước căn bản này được cụ thể hóa như sau:

- Bước thứ nhất: Theo lời dạy của Đức Phật, khi gặp bất cứ một vấn đề gì trong cuộc sống, điều đầu tiên cần làm là ta hãy định hình vấn đề, xác định tính chất của nó, nhìn thấy đâu là việc cần giải quyết. Chỉ khi nào xác định được vấn đề, các bước tiếp theo mới có thể được thiết lập và thực thi.

- Bước thứ hai: chúng ta cần xác định cho được những mối quan hệ nhân quả liên quan đến vấn đề này. Việc tìm hiểu nguyên nhân ‘tại sao’ cho một vấn đề giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Một khi xác định được nguyên nhân đưa đến tình trạng hiện tại, việc duy trì hay chấm dứt hiện trạng ấy là điều chúng ta có thể làm được nếu có đủ nỗ lực và quyết tâm. Nếu vấn đề mình đang gặp ấy là vui, là hạnh phúc thật sự, chúng ta sẽ biết cách để nuôi dưỡng niềm vui ấy. Ngược lại, nếu đó là nỗi đau và điều bất như ý, chúng ta cũng có thể nỗ lực chấm dứt tình trạng này.

- Bước thứ ba: Sau khi tìm hiểu và xác định được nguyên nhân, Đức Phật dạy bước thứ ba là chúng ta phải biết nhìn để thấy được viễn cảnh nếu như tình trạng (đau khổ) này sẽ được chấm dứt hay tình trạng (an lạc) này sẽ kéo dài như là một cái đích để ta hướng đến. Điều này cho ta động cơ và niềm tin để tìm kiếm giải pháp hiệu quả nhất, hướng đến cái đích an vui, hạnh phúc này.

- Bước thứ tư: Đức Phật khuyên chúng ta tìm ra giải pháp cụ thể thích hợp nhất để thành tựu mục đích của mình là chấm dứt vấn đề (khổ đau) hay duy trì trạng huống (an lạc) này. Phần lớn các bài kinh của Đức Phật giảng thuyết đều dành cho bước thứ tư này, đưa ra các giải pháp khác nhau cho nhiều tình huống trong cuộc sống để mỗi người ứng dụng và giải quyết lấy vấn đề của chính mình. Trong số đó, căn bản nhất là tám con đường chân chánh hàm tàng cả ba phương diện: đạo đức trong sạch, định tĩnh an ổn và trí tuệ sáng suốt. Các yếu tố đó là thấy chân chánh, tư duy chân chánh, nói lời chân chánh, hành động chân chánh, đời sống chân chánh, siêng năng chân chánh, nghĩ nhớ chân chánh và thiền định chân chánh.

Cách nhìn xuyên suốt từ khi vấn đề được xác định đến khi áp dụng phương pháp hợp lý để giải quyết thành công vấn đề như trên là dựa trên các nguyên tắc căn bản của giáo lý ‘Tứ đế’ (bốn chân lý cao thượng) trong đạo Phật. Cuộc đời sẽ thong dong và đỡ rối hơn rất nhiều nếu chúng ta tập nhìn và phân tích vấn đề theo lăng kính này. Chỉ dừng lại ở bước thứ nhất là thấy vấn đề và bước thứ hai là thấy nguyên nhân của vấn đề mà vội kết luận Đạo Phật là bi quan yếm thế như một số người là thiếu công bằng và không chính xác vậy.

Đức Phật dạy quán sát nội tâm, nuôi dưỡng hạt giống thiện lành

Theo lời Phật dạy, tâm chúng ta thay đổi liên tục, do đó muốn hiểu chính bản thân mình, chúng ta cần chăm sóc tâm mình luôn luôn. Chỉ cần theo dõi tâm mình mỗi khi có một tâm niệm nào đó khởi lên, ta có thể chủ động giám sát đường đi của tâm. Kỹ năng này gọi là chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác được nhắc đến rất nhiều lần trong kinh. Đây là yếu tố luôn đồng hành người thực hành pháp. Mục đích của chánh niệm tỉnh giác là luôn ý thức và nuôi dưỡng tâm trong pháp thiện, rằng, “hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người trí chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ sở, tâm ưu phiền, hành động như vậy là hành động bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không có hại cho cả hai, được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm an lạc, tâm hoan hỷ. Hành động như vậy là hành động thiện và chúng ta phải thực hành” (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65: Các vị ở Kesaputta).

Phương pháp mà Đức Phật thực hành và dạy chư đệ tử là đừng đè nén tâm, không triệt tiêu các ý tưởng, cũng chẳng cần tác động phản ứng gì cả, thuần túy là theo dõi, quán sát tâm một cách có ý thức. Một niệm lành khởi lên, chúng ta biết, ta đang có một niệm lành. Khi một niệm xấu ác sinh khởi, ta liền nhận ra, ta đang có một niệm ác. Chắc có người thắc mắc, tại sao chỉ cần ý thức về các tâm niệm mình thôi mà các hạt giống tích cực thiện lành được nuôi dưỡng?

Thật ra, khi các tâm niệm xấu ác và tiêu cực vừa sinh khởi, chỉ cần tỉnh thức nhận diện rõ ràng về nó, nó liền tự mất. Tâm niệm tiêu cực không thể sống trong môi trường tỉnh thức, sáng suốt của trí tuệ. Điều này chỉ có thể cảm nhận đầy đủ khi thực hành. Thế nhưng vấn đề là giữ cho được sự chú tâm liên tục. Đây là một điều cực kỳ khó nên chúng ta cần luyện tập dần dần, càng liên tục và bền bỉ càng tốt, vì mức độ lợi ích mình đạt được luôn tương ứng với nỗ lực của bản thân qua phép thử của thời gian.

Đức Phật dạy mỗi người chịu trách nhiệm với bản thân

Đức Phật luôn nhắc nhở mỗi cá nhân hãy làm chủ bản thân mình, quyết định vận mệnh của bản thân chứ đừng giao phó trông chờ vào ai cả. Mỗi người là ngọn đèn soi rọi con đường ta đi. Đức Phật dạy, “hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác” (Trương bộ kinh số 16: Đại bát Niết-bàn; Tương ưng bộ kinh, tập III, chương I, phẩm V, kinh mình làm hòn đảo; Tương ưng bộ kinh, tập V, chương III, phẩm I, kinh Bệnh). 

Sử dụng pháp như một phương tiện như chức năng của một “chiếc bè để vượt qua” (Trung bộ kinh số 22: Kinh ví dụ con rắn) để kiến tạo hạnh phúc an lạc tự thân, ý niệm cầu xin Đức Phật hộ trì che chở như một thần linh hoàn toàn xa lạ với người học Phật chân chánh. Vì lẽ đó, mỗi cá nhân không chỉ là người thừa tự của nghiệp mà còn là chủ nhân của nghiệp (Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm VI, kinh số 57: Sự kiện cần phải quán; Tăng chi bộ kinh, chương Năm, phẩm XVII, kinh số 161: Trừ khử hiềm hận). Do đó, việc thay đổi mình hoàn toàn là chuyện nằm trong lòng bàn tay của mỗi cá nhân. Đức Phật chỉ là người vạch ra con đường, còn bước đi trên con đường đó hay không là chuyện của mỗi người.

Đức Phật khuyên chúng ta tiếp nhận những lời Ngài dạy một cách sáng suốt, có chọn lọc và bằng kinh nghiệm tự thân, thấy điều gì đúng thì hãy chấp nhận. Không chấp nhận điều gì chỉ vì lời ấy của người xưa truyền lại, hay số đông người nghe theo, mà chỉ chấp nhận điều gì bản thân mình thấy đúng và đem lại lợi ích cho mình, cho người sau khi xem xét kỹ lưỡng (Tăng chi bộ kinh, chương III, kinh số 65: Các vị ở Kesaputta). Những lời Phật dạy cần được thể nghiệm qua cuộc sống thực tiễn, như người thợ vàng dùng nhiều cách để thẩm định độ tinh khiết của vàng vậy. Ngài thường dạy trong các bài kinh rằng, giá trị của những lời Ngài dạy là “đến để mà thấy, chứ không phải đến để tin” (Trung bộ kinh số 38: kinh đoạn tận ái).

Niềm tin mù quáng không có chỗ trong giáo lý của Đức Phật. Chúng ta cần thấy trách nhiệm của mình đối với từng động thái hành vi của bản thân, để không quy kết, đổ tội cho các yếu tố bên ngoài hoặc tin vào hên xui may rủi với những việc xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn khi áp dụng lời dạy này của Đức Phật.

Nói vậy chắc có người thắc mắc, hỏi vậy người học Phật có lạy Phật không? Có chứ! Nhưng người tập theo hạnh Phật khi lạy Ngài không để cầu xin Ngài điều gì, đơn giản là trước một nhân cách vĩ đại, chúng ta ngưỡng mộ cúi đầu. Ai hỏi ‘vậy có tin Phật không?’, chúng ta mạnh dạn nói, tin chứ! Chúng ta tin Ngài là một con người bằng xương bằng thịt mà có thể làm được điều phi thường thì chúng ta, những con người bằng thịt bằng xương cũng có thể tập dần dần để bước theo con đường mà Ngài đã khai mở. Tin Phật là ta biết nương vào tấm bản đồ hướng dẫn Ngài để lại cho bao thế hệ sau để tự mình bước trên con đường ấy.

Học lời Phật dạy về quan niệm thiện ác

Đức Phật dạy rằng không có người thiện, kẻ ác mà chỉ có hành vi thiện ác. Trong kinh, Đức Phật dùng từ “làm ác, hành động ác, lời nói ác, ý nghĩ ác” mà rất hiếm khi dùng từ “người ác” vì “ác” vốn không phải là cái khuôn chết để ta định hình nhân cách một con người. Hành động thiện được Đức Phật ví như ánh sáng và hành động ác ví như bóng tối. Người nào trước làm ác, sau làm thiện như đi từ bóng tối ra ánh sáng và ngược lại (Tăng chi bộ kinh, chương IV, phẩm IX, kinh số 85). Với cách nhìn vạn vận trong sự biến chuyển sinh động, “thiện” hay “ác” là những hành vi và ý tưởng tồn tại nơi mỗi một con người, chúng ta không nên định danh người này thiện, kẻ kia ác.

Người làm ác, đơn giản là lúc đó người ấy chưa đủ sáng suốt để có khả năng kiểm soát và làm chủ tư suy cũng như hành động của bản thân. Nói cách khác, đó là trạng thái thiếu tỉnh thức và ai cũng có thể mắc phải. Chỉ có bậc tu giải thoát mới có khả năng tỉnh giác thường khi, còn người bình thường như chúng ta thì có khi có ý tưởng thiện lành, có lúc nảy sinh ý tưởng bất thiện. Hiểu được theo cách này, chúng ta có thái độ tích cực và dễ dàng trải lòng bao dung thấu cảm sâu sắc với người làm ác và cho họ cơ hội để làm mới. Điều này cũng có nghĩa, chúng ta có tâm công bằng với người khác như đối với chính bản thân mình. Ai cũng có lúc thiếu sáng suốt như vậy. Bản thân ta cũng như những người khác, một khi mắc phải sai lầm cần được quan tâm, được thương yêu và giúp đỡ để chuyển hóa, để thăng hoa trong cuộc sống. Ai đang ở trong trạng thái chao đảo, bất an do tâm xấu ác hoành hành đều đau khổ và đáng thương như nhau và ai cũng cần trau sửa và thanh lọc nội tâm để dần hoàn thiện.

Chính vì vậy, không có ai là kẻ thù cả, mà kẻ thù của chúng ta chính là vô minh. Đức Phật chủ trương rằng, “lấy ân trừ oán, oán liền tiêu; lấy oán báo oán, oán chập chùng” (Pháp cú, câu số 5). Đây là cách giải quyết vấn đề rất tích cực và ôn hòa trong cuộc sống chứ không hề tiêu cực và nhu nhược như nhiều người lầm tưởng và gán cho Đạo Phật. Ranh giới giữa thiện và ác không rạch ròi như trắng với đen và tính chất của nó không ổn định để có thể định hình định danh một cách dễ dàng. Điều này tạo niềm tin và thái độ lạc quan nơi người từng cho mình là xấu ác để có cơ hội thay đổi theo hướng tích cực, đồng thời nhắc nhở mỗi người luôn phòng hộ tâm ý mình mà không nên chủ quan, vì hôm nay chúng ta có thể tốt, ngày mai có thể khác đi nếu tâm mình trượt dốc, và ngược lại.

Đức Phật dạy cần trân trọng những mối quan hệ trong cuộc sống

Đức Phật từng nói nhiều lần rằng, trong nhiều kiếp sống chúng ta đã trải qua, trên đời này, khó có thể tìm được một người nào chưa từng là cha, mẹ hay bà con thân thuộc của mình. Ngài dạy “thật không dễ gì tìm được một chúng sanh, trong thời gian dài này, lại không một lần đã làm mẹ…, làm cha…, làm anh…., làm chị...” (Tương ưng bộ kinh, tập II, chương IV, kinh số 4-7).

Ngài nói về luân hồi, về nhiều kiếp sống trước để nhắc chúng ta rằng tất cả mọi người là thân bằng quyến thuộc của ta, là những người ta cần được cư xử đầy tình thương yêu và trân trọng. Chúng ta trân trọng con người quanh mình và các mối quan hệ con người vì Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta tồn tại đây không hề độc lập mà sự tồn tại của mình là một mắt xích trong các mối quan hệ với nhiều người và nhiều yếu tố khác nhau. Trân trọng người khác và môi trường sống là trân trọng chính bản thân mình. Sống quan tâm lẫn nhau và tôn trọng quyền được sống, được tồn tại của con người, các sinh vật khác và môi trường mình sống là quan tâm đến chính mình vậy.

Mỗi người chúng ta, nếu chịu khó nhìn lại một tí, ai cũng có thể cảm nhận mối tương quan dây chuyền này. Một khi hiểu và chấp nhận được nguyên tắc này, chúng ta biết quý trọng các mối quan hệ mình có, biết trân trọng môi trường ta sống và tự thấy mình có trách nhiệm nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội và bảo vệ môi trường sống vì bản thân mình là một bộ phận trong cả một hệ thống dây chuyền liên hệ nối kết chung này.

Không làm tổn thương người khác, trước và trên hết, ta đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân mình. Nếu nhìn sâu vào mối quan hệ tương duyên giữa mình với mọi người và với môi trường, chúng ta có thể ‘sống’ thuận với nguyên tắc tự nhiên “cái này có, cái kia có; cái này sinh, cái kia sinh và cái này diệt, cái kia diệt” giữa mọi người và vạn vật mà không hề chướng ngại. Tinh thần bất bạo động và tình thương yêu muôn loài của đạo Phật bắt nguồn từ hiểu biết nguyên tắc tương duyên này.

ducphat 1.jpg

Đức Phật dạy cuộc sống luôn thay đổi

Bài pháp thứ hai ngay sau khi thành đạo, Đức Phật thuyết về vô thường. Trước khi nhập Niết-bàn, Ngài ân cần nhắc lại “các pháp là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát” (Trường bộ kinh số 16: Kinh đại bát Niết-bàn).

Xuyên suốt các bài pháp được ghi nhận trong kinh điển, bản chất vô thường của cuộc sống luôn được Đức Phật đặc biệt quan tâm và nhắc nhở. Đây là đặc tính của cuộc sống mà chúng ta không dễ cảm nhận một cách sâu sắc hoặc chỉ chấp nhận trên lý thuyết mà chưa thật sự sống với nguyên lý tự nhiên này. Khi Đức Phật nói đến cuộc sống luôn thay đổi và phụ thuộc lẫn nhau để tồn tại, nên bản chất của nó là tạm bợ, phù du, chúng ta đừng vội gắn nhãn hiệu ‘bi quan’ cho lời dạy này. Cuộc sống có những giới hạn nhất định và đây là một thực tế, không bi quan cũng chẳng lạc quan. Bi quan hay lạc quan tùy thuộc vào thái độ và hành xử của chúng ta đối với sự đổi thay, với bản chất ngắn ngủi vốn như vậy của sự sống.

Nếu biết cuộc sống này không ổn định và ngắn ngủi, chúng ta ý thức được rằng, quỹ thời gian mình có giới hạn và có thể chấm dứt không kỳ hạn, để từ đó mình thấy cần làm gì, và không cần làm gì. Chúng ta không thể trường sanh bất tử để rồi mặc tình sử dụng thời gian phung phí thế nào cũng được. Biết bản chất mong manh của cuộc sống, chúng ta sẽ có ý thức quản lý thời gian hợp lý, trân quý những gì mình đang có và khéo nuôi dưỡng các mối quan hệ với người thân hơn. Chính cuộc sống mong manh, chúng ta cần thận trọng hơn để không làm tổn thương những người xung quanh. Có khi một lời xin lỗi chưa kịp nói, một nụ cười chưa kịp mở và một ý niệm tha thứ chưa kịp thực hiện cũng làm ta áy náy.

Chính cái mong manh này mà ta không chủ quan ỷ lại, ví như cầm trong tay chiếc bát thủy tinh hay đất nung, ta có ý thức gìn giữ cẩn trọng hơn là cầm chiếc bát nhôm, bát đồng trên tay. Ý thức những giới hạn nhất định của thân phận con người trong kiếp sống này, chúng ta sẽ cẩn trọng hơn trong suy nghĩ và hành động để tránh được nhiều sai lầm và lãng phí.

Còn rất nhiều điều hay trong những lời Phật dạy, còn vô số hạnh lành Đức Phật đã làm để thành công trên con đường chuyển hóa nội tâm và chỉ dạy con đường sáng đó cho người khác mà cả đời chúng ta học vẫn không hết. Trên đây chỉ là một số điều mà người viết thiết nghĩ người học Phật nào cũng đang nỗ lực chuyển hóa trong cuộc sống hàng ngày của mình. Đây là những nguyên tắc sống đẹp mà bằng nỗ lực bản thân, ai cũng có thể áp dụng được. Với quan điểm về con người và cuộc sống như vậy, sự thực hành mang lại cho chúng ta sự chuyển biến tích cực hơn và có nhiều niềm vui hơn cho đơi mình.

Và quan trọng hơn, áp dụng những nguyên tắc này, chúng ta sẽ dần dần nhận ra ý nghĩa sống qua mối tương quan tương duyên giữa mỗi chúng ta với những người xung quanh cũng như với môi trường mình đang sống. Nhân ngày Phật đản, người viết ôn lại những điều này trong tâm để tự nhắc nhở mình và chia sẻ cùng những người có duyên như một món quà trong ngày hội lớn. 

 Liên Trí

_____________________

(1) Heinz Bechert (Editor) When Did the Buddha Live? The Controversy on the Dating of the Historical Buddha. Delhi: Indian Centre Books Publication, 1996.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Một thời khóa tu học của đồng bào dân tộc tại chùa Hoa Nghiêm

Đem yêu thương đến đồng bào dân tộc

GNO - Để sống, đồng hành, hoằng pháp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là điều không phải người tu sĩ nào cũng thực hiện được. Hơn mười năm qua, Đại đức Thích Minh Đăng đã vận dụng đắc lực cách thức “đưa đạo vào đời”, đem lại lợi lạc cho đồng bào nơi đây thông qua những thời pháp thoại.

Ảnh minh họa của Bảo Toán/BGN

Sám hối thay cho ba mẹ có nên không?

GNO - Dẫu biết rằng nhân quả không hề sai, nhưng nhìn thấy ba đau khổ như vậy, tôi luôn muốn làm điều gì đó để cầu mong hóa giải bớt phần nào những đau khổ của ba. Hiện buổi sáng thì tôi tụng kinh Dược Sư và tối thì tụng kinh Cầu an hồi hướng cho ba mẹ.

Thông tin hàng ngày