Giới Tăng sĩ của Phật giáo trong Liêu trai chí dị

NSGN - Trong tổng số 431 truyện của Liêu trai chí dị, đã có đến 10 truyện viết về giới Tăng sĩ Phật giáo, mà nhan đề của truyện đã cho thấy rõ. Đó là các truyện:

LTCD bichhoa3.jpg

1- Truyện Sư cụ chùa Trường Thanh: truyện số 6 trong số 431 truyện của tác phẩm. Nguyên tác là Trường Thanh Tăng (Xem: Liêu trai chí dị trọn bộ, Nguyễn Đức Lân dịch, Nxb.Văn Học, 2006, tr.23-25).

2- Truyện Nhà sư nước Phiên: truyện số 57. Nguyên tác là Phiên Tăng (Sđd, tr.241).

3- Truyện Kim Hòa thượng: truyện số 77. Nguyên tác Kim Hòa thượng (Sđd, tr.317-320).

4- Truyện Nhà sư ăn xin: truyện số 78… Nguyên tác Cái Tăng (Sđd, tr.320-321).

5- Truyện Pháp thuật nhà sư: truyện số 144. Nguyên tác Tăng thuật (Sđd, tr.635-636).

6- Truyện Nghiệp chướng nhà sư: truyện số 247. Nguyên tác Tăng nghiệt (Sđd, tr.980-981).

7- Truyện Nhà sư Tây vực: truyện số 292. Nguyên tác Tây Tăng (Sđd, tr.1059).

8- Truyện Nhà sư chết: truyện số 308. Nguyên tác Tử Tăng (Sđd, tr.1076).

9- Truyện Thuốc của nhà sư: truyện số 372. Nguyên tác Tăng dược (Sđd, tr.1158).

10- Truyện Hòa thượng Tử Hoa: truyện số 412. Nguyên tác Tử Hoa Hòa thượng (Sđd, tr.1213).

Điều đáng chú ý là hầu hết các truyện kể trên đều có nội dung chuyên chở Phật lý, hay nói như HT.Viên Minh: “Kín đáo truyền đạt những đạo lý về nhân quả, nghiệp báo, tái sinh, luân hồi”(1).

Bài viết này, chúng tôi xin lần lượt giới thiệu về nội dung của 6 truyện trong số 10 truyện đã nêu trên (các truyện số 6, số 77, số 247, số 292, số 308, và số 412). Cũng là nhằm góp phần làm rõ: Ảnh hưởng của Phật giáo trong Liêu trai chí dị là rất đậm, rất đáng kể.

LTCD bichhoa1.jpg

Truyện Bức họa trên tường trong Liêu trai chí dị

Truyện số 6: Sư cụ chùa Trường Thanh

Sư cụ Mỗ, trụ trì chùa Trường Thanh (huyện Trường Thanh, tỉnh Sơn Đông) là bậc tu hành phạm hạnh cao khiết. Tuổi đã hơn 80, một hôm bị ngã nặng không dậy được. Các sư trong chùa xúm lại nâng đỡ thì Sư cụ đã viên tịch. Hầu như Sư cụ vẫn không biết là mình đã qua đời, hồn phiêu diêu bay tới địa phận tỉnh Hà Nam. Ở đấy có một vị công tử con nhà quan, hôm đó cùng trên mười tay kỵ mã, xua chim ưng đi săn thỏ, chẳng may ngựa lồng, ngã chết. Vừa hay, hồn Sư cụ bay đến nhập ngay vào. Công tử dần dần sống lại. Kẻ hầu, đầy tớ xúm quanh hỏi han, thì quắc mắt mà rằng: - Sao ta lại ở đây? Chúng đỡ về nhà. Vào đến cửa, một đám mỹ nữ má phấn mày xanh bao quanh công tử thưa hỏi. Hãi quá, liền kêu lên: - Ta là sư đây! Sao ta lại đến chốn này? Chúng cho là công tử nói sảng, nên ghé vào tai gọi cho tỉnh. Sư cụ không biết lẽ nào thân giải, đành nhắm mắt lại không nói gì nữa. Đến bữa, cho cơm gạo xay thì ăn, rượu thịt thì đẩy ra. Đêm ngủ một mình, không cho thê thiếp vào hầu.

Vài ngày sau, ngỏ ý muốn đi chơi vài nơi, chúng đều mừng. Ra khỏi nhà không bao xa, có đám người cấy rẽ mang sổ sách tới xin công tử xét. Nói thác là còn mệt trong người, từ chối không xem đến. Lại hỏi chúng có biết huyện Trường Thanh thuộc tỉnh Sơn Đông không. Chúng đều thưa rằng có. Công tử nói: - Không có việc gì làm, ta thấy buồn, muốn đi chơi nơi miền ấy. Các ngươi khá sửa soạn đi ngay cho sớm. Chúng thưa rằng bệnh mới khỏi, không nên đi xa. Nhất định không nghe. Hôm sau đòi đi ngay.

Đến Trường Thanh, nhìn phong cảnh như mới hôm qua, chẳng cần hỏi thăm đường, tới thẳng ngay chùa. Chúng Tăng đệ tử của Sư cụ thấy khách quý đến, thì đều cúi đầu cung kính hầu chuyện. Hỏi thăm Sư cụ đâu, chúng đáp: - Thầy của chúng tôi đã viên tịch.

Hỏi mộ ở đâu, chư Tăng dẫn đến thì thấy mộ nông ba thước, cỏ hoang lơ thơ. Chúng Tăng không hiểu ý của khách ra sao. Đến khi quay ngựa trở về, khách còn dặn: - Thầy của các ông là người tu hành đức hạnh. Những sách vở có hơi tay của cụ nên giữ gìn cẩn thận, chớ để rách bẩn!

Chúng xin vâng. Bèn từ giã chùa mà về.

Tới nhà, lòng lại lạnh như tro tàn, thân trơ như gỗ đá, không cáng đáng công việc gì trong nhà.

Được vài tháng, lén ra khỏi cửa mà đi, thẳng tới chùa cũ, gọi chư Tăng ra bảo rằng: - Ta là thầy của các người đây. Chúng nghi là nói dối, nhìn nhau mà cười. Bèn thuật chuyện phản hồn, và nhắc lại hết những việc làm bình nhật ngày trước thì đều đúng cả. Chúng mới tin.

Từ đó, trở lại nơi giường cũ, cử sự như ngày thường.

Về sau, nhà của công tử lũ lượt mang xe ngựa tới, năn nỉ mời về, cũng không buồn ngoảnh lại.

Hơn một năm sau, phu nhân sai đầy tớ đem nhiều phẩm vật quý giá đến biếu. Cao lương, vàng lụa đều khước từ, chỉ nhận một bộ quần áo bằng vải thô mà thôi.

Bạn bè ở quê cũ thăm hỏi, biết chuyện tìm đến. Thấy mặt ai cũng phải lấy làm lạ trước vẻ thuần hậu, thành thật của một người tuy ít tuổi mà tỏ ra già dặn, nhất là khi nghe nhắc tới những chuyện hơn 80 năm về trước. (Dẫn theo: Liêu trai chí dị trọn bộ, Nguyễn Đức Lân dịch, Nxb.Văn Học, 2006, tr.23-25).

* Ghi nhận: Điểm nổi bật đáng chú ý nhất nơi truyện này là sự việc Sư cụ chùa Trường Thanh đã “Nhập xác phản hồn” vào thân của một vị công tử con nhà giàu có, còn trẻ mà yểu mệnh. Tuy sống lại với một thân tướng mới trong một hoàn cảnh dễ dàng hưởng thụ mọi thứ phú quý, nhưng Sư cụ chùa Trường Thanh vẫn nhớ rõ về “thân trước” của mình, vẫn giữ vững chí nguyện tu tập cầu đạt giải thoát đã có. Đây có thể xem là một truyện ký ngắn, thông qua bút pháp “nhấn mạnh về tính chất quái dị gắn với truyền tụng dân gian”(2), tán dương đức độ tu trì của một vị cao tăng đạo hạnh.

Truyện số 77: Kim Hòa thượng

Kim Hòa thượng, người ở Chư Thành, cha là một kẻ vô lại, đem con bán cho chùa Ngũ Liên Sơn lấy mấy trăm đồng.

Kim thủa bé ngu độn không theo được sự việc tu hành, chỉ chăn lợn, đi chợ cho nhà chùa, làm công việc của kẻ tôi tớ. Về sau, sư cụ mất, để lại đôi chút của cải, Kim gói lại giấu trong mình, bỏ chùa đi buôn vặt. Cho dê uống nước, lừa lọc kiếm lời, mưu kế thật là tài. Vì thế, có mấy năm mà đã giàu to, mới mua ruộng đất, nhà cửa ở làng Thúy Pha. Đệ tử rất đông, hàng ngày miệng ăn có tới số ngàn. Quanh làng có hàng trăm hàng ngàn mẫu ruộng, mà toàn là ruộng màu mỡ, Kim đều mua được. Trong làng, có mấy chục khu nhà liền nóc, đều là của nhà sư, chẳng có người thường nào. Thảng hoặc có đi nữa, thì đó là những kẻ nghèo khổ, vô nghề, dắt vợ con đến thuê nhà, làm tá điền cho sư. Loại này có những vài trăm gia đình. Họ ở khu nhà liền nóc bao bọc bên ngoài, còn nhà của sư thì ở bên trong. Phía trước khu nhà của sư này có sảnh đường, xà cột đều dát vàng nạm ngọc, lóa mắt người đời. Trên sảnh đường, bàn ghế, bình phong bóng lộn như gương.

Phía sau là phòng ngủ, rèm son màn gấm, mùi lan xạ thơm nức. Giường ngủ bằng gỗ bạch đàn, khảm xa cừ. Trên giường gối nệm bằng gấm, dày hơn một thước. Nơi tường treo tranh mỹ nhân và tranh sơn thủy của các họa sĩ có tiếng treo kín tường, không còn một khe hở.

Một tiếng gọi lên, ngoài cửa vài chục người dạ ran như sấm. Những kẻ mũ áo giày hoa, tụ tập đông như quạ, đứng lom khom như hạc. Người được gọi tới, phải che miệng mà nói, nghiêng tai mà nghe. Có khi khách đến bất chợt, cần dọn 10 mâm cũng có ngay. Thịt xào béo ngậy, canh ngon thơm phức, khói bay nghi ngút như mây.

Tuy không dám công nhiên nuôi con hát, gái đĩ, nhưng cũng có vài chục bọn trẻ thông minh, xinh đẹp làm say lòng người, cho chít khăn nhiễu đen, hát những câu diễm tình, mắt trông tai nghe cũng không đến nỗi chán.

Mỗi lần Kim đi đâu thì có hàng chục người cỡi ngựa hộ vệ trước sau, lưng đeo cung, tay cắp giáo. Đám tôi tớ đều gọi Kim là cha, còn người trong làng thì gọi là cụ cố, hoặc là chú là bác, chứ không ai gọi là thầy, hay Thượng tọa, mà cũng chẳng ai gọi tới đạo hiệu của Kim.

Đám đồ đệ của Kim khi ra ngoài, chỉ ăn mặc thua Kim một chút, còn thì vẫn phục sức vào hàng quý công tử, Kim lại rộng đường kết giao, dù ngoài ngàn dặm mà nói một lời, cùng có người nể vì giúp đỡ. Vì thế, các quan lớn nhỏ ở địa phương dẫu có bất bình, cũng phải e dè nể sợ.

Nhưng con người Kim, cốt cách “thô bỉ”, không có chút gì gọi là phong nhã. Cả đời chưa từng tụng qua một cuốn kinh, viết qua một bài kệ, cũng không hề quay lại đền chùa một lần nào nữa. Trong nhà cũng không thường đánh chuông gõ mõ. Những vật ấy, đám gia nhân chưa từng bao giờ được trông thấy hay nghe nói đến.

Phàm những người tá điền, vợ con có chút nhan sắc, ra người tỉnh thành, đều là do son phấn của Kim cấp cho. Tuy vậy, Kim cũng không trêu ghẹo đàn bà, con gái. Thế nên, dân trong làng không có ruộng, có tới hơn trăm người phải đến làm giúp cho Kim.

Thói thường, sư tăng mà trêu ghẹo vợ con của dân tá điền, bị họ giết chết đem chôn dưới gầm giường. Kim biết vậy nhưng cũng không tra xét kỹ càng, chỉ đuổi đi thôi. Lâu rồi, cũng coi làm thường.

Kim lại mua một đứa trẻ khác họ, nhận làm con, mời thầy đồ tới dạy dỗ. Đứa bé thông minh, có tài văn, được vào học trường huyện, tuyển làm học trò giỏi của huyện để đi thi. Không bao lâu đi thi Hương đỗ Hương Tiến. Vì vậy, Kim được gọi tôn là Thái ông. Những kẻ xưa kia gọi Kim bằng cha, thì nay kêu là cụ cố. Những kẻ quỳ lạy dưới chiếu, đều vòng tay giữ lễ vào hàng con cháu.

Rồi Thái Công Hòa thượng qua đời. Người con là Hiếu Liêm mặc sô gai, ôm lấy quan tài, quay mặt về hướng Bắc xưng là con côi. Đám môn nhân cũng mũ gậy đi hai bên xe tang. Đi đằng sau màn tang lên tiếng thút thít duy có một mình Hiếu Liêm phu nhân mà thôi. Vợ các bậc sĩ, đại phu trang điểm lòe loẹt tới viếng tang, võng lọng ngựa xe làm tắc nghẽn cả lối đi.

Ngày đưa ma nhà tang, băng vải đi liền san sát, cờ phướn la liệt rợp bóng mặt trời.

Đến lúc tuẫn táng, kết cỏ làm đồ ma, quấn quanh bằng dây ngũ sắc, xe ngựa vài nghìn cỗ, người đẹp hàng trăm, thêm những lầu đài bằng mã, đủ cả phòng ốc, hành lang, bày kín mấy mẫu ruộng: Vạn nhà nghìn cửa, người đi lạc vào đấy không biết đường ra. Những phẩm vật đem cúng, nhiều thứ không biết gọi tên là gì. Người đi đưa lũ lượt, chen chúc. Cả đến các bậc phương diện quốc gia cũng phải vào lạy. Còn các chức sắc, bá lại trong làng, chỉ chống tay xuống đất, cúi lạy rồi đi, chẳng dám để nhọc lòng công tử và các sư thúc phải lễ tạ.

Cả nước đi đưa đám. Trai dắt vợ, mẹ dìu con, mồ hôi nhễ nhại, chen lấn bên đường. Tiếng người khóc, tiếng kèn trống ầm ĩ, chẳng ai nghe ra cái gì cả. Người đứng, thì từ vai trở xuống không thể phân biệt rõ. Chỉ thấy hàng vạn cái đầu động đậy mà thôi… Sau khi chôn cất, đem tiền bạc ruộng nương để lại chia làm hai phần, một phần cho người con, một phần cho các đệ tử của sư. Hiếu Liêm được nửa phần thì ở giữa, còn Đông Tây Nam Bắc đều thuộc đảng của nhà sư. (Dẫn theo Sđd, tr.317-320).

* Ghi nhận: Xin đọc qua lời bàn của Dị Sử Thị(3): Phái tu của Kim đây, Nam tông chẳng có, Lục tổ chưa truyền, có thể nói là một pháp môn độc đáo vậy. Đạt đến bậc năm uẩn đều không, sáu trần chẳng nhiễm thì gọi là Hòa thượng. Miệng thuyết pháp, thân tham thiền trên đất bụi thì gọi là Hòa dạng. Dấu giày in nơi đất Sở, bóng nón che ở trời Ngô thì gọi là Hòa chàng. Chiêng trống inh tai, đàn sáo râm ran đến nhức óc thì gọi là Hòa xướng. Còn la cà khắp chốn, cẩu thả như chó, bu bám theo bài bạc, dâm dục như ruồi, thì gọi là Hòa chướng. Như lão Kim kia, là Hòa thượng chăng, hay chính là Hòa chướng ở chốn địa ngục dân gian! (Dẫn theo Phật lý qua Liêu trai của Lý Việt Dũng. Nxb.Hồng Đức, 2016, tr.201).

Truyện số 247: Nghiệp chướng nhà sư

Họ Trương bỗng tự nhiên mà chết, theo quỷ sứ đi tới gặp Diêm vương. Diêm vương xét sổ, giận quỷ sứ bắt lầm, trách phạt, bắt phải đưa về. Trương bước xuống, kéo quỷ sứ ra, cầu xin được thấy cảnh địa ngục. Quỷ dẫn đi thăm hết 9 tầng địa ngục: nào Núi Đao, nào Cây Treo Gươm, quỷ nhất nhất chỉ rõ cho thấy. Sau cùng, tới một chốn kia, thấy một nhà sư bị móc sâu xuyên qua đùi, treo ngược lên đang đau đớn kêu gào muốn chết. Lại gần nhìn xem thì chính là anh ruột. Trương thấy vậy, buồn rầu đau xót, kinh ngạc hỏi quỷ:

Tội gì mà đến nỗi này?

Quỷ nói: - Người này là sư mà tham lam tiền bạc, có bao nhiêu đều tiêu vào việc dâm dục cùng bài bạc, mới bị tội này. Muốn thoát tội phải nên sám hối.

Trương tỉnh dậy, ngờ rằng anh mình đã chết rồi! Bấy giờ, Trương có người anh ruột tu ở chùa Hưng Phúc, bèn tìm tới thăm. Vào đến cửa, liền nghe tiếng kêu gào đau đớn, đi vào phòng, thấy nơi đùi anh mọc một cái nhọt, máu mủ đầm đìa, phải nằm treo chân lên tường, y hệt tình trạng đã thấy dưới âm ty. Kinh hãi, hỏi tại sao, sư đáp rằng: - Treo thế này mới bớt đau. Nếu không thì đau thấu tim gan!

Trương mới kể cho nghe chuyện đã thấy. Nhà sư hãi quá, tức thì thôi ăn mặn, thôi uống rượu, suốt ngày tụng kinh sám hối. Nửa tháng thì khỏi hẳn, từ đấy trở thành nhà sư phạm hạnh (Sđd, tr.980-981).

* Ghi nhận: Lầm lỡ gây tạo tội lỗi thì phải thành tâm sám hối, nhất là hàng đệ tử xuất gia, có như thế thì mới tiến tu đạo nghiệp, đạt được giác ngộ, giải thoát. Tham khảo thêm sách Thủy sám (Từ bi thủy sám pháp). HT.Trí Quang dịch, giải, để thấy rõ hơn về pháp sám hối.

Truyện số 292: Nhà sư Tây vực

Hai nhà sư từ Tây vực lại, một người tới Ngũ Đài Sơn, một người thì chống gậy tầm xích leo lên Thái Sơn. Quần áo, mặt mũi, cùng tiếng nói, so với người Trung Quốc thật khác xa. Họ kể rằng đã từng đi qua Hỏa Diệm Sơn. Núi cao ngất, hơi nóng xông ngột ngạt như ở trong lò bếp. Đi sau đám lửa phun, tâm phải chú ý, mắt phải nhìn thẳng. Vô ý đạp phải đá phun sẽ bị phỏng chân. Lại đi qua sông Lưu Sa, dưới sông có núi Thủy Tinh, giống như bức tường mọc giữa không trung, bốn mặt trong suốt, dường như không có gì ngăn cách. Lại có một cửa ải hẹp chỉ vừa một chiếc xe đi qua, có hai con rồng gác sừng vào nhau trấn giữ. Ai muốn qua phải vái hai con rồng đó, chúng bằng lòng thì sẽ lui sừng ra. Rồng ấy màu trắng, vảy và râu đều trong suốt. Lại kể rằng ra đi đã trải qua 18 mùa nóng lạnh. Rời Tây Vực, tất cả là 12 người, đến Trung Quốc chỉ còn lại hai. Ở bên Tây Thổ, người ta đồn rằng Trung Quốc có 4 ngọn núi danh tiếng là Thái Sơn, Hoa Sơn, Ngũ Đài Sơn và Lạc Già Sơn.

Lại đồn rằng trên các núi đó chỗ nào cũng có vàng, và các Đức Quan Âm, Văn Thù đều còn sống, ai đến được chỗ các Ngài ở sẽ thành Phật, trường sinh bất tử.

ghe lời nhà sư nói, thấy chẳng khác gì lời của người ở đây hâm mộ xứ Tây Thổ. Giả sử có người phương Đông đi chơi phương Tây và người phương Tây đi về phương Đông, và nếu giữa đường họ gặp nhau, cùng kể chuyện cho nhau nghe thì tất cả hai sẽ nhìn nhau cười ngất, và cùng đỡ được một chuyến đi. (Sđd, tr.1059).

* Ghi nhận: Hậu học Song Hào Lý Việt Dũng bàn: Chúng sinh thường quên mất việc tu thờ Phật trong tâm, chỉ lo chạy đôn chạy đáo, chịu bao phiền não hiểm nguy để vọng cầu Phật bên ngoài ở tận đâu đâu! Nếu ý thức được Phật tại tâm thì đâu phải vất vả kẻ Đông Độ người Tây Du theo lời phao đồn của mỗi bên về cảnh giới Phật Độ do mê vọng bày vẽ ra. (Phật lý qua Liêu trai, Sđd, tr.164).

Và HT.Viên Minh có lời bàn bằng kệ:

Tự tánh vốn đầy đủ

Không thấy mới vọng cầu

Biết quay về Tự giác

Khỏi tìm kiếm đâu đâu.

(Phật lý qua Liêu trai, Sđd, tr.165).

Xin tham khảo những câu thơ tuyệt vời của thi hào Nguyễn Du (1765-1820) trong bài thơ chữ Hán: Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài (Đài đá phân kinh của Thái tử Chiêu Minh đời Lương):

Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn

Thuyết pháp độ nhân như Hằng hà sa số

Nhân liễu thử tâm nhân tự độ

Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu…

(Ta nghe Đức Thế Tôn tại Linh Sơn

Thuyết pháp độ sinh nhiều như cát sông Hằng nọ

Người rõ tâm này tức tự độ

Linh Sơn chính tại tâm người thôi!)

(Dẫn theo: Nguyễn Du toàn tập 1, Nxb.Văn Học, 1996, tr.538. Phần dịch thơ là của chúng tôi).

Truyện số 308: Nhà sư chết

Có một vị Đạo sĩ vân du nơi phương xa, chiều tối nghỉ chân tại một khu chùa hoang vắng, thấy phòng sư đóng im ỉm, bèn trải bồ đoàn, ngồi xếp chân bằng tròn dưới hành lang. Đêm khuya vắng vẻ, có tiếng mở cửa, và một nhà sư đi tới, toàn thân bê bết máu. Nhà sư dường như không trông thấy Đạo sĩ, mà Đạo sĩ cũng làm ra vẻ không thấy nhà sư. Sư vào trong điện thờ, trèo lên Phật đài, ôm đầu Phật mà cười. Hồi lâu bỏ đi.

Sáng ra, Đạo sĩ thấy cửa ngõ vẫn đóng kín như cũ, lấy làm lạ nên vào trong thôn xóm kể lại những điều đã thấy. Người ta kéo đến chùa mở khóa vào xét nghiệm, thì thấy nhà sư bị giết, xác nằm dưới đất, chăn chiếu rương hòm bị lục tung, biết rằng nhà sư bị trộm giết. Nghi rằng nhà sư ôm đầu Phật là có ý gì, mới cùng xét nghiệm đầu tượng Phật, thấy sau ót có ngấn nhỏ. Cạy ra, thấy bên trong có cất giấu hơn ba chục lạng vàng, bèn lấy tiền đó dùng vào việc mai táng cho nhà sư. (Sđd, tr.1076).

* Lời bàn của Dị Sử Thị: Ngạn ngữ có câu: Đồng tiền liền với cái mạng. Thật chẳng sai chút nào! Ôi! Con người ta keo kiệt, bòn mót nhiều tiền của hầu để lại cho kẻ “mà mình chưa biết là ai” thì đã là ngu dại rồi, huống chi đối với Tăng, thì ngay cái kẻ “mà mình chưa biết là ai” đó cũng không có nữa. Sống không chịu tiêu dùng, giúp đỡ, tới chết chỉ cần thấy tiền còn là còn cười khà, nô lệ đồng tiền hết chỗ nói! Phật dạy: Chết đi, một xu cũng không mang theo được, chỉ có nghiệp theo thân mà thôi!” (Dẫn theo Phật lý qua Liêu trai của Lý Việt Dũng, Sđd, tr.167).

Truyện số 412: Hòa thượng Tử Hoa

Đinh Mỗ ở Chư Thành là cháu gọi Dã Hạc Công bằng ông, là một thiếu niên danh sĩ, bị ốm lay lắt mãi, rồi chết. Qua đêm sống lại, nói rằng: - Ta ngộ đạo rồi!

Bấy giờ, có một nhà sư giỏi việc tụng niệm kinh kệ, liền sau người đến mời, nhờ ngồi ở đầu giường đọc kinh Lăng nghiêm. Nghe đoạn nào, cũng chê là không phải, bảo:

a mà hết bệnh, chứng đạo khó gì! Bệnh của ta chỉ có Mỗ sinh là chữa khỏi được thôi! Mau mời lại ngay.

Nguyên trong ấp có Mỗ sinh giỏi nghề thuốc, nhưng không ra mặt hành nghề. Mời ba lần mới chịu đến, chỉ một thang mà bệnh đã gần dứt.

Mỗ sinh về tới nhà, bỗng thấy một cô gái từ ngoài bước vào, nói:

Thiếp là thị nữ trong phủ của Đổng Thượng thư. Hòa thượng Tử Hoa cùng với thiếp có oán cũ. Nay thiếp sắp trả được thù, mà ông lại muốn cứu hắn hay sao? Còn đến đó nữa thì họa vào thân đấy! Nói rồi biến mất. Mỗ sợ nên từ chối lời mời của Đinh. Đinh phát bệnh trở lại, cố mời, Mỗ đành nói thật cho biết.

Đinh than rằng: Oan nghiệp từ kiếp trước đây! Ta chết là đáng rồi! Rồi chết.

Sau, dò hỏi nhiều người, quả nhiên trước có Hòa thượng Tử Hoa, là một cao tăng. Phu nhân của Đổng Thượng thư ở Thanh Châu thường cung thỉnh đến phủ cúng dường. Nhưng chẳng hiểu oán kia kết vì nỗi gì. (Sđd, tr.1213).

* Ghi nhận: Phật Quang Đại từ điển (Tr.623A-B, tr.638C) đã căn cứ theo các luận Thành thật, Câu-xá, Du-già sư địa… để nói đến 3 thứ báo và 3 thứ nghiệp báo.

- 3 thứ báo là:

+ Hiện báo: Tức các nghiệp thiện ác đã tạo nơi hiện đời, thì hiện thân liền thọ nhận quả báo thiện ác.

+ Sanh báo: Là đời này đã tạo các nghiệp thiện ác, thì đời sau mới thọ nhận quả báo thiện ác.

+ Hậu báo: Tức các nghiệp thiện ác đã tạo trong vô lượng đời nơi quá khứ, thì ở trong đời này sẽ thọ nhận quả báo thiện ác. Hoặc ở trong vô lượng đời nơi vị lai mới thọ nhận quả báo thiện ác.

- Còn 3 thứ nghiệp báo là:

+ Thuận hiện pháp thọ nghiệp.

+ Thuận thứ sanh thọ nghiệp.

+ Thuận hậu thứ thọ nghiệp.

Về nghĩa thì tương đương với 3 nghĩa của 3 thứ báo vừa nêu.

Đào Nguyên

_____________________

(1) Lời Bạt trong sách Phật lý qua Liêu trai của Lý Việt Dũng, Sđd, tr.14.

(2) Xem thêm kiến giải của chúng tôi viết về thủ pháp nghệ thuật của tác giả Bồ Tùng Linh trong Liêu trai chí dị: Nguyệt san Giác Ngộ số 245, tháng 8-2016, tr.91.

(3) Theo Nguyễn Đức Lân trong Liêu trai chí dị trọn bộ (Sđd, tr.801) thì Dị Sử Thị, nhiều người cho là chính tác giả Bồ Tùng Linh (1640-1715), nhưng có người cho là Vương Ngư Dương (1634-1711).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày