Gửi hương cho gió: Ngô Bảo Châu & trí tuệ Việt Nam

GS Ngô Bảo Châu phát biểu trong buổi lễ chào mừng
GS Ngô Bảo Châu phát biểu trong buổi lễ chào mừng
Giác Ngộ - Sự kiện Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Toán học Fields đã khiến mọi người Việt Nam cảm thấy tự hào vì đó là sự tôn vinh trí tuệ Việt Nam. Đó là nguồn động lực lớn cho tuổi trẻ hôm nay khi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản.

Anh là người châu Á thứ sáu kể cả những người Mỹ hay Úc gốc Á được tôn vinh qua giải thưởng này. Thành tựu của Ngô Bảo Châu, theo GS Nguyễn Văn Mậu, người trực tiếp phụ trách đội tuyển Olympic mà Châu là một thành viên, là kết quả của một quá trình rèn luyện lâu dài. Ông nói: "Bảo Châu có tài năng, học hành bài bản, lại được gửi tới những trung tâm Toán học lớn của thế giới, gặp nhiều thầy giỏi. Không phải đơn giản mà hội tụ được các yếu tố này nên việc Châu được vinh danh là tất yếu". Nói như thế nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận tầm nhìn sáng suốt của song thân Bảo Châu, hai vị trí thức đã dẫn dắt, tạo điều kiện cho con mình phát huy tiềm năng tột đỉnh mà không hề thúc ép và luôn là một hình mẫu trong cuộc đời Châu về tinh thần nghiên cứu khoa học cùng phong cách sống giản dị, tác phong khiêm tốn… 

Một vị cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng nhờ trường chuyên lớp chọn nên mới có Bảo Châu và ca ngợi hết lời về "loại hình giáo dục" có lúc bị nhiều bậc phụ huynh phiền trách ấy. Chúng ta hãy nghe GS. Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam thẳng thắn phát biểu "Nếu Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields, đánh giá công bằng, thành tựu ấy trước hết phải thuộc về nước Pháp và trường đại học với những người thầy đã tạo ra môi trường nghiên cứu cho Châu phát huy hết năng lực tài năng của mình. Nếu nhận đó là thành tựu của toán học Việt Nam là không chính xác. Giới toán học chúng tôi rạch ròi lắm". 

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận "Việt Nam có đóng góp một phần trong thành tích của Ngô Bảo Châu, đó là đã phát hiện, đào tạo ban đầu cho một mầm non toán học. Các thầy đã cùng nhau truyền cho Châu tình yêu bền vững với toán học." Ông cũng nhấn mạnh "Nếu chỉ làm việc ở Việt Nam, sẽ không có Ngô Bảo Châu hôm nay và những thành tựu nghiên cứu mà cậu ấy đã công bố. Bởi nghiên cứu toán học ở Việt Nam đang quá thiếu thốn những điều kiện tối thiểu!". 

Ông cũng tiên đoán rằng phải 50 năm nữa "may ra mới có một nhà toán học như Châu" vì "Nếu không có những thay đổi trong chính sách và đầu tư cho toán học từ hôm nay, có lẽ chúng ta cũng chỉ tự hào về gốc Việt của những nhà khoa học, còn thành tựu thật sự của họ phải thuộc về những quốc gia khác". Chúng ta chạnh nhớ đến GS. Lê Văn Thiêm, Nguyễn Xuân Vinh, những người đã thành danh trên đất khách quê người…

Ông Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư bày tỏ "Dù anh Châu được đào tạo ở Pháp hay Mỹ, tôi vẫn tin và tự hào vào trí tuệ Việt Nam. Nhưng nếu đất nước có nhiều thanh niên giỏi thì phải có cơ chế chính sách thế nào để phát huy chứ không phải chỉ say sưa, ru ngủ với thành tích này".

Bao nhiêu thần đồng bị bỏ quên?

Chúng ta chợt nhớ những năm trước đây có bao nhiêu trẻ em được phát hiện có những năng khiếu đặc biết mà sau đó không còn nghe nói đến, không biết các em được dạy dỗ ra sao?

Trường hợp bé Phan Thị Minh Châu, sinh 2004 ở tỉnh Hải Dương chưa 3 tuổi đã biết đọc, viết, thuộc bảng cửu chương, làm được nhiều phép toán. Nhưng tài năng ấy đang bị lãng quên dần. Khi một nhóm phóng viên tìm về Hải Dương hỏi thăm thì biết em vẫn rất giỏi làm được nhiều phép toán dù chưa được học (!) nhưng không có điều kiện đi học sớm, cha mẹ phải chuyển nhà trọ nhiều lần. Cả gia đình 5 người chỉ sống trên 15m2

Chị Đỗ Thị Huệ, một giáo viên trường mầm non kể lại: "Có lần cán bộ của Phòng Giáo dục về kiểm tra khảo sát. Họ ra đề toán nhân nhiều số, kết quả lên đến hàng tỷ. Trong khi những người ra đề phải bấm máy tính để tìm kết quả, thì bé Châu chỉ đặt bút đúng thứ tự rồi đọc vang dãy số. Đúng là thần đồng!". Thế nhưng "thần đồng" đang sống rất cơ cực dựa vào đồng lương ít ỏi của bố vốn là sinh viên nghỉ học làm phụ hồ và mỗi chiều 4 mẹ con lại dắt díu nhau ra bán vé số trên phố.

Thần đồng Bùi thị Diễm Trang sinh năm 2000 tại Bến Tre cách đây nhiều năm chưa đi học mẫu giáo đã biết đọc, biết viết, làm được nhiều phép toán, kể cả giải phương trình bậc nhất. Lúc ấy bao nhiêu người thán phục đến kiểm tra khảo sát, khen ngợi rồi… về. Thậm chí có cả một đài truyền hình nọ xuống làm phóng sự. Mẹ của em kể lại: "Vì nhà nghèo quá, không có tiền cho em đi nhà trẻ và cũng không có ai rảnh mà dạy em". Vậy mà em tự ráp vần và đọc chữ lưu loát. Từ đó bao nhiêu sách vở của anh trai, bé Trang đều tìm đọc và nhớ rất nhanh.

Hiện nay em vẫn học rất giỏi và có thể viết bài gửi cho các chương trình phát thanh truyền hình, tham gia "Bản tin Xứ Dừa". Căn nhà em đang ở là nhà tình thương được xã cất cho bà ngọai em. Nhà có 5 miệng ăn, chỉ dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi của mẹ làm tạp vụ trạm y tế xã, còn cha sau khi xuất ngũ về từ Campuchia bị sốt rét thường xuyên làm ở Hội Chữ thập đỏ xã Lộc Thuận với phụ cấp 300.000 đồng/tháng. Em đang đứng trước nguy cơ phải bỏ học vì quá nghèo! Em ước mơ chương trình "Vượt lên chính mình" của Đài Truyền hình TP.HCM sẽ có lần ghé thăm nhà em. Ước mơ của "thần đồng" tội nghiệp biết bao!

Chúng ta còn nhớ con số thống kê 3 triệu 5 học sinh bỏ học chỉ trong 5 , 6 năm từ 2003 đến 2008 (theo bản tin VNExpress ngày 13 tháng 3, 2008). Chỉ trong 3 năm học 2006 - 2007 đến 2008 - 2009 số bỏ học là 1.158.841 học sinh các cấp, phần lớn là học sinh ở bậc trung học cơ sở (65%) . Có rất nhiều lý do từ học lực yếu cho đến thiếu tiền đò qua sông (!). 

Ngay trong năm học vừa qua, ở một tỉnh phát triển như Vĩnh Long mà còn có đến hơn 2.000 học sinh THCS và THPT bỏ học. Theo một vài quan chức ngành giáo dục thì ngoài việc học yếu còn do tác động bên ngoài nên tỷ lệ học sinh các lớp 9,10,11 nghỉ học rất nhiều: các em đi làm thêm vừa giải quyết kinh tế gia đình vừa vì nhu cầu bản thân.

Ở Thanh Hóa, sau mỗi dịp Tết, rất nhiều học sinh bỏ học vào Nam tìm việc làm. Thống kê ở các huyện Thường Xuân, Mường Lát có hàng trăm học sinh bỏ học.

Chúng ta nghĩ gì?

Phải chăng chương trình giáo dục quá nặng từ chương và thiếu hướng nghiệp nên các em phải tự vào đời mưu sinh sớm vì không đủ tài trí hay điều kiện vật chất theo đuổi con đường đại học? Trong hàng triệu học sinh bỏ học ấy có bao nhiêu nhân tài, bao nhiêu thần đồng và với những thần đồng vừa nêu tên ấy, chúng ta hay những người có trách nhiệm đã làm gì để có thêm những Ngô Bảo Châu cho mai sau? Để các em tiếp tục phát triển tài năng, sáng tạo và đạt những thành tựu, phục vụ cho Tổ quốc và nhân loại?

Tôi nhớ một bài luận văn ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn mà vị giáo sư ngày ấy yêu cầu chúng tôi bình luận về 2 câu thơ của Thomas Gray, một nhà thơ Anh thế kỷ XVIII, dưới lăng kính của một nhà giáo dục

Full many a flower is born to blush unseen
And waste its sweetness on the desert air.

(Elegy Written in a country Churchyard )

Bởi lẽ nếu chúng ta không biết nhận ra những mầm hoa đẹp để giúp nó nảy nở vươn mình ra ánh sáng thì những cánh hoa kiều diễm kia cũng chỉ là hoa dại, phai tàn theo gió bụi thời gian.

Phải chăng nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta cũng có những suy nghĩ tương đồng:

Bao nhiêu hoa đẹp trong rừng thẳm
Đem gửi hương cho gió phũ phàng.

Phải thay đổi cả tầm nhìn và kế hoạch để có thể nuôi lớn những mầm hoa đẹp, dù là khoa học hay văn chương, để đất nước trở thành những "rừng cây lớn" với một nền giáo dục ngang tầm thời đại. Để hương sắc ngàn hoa kia không phôi pha trong gió!

Mong thay!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày