Hành nghề y & giữ giới cho mình

GN - Lương y cư sĩ Phan Văn Hiền (65 tuổi) được bệnh nhân yêu quý và thường nhắc về ông bằng một tấm lòng biết ơn. Họ gọi ông là thầy Ba hoặc ông Ba Hiền thật thân thiện. Ông Ba ăn chay trường đã trên 30 năm…

Với ông, hành nghề y là … “hành đạo”

Có lần tôi hỏi: “Ông Ba ăn sáng chưa?”. “Trước 6 giờ 30 phút mà chưa ăn sáng xong, chưa đọc tin tức buổi sáng thì coi như không có một phút để ăn uống đâu chú em à! Vì bệnh nhân tới đây sớm lắm”, ông chia sẻ. “Buổi sáng, tôi làm đến khoảng 10 giờ thì phải chạy tới những nhà bệnh nhân bệnh nặng để châm cứu. Có khi trở về nhà đã 14 giờ hơn, chưa kịp tắm rửa thay đồ đã có bệnh nhân chờ ở nhà. Thế là làm luôn một mạch cho tới chiều thì nghỉ”, ông Ba cho biết thêm.

Ấn tượng khi tôi vào nhà ông Ba Hiền là hai trụ cột trước nhà có ghi: Tri túc thường lạc/ Cẩn tắc vô ưu (Biết đủ thường được an vui/ Cẩn thận thì không phải lo lắng gì). Điều đó cho biết quan điểm và cách sống của vị lương y Phan Văn Hiền vì đạo vì đời. Đặt chân vào khuôn viên đất nhà rộng rãi ấy, chúng tôi ngỡ như đang sống giữa thiên nhiên yên lành với những chậu kiểng, cây xanh véo von chim hót.

XH Luongy Ba Hien.jpg

Ông Ba Hiền chữa bệnh cho bệnh nhân

Nhà số 39, đường 5, tổ 13, khu phố 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.Hồ Chí Minh (đối diện chợ Công Thành, tức thường gọi chợ Chiều) là địa chỉ thân thiện, tin tưởng của rất nhiều bệnh nhân. Nơi đó, hơn 30 năm nay, ông vẫn âm thầm dấn thân với đời vì sự nghiệp nhân đạo.

Quả thật, có rất nhiều người khi mới tới thì uể oải thần sắc mà khi ra về thì tươi sắc hơn. Tôi thấy anh Ng. đi như lết, chị H. chân run lẩy bẩy, co giật liên hồi, bà cụ X. 85 tuổi, tay nhấc không lên, lưng đi dáng tôm… thế nhưng sau 20 phút châm cứu thì họ ra về với tấm thân nhẹ nhàng hơn.

Anh Ng. cho biết: “Đi châm cứu phải kiên trì, tui bị đau thần kinh tọa, rêm nhức ngủ không được và không làm được việc gì. Vợ phải chạy xe máy chở tui đi châm cứu mỗi ngày hai lần, giờ mới khỏe. Đâu cũng được một tháng rồi, chắc ngày mai là tự lái xe đến, khỏi nhọc công vợ con nữa”. Còn chị H. chia sẻ: “Chắc phải châm cứu thường xuyên hơn, chứ châm cứu kiểu nhảy cóc mà lại lo đi tứ xứ làm ăn thì cái chân này khó lành. Lần trước, ông Ba châm cứu cho tui đã khỏe hẳn, nhưng vì tui đứng bán bắp nấu, làm thuê nên gân cốt nó đau nhức hoài”.

Bà cụ X., 85 tuổi, mới châm cứu 2 ngày đã khoe: “Nay, cái tay đã co duỗi nhẹ nhàng hơn, chỉ còn hơi nhức mỏi phần chân phải, chứ bữa hổm thì cái tay coi như xụi lơ”. Đâu chỉ có vậy, mới đây, bà Ngọc bị tai biến nói không được 3 năm nay dù đã điều trị ở nhiều bệnh viện và châm cứu nhưng không thuyên giảm. Thế rồi, bà Ngọc tin nên đến nhờ ông Ba châm cứu gần một tháng. Bây giờ, bà đã nói lại được, đi đứng khá vững vàng.

Một bà cụ gần 90 tuổi, nặng khoảng 80kg bị tai biến lần thứ ba phải nằm một chỗ. Bà cụ ấy muốn đi đứng, vệ sinh... phải bốn người túc trực dìu dắt, cứ tưởng đã khó cưỡng cầu chuyện sinh tử, thế nhưng lương y Phan Văn Hiền đã dụng tâm và trổ tài y thuật. Gần 30 ngày, bà cụ ấy đã tự nhấc mình lên và đi đứng từng bước chậm trong nhà. Niềm vui sướng của con, cháu, dâu, rể cứ như vỡ òa khôn xiết!

Mỗi ngày bao lượt bệnh nhân lạ và quen, giàu sang, nghèo khó, dân sở tại, kẻ tạm trú ở thành phố, công nhân và viên chức… đều đến đây chữa bệnh. Ông Ba nói chuyện về bệnh tật, bày cho bài thuốc quý, cách chăm sóc sức khỏe và thỉnh thoảng câu nói, tiếng cười hóm hỉnh của ông làm cả nhà rôm rả tiếng cười, giúp bệnh nhân bớt đau nhức phần nào thân bệnh...

Giữ giới cho mình chứ không phải cho người

“Mỗi lần tôi châm một kim vào huyệt bệnh nhân thì là một câu niệm Phật A Di Đà. Mình khỏe, họ cũng khỏe. Công phu đâu phải rình rang. Giữ giới không phải ở chốn đông người mà luôn luôn và nhất là lúc một mình mình. Thường thì 19 giờ là tôi ngủ rồi, khoảng 22 giờ 30 tôi dậy công phu đến 0 giờ thì ngủ tiếp. Vì giờ đó bắt đầu thanh lắng, mình niệm Phật và trì chú Đại bi tốt lắm”, vị lương y cư sĩ tại gia ấy cho biết công phu của mình hàng ngày.

Tôi hỏi: “Vậy thời khóa sớm mai thì ông Ba có thực hiện chăng?”. “4 giờ sáng, tôi thức dậy lo vệ sinh nhà cửa, quét dọn bàn thờ và cà-phê, điểm tâm, đọc báo, loay hoay đã gần 6 giờ 30 thì có bệnh nhân tới. Như vậy lấy gì công phu. Chỉ có tâm luôn nhớ Phật, miệng luôn niệm Phật, hành động phải quang minh thì chư Phật, Bồ-tát mới gia hộ. Chú em thử nghĩ xem, tôi không vợ không con, làm cái nghề kéo quần áo bệnh nhân lên, vạch quần họ ra để châm kim mà tâm không lay, ái dục không tới thì đó cũng là một điểm công phu cực kỳ quan trọng rồi. Bởi niệm Phật và giữ tâm tịnh nên công việc nó trôi chảy, trị bệnh mát tay. Tâm đức là vậy!”.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn thấy ông Ba Hiền tặng bà con đến trị bệnh bài chú Đại bi và khuyên nhắc hạn chế sát sinh, kiêng ăn những món độc hại vào cơ thể. Có chị kia bán quán nhậu, công việc phải cắt mổ loài vật thường xuyên. Giờ đã có tuổi nên bắt đầu đau nhức thân thể, đi châm cứu bữa đực bữa cái nên cái thân nó cứ trì trệ sự sống.

Ông Ba Hiền phán mạnh rằng: “Cô khó lành bệnh đau nhức này lắm. Vì nghiệp sát nặng, phải hạn chế việc giết hại và siêng niệm Phật, sám hối, trì chú Đại bi và chú Vãng sanh” (Bạt nhất thiết nghiệp chướng đắc sanh Tịnh độ Đà-la-ni). Cô ấy vẻ mặt buồn hiu, sau đó như bừng tỉnh điều gì, bèn xin ông Ba Hiền bài chú Đại bi để về nhà đọc và hỏi cách trì chú ra sao một cách tha thiết lắm!

Từ tiểu thuyết, phim đến… học nghề

Ngày nhỏ, cậu bé Phan Văn Hiền đã mê đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và được xem rất nhiều phim kiếm hiệp, nhưng hình ảnh những cây kim nhỏ xíu được châm lên những mạch huyệt cứu chữa người dù ai đó đang hôn mê bất tỉnh hoặc đau đớn thân xác đều được chữa lành. Từ đó, gieo trong đầu Hiền một tình yêu lớn “Làm cách nào để cứu người qua việc bấm huyệt và kim châm?”. Nhưng chính lúc đặt câu hỏi lớn trong đời cũng là lúc Phan Văn Hiền quyết chí học hành và đi theo ngành Y học cổ truyền ở Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh.

Sau thời gian miệt mài học tập và thực hành nghiêm túc, Phan Văn Hiền đã trở thành vị lương y mát tay. Với nhiều kinh nghiệm từ nỗ lực, không ngừng trau dồi tài và đức trong nghề, ông được tặng nhiều Giấy khen, Huy chương Vì sự nghiệp nhân đạo cũng như đồng nghiệp Hội Chữ thập đỏ quận 2 luôn tin tưởng và quý trọng đã làm ông Hiền thêm yêu nghề hơn. Nhưng trên cả mọi giấy khen và tình đồng nghiệp là sự mong chờ, quý trọng, tin tưởng vào tay nghề lương y Phan Văn Hiền của rất nhiều bệnh nhân xa gần trong quận, thành phố cũng như những tỉnh lân cận.

Chính vậy, ông Ba Hiền càng thêm yêu quý nghề và thương người hơn. Ông từng nói: “Người ta ngày càng bệnh nhiều vì ăn, uống, sinh hoạt không như hồi xưa. Cái gì cũng có độc tố nhưng cái gì cũng muốn quơ vào người nên bệnh. Mà đi bệnh viện thì tốn nhiều tiền lại không khỏi nên họ ngại. Họ tìm tới cách chữa trị y học cổ truyền qua việc bấm huyệt và châm cứu thấy có hiệu quả, mà cách gửi tiền tùy hỷ nên ai nấy đều hoan hỷ”.

Kể từ lúc đam mê và dấn thân với nghề y, ông Phan Văn Hiền lần lượt từ chối công việc ở địa phương để chuyên dành thời gian cho việc cứu người. Ông từng nói:“Cứu người như cứu mình. Bệnh nhân đang đau mà mình nói hài hước chọc cho họ cười thì cơn đau sẽ giảm nhiều hơn, tâm lý lại ổn định hơn. Hoặc có khi phải đọc đôi ba câu ca dao ơn cha nghĩa mẹ, lối sống ở đời để ai đó nghe mà còn chợt tỉnh cách sống tốt. Trị bệnh phải nghệ thuật, họ mới mau lành bệnh nên mình mới có thời gian mà lo cho bệnh nhân khác chứ!”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày