NSGN - Công cuộc truyền bá tông Lâm Tế do Chuyết Chuyết ở Đàng Ngoài Đại Việt sẽ thất bại nếu ông không gặp được hai người là Chính vương phủ lão cung tần Trần Thị Ngọc Am và Dũng Lễ công Trịnh Khải...
Chùa Bút Tháp nơi lưu dấu hoằng pháp của Thiền sư Chuyết Chuyết
Hành trình ra kinh đô Đại Việt
Sách Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục (viết tắt CCTSNL) kể: Bấy giờ, có vị thương nhân lớn ở kinh thành Thăng Long (lúc đó gọi là Đông Đô) tên là Nguyễn Tề, thỉnh Sư (tức Chuyết Chuyết) đến kinh thành làm lễ cầu siêu cho cha mẹ. Thầy trò bàn kín với nhau, Sư nói: “Đây chẳng phải là việc của chúng ta, nhưng nếu muốn khai quyền hiển thật thì không thể không theo” (ý nói nếu muốn truyền Đạo thì phải ra kinh thành làm việc Tề nhờ). Thế rồi, thầy trò cùng nhau đến kinh thành. CCTSNL không nói đến việc trên đường ra đoàn qua chùa Thiên Tượng (Hà Tĩnh) và Trạch Lâm (Thanh Hóa) hoằng pháp như Nguyễn Lang đã nêu trong Việt Nam Phật giáo sử luận1 mà kể: “Thế nhưng, Nguyễn Tề lại mắc phải tội không thể tha, khiến cho thầy trò phải đi khất thực mất mấy tháng, rất ít khi gặp những người như trưởng giả Cấp Cô Độc (tức chỉ đại thí chủ cúng dàng)”2.
Tỷ-khiêu Thích Thanh Sơn, tác giả Luận văn Tìm hiểu hệ thống văn bia chùa Bút Tháp, Thuận Thành-Bắc Ninh3 cho biết các bia Sắc kiến Tôn Đức khoán thạch, No 2883 và Ninh Phúc thiền tự Tam bảo tế tự điền bi, No 2897 đều lược ghi về hành trạng của Thiền sư Minh Hành, như sau: “Năm Quý Dậu niên hiệu Đức Long thứ 5 (1633), ngài theo thầy là Thiền sư Phổ Giác4 sang kinh đô nước Đại Việt đi hành đạo truyền giáo”.
Dựa vào hành trạng Thiền sư Chuyết Chuyết đã nêu trên Nguyệt san Giác Ngộ số 266 và 267, chúng tôi suy đoán về thời gian đoàn ra đến kinh thành như sau: Khởi hành từ Quảng Nam đầu năm 1633, ra đến chùa Thiên Tượng và ở lại đó 1-2 tháng hoằng pháp; từ Hà Tĩnh ra chùa Trạch Lâm (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và ở đó 1-2 tháng truyền bá giáo lý thiền Lâm Tế từ 1-2 tháng; Từ Thanh Hóa ra Đông Đô do Nguyễn Tề bị bắt thầy trò phải đi khất thực mất mấy tháng, tổng thời gian từ Đàng Trong ra tới kinh thành và gặp được đại thí chủ Trần Thị Ngọc Am là 7 tháng. Nếu khởi hành từ tháng 2 năm 1633 (thường sau Tết âm lịch mới đi) thì khoảng tháng 9 năm đó mới đến chỗ nương thân chuẩn bị hoằng pháp (chùa Thiên Tượng).
Truyền bá tông Lâm Tế ở Đàng Ngoài
Công cuộc truyền bá tông Lâm Tế do Chuyết Chuyết ở Đàng Ngoài Đại Việt sẽ thất bại nếu ông không gặp được hai người là Chính vương phủ lão cung tần Trần Thị Ngọc Am và Dũng Lễ công Trịnh Khải. Họ là cầu nối giữa Chuyết Công với vua Lê chúa Trịnh, vừa có quyền (Trịnh Khải là Thái úy, Trần Thị Ngọc Am là đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng), vừa giàu có; cả hai người đều mến mộ đạo Phật và thích làm việc thiện.
CCTSNL cho biết: Bấy giờ có đức bà lão cung tần5 giàu có lại mến mộ Phật pháp, xin theo Sư học đạo, lại cho ba cô con gái quy y với Sư. Không lâu thì lại có em trai Thanh vương Trịnh Tráng là Dũng Lễ công Trịnh Khải6 hâm mộ Thiền học của Sư, bèn sai người rước Sư đến phủ. Trong lúc hỏi đáp, Khải biết Sư là người tinh thâm thấu triệt lẽ huyền vi, biện tài vô ngại, liền bái Sư làm thầy, giữ lễ đệ tử. Khải tuy rất yêu mến Sư, nhưng vẫn còn hoài nghi về đạo pháp của Sư, mới đem tục tình ra thử. Tuy roi vàng giơ lên mà ngựa ý chẳng động, không nhiễm mảy bụi trần. Qua đây, Trịnh Khải mới biết được Sư chẳng phải là hạng tầm thường. Sau đó, Trịnh Khải còn cho con gái theo Sư xuất gia.7
Kế đến, bốn phương vân tập, đưa Sư về ngôi chùa cổ trước kia do nhà Lý xây dựng ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du (chỉ chùa Phật Tích)8. Xưa kia, khi hoàng đế nhà Lý9 từ bỏ ngôi vị cao quý, đến ở nơi thấp hèn, vì để thiệu long Tam bảo nên đã cho xây dựng ngôi chùa rất tráng lệ. Lấy vàng xếp làm đàn, gạch rồng rải kín đất, tạc đá thành các tượng trâu, ngựa, voi, sư tử, hổ báo. Quần thần thấy thế mới tâu: “Bậc chí tôn đã từ bỏ giàu sang, ở nơi nghèo khổ, sao còn xa xỉ như vậy?” Vua đáp: “ Sở dĩ ta làm rường cột vững chãi, nền móng, gạch ngói kiên cố, trong thì trang sức hoa văn, ngoài thì trồng cây che mát... đó là vì sau này có nhục thân Bồ-tát ở nơi chùa này, diễn giảng giáo lý tối thượng thừa, cứu độ cho vô lượng chúng sinh vậy”. Sư vào chùa, thấy đất báu vô cùng đặc biệt, hình thế chót vót, gạch điêu gỗ khắc chữ [Lý] trùng với họ của mình. Sư nói: “Chẳng phải [vua] là bậc chuyển thân đó ư? Sao có sự trùng hợp khéo đến vậy!”
Sau đó, hoàng thượng, hậu phi, vương công, cung tần, tể quan, sĩ thứ, Tăng Ni, đạo tục đồ chúng ngày một đông. Lại được đội ơn đức Chúa - bậc Thánh nhân vốn sáng suốt, lại thêm tâm tính thích làm việc thiện - đã ban tặng cho danh hiệu là “Sư tổ”.10
Như vậy ở Đông Đô, Chuyết Chuyết và các đệ tử được bà Trần Thị Ngọc Am và Dũng Lễ công Trịnh Khải đưa đến chùa Khán Sơn11 và bắt đầu giảng dạy Phật pháp. Người đến học gồm cả người Việt và người Trung Hoa. Thấy người theo học ngày một đông, mà chùa chật hẹp không đủ sức chứa, lão cung tần họ Trần bàn với Dũng Lê công và học chúng rước Chuyết Công về chùa Phật Tích ở huyện Tiên Du, trấn Kinh Bắc cách kinh thành chừng ba mươi cây số. Nơi đây đã được Đại thí chủ Trần Thị Ngọc Am hưng công trùng tu, có giảng đường lớn chứa được cả trăm người, dưới hàng cây quanh năm xanh mát.
Văn bia chùa Phật Tích cho biết hoàng thượng, hậu phi, vương công, cung tần, tể quan, sĩ dân, Tăng Ni, đạo tục đồ chúng đến với Thiền sư Chuyết Chuyết ngày một đông. Sư được chúa Trịnh Tráng biết đến và hâm mộ, xem như bậc thầy, đã ban cho Sư danh hiệu “Tổ sư” của danh sơn trong bốn trấn. Chuyết Công rất được các vua Lê Thần Tông và Lê Chân Tông12 kính trọng. Vua Lê Thần Tông đã tôn xưng Chuyết Chuyết là “Đông Đô Thủy Tổ”.
Để xiển dương rộng rãi tông Lâm Tế, thể theo yêu cầu của chúa Trịnh Tráng, Chuyết Công đã cử đệ tử Minh Huyễn (hay Minh Hành?) trở về Trung Hoa để thỉnh kinh. Kinh điển thỉnh về được an trí tại chùa Phật Tích. Một số kinh đã được khắc ván trong thời ấy để ấn loát và phổ biến. Bản khắc đều được tàng trữ tại chùa Phật Tích. Trong số những kinh sách mà Chuyết Chuyết mang theo lần đầu, có một nghi thức cúng cô hồn dưới nước và trên cạn, gọi là Thủy lục chư khoa. Chuyết Chuyết và các đệ tử đã tổ chức một trai đàn lớn, cầu cho tất cả vong linh nạn nhân của thời đại. Nghi thức và cách tổ chức trai đàn này rất được vua Lê chúa Trịnh và các bậc công hầu thời ấy hâm mộ. Thủy lục chư khoa từ đó được áp dụng rộng rãi tại các chùa Đàng Ngoài13. Từ đó, khắp cùng các chốn danh sơn trong cả nước, dấu Phật được trùng hưng không kể xiết.
Học trò của Chuyết Chuyết
Chuyết Chuyết là một người xuất chúng, đạo đức vang xa nên thu hút hàng tứ chúng khắp nơi về tham học tại thiền viện Phật Tích.
Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục nói: “Người theo học (Chuyết Chuyết) có đến mấy trăm, mấy chục người đắc chỉ, còn những người thấy nghe mà giác ngộ thì có đến nửa thiên hạ”. Nhưng sách này không nêu tên cụ thể. Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận cũng chỉ nêu Minh Hành và Minh Lương. Còn Thiền sư Việt Nam của Thích Thanh Từ chỉ đưa ra sơ đồ mấy vị đệ tử đắc pháp nơi Chuyết Công Hòa thượng. May thay, trong một tấm bia tại chùa Phật Tích mang tên Vạn Phúc đại thiền tự bi, No 2146 và Kiến lập Tam bảo điền tự sự Tổ sư Ân Quang tháp bi ký, No 2147 dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686), có kể lại chuyện vào ngày 15 tháng 7 năm Phúc Thái thứ 2 (1644) thì Chuyết Chuyết viên tịch, 42 năm sau - tức 1686 là thời điểm dựng tấm bia hai mặt nói trên, trong khi môn nhân gồm: Minh Hành Tại Tại, Minh Huyễn Liễu Nhất, Minh Quang, Minh Đức, Minh Tông, Minh Đạo, Minh Hiền, Minh Nghiêm, Minh Như, Minh Vô, Minh Hảo, Minh Chính, Minh Quảng, Minh Quy, Minh Lệnh, Minh Thông, Minh Giai, Minh Mẫn, Minh Tường, Minh Nghĩa (Vô Trước), Minh Pháp, Minh Toàn, Minh Ân, Minh Hải, Minh Trực, Minh Đăng, Minh Thiện, Minh Quán, Minh Lai, Minh Niên, Minh Chính Giác, Minh Cao, Minh Thời, Minh Thọ, Minh Kiều, Minh Nhân, Minh Si, Minh Giác, Minh (?), Minh Tịnh, Minh Giới, Minh Thịnh, Minh Đạo Nghĩa, Minh Chiếu, Minh Tâm, Minh Túc, Minh Tiến, Minh Thế, Minh Vạn, Minh Nhẫn, Minh Lâm, Minh Hạo (?), Minh Ngạn, Minh Châu, Minh Chi, Minh Biện, Minh Mệnh, Minh Chiêu, Minh Phúc, Minh Lý, Minh Trung, Minh Huệ, Minh Tuyên, Minh Phổ, Minh Thận, Minh Lan, Minh Quế, Minh Diệu, Minh Tại, Minh Tạng, Liên Hoa, Hội Ưu-bà-tắc Dũng Lễ công, tự Quảng Đức, hiệu Nhân Bản, thụy Hoàng Phú giác linh công Minh Nguyện. Vương phủ nội Cung tần Ưu-bà-di Đệ nhất Chiêu nghi Trần Thị Ngọc Am, gia phong là Thánh Quang Bồ-tát (Pháp Giới). Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Pháp Tính). Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Áng (Diệu Định). Tấn thân Đại phu Thái phó Kiên quận công Trịnh Quân, Thiếu phó Dĩnh quận công Ngô Hữu Dũng... đều đã viên tịch và mất, thì tên học trò Minh Lương được khắc lên hàng đầu ở phía “Tỷ-khiêu còn tại thế”, trong đó có cả Chân Nguyên14.
Chuyết Chuyết đã từng đến đất Cổ Miên (Campuchia) hoằng hóa 16 năm (từ 1609-1624), sau đó sang Đàng Trong Đại Việt du hóa 8 năm (từ 1625-1632) và tại hai nơi này ông đều không thành công. Năm 1633 ông và đoàn đệ tử đến kinh đô Đại Việt Đàng Ngoài và nhờ sự giúp đỡ của các Đại thí chủ Trần Thị Ngọc Am, Dũng Lễ công Trịnh Khải, sự ủng hộ của chính quyền (chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng, vua Lê Thần Tông) và các hoàng thân quốc thích, các Tăng Ni, thiện tín thập phương cùng tài năng của ông (và các đệ tử), Chuyết Chuyết đã thành công trong việc truyền bá tông Lâm Tế vào Đàng Ngoài Đại Việt với Trung tâm Phật giáo Lâm Tế tại Đại thiền viện Vạn-Ninh15, từ đây nhiều kinh sách được thỉnh về và khắc ván ấn loát lưu hành trong cả nước; nhiều đệ tử theo học đã đắc pháp nối nghiệp. Từ đó, khắp cùng các chốn danh sơn trong cả nước, dấu Phật được trùng hưng không kể xiết. Hệ phái Lâm Tế Đàng Ngoài được thiết lập vững chắc, góp phần “Hộ quốc an dân” đất nước.
Công nghiệp của ông đã được vua Lê chúa Trịnh đánh giá “Đạo Phật phù trợ khiến vận nước vững bền”16. Và khi ông mất, vua Lê Chân Tông tặng phong là: “Phổ Giác Quảng Tế Đại đức Thiền sư”.
Nguyễn Đại Đồng
_______________
(1) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb.Văn Học, 1994.
(2) Thiền sư Minh Hành Tại Tại-Thiền sư Tuệ Tiến biên tập, Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, Nguyễn Quang Khải - Thích Nguyên Đạt dịch, Nxb.Thanh Hóa, 2017, tr19.
(3) Thích Thanh Sơn, Tìm hiểu văn bia chùa Bút Tháp, Thuận Thành- Bắc Ninh, luận văn Thạc sĩ Phật học, 2017, tr. 101-103.
(4) Phổ Giác: Cách gọi khác của đệ tử gọi Chuyết Chuyết sau khi viên tịch, đồng thời là một trong ba mỹ tự được vua Lê Thần Tông phong cho Chuyết Chuyết là: “Phổ Giác-Quảng Tế-Đại đức Thiền sư nhục thân Bồ-tát”. Tương tự với mỹ tự “Chính Giác” là Minh Hành, “Hoằng Giác” là Minh Nghĩa, “Mãn Giác” là Minh Lương, “Thiện Giác” là Hương Hải, “Quảng Giác” là Chân Lai, “Giác Tính” là Chân An.
(5) Đức bà lão cung tần là Đệ nhị cung tần của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Tên thật là Trần Thị Cư (1580-1647), quê xã Vũ Xá, huyện Kim Đông, tỉnh Hưng Yên. Khi chúa Trịnh Tráng rước bà về cung, bà được ban quốc tính, sau, về quê lại lấy họ cũ là Trần Thị Ngọc Am, dân gian gọi là bà chúa Mụa. Bà là người có công ngoại hộ Phật pháp rất lớn, đặc biệt là hỗ trợ tay trong cho thiền phái Lâm Tế của Chuyết Chuyết truyền bá.
(6) Theo Lê Quốc Việt, Ghi chú về Thiền sư Minh Lương Mãn Giác (?-1675), Tạp chí Suối Nguồn số 8 ra tháng 2 năm 2013, trang 83-126, thì Dũng Lễ công Trịnh Khải được ví như trưởng giả Cấp Cô Độc, ông có một con gái cho theo Chuyết Chuyết xuất gia, hiện không rõ là ai. Thượng thủ Minh Hành đương thời dành nhiều dòng khả ái và trân trọng viết về ông, nhất là khả năng thiền học. Nếu không có lời mời từ thương gia Nguyễn Tề và sự sùng mộ đạo Phật từ Khải, thầy trò Chuyết Chuyết khó có thể hoằng bá Thiền tông Lâm Tế bám rễ ở Bắc Hà. Theo tư liệu lấy từ quyển Trịnh vương ngọc phả tự tích tiên tổ Trịnh tính, quyển thị thế phả và các bản dịch, ghi bổ sung, lưu tại làng Bình Đà, do cụ Trịnh Đức Bố và ông Trịnh Quang Bình cung cấp thì Dũng Lễ công Trịnh Khải (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, tục biên, q18 cũng thống nhất viết là Trịnh Khải âm thông với Giai . Nhưng theo sách Trịnh Nguyễn diễn chí, q3 khi kể lại chuyện Trịnh Tùng mưu hại Trịnh Khải thì lại cho ông tên là Trịnh Phúc) thì Khải được xếp vào đời thứ bảy, là con thứ 6 của chúa Trịnh Tùng, là em trai của Thanh vương Trịnh Tráng, được lập ấp ở Bảo Dà, nay là thôn Bình Đà thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Vẫn theo Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, tục biên, q18, cho biết vào năm 1632 “phong Phù Nghĩa dinh Thái úy Dũng quận công Trịnh Khải làm Dũng Lễ công, mở phủ gọi là phủ Phù Nghĩa”. Lại nữa, theo văn bia Linh Nhân Tư Phúc tự, No 3153, dựng năm 1636 ở chùa Bà Tấm có đoạn: “Tiên Thánh Triết vương khai sáng ra thiên hạ, thấy cổ tích lăng miếu thời Lý (tức chùa Bà Tấm) ở xứ Mả Quan bèn sát nhập vào điện Quang Thọ số ruộng đất lại 26 mẫu, chỉ trả lại cho lăng miếu 13 mẫu, còn lại 13 mẫu thì vâng cấp làm lộc điền cho phủ Phù Nghĩa của Dũng Lễ công Trịnh Khải. Khải bèn lấy lộc trật gồm 10 mẫu ruộng cúng vào chùa Bà Tấm làm ruộng Tam bảo, giao cho 2 xã Dương-Nguyễn cày cấy và lo việc phụng thờ”. Qua đây ngờ phủ Phù Nghĩa không xa hành cung Cổ Bi, và gần chùa Bà Tấm, đều thuộc huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Vẫn theo Trịnh Nguyễn diễn chí thì sau khi Trịnh Tráng mưu hại em trai bất thành, cơ sự bị lộ, Khải uất, uống thuốc độc tự tử và bị Trịnh Tráng phơi thây không cho khâm liệm. Xem thêm phần Tổ sư xuất thế thực lục, Chuyết Chuyết ngữ lục-Ấn Phật tâm tông, Minh Hành biên soạn, chùa Phật Tích tàng bản, chùa Đồng Kỵ tàng thư. (7) “Tuy roi vàng giơ lên mà ngựa ý chẳng động”. Câu này nguyên văn chỉ nói “Kim tiên bất động”, nghĩa đen là “roi vàng chẳng lay”. Xét thấy câu nói có phần khó hiểu, nên chúng tôi đã dựa vào lời giải thích của Chuyết Công về hình ảnh “roi vàng” ở quyển 3, trang 106 để thêm vào cho nghĩa lý được rõ ràng hơn. Roi vàng là ẩn dụ cho những cám dỗ Trịnh Khải đưa ra, bất động là nói ý niệm của ngài (Chuyết Chuyết) không bị lay động trước những cám dỗ đó. Ý được ví như con ngựa (Tâm như vượn, ý như ngựa). Thông thường, ngựa nhìn thấy roi thì chạy xa nghìn dặm, còn ở đây, ngựa thấy roi nhưng không lay, không động. CCTSNL, trang 20, 21. (8) Theo Lê Quốc Việt, Ghi chú về Thiền sư Minh Lương Mãn Giác (?-1675), Tạp chí Suối nguồn số 8 ra tháng 2 năm 2013, trang 101: chùa Phật Tích tên chữ là Vạn Phúc đại thiền tự ở xã Phật Tích huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Theo tấm bia Vạn Phúc đại thiền tự bi, No 2146, khắc năm 1686, cho biết chùa Phật Tích được dựng vào đời: “hoàng đế thứ ba triều Lý, vào năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057), cất dựng tháp báu tới ngàn trượng, chuốt đẽo mình vàng cao sáu thước, rộng ban ruộng tốt hơn trăm khoảnh, mở rộng chùa chiền hơn trăm nóc”, chùa bị triết hạ vào thời Minh và tái dựng vào thời Hậu Lê, sau đó bị triệt hạ vào thời kỳ tiêu thổ kháng chiến và trở thành tàn tích nhiều năm. Gần đây được trùng tu lại trên cơ sở ảnh chụp của Viễn Đông Bác Cổ chụp và trùng tu quãng từ 1923 đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Sau năm 1633, chùa trở thành thủ phủ của thiền phái Lâm Tế Đàng Ngoài gắn với tên tuổi của Đông Đô Thủy Tổ Chuyết Chuyết cùng các danh tăng pháp húy đời chữ Minh, Chân, Như, Tính, Hải. Chùa không những nổi tiếng về bề dày lịch sử, đỉnh cao về mỹ thuật, mà còn là kho chứa kinh, nhà xuất bản và cái nôi đào tạo Tăng tài và quy tập xá-lợi của nhiều Thiền tổ thời Hậu Lê. Tiếc là gặp phải nhiều pháp nạn hạo kiếp, khiến di sản còn lại chỉ là muôn một. Sự trùng hưng gần đây chỉ có được cái vỏ thế tục, hơn là đi vào bản vị tính của nhà Thiền. (9) Chỉ Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tông) sinh năm 1023, làm vua từ 1054 đến 1072, là vị hoàng đế thứ 3 triều Lý. Ngài cùng với Thiền sư Thảo Đường sáng lập Thiền phái Thảo Đường kéo dài từ 1069-1205. (10) Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, tr. 22-23. Lê Quốc Việt, trong Ghi chú về Thiền sư Minh Lương Mãn Giác (?-1675), Tạp chí Suối Nguồn số 8 ra tháng 2 năm 2013 cho biết Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1577-1657), theo Bách khoa toàn thư mở thì Tráng “là chúa Trịnh thứ 3 thời Lê Trung Hưng và là chúa thứ 2 chính thức xưng vương khi còn tại vị, nắm thực quyền cai trị miền Bắc nước Đại Việt từ năm 1623 đến 1657. Về chính trị, ông là người củng cố địa vị cai trị của chế độ “vua Lê chúa Trịnh”; về quân sự, thời kỳ ông cầm quyền là bước chuyển căn bản giữa hai cuộc xung đột Nam-Bắc triều và Trịnh-Nguyễn”. Qua di sản bi ký chùa viện ghi chép đương thời thì “không chùa quán nào không được chúa xây cất”, là lời tốt đẹp để tán thán công đức của Trịnh Tùng và Trịnh Tráng trong việc gia trì và bảo hộ Phật giáo. Tráng là vị chúa xuống nhiều lệnh chỉ ban ngự điền và xây chùa, đồng thời cũng mở quốc khố là Hội chủ hưng công xây chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, Tĩnh Lự, Keo Thái Bình.... (11) Khán Sơn là ngôi chùa cổ nổi tiếng, tọa lạc ở khu vườn Bách Thảo, Hà Nội, ngày nay không còn nữa. (12) Lê Thần Tông (1619-1662) làm vua hai lần lần 1 từ 1619 đến 1643; lần 2 từ 1649 đến 1662; Lê Chân Tông là con trưởng của vua Lê Thần Tông, ông sinh năm 1630 làm vua từ 1643 đến 1649. Vua chết trẻ, chưa có con nối ngôi. (13) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb.Văn Học, 1994, tr.116. (14) Chân Nguyên (1647-1726) là cao đệ của Minh Lương, người có công trong việc trùng hưng thiền phái Lâm Tế lần thứ 2 ở Yên Tử. Xem thêm: Kiến tính thành Phật và chuyên khảo của Lê Mạnh Thát. (15) Vạn-Ninh: Tức chùa Vạn Phúc (chùa Phật Tích) và chùa Ninh Phúc (chùa Bút Tháp), tỉnh Bắc Ninh. (16) Phụng lệnh chỉ, bia tại chùa Bút Tháp năm 1646. Xem bản dịch trong luận văn Thạc sĩ của Tỷ-khiêu Thích Thanh Sơn, tr.88.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb.Văn Học, 1994.
2- Hà Văn Thư-Trần Hồng Đức, Tóm tắt niên biểu Lịch sử Việt Nam, Nxb.Văn Hóa Thông Tin, 2007.
3- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb.Tôn Giáo, 2010.
4- Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Phật Tích trong tiến trình lịch sử ngày 10 tháng 5 năm 2011 tại chùa Phật Tích.
5- Tạp chí Suối nguồn số 8 ra tháng 2 năm 2013, bài Ghi chú về thiền sư Minh Lương Mãn Giác (?-1675), của Lê Quốc Việt từ trang 83-126.
6- Nguyễn Đại Đồng, Những người con gái tiêu biểu của Đức Phật, Nxb.Tôn Giáo, tái bản năm 2013.
7- Thích Thanh Sơn, Tìm hiểu văn bia chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh, Luận văn Thạc sĩ Phật học, 2017.
8- Thiền sư Minh Hành và Thiền sư Tuệ Tiến, Chuyết Chuyết Tổ sư ngữ lục, Nguyễn Quang Khải-Thích Nguyên Đạt dịch, Nxb.Thanh Hóa, 2017.
9- Nguyệt san Giác Ngộ, số 266, 267 ra tháng 5 và tháng 6 năm 2018. 10- Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb.Tôn Giáo, 2018.